Những con sóng ngầm cúm gia cầm

Ổ dịch cúm gia cầm trên hổ, báo ở Đồng Nai và Long An vừa qua là một chỉ dấu về những đợt sóng ngầm virus độc lực cao vẫn luôn chực chờ và có thể xuất hiện theo cách bất ngờ nhất.

Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm ở khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: Bình Nguyên/Báo Đồng Nai.

“Ban đầu, chúng tôi cũng không nghĩ mấy con hổ Bengal ở Khu du lịch Vườn Xoài lại có thể mắc cúm gia cầm. Triệu chứng bên ngoài của chúng thực ra không rõ ràng lắm, ngay cả những người chăm sóc hổ trực tiếp không kể với chúng tôi về triệu chứng hô hấp thông thường mà nói về tình trạng bỏ ăn, nằm liệt tại chỗ, gần như không còn vận động”, bác sĩ Phan Văn Phúc, trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai), trao đổi với Tia Sáng bên lề hội nghị “Một sức khỏe: Thực tiễn quốc tế và các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, do Viện Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức vào tháng 10/2024 tại Hà Nội. 

Đó là thời điểm ổ dịch ở Vườn Xoài đã được kiểm soát, không có thêm một trường hợp hổ, báo nào và không người tiếp xúc gần nào dương tính với virus cúm. Tuy nhiên, câu chuyện về cúm gia cầm vẫn còn sức nóng và buộc người ta phải suy nghĩ sâu hơn, thấu đáo hơn về mọi manh mối. Là một trong những người rà soát toàn bộ diễn biến của ổ dịch Vườn Xoài, bác sĩ Phan Văn Phúc vẫn còn nhớ nghi ngờ ban đầu “Lúc đó, chúng tôi cũng cho là hổ có thể mắc hai căn bệnh thông thường trên động vật họ Mèo là tiêu chảy và giảm tiểu cầu nhưng nếu như vậy phải có dấu hiệu của bệnh trong khi ở đây lại không có”. Giữa nghi ngờ về khả năng làm suy sụp các con hổ Bengal, giống hổ khi trưởng thành có thể nặng vài trăm cân và đủ sức đương đầu với cả trâu rừng lẫn bò tót, việc lấy mẫu xét nghiệm đã cho câu trả lời. 

Ở thời điểm lấy mẫu lần đầu trực tiếp trên xác hổ được bảo quản tại kho đông lạnh Vườn Xoài, không ai nghĩ rằng, cái mà mình phải đối mặt là cúm gia cầm độc lực cao và lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận cúm này lây nhiễm trên hổ. 

Có một câu hỏi đặt ra, sau khi nhìn lại toàn bộ câu chuyện: ổ dịch là sự xuất hiện ngẫu nhiên, đơn lẻ hay là lời cảnh báo sớm về nguy cơ rủi ro bùng phát cúm gia cầm có thể tới bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu? 

Sức mạnh vô hình của cúm 

Ổ dịch ở Vườn thú Mỹ Quỳnh, Long An, và Khu du lịch Vườn Xoài, Đồng Nai, trong tháng 8 và 9 vừa qua là dấu mốc mới của cúm gia cầm với tổng số 51 hổ, sư tử và báo không thoát khỏi cú chụp của virus. Có thể một số người còn kinh ngạc về sức hủy diệt của cúm gia cầm nhưng với các nhà nghiên cứu, đó là điều hiển nhiên. Trong số ba loại virus gây bệnh cúm thuộc nhóm Orthomyxoviridae thì cúm A đáng ngại hơn cả, theo PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, phó Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), một trong số những người phát hiện trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1 đầu tiên trên người ở Việt Nam vào ngày 28/12/2003. 

