Olympic Games: Khi cuộc chơi vượt mọi quy tắc bền vững
Tinh thần “Citius, altius, fortius” (nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn) do cha đẻ của phong trào Olympic hiện đại Pierre de Coubertin khởi xướng vào hơn một thế kỷ trước đã góp phần đưa Olympic Games trở thành sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Trong tương lai, với sự tăng trưởng liên tục về quy mô, Olympics liệu có bền vững?
Ngày nay, những sự kiện thể thao như Olympic Games đã trở thành một phần của các xã hội hiện đại và thu hút người hâm mộ theo dõi trên toàn cầu. Tuy nhiên để có được mô hình của một kỳ đại hội thể thao như chúng ta thấy ngày nay, Olympic vào thuở bình minh của mình là những kỳ Olympic cổ đại, các festival tôn giáo và thể thao được tổ chức bốn năm một lần kể từ năm 776 trước Công nguyên để thờ phụng thần Zeus ở Olympia, Hy Lạp. Có nhiều tranh cãi khác nhau về thời điểm khởi nguyên của Olympic cổ đại, địa điểm tổ chức, cũng như người sáng lập, ví dụ có thể là mốc bắt đầu còn sớm hơn bởi năm 776 trước Công nguyên chỉ là văn bản sớm nhất ghi lại tên người giành huy chương là Coroebus của thành Elis hay có huyền thoại nói rằng Olympic do người anh hùng Heracles, con trai của Zeus với 12 chiến công lừng lẫy thành lập…
Vào ngày 26/7/2024, ngọn đuốc Olympic bừng sáng ở sân vận động Jardins du Trocadéro, thủ đô Paris, Pháp, báo hiệu màn khai cuộc của Olympic Paris 2024. Được thắp lên từ những tia nắng Mặt trời hội tụ trên tấm gương parabol đặt phía trước đền thờ nữ thần Hera ở Olympia, Elis, Hy Lạp đúng như cách thức đã được ấn định kể từ năm 1936, ngọn đuốc mang tính biểu tượng này mang theo sự kết nối tinh thần và di sản văn hóa từ quê hương của phong trào Olympic cổ đại tới thế giới hiện đại.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), do Pierre de Coubertin thành lập vào năm 1894, đã đưa ra khái niệm di sản Olympics, một khái niệm hòa quyện tinh thần Olympics cổ đại và Olympic hiện đại, nơi mà quy mô, phạm vi, cách thức tổ chức vượt qua tất cả các sự kiện thể thao quốc tế, và nhấn mạnh vai trò của IOC là “thúc đẩy một di sản tích cực từ Olympic Games đến các thành phố và các quốc gia chủ nhà”. Sau hơn một thế kỷ đưa một lý tưởng cổ đại vào mô hình hiện đại, theo dòng thời gian, đã xuất hiện thách thức mới khiến cả IOC lẫn những ai quan tâm đến sân chơi này đều nhận thấy. Đó là dường như sức hút của Olympic Games đã trở nên nhạt nhòa theo thời gian, ngày càng ít thành phố và quốc gia khao khát trở thành chủ nhà của một kỳ đại hội bởi số lượng các hồ sơ đệ trình lên IOC về quyền đăng cai ngày một ít dần. Nếu trước đây, cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Olympic Games giữa các thành phố và quốc gia cũng căng thẳng và khốc liệt giống như cuộc cạnh tranh giành huy chương của các vận động viên thì ngày nay ngược lại, cuộc đua ấy đã ngày càng mất nhiệt. Vào năm 2015, IOC loan báo có năm ứng viên nộp hồ sơ đăng cai Olympic Games 2024 nhưng một năm sau, con số này rút xuống chỉ còn bốn. Nếu nhìn vào lịch sử Olympic Games trong vòng hai thập niên thì đó là một con số quá khiêm tốn: Olympic Games 2004 có tới 11 hồ sơ, Olympic Games 2008 có 10 hồ sơ rồi 9 hồ sơ với Olympic Games 2012.
Tuy nhiên, sự hờ hững này không dừng lại ở đó. Quá trình chọn lựa thành phố đăng cai Olympic Games 2024 đã không diễn ra suôn sẻ. Sau khi Hamburg bỏ cuộc vào tháng 11/2015 do không nhận được sự ủng hộ của dân chúng thì đến lượt Rome rút lui vào tháng 9/2016 với lý do khó khăn tài chính, và tháng 2/2017, Budapest cũng bỏ cuộc với lý do tương tự Hamburg. Cuộc đua chỉ còn lại Los Angeles và Paris. Sau phiên họp đại hội đồng vào tháng 9/2017, IOC tuyên bố Paris trở thành chủ nhà của Olympic Games 2024, đồng thời làm một việc chưa từng có tiền lệ là gấp rút trao quyền tổ chức Olympic Games 2028 cho Los Angeles mà không cần một cuộc kêu gọi nộp hồ sơ nào.
