Hiểu nhanh về vụ bê bối Cambridge Analytica

Điều này ảnh hưởng gì tới Facebook, tới Tổng thống Donald Trump và toàn nước Mỹ


Mark Zuckerberg phát biểu trước các bên thứ 3 phát triển ứng dụng vào hội nghị tháng 4/2017

Vụ bê bối Cambridge Analytica đột nhiên trở thành một vấn đề lớn đổ ập xuống Facebook. 

Vào thứ Ba, Ủy ban Thương mại Liên bang phải mở cuộc điều tra về việc công ty Cambridge Analytica, một công ty có chức năng bề ngoài là xác lập hồ sơ của các cử tri, đã tiếp cận dữ liệu của khoảng 50 triệu người dùng Facebook, theo lời của Nhật báo phố Wall. Nhưng không chỉ có vậy, Hội đồng Thương mại Thượng nghị viện cũng như đích thân nghị sĩ đảng dân chủ Ron Wyden đã yêu cầu Facebook phải đưa ra câu trả lời cho vấn đề này vào Thứ Hai vừa qua.

Giá cổ phiếu của người khổng lồ mạng xã hội này cũng đã sụt giảm 12% kể từ khi tờ New York Times và The Guardian tung ra những bài báo đầu tiên về vụ này vào cuối tuần qua.
Vụ bê bối này đã làm nổ ra các cuộc tranh luận trên khắp các báo với vô số khía cạnh của nó, khiến cho công chúng khó lòng mà nắm bắt được vấn đề ngay lập tức. Và trong vụ này, Facebook không trực tiếp cung cấp thông tin cho bên thứ ba, liệu vụ bê bối này có thực sự liên quan đến gã khổng lồ công nghệ này? Phóng viên tờ The Atlantic đã “ra tay” tóm gọn vấn đề này chỉ trong ba đoạn văn (bài viết viết tuy dài nhưng yên tâm đi, các bạn có thể bỏ qua mà chỉ tập trung vào ba đoạn này thôi)

Đoạn 1:
Vào tháng 6/2014, một nhà nghiên cứu tên là Aleksandr Kogan đã phát triển một ứng dụng trắc nghiệm về tính cách con người trên Facebook. Ý tưởng này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ một ứng dụng tương tự phát triển bởi Trung tâm trắc lượng tâm lý, một phòng thí nghiệm thuộc Đại học Cambridge nơi Kogan làm việc. Khoảng 270.000 người đã cài đặt ứng dụng của Kogan trên tài khoản Facebook của họ. Nhưng Kogan, nhờ điều này lại có quyền như một kỹ sư phát triển phần mềm của Facebook, có thể tiếp cận dữ liệu không chỉ của người dùng ứng dụng mà cả bạn của họ. Và khi ứng dụng của Kogan hỏi người dùng về những dữ liệu này, nó lưu lại thông tin trong một cơ sở dữ liệu cá nhân thay vì xóa chúng đi ngay lập tức. Kogan đã cung cấp cơ sở dữ liệu cá nhân này, chứa thông tin của 50 triệu người dùng facebook cho công ty xác lập hồ sơ cử tri là Cambridge Analytica. Công ty Cambridge Analytica sử dụng nó để tạo ra hồ sơ “đồ họa tâm lý” của các cử tri. 

Câu chuyện về cơ bản là như vậy. Tờ The Guardian gọi việc sử dụng dữ liệu sai lệch này là sự vi phạm, một định nghĩa mà Facebook muốn phủ nhận. “Không có bất kì một sự xâm nhập hệ thống nào, không có bất kì mật khẩu hay thông tin nào bị đánh cắp hay hack,” một nhân sự cấp cao của Facebook viết trên twitter. Facebook cũng nói rằng họ nhận thức được cơ sở dữ liệu cá nhân của Kogan vào năm 2015, khi đó họ đã xóa ứng dụng của người này và yêu cầu anh ta và bất kì đối tác nào của anh ta phải xóa dữ liệu này. 

Nhưng không khó để thấy rằng tại sao giới làm luật ở Anh và Mỹ vẫn chú ý tới vụ việc này: Nó gần giống với việc Facebook là một thư viện công cộng ở địa phương cho thuê một số lượng đĩa nhạc khổng lồ nhưng cảnh báo mọi người không được phép sao chép bất kì dữ liệu nào trong số đó vào máy tính cá nhân của mình. Nếu ai đó tự tiện sao chép tất cả số nhạc đó – và bị gặp rắc rối vì điều đó – chẳng phải thư viện công cho thuê đĩa này cũng phải chịu trách nhiệm hay sao? 

Và đây là phần thứ hai của vụ bê bối này, liên quan đến Cambridge Analytica và mối liên hệ của nó tới giới chính trị của tổng thống Donald Trump.