Cú chạm trán năm đó đã đưa chị và đồng nghiệp ở NIHE, sau mở rộng đến các nhà nghiên cứu ở khắp Việt Nam, tới một địa hạt mới. Càng nghiên cứu về cúm gia cầm, họ càng thấy kinh ngạc. Tự nhiên thật kỳ lạ khi thiết kế ra virus, những tạo vật có sức mạnh khủng khiếp chỉ từ ba khối vật chất cơ bản là RNA, các protein và các lipid, trong đó các protein phá vỡ bề mặt tế bào đích cho xâm nhập còn các lipid hình thành lớp áo bên ngoài, giúp bảo vệ và hỗ trợ sự sao chép của virus. Với cúm gia cầm, vấn đề còn phức tạp hơn khi vật liệu di truyền RNA gồm tám phân đoạn riêng biệt và lớp vỏ ngoài glycoprotein gồm hai kháng nguyên hoạt động theo kiểu “tiền hô, hậu ủng”, kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) sẵn sàng kết nối virus với tế bào đích và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase) hỗ trợ giải phóng virus khỏi tế bào này. Vũ khí chết chóc của virus cúm gia cầm nằm ở khả năng kết hợp nhuần nhuyễn 16 loại kháng nguyên H (H1-H16) với 9 loại kháng nguyên N (N1-N9) để tạo nên các phân loại khác nhau của virus cúm A, trong đó virus A/H5N1 thuộc nhóm virus có độc lực cao (HPAI). “Mặt khác, do vật liệu di truyền là các phân đoạn riêng biệt, không phải dạng sợi dài nên trong trường hợp hai virus cúm A cùng xâm nhập vào một tế bào vật chủ thì sẽ có sự trao đổi giữa các đoạn gene của hai virus đấy và tích hợp bộ gene, mỗi kiểu tổ hợp giữa các đoạn này đều có thể tạo ra một chủng mới có khả năng tránh được miễn dịch của con người”, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, người từng được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu với những nghiên cứu về virus cúm A, cho biết vào năm 2019. 


Sự bùng phát của cúm gia cầm trên những vật chủ mới, dù ở không gian địa lý nào, là bằng chứng về năng lực ứng biến ngày một được mở rộng ra ngoài phạm vi ưa thích của chúng.

Trong cuốn Vành đai sao Thổ, Sebald đã từng thốt lên “những đột biến vô tận của tự nhiên vượt qua mọi giới hạn lý tính”. Quả thực, virus luôn đột biến để thử nghiệm sự tồn tại trên nhiều vật chủ khác nhau. “Từ tháng 2/2024, Mỹ trải qua một đợt bùng phát nhanh chóng của dịch cúm gia cầm độc lực cao trong đàn bò sữa ở các trang trại. Dĩ nhiên, các đàn gia cầm cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh”, GS. Gregory C. Gray, ĐH Y khoa Texas, trao đổi tại hội nghị Một sức khỏe. Ông lưu ý, đây là lần đầu tiên người ta ghi nhận được sự xuất hiện của cúm trên bò. “Ngoài ra còn có 17 ca nhiễm trên người làm trong các trang trại bò sữa, gia cầm, và một người ngoài cộng đồng. Tất cả đều liên quan đến chủng A/H5N1”. 

Trong một thế giới nối mạng, thông tin về đợt bùng phát cúm gia cầm trên bò, gia cầm, mèo, chim di cư và người trong và ngoài các trang trại ở Mỹ còn lan nhanh hơn cả virus. Những người tham dự hội thảo Một sức khỏe cũng vậy, không chờ đến bài trình bày của GS. Gray mới nắm được thông tin sơ bộ. “Chúng tôi thường rà soát thông tin từ các trang web ngành y, đặc biệt là trang của CDC Mỹ, chúng tôi biết nó đã xuất hiện nhiều trên bò. Đó là điều đáng quan ngại bởi nó cho thấy dòng virus chủ yếu gây bệnh trên gia cầm đã bất ngờ lây nhiễm cho nhóm động vật không phải là động vật cảm nhiễm đặc thù của nó”, bác sĩ Phan Văn Phúc nhận xét với cảm xúc của người trong cuộc. Vào tháng chín, anh và cộng sự ở CDC Đồng Nai cũng như ở Chi cục Thú y Đồng Nai đã phải lăn lộn khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm ở Khu du lịch Vườn Xoài nhiều ngày để tìm nguyên nhân vì sao hổ chết. “Chúng tôi thấy số hổ chết có hai nhóm, một là khởi điểm chết đồng loạt, hai là nhóm kế tiếp là do lây nhiễm thứ phát”.