Tại sao từ chỗ là ước mơ của nhiều thành phố và quốc gia, Olympic lại trở thành một di sản bị hờ hững? vì sao dân chúng không còn đồng thuận với chính quyền thành phố về đăng cai đại hội? tại sao vấn đề tài chính lại trở thành rào cản tiếp nối và đón nhận di sản?
Những câu hỏi này dẫn đến một vấn đề còn lớn hơn, đó là di sản Olympic có còn bền vững trong không gian xã hội hiện đại?
Sự bùng nổ về quy mô và chi phí
Kể từ khi được Pierre de Coubertin khôi phục, kỳ đại hội đầu tiên của Olympic Games hiện đại do IOC tổ chức diễn ra tại Athens vào năm 1896, với 241 vận động viên nam của 14 quốc gia tham gia thi đấu 9 môn thể thao. Trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt hai cuộc chiến tranh thế giới, Olympic Games mới bắt đầu được chú ý toàn cầu và giờ đây các kỳ đại hội thường quy tụ khoảng 10.000 vận động viên của hơn 200 quốc gia tham dự từ 28 đến 32 môn thể thao.
Để các thành phố và quốc gia có thể tổ chức được thành công một sự kiện thể thao ở quy mô như vậy, cần rất nhiều điều kiện. Ngoại trừ một số kỳ đại hội ban đầu không cần phải nộp hồ sơ đề xuất, kể từ năm 1908, IOC bắt đầu thiết lập một hệ thống các tiêu chí mang tính nguyên tắc để mời gọi các thành phố và quốc gia nộp hồ sơ xin đăng cai nhằm đảm bảo khả năng tổ chức, tránh trường hợp rủi ro như Rome rút lui khỏi vai trò chủ nhà Olympic Games 1908 vì cuộc phun trào núi lửa Vesuvius vào năm 1906, Tokyo không thể tổ chức Olympic Games 1940 do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nhật – Trung năm 1938…
Theo quy định của IOC, một quá trình “mở thầu” Olympic Games thường gồm hai vòng. Đầu tiên, các thành phố và quốc gia phải chứng tỏ được mối quan tâm của mình trong vai trò chủ nhà Olympic Games và đề xuất các điều kiện tổ chức của mình: sự ủng hộ của chính quyền và xã hội; cơ sở hạ tầng chung, các địa điểm tổ chức, Làng Olympic (nơi ăn ở, sinh hoạt của các quốc gia tham dự đại hội) và các điều kiện hỗ trợ như sự điều phối, an toàn an ninh, vận chuyển, tài chính… – các điều kiện vô cùng cần thiết bởi sự tập trung vận động viên, quan chức, báo chí, khách du lịch tại một số địa điểm trong một khoảng thời gian hai tuần lễ, tuân theo một lịch trình thi đấu rất sít sao và việc để xảy ra một sự cố về giao thông, an ninh cũng có thể làm gián đoạn hoặc phá vỡ sự kiện.
Dựa vào việc chấm điểm các hạng mục, IOC sẽ xếp hạng và lựa chọn ra một danh sách các ứng viên lọt vào vòng hai. Sau khi Ủy ban đánh giá của IOC sẽ kiểm tra điều kiện ở từng ứng viên thì đại diện các ứng viên sẽ trình bày kế hoạch đăng cai của mình. Việc bỏ phiếu sẽ tiến hành theo nhiều vòng cho đến khi chọn ra được ứng cử viên xứng đáng nhất. Quyết định này sẽ được công khai trước ngày tổ chức Olympic Games bảy năm.
Việc soi chiếu một số tiêu chí cần thiết ấy phần nào giúp người ta hình dung về một sự kiện tầm cỡ thế giới và những điều mà các thành phố và các quốc gia chủ nhà Olympic Games cần phải tuân thủ. Sự mở rộng quy mô của Olympic Games theo thời gian cũng khiến mỗi thành phố và quốc gia đăng cai phải chuẩn bị một cơ sở hạ tầng tương ứng, nghĩa là họ phải sẵn sàng khoảng 40 nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi đạt tiêu chuẩn quốc tế, Làng Olympic đảm bảo đáp ứng các nhu cầu ăn ở, giải trí, tập luyện và cả nơi thực hiện nghi lễ tôn giáo cho khoảng 16.000 vận động viên, huấn luyện viên, bác sĩ, quan chức (họ cũng phải sẵn sàng một trung tâm truyền thông quốc tế lớn cho đội ngũ phóng viên các quốc gia).
Đi kèm với một kế hoạch tổ chức như vậy là nguồn lực kinh tế. Nếu như chỉ nhìn vào những sự kiện bề nổi như các cuộc tranh tài điền kinh, bơi lội, bắn cung hay thể dụng dụng cụ thì người ta sẽ không thể hiểu nổi tại sao một kỳ Olympic Games lại cần đến nhiều kinh phí. Nhưng sự thật là việc tổ chức những sự kiện tầm cỡ như vậy đều đòi hỏi chi phí trung bình khoảng 12 tỉ USD, trong đó nhiều sự kiện vượt quá ngưỡng này, ví dụ Olympic Bắc Kinh 2008 là 45 tỉ USD, Olympic Tokyo 2020/21 gần 30 triệu USD (chi phí tính toán là 7,3 tỉ USD).