Đoạn 2 và đoạn 3:
Cambridge Analytica có một mối quan hệ mật thiết với những cố vấn và người ủng hộ có tiếng cho tổng thống Donald Trump. Trong đó phải kể đến Rebekah Mercer, người góp tiền cho Đảng Cộng Hòa và đồng sở hữu của công ty truyền thông Breitbart News, ngồi trong Hội đồng quản trị của Cambridge Analytica. Bố của bà, Robert Mercer, đầu tư 15 triệu USD vào Cambridge Analytica theo lời đề nghị của người cố vấn chính trị cho ông, Steve Bannon, theo tờ báo Times. Vào Thứ Hai, một đoạn video quay lén được tung ra cho thấy Alexander Nix, CEO của Cambridge Analytica đề nghị hối lộ và tống tiền những quan chức cấp cao trên toàn thế giới. Nếu Nix đã làm thế thật, thì ông ta đã vi phạm luật của Anh. Cambridge Analytica đã đình chỉ chức vụ của Nix vào Thứ Ba. 
Cambridge Analytica cũng sử dụng những công cụ “đồ họa tâm lý” của họ để làm ra những quảng cáo hướng đích dành cho các chiến dịch ủng hộ Brexit, chiến dịch bầu cử tổng thống của Ted Cruz và của Trump vào năm 2016. Nếu bất kì nhân viên nào của Cambridge Analytica tại Anh mà không có thẻ xanh tham gia vào hai chiến dịch bầu cử của Mỹ, họ cũng vi phạm luật pháp liên bang. 

Nhưng vẫn có rất nhiều điều chúng ta không biết về Cambridge Analytica. Liệu những công cụ “đồ họa tâm lý” của họ, được dùng trên những dữ liệu sai mục đích của Facebook có thực sự hiệu quả không? Liệu một loạt các chiến dịch hữu khuynh liên quan đến Cambridge Analytica có quan trọng đến thế bởi vì công nghệ của họ định hướng chính trị của Anh và Mỹ – hay là bởi họ dùng công nghệ đó để tạo ra những chiến dịch làm lợi cho Robert và Rebekah Mercer, hai trong số những người giàu nhất thế giới? Và nếu Cambridge Analytica thực sự là công ty xác lập hồ sơ cử tri, giám đốc điều hành của nó lấy gì để hối lộ hay tống tiền các quan chức chính phủ?

Cũng có nhiều nghi vấn liên quan đến vai trò của Facebook nữa. Kể từ vụ bầu cử năm 2016, sự giận dữ của công chúng đổ dồn vào sức mạnh News Feed của công ty này và vai trò của nó trong việc khuếch đại những thông tin tuyên truyền của Nga và những kẻ lừa đảo khác. Những nhà làm luật cũng chỉ trích những quảng cáo chính trị của Nga trên Facebook với những quy định dễ dãi. Những quảng cáo chính trị trên mạng thường không được quản lý chặt chẽ như trên TV hay radio. 

Nhưng vụ bê bối Cambridge Analytica mở ra vấn đề mới cho công ty này. Trước khi Facebook trở thành nền tảng phát tán tin tức, nó là một nền tảng cho các ứng dụng trên mạng, chẳng hạn như các ứng dụng trắc nghiệm tính cách và những trò chơi như Farmville. Facebook từng cho phép những nhà phát triển ứng dụng của bên thứ ba tiếp cận những thông tin cá nhân của người dùng kể từ tháng 5/2007, khi lần đầu tiên nó mở nền tảng của mình. Người dùng được hỏi ý kiến trước khi đưa dữ liệu của họ cho ứng dụng, nhưng thi thoảng, trong trường hợp về ứng dụng của Kogan, những nhà phát triển ứng dụng có thể tiếp cận với những dữ liệu bạn của người dùng mà không hề hỏi ý kiến bạn của họ. 

Trong suốt một thập kỉ sau đó, Facebook thi thoảng lại điều chỉnh số lượng dữ liệu mà các ứng dụng có thể tiếp cận. Nhưng thời gian qua, bao nhiêu nhà phát triển ứng dụng chấp hành quy định của Facebook? Biết bao nhiêu người theo con đường của Kogan, lưu dữ liệu và tạo ra cơ sở dữ liệu riêng của mình? Những thông tin đấy bây giờ ở đâu? Và nếu tất cả những dữ liệu cá nhân của người dùng có quyền năng như Cambridge Analytica từng nói, nó đã được dùng vào mục đích gì?  

Hảo Linh 
Dịch từ: https://www.theatlantic.com/technology/archive/2018/03/the-cambridge-analytica-scandal-in-three-paragraphs/556046/

 

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)