Nhớ GS. Hoàng Tụy, người góp phần “khai sơn, phá thạch” nền Toán học Việt Nam

Khối di sản với hơn 9.000 hiện vật được gia đình giáo sư Hoàng Tụy trao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, theo di nguyện của ông, đã trở thành lăng kính trung thực phản ánh con người cá nhân và tinh thần của một trong những người “khai sơn, phá thạch” ra nền Toán học Việt Nam.

Có lẽ, ít ai ở Việt Nam lại không biết đến giáo sư Hoàng Tụy. Dẫu chỉ có người trong giới toán học mới rõ việc ông đã giải bài toán quy hoạch lõm vào năm 1964 mà lời giải của nó là một phương pháp mới, sau được các đồng nghiệp quốc tế gọi là Tuy’s cut (Lát cắt Tụy) và mở ra một chuyên ngành toán học mới – Lý thuyết tối ưu toàn cục – nhưng phổ thông hơn, người ta biết ông là một người tâm huyết với giáo dục và khoa học của đất nước. Bốn năm sau ngày giáo sư Hoàng Tụy qua đời, những ký ức về ông, từ những người bạn, đồng nghiệp, học trò…, đã trở thành những mảnh ghép để khi nhìn vào, người ta có thể thấy chân dung về một trí thức luôn cất lên tiếng nói vì sự liêm chính trong đào tạo, học thuật và những cải cách cho đất nước ngày một tốt đẹp hơn.

Dường như ở góc độ nào cũng vậy, bức chân dung ông vẫn luôn hiện ra sống động và gần gũi bởi sự ngưỡng mộ, tình cảm gắn bó và sự xúc động khôn nguôi của những người chia sẻ ký ức. “Hoàng Tụy là người tốt bụng, ông ấy có nụ cười của một đứa trẻ. Ông ấy không bao giờ biết lừa gạt hay dối trá hay nói xấu với bất kỳ ai. Ông ấy rất khác thường. Trong nhiều năm, tôi đã có đặc quyền là bạn của con người đặc biệt ấy và được đón nhận được tình cảm nồng ấm của ông ấy. Là những người bạn thân thiết, chúng tôi đã chia sẻ ý tưởng về những gì cần làm ở Việt Nam, đó là sự thay đổi để loại bỏ sự bảo thủ, chấm dứt tham nhũng và đưa đất nước trở nên hiện đại hơn”, giáo sư Pierre Darriulat, người hầu như ngày nào cũng tới thăm giáo sư Hoàng Tụy trong quãng thời gian ông nằm viện trước khi mất, nói.

Tư liệu họa chân dung

Tại lễ tiếp nhận di sản của giáo sư Hoàng Tụy, phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, cố vấn chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học, chia sẻ về những điều mình suy nghĩ khi may mắn nhận được gần như toàn bộ những tư liệu quan trọng gắn bó với giáo sư Hoàng Tụy lúc sinh thời. “Hơn 9.000 đầu tài liệu hiện vật với nhiều loại hình như sách, báo, thư từ, công văn, quyết định hành chính… đã phần nào cho phép chúng tôi hình dung về mặt vật chất một nhà khoa học, một nhà giáo tên tuổi đã dành cả cuộc đời làm toán và trăn trở với vận mệnh đất nước ra sao”, ông nói. Trước khi giáo sư Hoàng Tụy qua đời, ông và các nghiên cứu viên của Trung tâm đã có cơ hội ghi âm hàng nghìn phút về cuộc đời do giáo sư Hoàng Tụy kể, về những thăng trầm cuộc đời của một người làm toán trong bối cảnh đất nước còn quá nhiều khó khăn. “Câu chuyện mỗi ngày một sâu sắc, không còn khoảng cách giữa người kể và người tiếp nhận cho đến khi sức khỏe giáo sư không cho phép”, phó giáo sư Nguyễn Văn Huy nhớ lại những thời điểm may mắn được tiếp cận con người xuất sắc ấy.

