Làm giàu từ khả năng tích hợp công nghệ

Chiếm gần 30% thị phần cột bơm xăng dầu điện tử trong nước, tham gia xấp xỉ 300 dự án lớn trong các lĩnh vực tự động hoá và xử lý nước thải, là một trong những công ty Việt Nam tiên phong trong việc sản xuất nhiều loại thiết bị đo lường công nghiệp và các loại công nghệ xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt ..., tất cả những cố gắng trên đã mang lại cho Công ty kỹ thuật SEEN (SEEN Technologies Corporation) doanh thu hơn 100 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, tất cả dường như mới chỉ bắt đầu vì thị trường trước mắt đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ này vẫn còn "mênh mông"-theo lời của Tổng giám đốc Lê Đức Bảo.

Thay thế và… đẩy bật hàng ngoại
Cuộc chiến khốc liệt giữa SEEN và các tên tuổi lớn của Hàn Quốc trên thị trường cột bơm xăng dầu điện tử cách đây vài năm chắc chắn không bao giờ phai nhòa trong ký ức của cán bộ, công nhân viên công ty. “Để chiếm lĩnh thị trường, các công ty nước ngoài thậm chí hạ giá xuống xấp xỉ với sản phẩm của chúng tôi, vốn có giá thành chỉ bằng 1/3 của họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có cách để không chỉ chiếm giữ mà còn tiếp tục phát triển thị trường”, Ông Bảo nhớ lại. Kết cục, các công ty này đã rút khỏi thị trường bởi không thể tiếp tục cạnh tranh với SEEN. Hiện chỉ còn lại các cột bơm xăng dầu của Nhật trong hệ thống các trạm bán xăng dầu của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam. Hầu hết thị trường bên ngoài, các trạm xăng tư nhân đều dùng hàng của SEEN. Đó ít nhất cũng là một thành công lớn và niềm tự hào của toàn bộ công ty. Theo ông Bảo, bí quyết chính vẫn là chất lượng sản phẩm được kiểm chứng qua thời gian cộng với mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh và mạng lưới bảo hành 24/24 trên toàn quốc .
Một trong những mục tiêu chính mà SEEN đeo đuổi là tạo ra các công nghệ và sản phẩm thay thế hàng ngoại nhập. Để làm được điều này, lực lượng lao động được coi là “kho báu” đối với công ty. 140 kỹ sư, phần lớn tốt nghiệp từ Đại học Bách khoa, chính là những người phát triển khả năng sáng tạo của SEEN. “Nhiệm vụ của chúng tôi là nghiên cứu, tiến tới làm chủ công nghệ và chuyển giao những công nghệ này cho các nhà máy”, ông Bảo nói. Hướng đi của SEEN thực ra cũng khá đơn giản. Đối với những công nghệ khó, công ty sẵn sàng đầu tư lớn để mua các bí quyết công nghệ ở đoạn công nghệ  khó nhất mà Việt Nam chưa thể hoặc không thể nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu và chuyên viên kỹ thuật của công ty làm nhiệm vụ tích hợp công nghệ. Từ đó tạo ra các giá trị gia tăng hoặc sản phẩm mới từ công nghệ hoặc đoạn công nghệ cũ.
Xử lý nước thải là một thành công của SEEN trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ. Đầu năm 2006, SEEN đã cùng Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) tổ chức lễ khánh thành Trạm xử lý nước rác Nam Sơn. Trạm có tổng mức đầu tư khoảng hơn 20 tỉ đồng (1,3 triệu USD), do SEEN là nhà thầu EPC. Ông Bảo cho biết: “Giá thành của trạm xử lý nước thải này chỉ bằng 1/10 so với giá trị dự án xử lý nước thải sinh hoạt công suất 3.500m3/ngày ở Trúc Bạch (Hà Nội) mà một công ty của Nhật xây dưng bằng vốn ODA .Trong khi công suất trạm xử lý nước thải của chúng tôi nếu quy chiếu theo chỉ số ô nhiễm BOD, COD của nước thải sinh hoạt thì công suất tương đương 75.000m3 / ngày ,còn lớn hơn nhiều lần”. Các cán bộ, công nhân kỹ thuật của SEEN hiện đang bận rộn với các dự án xử lý nước thải khác ở Khu Công nghiệp Biên Hoà II., Khu Công nghiệp Long thành – Đồng Nai, Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp–Bình Dương, Khu Công nghệ cao-TP. HCM và hàng chục các nhà máy công nghiệp khác.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào của công ty cũng ngay lập tức thành công. Sản phẩm công tơ điện tử vừa hoàn thiện thì xảy ra vụ xì căng đan “điện kế điện tử chất lượng kém” tại TP HCM. Khách hàng dường như mất lòng tin đối với các loại công tơ điện tử sản xuất tại Việt Nam. Khoản đầu tư khoảng 1 triệu đô la như vậy bị “đóng băng”. Mặc dù vậy, lãnh đạo của công ty vẫn khá lạc quan: “Với chất lượng và uy tín đã có được, chúng tôi tin tưởng sẽ vượt qua các khó khăn trong năm 2006 này”, ông Bảo nói.