Sự bùng phát của cúm gia cầm trên những vật chủ mới, dù ở không gian địa lý nào, là bằng chứng về năng lực ứng biến ngày một được mở rộng ra ngoài phạm vi ưa thích của chúng. Vậy đây là dấu hiệu đáng lo ngại về sức mạnh mới của cúm chăng? “Đợt bùng phát cúm A/H5N1 trên các trang trại bò ở Mỹ là một dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ lây lan của bệnh cúm A từ động vật sang người và các loài động vật khác cũng như chỉ ra sự biến đổi và khả năng thích nghi của virus”, TS. Phạm Đức Phúc, ĐH Y tế công cộng, phân tích sau khi chăm chú theo dõi báo cáo của giáo sư Gray. “Vụ hổ nhiễm tại Mỹ Quỳnh và Vườn Xoài cũng là một tín hiệu đáng lo ngại, không chỉ thể hiện mức độ biến đổi và thích nghi cao mà còn về khả năng lây truyền và ‘nhảy loài’ của virus cúm A/H5N1 ở Việt Nam”. Anh cũng lưu ý thông tin mới của giáo sư Gray: bằng chứng về một đột biến giúp virus tăng khả năng nhân bản trong tế bào người. 

Đó đã là toàn bộ câu chuyện, hay chỉ là một phần chuyển động ngầm của virus cúm gia cầm?

Các chợ bán gia cầm là nơi có nhiều nguy cơ kích hoạt những ổ dịch cúm gia cầm mới. Ảnh: Shutterstock.

Vô số các đợt sóng ngầm

Cuộc chiến với cúm gia cầm luôn luôn là một sự rượt đuổi mà con người thường không đủ trợ lực. Tự nhiên luôn có những “ổ chứa” để di dưỡng virus theo một bộ quy tắc cân bình khó có thể hiểu được. Với cúm gia cầm, chúng ưa thích chim hoang dã, gia cầm. Với Việt Nam, điểm mấu chốt ở chỗ các trang trại và các điểm buôn bán như chợ búa đều có những điều kiện tiếp xúc với người thuận lợi. Có thể đó là điểm kích hoạt những ổ dịch mới mà không ai lường trước được.

Không ai phớt lờ được nguy cơ. Sự tái tổ hợp, đặc biệt là sự đồng nhiễm nhiều chủng loại virus khác nhau trên các loài chim, gà vịt, dễ dẫn đến đột biến, nảy sinh các phân loại virus mới hoặc gia tăng độc lực… Các sự kiện tiến hóa này thường xảy ra khi có nhiều động vật ở gần nhau, chẳng hạn như các địa điểm tụ tập, trang trại nuôi gia cầm và chợ gia cầm. Thậm chí, có nghiên cứu cho thấy hơn 80% gà nuôi trang trại đều nhiễm ít nhất một loại cúm 1. Đó là lý do trong ba năm 2018 và 2021, PGS. Khánh Hằng cùng đồng nghiệp ở NIHE và các trường, viện ở Nhật Bản, Mỹ đã chọn hai chợ bán gia cầm ở Hà Nội, Quảng Ninh để theo dõi sự tiến hóa của cúm gia cầm và nhận diện được 1/10 mẫu có virus H6 và hơn một nửa số đó có nhiều chủng virus cúm gia cầm. Đáng lo hơn cả, khi phân tích cây phát sinh loài (phylogenetic analysis), họ thấy có tái tổ hợp giữa các virus H6 và các chủng cúm gia cầm khác. Sự tiếp xúc gần giữa các con gà vịt kết hợp với việc thường xuyên bán các loài chim hoang dã, bao gồm cả con nhiễm virus và hoặc không nhiễm virus, đã biến chợ gia cầm thành nơi hội tụ nhiều loại virus cúm, do đó ươm tạo nhiều sự kiện tái tổ hợp. 