Các hiện vật, những tài liệu đã từng gắn bó với giáo sư Hoàng Tụy, nay lại được đánh thức và tái phác họa một bức chân dung khác thường và giàu sức biểu đạt về người chủ nhân vắng mặt của mình. Có lẽ, thật khó có thể “truyền thần” một cách sống động hơn về một nhà khoa học bằng các công trình, các sản phẩm nghiên cứu của họ. Giáo sư Ngô Việt Trung, một trong những viện trưởng “truyền nhân” của giáo sư Hoàng Tụy, chia sẻ cảm nhận của mình về những trang giáo án lên lớp viết bằng tay của ông, “từ chữ viết đến hình vẽ như cuốn in chứ không phải viết tay. Mọi người có thể thấy đấy chỉ là một sự chuẩn bị cho một bài giảng vậy thôi mà ông vẫn vô cùng cẩn thận. Điều đó thể hiện cá tính của một con người, trong việc gì cũng chỉn chu đến mức hoàn hảo”.

Thầy nghĩ từ đầu Việt Nam phải chống cho bằng được cái chủ nghĩa tỉnh lẻ, mình phải làm thế nào làm được những công trình đi đúng hướng đang sôi nổi tranh luận trong dòng chính của phát triển toán học chứ không phải làm những thứ không ai để tâm đến.

GS. Hà Huy Khoái

Chung dòng cảm nhận đó nhưng từ góc độ của người làm di sản, phó giáo sư Nguyễn Văn Huy nhìn nhận “Tôi đặc biệt ấn tượng với tập bản thảo viết tay các bài toán giải tích. Tập bản thảo có tuổi đời hơn 70 năm đã ố vàng, quanh các góc bị mối xông nham nhở đã được tận dụng từ những mảnh giấy có kích thước khác nhau, đôi khi là giấy một mặt”. Không chỉ đề cập đến ấn tượng của mình khi đón nhận tập bản thảo đặc biệt này, ông lý giải vì sao mình lại cảm thấy xúc động: “Tập bản thảo này là một minh chứng về thuở ban đầu sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy đại học của giáo sư Hoàng Tụy khi ông đang theo đuổi nghiên cứu về lý thuyết hàm thực. Tập bản thảo cũng cho thấy các nhà khoa học Việt Nam làm việc khi đó với điều kiện vô cùng khó khăn”. Cái quý của bộ tư liệu không chỉ cho thấy con người của giáo sư Hoàng Tụy mà còn ở chỗ “giúp chúng ta hiểu được thuở ban đầu của toán học Việt Nam hiện đại và đóng góp của các nhà toán học Việt Nam”.

Có lẽ, những tập bản thảo được xếp lại một cách gọn ghẽ theo chiều thời gian tuyến tính cũng cho chúng ta thấy một góc độ khác, sự tiến triển của tư duy và sự chín muồi trong nghiên cứu khi theo đuổi bài toán quy hoạch lõm trong những năm 1960. Dẫu không phải là một người làm toán nhưng ở cái nhìn của người chuyên về di sản, phó giáo sư Nguyễn Văn Huy cũng đủ tinh tế để nhận thấy điều này “Chúng tôi thấy khối tài liệu này có nhiều bài được đánh máy bằng máy chữ trên giấy pơ luya đã ố vàng và nhiều bài viết còn ở dưới dạng bản bông có bút tích sửa chữa của giáo sư. Tất cả đều gắn bó với chặng đường của bài toán quy hoạch lõm và lý thuyết tối ưu toàn cục”.

Bộ tư liệu của giáo sư Hoàng Tụy không chỉ nhiều về số lượng mà còn bao hàm rất nhiều loại hình tư liệu khác nhau, các bản thảo, tạp chí, sách vở, ghi chép dạng bản thảo, giấy tờ văn bản. Đáng chú ý trong đó là khoảng 200 bức thư riêng trao đổi với các nhà khoa học quốc tế, ở dạng thư tay và e-mail, phản chiếu trung thực những suy nghĩ, tâm tư của con người cá nhân và con người làm khoa học. Đó sẽ là một nguồn tư liệu quý để hậu thế hiểu sâu hơn về giáo sư Hoàng Tụy. Ở thời điểm này, khi mới bước đầu sàng lọc, phó giáo sư Nguyễn Văn Huy cho biết những suy nghĩ ban đầu của mình “Chủ yếu các bức thư này trao đổi với các đồng nghiệp Anh, Pháp, Đức, trong đó có nhiều bức thư của các nhà toán học nổi tiếng. Qua các ‘chứng nhân’ này, có thể thấy vị thế của giáo sư Hoàng Tụy với cộng đồng toán học quốc tế, đồng thời đưa thêm minh chứng khẳng định sự trao đổi tri thức quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của toán học cũng như khoa học Việt Nam”.

