Người làm khoa học không mệt mỏi

Không giống như hình dung ban đầu của tôi, GS.TSKH.NGƯT Nguyễn Văn Khang vẫn còn phong độ và đặc “chất” khoa học ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Khi tôi ngỏ ý muốn hỏi một vài thành tích nổi bật của ông để viết bài, ông từ chối rồi bảo tôi ngồi nghe ông trải lòng về thế hệ kế cận và làm sao đưa khoa học lại gần với cuộc sống.

Làm khoa học không kể tuổi tác

Những ngày nghỉ hè, khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vắng như “chùa Bà Đanh”. Đi hết các bộ môn, phòng thí nghiệm cũng chỉ thấy cửa chốt then cài, lác đác vài phòng thí nghiệm có người làm việc. Rồi tôi cũng tìm được GS. Nguyễn Văn Khang, Bộ môn Cơ học ứng dụng – một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Cơ học ứng dụng. Đồng nghiệp thường gọi ông là “người làm khoa học không mệt mỏi”.

Loay hoay bên chồng sách vở, GS. Nguyễn Văn Khang thổ lộ, “cái nghiệp khoa học nó vận vào mình rồi. Không bỏ được”. Rồi ông chỉ cho xem một loạt các công trình nghiên cứu lớn, nhỏ mà ông cùng đồng nghiệp đang dở dang. Quả không ngoa khi những đồng nghiệp trẻ của ông bật mí, tuy tuổi đã cao nhưng thầy Khang vẫn cứ thường xuyên đi trao đổi khoa học ở nước ngoài, đều đều có công trình công bố quốc tế. Đối với ông, làm khoa học không kể tuổi tác. Ở tuổi 70, ông vẫn đang là chủ nhiệm đề tài NAFOSTED về Động lực học và điều khiển hệ nhiều vật, đồng chủ nhiệm đề tài của Tổ chức nghiên cứu Đức về Dao động của cầu dây văng, đồng thời ông cũng đang xây dựng đề tài Dao động của máy công cụ cùng các đồng nghiệp ở Hàn Quốc và Canada. Hằng năm, GS. Nguyễn Văn Khang vẫn cặm cụi giảng đường dạy học và hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Cái duyên đến với khoa học của ông cũng thật tình cờ. Năm 1965, tốt nghiệp Khoa Toán Cơ, Trường ĐH Tổng hợp, ông được phân công về Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Dưới sự dìu dắt của cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo, một chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong ngành Cơ học, ông đã được đào tạo chuyên sâu về Dao động và được cử đi nghiên cứu sinh ở CHDC Đức. Đến năm 1973, ông trở lại công tác ở Bộ môn Cơ học lý thuyết Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

“May mắn lớn nhất trong đời làm khoa học của tôi là được học những người thầy lớn như GS.VS Nguyễn Văn Đạo, GS. W. Schiehlen – Chủ tịch Hội Cơ học lý thuyết và ứng dụng quốc tế”, GS. Nguyễn Văn Khang chia sẻ.

Là Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học lý thuyết (nay là Bộ môn Cơ học ứng dụng), ông và các đồng nghiệp đã xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh về Động lực học và Dao động. Nhóm của ông đã nghiên cứu ứng dụng tin học và phát triển các phương pháp tính toán trong lĩnh vực Động lực học ứng dụng. Ông cho biết, Cơ học là cầu nối giữa Vật lý, Toán học và Kỹ thuật. Mặt khác có thể xem Cơ học, nhất là Cơ học ứng dụng, là một lĩnh vực khoa học liên ngành của Vật Lý – Toán học – Tin học –Điện tử và Kỹ thuật. GS. Nguyễn Văn Khang cũng là người tích cực áp dụng những nghiên cứu cơ bản của cơ học vào việc giải quyết các bài toán dao động trong cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải…

Trăn trở với thế hệ trẻ

GS.TSKH.NGƯT. Nguyễn Văn Khang được bầu làm Chủ tịch Hội chuyên ngành Động lực học và Điều khiển Việt Nam, Chủ tịch Phân ban Việt Nam của Hiệp hội Lý thuyết Máy và Cơ cấu quốc tế. Ông được mời tham gia vào Ban khoa học của nhiều Hội nghị quốc tế về Cơ học.

Từ khi còn trẻ, ông luôn quan tâm đến chất lượng của việc đào tạo đại học. Từ năm 1982 đến nay, hàng năm ông đều đi trao đổi khoa học và giảng dạy ở CHLB Đức, CH Áo, Nhật, Đài Loan,… Mỗi lần đi trao đổi khoa học ở nước ngoài về, ông lại trình bày các kiến thức mới cho các đồng nghiệp trẻ trong nước. Đến nay, tuy tuổi đã bước qua ngưỡng thất tuần nhưng ông vẫn thường xuyên có những chuyến đi xa, như ông nói là để học thêm kiến thức.