Dĩ nhiên, người lạc quan thì cho rằng chưa chắc việc tái tổ hợp di truyền của virus cúm gia cầm lại làm nảy sinh những virus mới có độc lực cao. Nhưng khoa học dựa trên bằng chứng đã đưa ra một điều khiến chúng ta phải lưu tâm. “Tại cấp độ di truyền, virus H6 ở Việt Nam có đặc điểm mã hóa một amino acid cơ bản tại điểm phân chia kháng nguyên H, phù hợp với khả năng gây bệnh thấp trên gà. Các virus có amino acid này có thể gắn với các dạng thụ thể trên tế bào gia cầm và người, phù hợp với năng lực lan truyền của chúng trên động vật có vú” 2.

Việc mở rộng quy mô tìm kiếm giúp nhận diện được những con sóng ngầm khác. TS. Phạm Đức Phúc và GS. Gray cùng nhiều đồng nghiệp ở Viện Thú y, Viện Chăn nuôi Quốc tế, ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Duke…, thậm chí còn tới bốn chợ gia cầm và năm trang trại lợn ở Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang và Quảng Ninh, từ năm 2019 đến 2021. Họ đã phát hiện ra sự lưu hành của virus cúm gia cầm độc lực cao chủ yếu là virus thuộc các phân nhóm H5. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nguy cơ rủi ro lây nhiễm cúm gia cầm từ chợ. Dẫu sự lưu hành của cúm gia cầm ở mức thấp nhưng sự hiện diện của gene PB1 giống gene của virus cúm H9N2 từ một mẫu lấy từ dịch phết mũi người gợi ra rằng có thể đã xảy ra sự nhảy loài của virus cúm gia cầm”, các tác giả cho biết 3. Sự tồn tại của tỉ lệ chuyển đổi huyết thanh (quá trình cơ thể tạo ra kháng thể phản hồi lây nhiễm) với virus cúm gia cầm H9 trong những hộ nuôi gà, trong một nghiên cứu của Đơn vị nghiên cứu OUCRU, Cục Thú y, ĐH Y Hà Nội vào năm 2017, chỉ dấu việc lây nhiễm giữa những người buôn bán ở chợ gia cầm từng xảy ra. Vì vậy, TS. Phạm Đức Phúc cho rằng “Nguy cơ rủi ro với cúm A/H5N1 ở Việt Nam rất lớn, đặc biệt do điều kiện môi trường và chăn nuôi gia cầm với mật độ cao, cùng với các khu vực buôn bán và vận chuyển gia cầm sống, làm tăng khả năng lây lan virus. Ngoài ra, sự tương tác gần giữa con người và động vật, đặc biệt ở những nơi không có biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, càng làm gia tăng nguy cơ ‘nhảy loài’ của virus”.

Lần theo từng chỉ dấu, người ta bắt đầu nhận ra con đường chữ chi, hay nói đúng hơn là một mạng lưới chằng chịt những phân nhánh lớn nhỏ, kết nối các điểm nút là trang trại, các hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ, những người buôn bán động vật hoang dã, các tiểu thương… với chợ gia cầm của xã, huyện, tỉnh hay vùng. Những điểm nút cố định và di động này hội tụ quá nhiều yếu tố để trở thành nơi thúc đẩy sự đáp ứng, tiến hóa và lây nhiễm trên loài mới ở virus cúm gia cầm. Một khi các sự kiện cúm được kích hoạt ở những nơi này, sẽ khó dò ngược trở lại nơi xuất phát. Tất cả sẽ như “khắc dấu mạn thuyền”. Việc truy vết có thể còn trầm trọng hơn bởi thói quen của những hộ chăn nuôi nhỏ. Có một sự thật là nếu thấy một đợt nhiễm ở gần nhà, các hộ nhỏ lẻ thường tìm cách tẩu tán đàn gà của mình sớm. Khả năng họ đưa thẳng đàn gà tới chợ lên tới 214% khi bất ngờ có những cái chết đầu tiên của đàn ngay trong tháng. “Chiến lược sinh tồn này” giúp họ loại bỏ được nguy cơ mất mát tiền của và cứu vãn chi phí nuôi… nhưng nhìn rộng ra thì giải pháp chữa cháy này sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro lan truyền bệnh tật khắp mạch giao thương ở lúc tín hiệu dịch bệnh vẫn còn mờ nhạt và ít được biết tới 4

Làm gì để ngăn sóng ngầm thành sóng dữ?