Ký ức họa chân dung

Thật không khó để cất lên lời ngợi ca một con người mà sự nghiệp lừng lẫy và vị trí đã được định hình trong lòng khoa học Việt Nam và giới toán học quốc tế. Nhưng thật khó để có thể nói ra một cách giản dị những tình cảm chân thật từ đáy lòng về con người như thế mà không phải viện đến những mỹ từ sáo rỗng. Có lẽ, hơn ai hết, đó là những lời chia sẻ của những người đã gần như gắn bó với giáo sư Hoàng Tụy cả cuộc đời, các nhà nghiên cứu ở Viện Toán học.

Trong “GS Hoàng Tụy: Một nhà toán học lớn, một trí thức lớn”, một thước phim tư liệu do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thực hiện năm 2020, giáo sư Ngô Việt Trung, người đảm trách vai trò Viện trưởng Viện Toán học giai đoạn 2007 – 2013, đã nhận xét về đóng góp của giáo sư Hoàng Tụy “Giáo sư Tụy thực sự là người đã đưa nền toán học Việt Nam theo đúng sự phát triển giống như toán học ở các nước phương Tây. Đi đến đâu, cụ cũng để ý đến hoạt động toán học, và khoa học ở đấy như thế nào rồi cụ mang về áp dụng ở Việt Nam. Có một ví dụ rất điển hình như thi toán quốc tế, thi toán toàn quốc, lập ra các trường chuyên là do cụ sang Liên Xô, cụ thấy người ta làm, cụ đem về đề đạt ý kiến với Thủ tướng Phạm Văn Đồng”.

Câu chuyện về người góp phần “khai sơn phá thạch” cho nền toán học Việt Nam, tưởng như đã được thế hệ sau biết rõ, nhưng vẫn ẩn chứa những chi tiết khiến người ta phải kinh ngạc. Viện Toán học được thành lập năm 1969 theo Nghị định số 25/CP của Chính phủ ngày 5/2/1969. Có lẽ, thế hệ sau không thể kết nối được việc thành lập một cơ sở nghiên cứu về toán học đỉnh cao ở một quốc gia vẫn còn đang chìm trong chiến tranh và thiếu thốn về nhiều mặt, với việc làm khoa học trong điều kiện mà mối liên lạc với các đồng nghiệp quốc tế vô cùng nhỏ giọt. Vậy điều gì giữ cho toán học Việt Nam phát triển giống như toán học ở các nước phương Tây? Trong thước phim tài liệu năm 2020, giáo sư Hà Huy Khoái, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam giai đoạn 2001 – 2007, kể lại “Tôi rất nhớ thầy Tụy cùng những người như các giáo sư Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu đã đề ra những phương hướng lâu dài cho toán học Việt Nam. Cái đó rất quan trọng, vì toán học Việt Nam hiện đại từ ban đầu gần như con số không thôi. Ở đây, tôi không muốn nói đến toán học từ thời Lương Thế Vinh, ông cũng làm toán nhưng không phải theo nghĩa toán học thực sự như bây giờ”.