Con đường không bằng phẳng
Tốc độ tăng trưởng của SEEN trong những năm gần đây khá ấn tượng. Doanh số năm 2004 của công ty đạt khoảng 100 tỉ đồng thì doanh số ước tính 2005 đã tăng lên gần gấp đôi: khoảng 180 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình vài năm vừa qua của SEEN, theo ông Bảo là khoảng 30%/năm. Thành công có được ấy đã phải dựa trên rất nhiều gian truân, khó khăn từ những ngày đầu khởi sự.
 

Ông Bảo kể: trước, khi còn làm trong viện nghiên cứu của nhà nước, mình cũng có 1 bằng sáng chế (thiết bị đo từ xa đối với các bể dầu). Nhưng khổ nỗi lúc đó nghiên cứu cũng chỉ là để “khẳng định mình”, chứ không đi tới được sản phẩm cuối cùng. Tới năm 1994 thì mình theo bạn bè ra làm ngoài. Lúc đầu cũng tưởng “ngon ăn”, ai ngờ khó khăn chồng chất. Vài trăm triệu tiền của gia đình giành dụm được, lúc đó cũng khá lớn nhưng đổ vào nghiên cứu “vèo cái là hết”. Khó khăn lớn tới mức ảnh hưởng cả tới sức khỏe, có tuần 7 ngày thì ốm tới 4 ngày. Những sản phẩm đầu tiên làm ra mình phải tự đem đi chào bán. Đến năm 1997, Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Công trình SEEN chính thức ra đời. SEEN là từ viết tắt tiếng Anh của “Science for Electronicand and ENvironment”. Ngoài ra, theo ẩn ý của một thành viên sáng lập lớn tuổi, SEEN – phân từ quá khứ 2 của động từ See (nhìn – tiếng Anh) còn mang hàm nghĩa “biết nhìn trước, nhìn sau”. Thành công của sản phẩm đầu tiên là cột bơm xăng điện tử đã dẫn tới việc SEEN tiếp tục đi vào sản xuất các sản phẩm tự động hóa như thiết bị đo và điều khiển công nghiệp, bộ điều khiển hệ số công suất, thiết bị xử lý nước thải công nghiệp ,Trạm quan trắc môi trường tự động và công tơ điện tử ba pha…

Sự phát triển của thị trường đã buộc SEEN phải có một tổ chức hợp lý hơn. Năm 1999 đánh dấu sự ra đời của Công ty Cổ phần Kỹ thuật SEEN trong đó cổ đông lớn nhất vẫn là Liên hiệp kỹ thuật công trình SEEN. Cái tên SEEN được giữ lại cho công ty mới thành lập vì giờ nó đã trở thành một “thương hiệu” nhiều người biết đến. Chỉ có sự phân vai là khác đi: Liên hiệp kỹ thuật công trình vẫn tiếp tục giữ vai trò nghiên cứu và phát triển công nghệ, còn công ty đảm nhiệm việc sản xuất và khâu thị trường. Ông Bảo giải thích: “Vai trò của quản lý ngày càng thay đổi, sau khi có sản phẩm, thị trường thì điều quan trọng nhất là phải vận hành toàn bộ hệ thống ra sao cho hiệu quả. Chính vì vậy chúng tôi đã áp dụng mô hình mới như trên”.
Thành công của SEEN dựa vào nhiều yếu tố, trong đó, chủ lực nhất vẫn là một công ty đi lên từ sản xuất sẽ có một cơ sở bền vững nhiều hơn so với các công ty thương mại. Trong nội bộ, công ty đã xây dựng được một “văn hóa” riêng cho mình dựa trên chính sách đãi ngộ sòng phẳng, tạo điều kiện phát triển đối với những người tài và động viên, khích lệ đúng lúc, đúng chỗ với các cán bộ, công nhân viên trong công ty.  Ông Bảo cho biết: “Không trả lương cao thì khó mà có thể giữ được người giỏi. Vì vậy, riêng quĩ lương thưởng của công ty hàng năm đã lên tới gần 1 triệu đô la.
Trong điều kiện mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ vẫn còn nằm trên giấy tờ thì thực tế trên cả nước đã có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai công nghệ. Tuy phải mày mò, vận lộn với thị trường nhưng do tiên phong trên những mảnh đất ít người khai thác nên khả năng thành công của những công ty này khá lớn. SEEN thực ra cũng chỉ là một trong số đó. Vấn đề chính của những người tiên phong là “phải biết dũng cảm để rút chân ra khỏi cơ chế nhà nước vốn khá trơ ì, ít năng động để ra ngoài tìm hướng đi mới cho chính mình”, TGĐ Bảo kết luận.

Thanh Hà

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)