Vào những ngày cuối tháng 10, người trong ngành thú y ở Đồng Nai như ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tạm thở phào nhẹ nhõm khi đoàn công tác ở Cục Thú y trao đổi về kết quả giải trình tự gene của các mẫu hổ ở Vườn Xoài và Mỹ Quỳnh. Trước đó, bên lề hội thảo Một sức khỏe, ông Nguyễn Trường Giang không khỏi lo âu về nguồn bệnh “Khó xác định được nguyên nhân lắm, hội tụ lại có thể có ba nguyên nhân là nguồn thức ăn; con người tiếp xúc, đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào; chim di cư. Nhìn chung tất cả đều không rõ ràng nên khó xác định chính xác”. 

Giờ thì giải trình tự gene và phân tích đã cho thấy phần nào manh mối: sự trùng khớp chủng cúm gia cầm phân lập ở cả hai nơi gợi ý về khả năng virus cùng nguồn gốc. Nếu dựa vào các mốc thời gian thì ổ dịch bắt đầu khởi sinh ở Mỹ Quỳnh vào tháng tám và vào cuối tháng này, hai lần nhân viên của Mỹ Quỳnh tới chuồng nuôi ở Vườn Xoài trước khi nhập sáu con hổ từ đây. Bước sang đầu tháng chín, hổ Vườn Xoài bắt đầu chết nhưng 70 mẫu chim chóc và mẫu từ người phục vụ ở đây đều âm tính. Không loại trừ nguồn lây của Vườn Xoài là từ Mỹ Quỳnh, thông qua tiếp xúc với người từ bên ngoài. 

Dẫu sẽ còn phải đi một chặng đường dài nữa để tìm nguồn gốc lây truyền nhưng ổ dịch Mỹ Quỳnh và Vườn Xoài gợi ra nhiều suy nghĩ về nguy cơ những cơn sóng ngầm xuất hiện ở những nơi nằm ngoài phạm vi giám sát truyền thống như chợ gia cầm hay trang trại. “Điều này đặt ra nguy cơ cao virus có thể dễ dàng lây lan giữa các loài động vật trong điều kiện không gian chật hẹp và có sự tiếp xúc gần gũi như tại các vườn thú. Nếu không có biện pháp giám sát và kiểm soát hiệu quả, nguy cơ virus lây sang các loài động vật hoang dã khác, hoặc thậm chí là người, hoàn toàn có thể xảy ra”, TS. Phạm Đức Phúc nói. Thật ra, trong một vườn thú ở Vân Nam, Trung Quốc vào năm 2014 và 2015 đã có trường hợp bốn hổ Siberia chết vì cúm A/H5N1 5.

Những cơn sóng ngầm đang được biến đổi khí hậu tiếp sức. Khi điều kiện khí hậu thay đổi, mẫu hình chim di cư và tuyến đường di cư cũng thay đổi. Mức nhiệt cao và các sự kiện khí hậu cực đoan dẫn đến sự thay đổi quần thể ở quy mô lớn trong phạm vi thích ứng với nhiệt độ của các loài. Những thay đổi này dẫn đến bệnh xuất hiện ở những khu vực – và trong nhiều hình thái di truyền – khác biệt và bất ngờ. Các nhà khoa học đã chứng minh, khi mùa đông ấm hơn và mùa xuân đến sớm hơn hay không khí ẩm ướt hơn cũng cho phép các mầm bệnh sống sót, biến đổi và lan truyền dễ dàng hơn 6. “Virus cúm gia cầm có những những biến đổi nhỏ, và nhiều thì dễ tích lũy thành biến đổi lớn. Trong tương lai, có thể mình cho là nó xấu nhất đi, dòng tác nhân của hệ thống này nó lây nhiễm trên dòng tế bào mà xu hướng xâm nhập không cần cái acid stalic trên màng tế bào nữa mà vẫn có thể xâm nhập vào tế bào thì đó là một nguy cơ đối với nhóm tác nhân cúm A/H5N1 nhưng lúc đó có thể trên người hoặc trên động vật khác”, bác sĩ Phan Văn Phúc chia sẻ.

