Ian Wilmut: Nhà phôi học giúp tạo ra Dolly nhân bản

Năm 1995, TS. Wilmut và đối tác nghiên cứu là Keith Campbell đã hoán đổi nhân trong hai phôi thai cừu với nhân trong hai phôi khác, tạo ra hai con cừu giống hệt nhau là Megan và Morag. Nhưng hầu hết các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng các tế bào của một con vật trưởng thành để nhân bản ra một vật khác là điều không có khả năng diễn ra.

Giáo sư Ian Wilmut chụp cùng cô cừu Dolly – con cừu được nhân bản đầu tiên trên thế giới. Nguồn:  Maurice McDonald

Theo họ, vấn đề là tế bào phôi sẽ chỉ chấp nhận một nhân từ phôi thai khác. Chính TS. Campbell là người đã nghĩ ra giải pháp: bằng cách lấy một tế bào biệt hóa ra và “bỏ đói” nó, về cơ bản ông có thể đưa tế bào này vào trạng thái ngủ đông, trạng thái này sẽ đánh lừa phôi thai tiếp nhận nó. Cô cừu Dolly là kết quả của phương pháp này – một kỳ công mà trước đây không ai nghĩ là có thể thực hiện.

Quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Sau khoảng 300 lần thử, họ chỉ thu được duy nhất một phôi thai có khả năng sống sót. Cừu Dolly ra đời vào ngày 5/7/1997, được đặt theo tên của ca sĩ Dolly Parton. TS. Wilmut quyết định giữ bí mật tin tức này cho tới khi ông và TS. Campbell chắc chắn rằng con cừu cái không chết yểu.

Lời tuyên bố về sự ra đời của cừu Dolly là một trong những sự kiện tin tức lớn nhất trong năm ấy, cùng với việc Anh quốc trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc và cái chết thảm khốc của Diana, Vương phi xứ Wales. Công chúng đón nhận tin tức trên với sự kinh ngạc pha lẫn lo lắng, các chính trị gia và nhà đạo đức y học đều kêu gọi cần ngay lập tức ban hành lệnh cấm nhân bản người.

TS. Wilmut nhất trí với kiến nghị này. Vào mùa xuân năm 1997, ông đã đi vòng quanh nước Mỹ để gặp gỡ các nhà khoa học, phát biểu trước những khán phòng chật kín khán giả tới nỗi không còn chỗ ngồi, và ra điều trần trước Quốc hội.

Thông điệp của ông rất nhất quán: Việc nhân bản người không bao giờ nên được cho phép. Ông gọi viễn cảnh xảy ra việc như vậy là “tàn nhẫn”, bởi vì nó có rủi ro gây ra những dị tật bẩm sinh, cùng với thực tế là một bản sao không bao giờ được chấp nhận là một con người hoàn chỉnh.

“Việc nhân bản con người đã thu hút trí tưởng tượng của mọi người, nhưng đó chỉ là một trò tiêu khiển và là thứ khiến cá nhân chúng tôi hối tiếc và ghê tởm,” tiến sĩ Wilmut viết trong cuốn sách The Second Creation: Dolly and the Age of Biological Control, mà ông xuất bản năm 2000 cùng với tiến sĩ Campbell và Colin Tudge.

Cuộc sống của cừu Dolly cũng gặp phải một số rủi ro. Tuy cô cừu cái này đã sinh ra được cừu con, nhưng Dolly lại mắc bệnh viêm khớp khởi phát sớm và thể hiện những đặc điểm khác thường vốn hay thấy ở những con vật lớn tuổi hơn. Sau khi Dolly bị nhiễm trùng phổi do virus vào năm 2003, các bác sĩ thú y đã tiêm thuốc an tử cho cô cừu đặc biệt này vào ngày 14/2.

Sau khi qua đời, Dolly được nhồi bông và đem trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Scotland vào cuối năm đó.

Tiến sĩ Wilmut nói trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times sau cái chết của Dolly: “Dolly là một gương mặt thân thiện của khoa học. Nó là một loài động vật rất thân thiện và là một phần của đột phá khoa học lớn.”

Về Ian Wilmut

Ian Wilmut sinh ngày 7/7/1944 tại Hampton Lucy, một ngôi làng gần Stratford-upon-Avon, Anh. Cha mẹ ông, Leonard (còn được gọi là Jack) và Eileen (Dalgleish) Wilmut, đều là giáo viên.