Yếu tố quan trọng để đưa toán học Việt Nam theo con đường hiện đại là từ những người như thế, khi nhận thức được mối nguy của người làm khoa học trong nước là “dễ lâm vào tình trạng provincialism (chủ nghĩa tỉnh lẻ) trong nghiên cứu khoa học, tức là đi vào những đề tài quá cũ kỹ, quá xa lạ với các trào lưu chung, không còn ai quan tâm nghiên cứu nữa” như chia sẻ của giáo sư Hoàng Tụy trên Tia Sáng vào năm 2016. Theo giáo sư Hà Huy Khoái “Thầy nghĩ từ đầu Việt Nam phải chống cho bằng được cái chủ nghĩa tỉnh lẻ, mình phải làm thế nào làm được những công trình đi đúng hướng đang sôi nổi tranh luận trong dòng chính của phát triển toán học chứ không phải làm những thứ không ai để tâm đến”.

Nhớ về Hoàng Tụy, tôi luôn nhớ về với nhiều cảm xúc… Hoàng Tụy là người hấp dẫn, ông luôn giữ sự hào hứng của trẻ thơ mà người trưởng thành khó giữ được, và luôn có cái nhìn tươi mới. Cùng với sự thông thái của tuổi tác và kinh nghiệm, ông trở thành người đáng yêu vô cùng…”.

GS. Pierre Darriulat

Đó là một trong những lý do giáo sư Hoàng Tụy cùng giáo sư Lê Văn Thiêm thành lập các tạp chí toán học quốc tế, xuất bản ở Việt Nam như Acta Mathematica Vietnamica (xuất bản số đầu vào năm 1964 với tên gọi Acta Scientiarum Vietnamicarum, Sectio Scientiarum Mathematicarum et Physicarum). “Ngay từ đầu, thầy Tụy đã cho rằng phải có tạp chí toán học bằng tiếng nước ngoài. Thế giới rất ấn tượng bởi tờ Acta Mathematica Vietnamica được xuất bản trong chiến tranh, họ chưa thấy một quốc gia nào trong chiến tranh mà lại lập ra được một tờ tạp chí toán học bằng tiếng nước ngoài. Có thể đây là tạp chí độc nhất ở Việt Nam thời kỳ đó bằng tiếng nước ngoài. Điều này rất ấn tượng vì người Việt Nam trong chiến tranh đã nghĩ đến những thứ lâu dài rồi”, giáo sư Hà Huy Khoái nói.

Việc mở ra diễn đàn trao đổi học thuật với đồng nghiệp quốc tế và thúc đẩy mọi người làm khoa học, làm ra cái mới một cách trung thực và liêm chính là cách mà giáo sư Hoàng Tụy đã áp dụng trong bất kể hoàn cảnh nào. Có lẽ, điều nằm lòng cho khoa học lại được thực hành ở những thời điểm không thuận lợi nhất. “Trong quá trình công tác ở Viện Toán học, tôi ngày càng hiểu hơn vai trò của giáo sư Lê Văn Thiêm, giáo sư Hoàng Tụy với sự phát triển của Viện. Có thể nói, giáo sư Lê Văn Thiêm là người khởi đầu nhưng giáo sư Hoàng Tụy mới là người trong vòng 10 năm làm viện trưởng mới là người đóng góp đưa Viện Toán vào quỹ đạo giúp nó phát triển một cách bền vững và đạt được nhiều thành tích như ngày hôm nay”, giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học giai đoạn 2017-2022, đánh giá trong bộ phim tài liệu ngắn của Trung tâm.

***
Di cảo còn đây mà chủ nhân của nó đã rời sang một thế giới khác… Hình ảnh của ông, trong kí ức và trái tim của những người bạn và đồng nghiệp và học trò, vẫn dường như tươi mới, như lời chia sẻ của giáo sư Pierre Darriulat “Nhớ về Hoàng Tụy, tôi luôn nhớ về với nhiều cảm xúc… Hoàng Tụy là người hấp dẫn, ông luôn giữ sự hào hứng của trẻ thơ mà người trưởng thành khó giữ được, và luôn có cái nhìn tươi mới. Cùng với sự thông thái của tuổi tác và kinh nghiệm, ông trở thành người đáng yêu vô cùng…”.

