Ngôn ngữ khoa học?

Liệu có nhất thiết ngôn ngữ khoa học phải là tiếng Anh? Liệu có thể "kể một câu chuyện khoa học"bằng tiếng mẹ đẻ? Nhà Sinh vật vật lý (biophysicist) nổi tiếng người Đức Stefan Klein đã dấy lên cuộc tranh luận khi đặt vấn đề như vậy.

Mới đây, một hội thảo có tên gọi hấp dẫn – “Nghiên cứu tư duy” diễn ra ở Berlin với sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện các tổ chức và Hội đồng Đạo đức quốc gia của Đức – thậm chí cả Phòng Cảnh sát tội phạm Liên bang cũng cử đại diện. Diễn giả gồm sáu người Đức, ba người Mỹ và một người Anh – đều là các nhà khoa học danh tiếng. Và tất đều trình bày tham luận bằng tiếng Anh, như từ xưa đến nay vẫn như vậy. Trong khi đó, bốn diễn giả được mời đều có thể dễ dàng hiểu được nội dung thuyết trình bằng tiếng Đức nhờ phiên dịch.
Hiện nay không chỉ ở Đức hầu hết các nước trên thế giới, các nhà khoa học chỉ coi trọng chất lượng của những hội thảo mà ở đó tiếng Anh được dùng như ngôn ngữ chính. Điều này trái ngược với “phong trào” từ bỏ tiếng Latin – vốn là ngôn ngữ của các nhà khoa học cách đây 500 năm. Những tác phẩm của Galileo Galilei viết bằng tiếng Ý cũng đã tạo ra những thuật ngữ mới bằng tiếng mẹ đẻ, nhờ đó ai cũng có thể tiếp cận tri thức.
Vậy ngày nay, các nhà khoa học làm sao có thể hy vọng giành được sự đồng cảm từ công chúng – những người không còn cùng chung tiếng nói với họ nữa? Xã hội có nguy cơ chia làm hai nửa: Một bên là những người sử dụng thứ ngôn ngữ tinh hoa, bên kia là tất cả những người không theo kịp những phát triển mới nhất. Vậy câu hỏi liệu tiếng mẹ đẻ có còn là ngôn ngữ khoa học không đơn thuần là câu hỏi về lòng tự hào dân tộc.
Bất kỳ ai, dù là người thạo tiếng đi nữa, đều rất vất vả khi phải làm nghiên cứu khoa học bằng tiếng nước ngoài. “Chúng ta đều ngọng tiếng Anh (We are dumber in English)” – đó là kết luận của các nhà nghiên cứu ở Thuỵ Điển và Hà Lan, nơi trẻ em được học tiếng Anh từ ngày đầu đến trường. Các bài giảng bằng tiếng Anh có mặt trong tất cả các môn học, thế nhưng, kết quả bài kiểm tra ở những phần này trung bình đều thấp hơn khoảng 10% so với phần được dạy bằng tiếng mẹ đẻ. Tại các hội thảo bằng tiếng Anh, sinh viên ít đặt câu hỏi hơn và trả lời cũng ít hơn – họ tạo ra ấn tượng về sự bất lực. Nhưng cả giảng viên lẫn sinh viên đều không nhận thức được về thực trạng này bởi vì họ đều đánh giá sai về mức độ thành thạo tiếng Anh của mình.
Hiện nay, tiếng Anh được dùng trong 250 trên tổng số 1.976 lĩnh vực đào tạo cao học ở Đức (các chương trình “đào tạo thạc sĩ”). Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển thì hiển nhiên là tiếng Đức sẽ bị khai tử với tư cách là một ngôn ngữ khoa học. Ở trường đại học danh tiếng nhất của Thuỵ Điển – ĐH Uppsala – người ta đã tính đến chuyện phải tăng thêm số chương trình đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Thuỵ Điển hoặc chuyển toàn bộ nội dung đào tạo cơ bản sang tiếng mẹ đẻ.
Sinh viên và những người hướng dẫn không chỉ đối mặt với các vấn đề về lĩnh hội kiến thức. Ngôn ngữ còn là sự kết nối về mặt cảm xúc với môn học. Lĩnh vực nghiên cứu càng trừu tượng thì mối quan hệ này càng quan trọng.
Ở những lĩnh vực trừu tượng cao siêu như vật lý lượng tử, những khái niệm rành mạch do người Đức tạo ra vĩnh viễn bị mất đi khi chúng chỉ được biết đến thông qua những cụm từ tiếng Anh dịch gần sát nghĩa.
Vậy chúng ta phải làm gì? Tiếng mẹ đẻ cần phải được duy trì như một ngôn ngữ của các hội thảo và các bài giảng mặc dù được công bố bằng tiếng Anh.
Hai biện pháp chính có thể thực hiện ngay. Trước hết các bài thi tốt nghiệp ở tất cả các khoa cần phải kèm theo một tóm tắt nhiều trang bằng thứ tiếng mẹ đẻ dễ hiểu. Tóm tắt này phải được tính vào điểm thi. Bên cạnh đó, các đơn xin tài trợ nghiên cứu phải bao gồm một bản toát yếu mà bất kỳ người “ngoại đạo” nào cũng hiểu được.
Thứ hai là, trong tương lai cần có một giải thưởng “hào phóng” cho những những bài báo khoa học, bài nói chuyện, giáo trình và sách chuyên ngành hay nhất – cả về khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn – được viết bằng tiếng mẹ đẻ của các nhà khoa học. Lập một ban giám khảo để chọn những bài viết khoa học bằng tiếng mẹ đẻ xuất sắc nhất và tập hợp nó trong một cuốn sách hằng năm – Mỹ đã làm điều này từ lâu.
Cuối cùng, vấn đề là việc nuôi dưỡng một ngôn ngữ khoa học phụ thuộc vào việc chúng ta quan niệm như thế nào về lợi ích của khoa học. Người ta thường quên rằng, ý nghĩa của nghiên cứu lớn hơn nhiều so với việc đưa ra các giả thuyết, thu thập số liệu hoặc phản chứng các giả thuyết. Khoa học là câu chuyện được xây dựng bởi những người khao khát hiểu biết nhiều hơn và khao khát hoàn thiện thế giới. Đó là lý do tại sao những công trình nghiên cứu của Darwin, Galileo và Einstein vẫn còn hấp dẫn chúng ta đến tận hôm nay.
THÁI THANH lược dịch từ Signansight.com

Hiện nay, tiếng Anh được dùng trong 250 trên tổng số 1.976 lĩnh vực đào tạo cao học ở Đức (các chương trình “đào tạo thạc sĩ”). Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển thì hiển nhiên là tiếng Đức sẽ bị khai tử với tư cách là một ngôn ngữ khoa học.
Bản thảo của Galilei bằng tiếng Ý

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)