Djoser: Kim tự tháp lâu đời nhất ở Ai Cập

Kim tự tháp bậc thang Djoser là kim tự tháp lâu đời nhất ở Ai Cập. Nó được xây dựng cách đây khoảng 4.700 năm tại di chỉ khảo cổ Saqqara với sáu tầng trên mặt đất và một loạt đường hầm bên dưới.

Tên gọi “kim tự tháp bậc thang Djoser” bắt nguồn từ tên của Pharaoh Djoser (hoặc Pharaoh Netjerykhet), vị vua cai trị triều đại thứ ba ở Ai Cập. Các học giả cho rằng người lập kế hoạch xây dựng kim tự tháp này là tể tướng Imhotep, người sau đó đã được người dân tôn sùng như một vị thần nhờ các đóng góp to lớn của ông.

“Pharaoh Djoser đã ban cho Imhotep một vinh dự hiếm có, cho phép khắc tên và tước vị của ông ở phần đế của một trong những bức tượng nhà vua. Dòng chữ trên bức tượng ghi chức danh của ông là trưởng nhóm điêu khắc, một cụm từ phù hợp với người đã thiết kế kim tự tháp Ai Cập đầu tiên”, nhà Ai Cập học Marc Van De Mieroop viết trong cuốn sách A History of Ancient Egypt (Lịch sử Ai Cập cổ đại) xuất bản năm 2010.

Kim tự tháp Djoser có nguồn gốc ban đầu là một lăng mộ mastaba – một cấu trúc hình chóp cụt với phần đỉnh bằng phẳng và các mặt bên nằm nghiêng. Qua nhiều lần cải tạo và mở rộng, lăng mộ đã phát triển thành một kim tự tháp cao 60m, gồm sáu tầng xếp chồng lên nhau. Người Ai Cập cổ đại đã xây dựng kim tự tháp Djoser từ 330.400m3 đá và đất sét. Các đường hầm bên dưới kim tự tháp tạo thành một mê cung dài khoảng 5,5km.
Bao phủ bên ngoài kim tự tháp Djoser là những khối đá vôi khai thác tại mỏ Tura, nhưng hầu hết chúng không còn tồn tại cho đến ngày nay.
“Trong khoảng thời gian trước đó, các Pharaoh thường được chôn cất trong những lăng mộ mastaba nhỏ hơn, nơi mà những tên trộm có thể dễ dàng xâm nhập. Kim tự tháp bậc thang Djoser sẽ khiến một tên trộm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận phòng chôn cất bằng cách đào sâu từ trên xuống. Đây có thể là lý do tại sao người Ai Cập cổ đại xây dựng kim tự tháp bậc thang”, nhà Ai Cập học Reg Clark viết trong cuốn sách Securing Eternity: Ancient Egyptian Tomb Protection from Prehistory to the Pyramids (Bảo vệ sự vĩnh hằng: Bảo vệ lăng mộ Ai Cập cổ đại từ thời tiền sử đến các kim tự tháp) được xuất bản vào năm 2019.
Mặc dù kim tự tháp bậc thang cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn, nhưng cuối cùng những kẻ trộm mộ đã đột nhập vào nó và lấy đi hầu hết các đồ tùy táng – bao gồm cả xác ướp của Pharaoh Djoser.
Kim tự tháp Djoser nằm ở trung tâm của một khu phức hợp có diện tích 15ha. Xung quanh khu vực hợp là một bức tường đá vôi, những cánh cửa giả và lối vào thực sự ở phía Đông Nam. Phía Bắc của kim tự tháp bao gồm một ngôi đền cùng với bức tượng nhà vua. Phía Nam kim tự tháp có một cung điện lớn với những phiến đá được xác định là mốc ranh giới.
“Người Ai Cập cổ đại đã xây dựng một số tòa nhà mặt tiền trong khu phức hợp, bao gồm một loạt nhà nguyện ở phía Đông Nam của kim tự tháp nhằm phục vụ cho mục đích nghi lễ”, nhà Ai Cập học Mark Lehner viết trong cuốn sách The Complete Pyramids: Solving The Ancient Mysteries (Các kim tự tháp hoàn chỉnh: Giải đáp những bí ẩn cổ đại) được xuất bản vào năm 2008.
Bên dưới kim tự tháp bậc thang Djoser có những đường hầm và căn phòng kết nối với nhau. Ở phần trung tâm là một hầm sâu 28m dẫn đến phòng chôn cất của Pharaoh Djoser.
“Mặc dù xác ướp Pharaoh Djoser không còn nữa, nhưng các nhà nghiên cứu tham gia dự án bảo tồn phòng chôn cất đã phát hiện 32 mảnh vỡ quan tài làm bằng đá granit của nhà vua”, Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, cho biết. Từ các dấu vết còn sót lại, các nhà khảo cổ ước tính cỗ quan tài của nhà vua nặng khoảng 1,6 tấn.
Trong phòng chôn cất của Pharaoh Djoser, ban đầu những người thợ xây dựng dự định trang trí trần nhà bằng các khối đá vôi khắc ngôi sao năm cánh, nhằm mô phỏng một bầu trời đầy sao. Nhưng không rõ vì lý do gì, họ đã loại bỏ phần trang trí này, chỉ để lại trần nhà làm bằng đá granit trơn.
Bên dưới kim tự tháp có hai lối đi ngầm rẽ nhánh theo ba hướng khác nhau. Chúng dẫn đến một phòng trưng bày, khu vực đặt đồ cúng và một căn phòng rộng lớn khác chưa hoàn thiện có thể từng đóng vai trò như một cung điện ngầm bên dưới mặt đất. Tại cung điện ngầm, người ta phát hiện ba cánh cửa giả chứa những tấm bia đá có hình chạm khắc nhà vua tham gia vào các nghi lễ. Căn phòng được trang trí bằng gạch màu xanh lam, tương tự như trong cung điện ngoài đời thực của nhà vua ở Memphis.
Một đường hầm ở phía Đông kim tự tháp chứa 40.000 bình làm bằng đá, trong đó rất nhiều chiếc bình thuộc về tổ tiên của nhà vua. “Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những bộ hài cốt người và quan tài gần đó, bao gồm xương hông của một phụ nữ khoảng 18 tuổi khi cô qua đời. Một số hài cốt phụ nữ có niên đại từ nhiều thế hệ trước thời đại của Pharaoh Djoser, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể xác định họ là ai”, Lehner cho biết.
Việc xây dựng kim tự tháp bậc thang đánh dấu sự khởi đầu của một chương trình xây dựng kim tự tháp đầy tham vọng mà đỉnh cao là Kim tự tháp lớn ở Giza.
Pharaoh Djoser là vị vua được người dân tôn kính, và nhiều thế kỷ sau khi ông qua đời, những người thuộc bộ máy cai trị ở Ai Cập cổ đại vẫn muốn được chôn cất gần kim tự tháp bậc thang của ông. Vào năm 2022, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy lăng mộ của một vị quan như vậy – được đặt tên là Mehtjetju – nằm ngay bên cạnh kim tự tháp bậc thang. Mehtjetju sống cách đây khoảng 4.300 năm, nhiều thế kỷ sau triều đại của Djoser.
Một câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp là tể tướng Imhotep, người đã thiết kế và xây dựng kim tự tháp bậc thang Djoser, được chôn cất ở đâu? Nhiều nhà Ai Cập học nghi ngờ rằng lăng mộ của ông có thể nằm gần tác phẩm nổi tiếng nhất của mình.
Từ năm 2006 đến năm 2020, Ai Cập đã triển khai một dự án bảo tồn kim tự tháp bậc thang Djoser với sự giúp đỡ của các kỹ sư đến từ công ty kỹ thuật Cintec có trụ sở tại Anh. Họ đã sử dụng các túi khí khổng lồ để giữ vững phần mái của kim tự tháp, trong khi các công nhân sửa chữa những cấu trúc bên dưới có dấu hiệu bị hư hỏng.
“Nhóm nghiên cứu đã thu thập tất cả những khối đá lỏng lẻo, hoặc rơi xuống nền cát, xử lý chúng và đặt trở lại kim tự tháp sau khi lấp đầy các khoảng trống bằng vữa. Loại vữa này có cùng tỷ lệ giữa đá vôi và cát được người Ai Cập cổ đại sử dụng”, Hawass cho biết.
Thuyết Xuân

Tác giả