Ban đầu, ông vào Đại học Nottingham với ý định trở thành nông dân. Nhưng rồi ông đã từ bỏ sau khi nhận ra rằng mình “bất lực trên máy kéo”. Một kỳ thực tập mùa hè trong phòng thí nghiệm khoa học động vật tại Đại học Cambridge đã khiến ông đổi sang thử nghiên cứu học thuật.

Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học động vật năm 1967, ông tiếp tục học lên cao tại Đại học Cambridge. Sau bốn năm miệt mài học tập và nghiên cứu, ông nhận được bằng tiến sĩ về phôi học năm 1971 với luận án về đông lạnh tinh dịch lợn rừng. Ông tiếp tục nghiên cứu công trình này tại Trạm nghiên cứu nhân giống động vật, nằm ở ngoại ô Edinburgh. (Cơ sở này trở thành Viện Roslin vào năm 1993.)

Năm 1973, tiến sĩ Wilmut và một nhóm các nhà khoa học đã trở thành những người đầu tiên cho ra đời một con bê từ phôi đông lạnh, được đặt tên là Frostie, đây là một thành tựu đã cách mạng hóa ngành chăn nuôi.

Có người cho rằng ông và tiến sĩ Campbell đã chọn nghiên cứu trên cừu vì ở Scotland loài vật này đâu đâu cũng thấy và chúng rất rẻ. Mục tiêu ban đầu của họ là tạo ra sữa chứa protein dùng để điều trị bệnh cho con người, và tạo ra tế bào gốc có thể sử dụng trong y học tái sinh. Trong số các thử nghiệm của họ có Tracy – một con cừu có thể sản sinh ra hàm lượng protein người rất cao (hoặc hữu ích về mặt thương mại) trong sữa của mình.

Khi dự án tiến triển, rõ ràng là họ cần phải có một phương pháp mới, hiệu quả hơn để tạo ra những con cừu có khả năng như vậy. Và Ian Wilmut đi đầu trong việc phát triển nhân bản hoặc chuyển giao nhân, những kỹ thuật có thể được sử dụng để tạo ra cừu biến đổi gene. Chính những nỗ lực này đã dẫn đến sự ra đời của Megan và Morag vào năm 1995 và Dolly vào năm 1996, trước khi Polly ra đời vào năm 1997 – động vật có vú đầu tiên được nhân bản và biến đổi gene.

Sau khi những chuyện ồn ào xung quanh sự ra đời của Dolly lắng xuống, tiến sĩ Wilmut tiếp tục nghiên cứu về nhân bản. Dù ban đầu chính ông cũng phản đối việc nghiên cứu trên tế bào người, nhưng vào năm 2005 ông đã được Chính phủ Anh cấp phép để nhân bản phôi người nhằm tạo ra tế bào gốc, với sự thống nhất là phôi sẽ bị phá hủy trước khi có thể phát triển được.

Nhưng rồi ông ấy nhanh chóng từ bỏ việc nghiên cứu theo hướng này sau khi một nhóm các nhà khoa học ở Nhật Bản tìm ra cách phát triển tế bào gốc mà không cần sử dụng phôi – một quy trình hiệu quả hơn nhiều và dựa trực tiếp trên công trình nghiên cứu của chính Wilmut.

Đến những năm 1980, ông trở nên quan tâm đến các ứng dụng y tế hơn là thương mại trong nghiên cứu của mình. Cha ông bị mù trong suốt 30 năm cuối đời do mắc bệnh tiểu đường, một bi kịch gia đình đã thúc đẩy tiến sĩ Wilmut đi theo hướng y học.

Tiến sĩ Wilmut được phong tước hiệp sĩ vào năm 2008. Nhưng vinh dự này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt. Các nhà đạo đức y học cho rằng thành tích của ông đã vi phạm đạo đức, còn các đồng nghiệp cũ tin rằng những người khác, gồm cả tiến sĩ Campbell, xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn. Tiến sĩ Wilmut chuyển đến giảng dạy tại Đại học Edinburgh vào năm 2005 và nghỉ hưu vào năm 2012.

Vào năm 2018, tiến sĩ Wilmut tiết lộ mình mắc bệnh Parkinson. Ông đã qua đời vì các biến chứng của bệnh Parkinson vào ngày 10/9/2023.

Phương Anh – Anh Thư dịch

Nguồn: nytimes.com, dolly.roslin.ed.ac.uk

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 46)

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)