Có vô số nguyên nhân khiến Olympic đã trở thành một sự kiện đắt giá. Quy mô của sự kiện khiến cho chi phí tổ chức tăng lên, nhất là về cơ sở hạ tầng bởi không thành phố nào vừa đủ cho sự kiện như vậy. Mặt khác, không phải địa điểm nào trong số khoảng 40 địa điểm thi đấu đạt tiêu chuẩn Olympic và một số môn thể thao đòi hỏi những cơ sở hạ tầng đặc biệt mà đôi khi quốc gia đăng cai phải xây mới, ví dụ như sân xe đạp lòng chảo, hoặc nâng cấp để có đủ chỗ cho các cuộc tranh tài, lễ khai mạc, bế mạc (sân vận động trung tâm)… Bên cạnh đó, việc đáp ứng yêu cầu an ninh và an toàn ở các sự kiện quốc tế đông người tham gia khiến chi phí an ninh tăng gấp sáu lần kể từ những năm 1990 và giờ vượt quá con số 1,5 tỉ USD. Một số hạng mục khác cũng có chi phí vượt quá dự toán khác như giao thông với 20% cho đường xá, 34% cho cầu lớn, hầm, 45% cho đường sắt, 107% cho IT… Các nhà kinh tế học chỉ ra, kể từ thập niên 1960, các kỳ đại hội đều có ngân sách vượt quá mức ước tính, trung bình rơi vào khoảng 172%, mức cao nhất so với mọi siêu dự án.
Mặc dù việc tổ chức các sự kiện thể thao này đều có nguồn thu, từ nhà tài trợ, bản quyền truyền thông, vé…, nhưng không thể bù nổi chi phí, ví dụ trường hợp của Tokyo, IOC đã chia cho ban tổ chức 800 triệu tiền bản quyền truyền hình và 500 triệu tiền tài trợ nhưng chỉ là một khoản nhỏ trong ngân sách tổ chức (Tokyo còn bị đội vốn do áp dụng các biện pháp y tế nghiêm ngặt và không thu được tiền từ du lịch vì COVID-19).
Chi phí quá lớn khiến việc tổ chức mỗi kỳ Olympic Games đều ẩn chứa rủi ro tài chính. Ví dụ, Olympic Athens 2004 đã tiêu tốn của Hy Lạp gần 9 tỉ Euro. Sự vượt quá về chi phí tổ chức so với dự kiến và món nợ liên quan ở Olympic đã góp phần làm suy yếu nền kinh tế Hy Lạp, trở thành một trong nhiều yếu tố đưa quốc gia này lún sâu vào khủng hoảng kinh tế và tài chính – một cuộc khủng hoảng mà Financial Times gọi là “khủng hoảng mãi mãi” vì dường như không có dấu hiệu kết thúc. Tương tự, vào tháng 6/2016, hai tháng trước khi khai mạc Olympic Rio 2016, chính quyền Rio de Janeiro tuyên bố tình trạng khẩn cấp để đảm bảo bổ sung ngân sách cho đại hội. Nguyên nhân là khi thành phố quyết định đăng cai Olympic, nền kinh tế Brazil vẫn còn đang đà tăng trưởng. Tuy nhiên gần một thập kỷ sau, quốc gia này ngập trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930 và thiếu ngân sách rót cho đại hội.
Dựa trên số liệu của 19 kỳ Olympic Games từ năm 1960 – 2016, giáo sư kinh tế ĐH Oxford Bent Flyvbjerg cho rằng, ngân sách đề xuất chỉ là mức tối thiểu và mang tính hư cấu. Bởi mỗi ngân sách được thiết lập với sự đảm bảo của thành phố và quốc gia đăng cai nhưng “sự đảm bảo này giống như viết một tờ séc trắng cho sự kiện”.
Đó là lý do vì sao càng ngày càng có ít các thành phố và các quốc gia đủ tiềm lực để trở thành chủ nhà của Olympic Games.
Làm gì để gìn giữ một di sản?
Trong vòng năm thập kỷ, các sự kiện thể thao lớn như Olympic Games đã gia tăng quy mô gấp 60 lần, sức tăng trưởng nhanh gấp 13 lần GDP toàn cầu, đi kèm với điều đó là doanh thu makerting tăng 160 lần, chi phí tổ chức tăng 20 lần, vượt xa mọi sự kiện văn hóa thể thao, truyền thông khác. Các chỉ số này khiến lo ngại về khả năng thương mại hóa của các sự kiện và chi phí vượt quá của chúng phủ bóng lên các sự kiện.
Nhưng nếu chