Đông Nam Á: Lún và những bài học khác

Không riêng gì Hà Nội, lún hiện hữu ngày một đậm nét ở các thành phố lớn khác ở Đông Nam Á.

Jakarta đã phải xây một bức tường đê bao cỡ lớn để bảo vệ thủ đô đang lún trước sự xâm thực của biển. Nguồn: Indiatimes.

Lún ở khắp nơi

Hà Nội hay những thành phố ở Đông Nam Á như Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Yangon (Myanmar) đều là những đô thị quy mô lớn, phát triển trên các đồng bằng châu thổ – nơi có nhiều hệ tầng đất đan xen được hình thành từ hàng chục triệu năm trước và có quá trình khai thác nước ngầm tương đối liên tục để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tưới tiêu nông nghiệp. Có lẽ, sự phồn thịnh của những vùng đất hứa – thuận lợi cho giao thông, phát triển kinh tế và cơ hội việc làm cho hàng triệu người… – đã thu hút những dòng người di cư lập nghiệp. Tất cả các thành phố này đều đang trên đường trở thành những siêu đô thị, đặc biệt như Bangkok và Jakarta đều có số dân ước tính trên 10.500.000 người, mật độ dân số cỡ hơn 10.000 người/km2.      

Theo cảm quan ban đầu của những người nghiên cứu về lún cũng như về địa chất thủy văn, các thành phố này đều ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm năng về lún. “Những khu vực có nguy cơ rủi ro lún cao đều gần các đồng bằng châu thổ và những lưu vực trầm tích phẳng vùng duyên hải”, nhà địa vật lý Roland Burgmann (ĐH California, Berkerley) nói trên Wired. Và trên thực tế, từ hàng chục năm nay, Thái Lan hay Jakarta đã được mệnh danh là thành phố “đang chìm”. “Là một trong những thành phố phát triển sớm ở Đông Nam Á nên Bangkok đã nếm trải quá trình lún từ khá lâu rồi”, Nguyễn Minh (Viện Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan – Academia Sinica) cho biết.

Quả thật, “lún đất từ việc khai thác nước đã ảnh hưởng đến Bangkok trong suốt 35 năm qua”, nhóm nghiên cứu của PGS. TS Phạm Huy Giao đã mở đầu như vậy trong bài báo xuất bản vào năm 2005 “Land subsidence in Bangkok, Thailand” (Lún đất ở Bangkok, Thái Lan) xuất bản trên Engineering Geology. So với các thành phố khác của Đông Nam Á, Bangkok phát triển tương đối sớm và quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh chóng. Vào đầu những năm 1900, việc khai thác nước ngầm ở thành phố này đã được bắt đầu, cho đến những năm 1950, quá trình này đã được mở rộng về quy mô cũng như độ sâu khi các mũi khoan chạm đến hệ tầng chứa nước (aquifer system). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bangkok gắn liền với tốc độ bơm hút nước ngầm bởi sau khi tốc độ khai thác được giảm xuống trong giữa những năm 1980 đến đầu những năm 1990 thì “một làn sóng tăng trưởng kinh tế mới đã làm gia tăng một cách nhanh chóng tốc độ khai thác nước. Kể từ năm đó, vùng trung tâm đã được mở rộng ra những khu vực ngoại ô, nơi hệ thống cung cấp nước còn chưa sẵn sàng”, nhóm nghiên cứu viết. Do đó, tốc độ khai thác nước của Bangkok không ngừng gia tăng theo thời gian: 0,65 triệu m3/ngày đêm vào năm 1975, lên tới 1,2 triệu m3/ngày đêm vào năm 1980 nhưng tăng gần gấp đôi vào năm 2000.

Câu chuyện về lún luôn ẩn chứa những bất ngờ, người ta thôi xem nhẹ lún cho đến lúc chứng kiến những tác động dài hạn của nó lên môi trường và đời sống đô thị.

Hệ quả là mực nước ngầm ở Bangkok đã hạ xuống vào mức 40 – 50 mét trong các tầng ngậm nước thì tới đầu những năm 2000 là 65 mét so với bề mặt đất (sâu hơn 15 mét so với năm 1981). Và tiếp theo là khi đó, mặt đất Bangkok đã lún sâu hơn một mét, sau 35 năm khai thác nước ngầm. “Những bài học kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Bangkok, Thái Lan, chứng minh việc khai thác nước ngầm có thể dẫn đến không sớm thì muộn khả năng lún của thành phố, nếu không được quy hoạch và quản lý tốt”, giáo sư Ariel Dinar (ĐH California, Riverside) đã viết như vậy trong “We lose ground: Global assessment of land subsidence impact extent” (Chúng ta mất đất: Đánh giá toàn cầu về tác động mở rộng của lún đất), xuất bản tại Science of the Total Environment.

Lún đất là điểm chung giữa Bangkok và các thành phố lớn ở Đông Nam Á, tuy nhiên tình trạng lún giữa chúng lại ở những mức độ khác nhau. “Giữa sáu thành phố này, Jakarta được biết đến nhiều nhất bởi vấn đề nghiêm trọng của nó trong vòng hai thập kỷ qua. Nó phải đối mặt với tốc độ lún lớn nhất là hơn 22 cm/năm, cao hơn 45% so với thành phố đứng thứ hai là Manila, khoảng 15 cm/năm. Yangon xếp thứ ba với tốc độ lún cao khoảng 11 cm/năm. Ba thành phố khác là Bangkok, TP.HCM và Hà Nội có tốc độ lún thấp hơn, dưới 7 cm/năm”, Nguyễn Minh và cộng sự viết như vậy trong “Assessment of long-term ground subsidence and groundwater depletion in Hanoi, Vietnam” (Nghiên cứu tổng thể về quá trình lún bề mặt đất và suy giảm nước ngầm dài hạn ở Hà Nội) trên Engineering Geology.

Đáng chú ý, dù cũng là lún do khai thác nước ngầm nhưng số phận của Jakarta lại bi thảm hơn bởi lún còn được tiếp tay bởi mối nguy từ biển vào – nước biển dâng. Nằm trên bờ biển Tây Bắc của đảo Java, ngay tại cửa sông Ciliwung đổ ra vịnh Jakarta, nối với biển Java, Jakarta phải đối diện với tình trạng nước biển dâng hằng năm là 3,6mm, theo bài viết của giáo sư Edvin Aldrian (Cơ quan Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Indonesia) trên The Conversation. Mực nước biển dâng vào năm 2018 cao hơn năm 1900 từ 13 đến 20cm. Một số mô hình ước tính rủi ro đã dự báo một tương lai bất ổn cho thành phố này: trong vòng ba thập kỷ tới, rất có thể 95% diện tích Bắc Jakarta có thể chìm dưới mặt nước biển do lún và nước biển dâng.

Bởi vậy, giữa các thành phố cùng chung tình trạng lún do khai thác nước ngầm, Hà Nội được đánh giá là ở vị thế “an toàn” nhất. “Sau khi nghiên cứu về Hà Nội, tôi đánh giá mức độ nghiêm trọng của Hà Nội không bằng Bangkok vì đất ở đây tốt hơn nhiều”, một nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm và có nhiều công bố về lún ở Bangkok, Yangon… cho biết như vậy. Tuy nhiên, ông cảnh báo “chúng ta vẫn phải chú ý theo dõi lún ở Hà Nội vì ở đây vẫn còn đang khai thác nước ngầm”.

Những hệ quả của lún

Lún sẽ dẫn đến điều gì? Có lẽ ai cũng tự hỏi như vậy, khi không khỏi tò mò về một hiện tượng mà tốc độ chậm chạp của nó dường như khó có thể liên quan đến những tác động quá lớn ở tương lai. Thế nhưng câu chuyện về lún luôn ẩn chứa những bất ngờ, người ta thôi xem nhẹ lún cho đến lúc chứng kiến những tác động dài hạn của nó lên môi trường và đời sống đô thị.

Vào tháng 8/2021, quân đội và đội tình nguyện phải hỗ trợ người dân Bangkok di chuyển trong trận lụt. Nguồn: Bangkokpost

Bởi lún đất có thể dẫn đến rất nhiều điều, trước hết nó gợi người ta nghĩ trước việc làm giảm khả năng trữ nước trong các tầng chứa nước. “Khi thực hiện nghiên cứu tổng thể về lún bề mặt đất và suy giảm nước ngầm dài hạn ở Hà Nội, tôi nhận thấy nước ngầm ở Hà Đông trong giai đoạn 1997-2018 sụt giảm mạnh nhất so với vùng đô thị Hà Nội, vào khoảng 25 mét nước”, Nguyễn Minh nhận xét. Anh đề xuất một lý giải, thứ nhất là do Hà Đông nằm xa các nguồn bổ cập chính như sông Hồng, ao hồ lớn như hồ Tây, trong khi đó các khu đô thị mới liên tục xuất hiện làm gia tăng nhu cầu nước sinh hoạt khiến cho các hoạt động khai thác nước ngầm cũng được mở rộng. Nhu cầu gia tăng đột biến từ hoạt động khai thác nước ngầm và nguồn bổ cập hạn chế khiến nước ngầm bị suy giảm nhanh chóng.

Nhưng hậu quả của lún không chỉ vậy, ở mức độ lớn, nó có thể dẫn đến các vấn đề khác như mở rộng các khu vực ngập lụt, thay đổi độ dốc địa hình, phá vỡ bề mặt đất… Shagun Garg, một kỹ sư dân dụng và nhà nghiên cứu ở ĐH Cambridge, trao đổi với Mongabay.com, nếu lún đất trải rộng trên một diện tích lớn thì nhiều khả năng, vùng đất đó sẽ bị ngập lụt. trong nhiều trường hợp, nếu bề mặt đất biến dạng không đều và tốc độ lún khác nhau thì nó có thể ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng xây dựng như đường xá, cầu cống, nhà cửa…, ví dụ như có thể làm yếu nền móng và góp phần kích hoạt các vết nứt trong các tòa nhà.

Ở các thành phố có tình trạng lún khá nghiêm trọng của Indonesia như Jakarta, Bandung và Semarang, người ta đã nhìn thấy các hậu quả đó. Trong trường hợp của Jakarta, lún làm trầm trọng hơn tình trạng ngập lụt bởi nó làm suy giảm các cao trình của đê kè và làm giảm chức năng của hệ thống thoát nước của thành phố trong khu vực bị lún và có thể dẫn đến tình trạng ngập lụt hơn nữa vào mùa mưa, nhà nghiên cứu Hasanuddin Z. Abidin (Viện Công nghệ Bandung) cho biết như vậy vào hơn 10 năm trước, trong công bố “Land subsidence of Jakarta (Indonesia) and its relation with urban development” trên Natural Hazards.

Bên cạnh việc làm biến dạng bề mặt đất và cơ sở hạ tầng, chi phí xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi sụt lún thường sẽ cao hơn so với khu vực không có hiện tượng lún. Thậm chí, có những nơi chưa lâm vào tình trạng báo động như Jakarta nhưng cũng đã phải nếm trải ảnh hưởng của lún, ví dụ như trường hợp ở sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) vào năm 2015. “Sân bay cần có nền đất ổn định bởi vì nguy cơ các chuyến bay bị gián đoạn nếu nền bị lún. Sân bay Kuala Lumpur là một ví dụ cho chúng ta thấy tác động của lún dẫn đến nứt vỡ đường băng và đọng nước do lún”, Shagun Garg nói. Vào thời điểm đó, sân bay Kuala Lumpur thừa nhận hiện trạng này là do sự biến dạng không đều của đường băng cất cánh, hạ cánh và khu vực đỗ của máy bay, nơi được xây trên các cọc móng, nơi được đặt trên nền tự nhiên.

Do đó, các nhà khoa học cho rằng chi phí xã hội và môi trường do tác động trực tiếp và gián tiếp của lún đất cũng khá đáng kể. Ví dụ năm 2021, các nhà khoa học Tây Ban Nhà và Mỹ cho rằng Indonesia với mật độ dân số ở những nơi có nhiều tiềm năng lún cao nhất sẽ là một trong số bảy quốc gia hàng đầu thế giới sẽ phải chịu nhiều chi phí xã hội do lún. Theo mô hình tính toán, giữa năm 2010 và 2040, dân số phải sống chung với lún gia tăng hơn 80% ở Philippines, Indonesia và một số quốc gia khác.

Những điều như vậy cũng xảy ra ở Hà Nội? Cho đến hiện nay, về tổng thể, chưa có nhiều vấn đề lớn về lún với hạ tầng cơ sở ở Hà Nội, “phần vì tốc độ lún nhỏ hơn so với các thành phố khác ở Đông Nam Á, chưa tạo ra tác động ở quy mô lớn, phần vì chúng ta có thể xử lý được nền đất cho tốt lên hoặc cho tải trọng xuống tầng đất chịu lực trước khi xây dựng. Hiện giờ, chúng ta đã có tri thức và công nghệ để có thể xử lý được các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng. Vấn đề là mình cần phải dự báo được đầy đủ vấn đề. Tất nhiên, càng nhiều vấn đề thì chi phí [cho các công trình] càng đắt”, TS. Nguyễn Văn Phóng (trường ĐH Mỏ Địa chất) giải thích.

Dẫu vậy, đây đó ở Hà Nội có thể thấy phần nào mức độ ảnh hưởng của lún. “Tuy kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không có tương quan rõ ràng giữa lún bề mặt đất và mật độ công trình xây dựng nhưng đã cho thấy có tương quan giữa loại công trình với lún bề mặt đất”, TS. Trần Quốc Cường, Viện phó Viện Địa chất (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) viết như vậy trong một tài liệu trao đổi với Tia Sáng. “Phần lớn lún đã xuất hiện ở một số công trình thấp hơn 7 tầng và tập trung nhiều vào nhà dân, có mức độ lún cao. Nguyên nhân liên quan trực tiếp đến kết cấu móng của các công trình đó”.

Việc đi tìm hiểu tình trạng lún và nguyên nhân dẫn đến lún cũng giải đáp được phần nào thắc mắc của chính Nguyễn Minh. “Tôi sống ở Hà Đông, thường tự hỏi là tại sao khu vực này hay ngập dù mưa không lớn? Có thể do nhiều nguyên nhân, do đô thị hóa diễn ra quá nhanh? do khu vực này địa hình thấp hơn và bị trũng so với xung quanh? Tôi không lý giải được điều đó cho đến khi bắt tay vào làm nghiên cứu về lún thì tôi mới hình dung được tình trạng ‘nước chảy chỗ trũng’ theo đúng nghĩa cho Hà Đông…”.

Giảm thiểu rủi ro trong tương lai

Dù xảy ra ở thành phố nào và bắt đầu từ bao giờ thì câu chuyện về lún trong quá khứ và hiện tại đã là một hành trình không thể đảo ngược. Vì vậy có lẽ, để có thể giải quyết vấn đề một cách thấu đáo hơn trong tương lai, các thành phố đang phải đối mặt với lún ở Đông Nam Á cần những phản hồi chính sách, yếu tố mà theo các nhà khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán khó với các chính quyền bởi theo nhận định của Dimas Fauzi, một nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Môi trường Stockholm (SEI), lún đất là một bài toán phức tạp và quá khó để điểm ra một vài nguyên nhân đóng vai trò trung tâm nhằm giải quyết được tận gốc rễ vấn đề, nhất là khi nó lại được biến đổi khí hậu tiếp tay. Ông mường tượng, việc xây dựng chính sách và thực thi chính sách phản hồi lún sẽ phải gồm rất nhiều bên tham gia, trong đó có quản lý nước ngầm, dịch vụ nước đô thị, khí tượng/khí hậu, địa chất thủy văn, môi trường sinh thái, cơ sở hạ tầng đô thị… Mặt khác, trong số rất nhiều các biện pháp can thiệp thì chỉ có số ít là đạt hiệu quả, ví dụ như chính sách quản lý sử dụng nước, giáo sư Ariel Dinar nhấn mạnh. Thậm chí, ở những quốc gia đang phát triển, nhiều chính sách có thể sẽ không đạt như kỳ vọng do hạn chế vận hành của cơ chế quản lý nước.

Có lẽ, giữa những giải pháp giảm thiểu rủi ro về lún mà các chính phủ Đông Nam Á có thể thực thi, cách làm hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất vẫn là đầu tư cho khoa học để từ đó, có thể hiểu sâu sắc hơn bản chất và cơ chế vận hành của đất, nước và không gian quanh nó.

Rút cục, câu chuyện về lún cho thấy khoa học cơ bản có thể có những đóng góp quan trọng để hướng tới giải quyết những vấn đề lớn của xã hội. Bởi xét cho cùng, trong tương lai, chi phí của việc không làm gì cả hoặc làm sai sẽ ở mức rất cao.□

Tác giả