Có lẽ, tâm nguyện và cũng là mối quan tâm lớn nhất đối với ông từ trẻ đến bây giờ là truyền thụ những kinh nghiệm mình cho thế hệ trẻ kế cận. Trầm ngâm một lúc, ông chia sẻ, trong thời kinh tế thị trường, nhiều bạn trẻ đã không chọn khoa học làm cái nghiệp khiến ông luôn canh cánh trong lòng.

Không thích nói về những thành tích khoa học của mình, nhưng điều khiến nhà khoa học này trăn trở chính là đào tạo những thế hệ trẻ kế cận. Khi được hỏi, giáo sư có thành tích, khen thưởng đặc biệt không? Ông nói, “Tôi là người không có duyên với các khen thưởng. Mỗi kết quả khoa học được hoàn tất, mỗi lứa học trò trưởng thành là những khen thưởng vô giá đối với tôi”.

Trong cuộc đời làm khoa học của mình, GS. Nguyễn Văn Khang có may mắn quen biết nhiều nhà cơ học nổi tiếng trên thế giới. Chính vì vậy, bằng mối quan hệ và uy tín của mình, cứ hai năm một lần, GS. Nguyễn Văn Khang “vận động” các nhà khoa học uy tín trên thế giới đến Việt Nam tổ chức những hội nghị khoa học quốc tế về chuyên ngành Động lực học và Cơ điện tử. “Những hội nghị như thế này sẽ giúp không chỉ các nhà khoa học mà cả những nghiên cứu trẻ có điều kiện cọ xát, học hỏi. Đã có không ít những nghiên cứu sinh trẻ được gửi ra nước ngoài đào tạo thông qua những hội nghị này”, GS. Nguyễn Văn Khang cho biết.

Ông cũng mời nhiều nhà khoa học nổi tiếng sang Việt Nam giảng bài. Bằng mối quan hệ, ông đã gửi nhiều học trò của mình sang học tập nghiên cứu tại những nước có nền cơ học phát triển như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Singapore,… Đã có hàng chục nghiên cứu sinh, hàng trăm thạc sĩ trưởng thành dưới sự dìu dắt của ông. Khi được hỏi, bí quyết nào đã giúp ông có được những thành quả ngày hôm nay, ông bảo đó là do luôn làm việc nghiêm túc và hết mình.

“Đại học phải coi trọng nghiên cứu khoa học”

Làm thế nào gắn kết chặt chẽ giữa môi trường học thuật và phát triển công nghệ ứng dụng là những trăn trở bấy lâu của nhà khoa học gạo cội này. Đây là vấn đề còn bất cập trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

“Đã là một trường đại học phải coi trọng nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu cơ bản, phải lấy nghiên cứu làm tiêu chí để nâng cao chất lượng đào tạo”, GS. Nguyễn Văn Khang chia sẻ. Ông cho rằng, phần lớn các trường đại học ở ta dành quá nhiều thời gian cho việc giảng dạy mà quên đi rằng nghiên cứu khoa học phải là kim chỉ nam, là bệ đỡ bền vững cho sự phát triển của nhà trường. Không thể có cán bộ giảng dạy đại học mà lại không nghiên cứu khoa học. Ông cũng than phiền ở nước ta còn nhiều người nhầm lẫn giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu khoa học cơ bản.

Thu nhập và cơ chế chính là những nguyên nhân cơ bản trong giáo dục đại học để dẫn tới việc suy giảm chất lượng và số lượng các công trình khoa học tại các trường đại học. Đây là một thực trạng đáng báo động.“Dẫu biết rằng, thu nhập đối với người làm khoa học còn bất cập, nhiều giảng viên bỏ bê nghiên cứu để tập trung đi dạy. Đó thực sự là một nguy cơ”, ông nói. Trong khi chúng ta còn thiếu những đề tài mang tính ứng dụng thì lại có những đề tài có tính ứng dụng cao đang phải nằm… chờ. Theo GS. Nguyễn Văn Khang, trường đại học không thể là một tháp ngà mà cần phải tăng cường chuyển giao những kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Ở nước ngoài, sự gắn kết giữa trường đại học và những hãng sản xuất rất chặt chẽ. Hầu hết những kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học trong trường đại học được các công ty… “đỡ đầu”, nhanh chóng được chuyển giao thương mại hóa. Hơn nữa, nhiều công ty còn chủ động “đặt hàng” các nhà khoa học trong các trường đại học. Chúng ta cần có những sự đầu tư cần thiết đối với việc nghiên cứu khoa học hiện nay.

Xét cho cùng, ông bảo, muốn có một nền khoa học mạnh, muốn những kết quả nghiên cứu được chuyển giao vào cuộc sống thì con người là nhân tố cốt lõi. Cần thiết phải thay đổi cơ chế hoạt động nghiên cứu khoa học được coi là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học. Đồng thời, lực lượng đào tạo phải được coi là nguồn lực có giá trị cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Phải có cơ chế để sử dụng sinh viên các năm cuối, sinh viên giỏi tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học. Việc đào tạo đội ngũ không chỉ thu hút người có năng lực vào học những ngành khoa học mà đất nước cần, mà cần có chính sách để bồi dưỡng họ trở thành những nhà khoa học đầu ngành trong tương lai.

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)