Những ngày này, Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, đang gấp rút tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho gà vịt, đồng thời cho ngừng hoặc di dời các cơ sở chăn nuôi khỏi khu dân cư. Đến giữa tháng 10, từ nguồn ngân sách tỉnh đã tiêm hơn 6,2 triệu liều vaccine phòng dịch cúm gia cầm tại những vùng có nguy cơ lưu hành virus hoặc có những ổ dịch cũ 7. Đây cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy” bởi về dài hạn, để ngăn các đợt sóng ngầm khỏi biến thành sóng dữ, cần có một cách tiếp cận khác. “Chuyện xảy ra ở Đồng Nai cho thấy sự cần thiết của cách tiếp cận Một sức khỏe (One Health) ở Việt Nam trong quản lý dịch bệnh, giúp liên kết sức khỏe động vật, con người, và môi trường trong việc ngăn chặn và ứng phó hiệu quả các nguy cơ lây truyền bệnh”, TS. Phạm Đức Phúc trả lời qua email từ Mỹ, nơi anh đang tham gia một nghiên cứu sâu hơn về cúm gia cầm cùng đồng nghiệp quốc tế. Theo cách tiếp cận này, các cơ quan y tế và nông nghiệp cần phối hợp giám sát tình trạng sức khỏe của gia cầm và các loài động vật khác, đặc biệt là tại các trang trại, chợ và vườn thú; tăng cường hợp tác giữa ngành y tế, nông nghiệp, và môi trường (One Health) nhằm giám sát và quản lý các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật, từ đó giúp phát hiện và ngăn chặn virus trước khi lây nhiễm sang con người; có các biện pháp an toàn sinh học chặt chẽ tại các trang trại; nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng ngừa cúm gia cầm cho người dân để giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa; thậm chí có thể sẵn sàng chuẩn bị năng lực vaccine để ứng phó. 

Trước một tương lai đầy bất định, phải chăng One Health sẽ giúp chúng ta hóa giải đi một nguy cơ.□

—————————————-

Bài viết nằm trong khuôn khổ Dự án Truyền thông Một Sức khỏe do Cơ quan Truyền thông Đại sứ Quán Pháp (CFI) hỗ trợ Tia Sáng. 

—————————————–

1. “Respiratory disease due to mixed viral infections in poultry flocks in Egypt between 2017 and 2018: Upsurge of highly pathogenic avian influenza virus subtype H5N8 since 2018”. Transboundary and Emerging Diseases.

2. “Avian H6 Influenza Viruses in Vietnamese Live Bird Markets during 2018–2021”. Viruses.

3. “Poultry farmer response to disease outbreaks in smallholder farming systems in southern Vietnam”. eLife.

4. “Fatal influenza A (H5N1) virus Infection in zoo-housed Tigers in Yunnan Province, China”. Scientific Reports.

5. “High Prevalence of Highly Pathogenic Avian Influenza: A Virus in Vietnam’s Live Bird Markets”. Open Forum Infectious Diseases.

6. “Climate change is helping the H5N1 bird flu virus spread and evolve”. The Conversation.

7. https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/dong-nai-tiem-hon-62-trieu-lieu-vaccine-phong-cum-gia-cam-b130a14/

Bài đăng Tia Sáng số 21/2024

Tác giả

(Visited 139 times, 1 visits today)