Dòng chảy ký ức mà giáo sư Pierre Darriulat khơi lại trong một buổi sáng hè tháng bảy nóng như đổ lửa bất giác đưa ông về 20 năm trước, khi lần đầu gặp GS. Hoàng Tụy “ở văn phòng tầng một tại Viện Toán và ngay lập tức, chúng tôi trở thành những người bạn. Chúng tôi chia sẻ với nhau cái nhìn về sự cần thiết của Việt Nam để có thể cải thiện chất lượng đào tạo đại học, thử thách mà giáo dục đại học phải đối mặt”.

Hai thập niên trước, ông đã gặp được giáo sư Hoàng Tụy sau nhiều kiên trì, và qua đó, gặp được nhà thơ Việt Phương, mở ra những con đường đưa nhà khoa học Pháp gắn bó với Việt Nam “Tôi trẻ hơn họ 10 tuổi và họ chia sẻ với tôi câu chuyện bảy thập kỷ trước đó về Việt Nam…” Câu chuyện của họ, tưởng như đã thuộc về quá khứ nhưng vẫn sống động trong tâm tưởng của những người bạn thân thiết. “Hoàng Tụy luôn tự hào là chưa bao giờ ông xa rời những điều mình nói và viết, điều ông tin tưởng. Ông chưa bao giờ hối hận về điều đó. Đối với tôi, đó là một phẩm chất đáng kính trọng của một con người. Tôi cho rằng đó là một tấm gương để noi theo về việc giữ sự liêm chính, và để cho mọi người có thể nhận ra rằng sự giàu có của một đất nước nằm trong trái tim và khối óc của thế hệ trẻ chứ không phải là két sắt của ngân hàng”.

Không có gì thắng nổi thời gian. Hành trình của con người trong thế giới vật chất luôn luôn hữu hạn mà không thể kéo dài tới vô tận. Sự mất mát của những người bạn Việt Nam như giáo sư Hoàng Tụy, nhà thơ Việt Phương theo tháng năm đã đem lại cho giáo sư Pierre Darriulat một suy nghĩ đượm buồn “Khi chúng ta ngày một già hơn thì những người bạn của chúng ta ngày một mất dần. Thế giới mà chúng ta thuộc về đang mờ dần đi trong sương mù và thế giới chúng ta đang sống dường như không thuộc về chúng ta nữa…”.

“Một trong những ký ức của tôi về giáo sư Hoàng Tụy chính là cuốn sách Giải tích hiện đại. Năm 1969, khi đi học ở Đức, tôi mang theo hai cuốn sách, thứ nhất là Đại số tuyến tính của giáo sư Ngô Thúc Lanh và Giải tích hiện đại của giáo sư Hoàng Tụy. Với môn giải tích, tôi thấy cuốn giáo trình của giáo sư người Đức không hệ thống như cuốn của GS Hoàng Tụy. Tôi cứ thắc mắc nhưng sau này tôi mới được biết là cuốn của ông được trình bày theo hệ thống của nhóm Bourbaki của Pháp lúc bấy giờ, còn giáo sư người Đức chủ yếu dựa vào sách của Liên Xô, chưa cập nhật phát triển mới về toán học. Cuốn sách đó viết súc tích và qua đó tôi học được môn giải tích. Chúng ta thấy rằng lúc đó Việt Nam đang chiến tranh và tôi vẫn tự hỏi làm thế nào mà giáo sư Hoàng Tụy có thể tiếp cận được những lý thuyết mới nhất về toán học lúc bấy giờ, và không chỉ tiếp cận được mà còn hiểu được để có thể trình bày vấn đề một cách súc tích và dễ hiểu.
Sau này năm năm sau tôi mang hai cuốn sách về nhưng cuốn thứ hai cho một đồng nghiệp mượn làm nghiên cứu sinh nhưng không đòi lại được. Cách đây 15 năm, giáo sư viết lại và xuất bản cuốn “Giải tích thực và giải tích hàm”. Những gì trình bày trong cuốn sách đầu tiên đã trở thành kinh điển và còn dấu vết ngày nay”. 
Giáo sư Ngô Việt Trung

Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/gs-hoang-tuynguoi-gop-phan-khai-son-pha-thach-nen-toan-hoc-viet-nam/20230727081441497p1c160.htm

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)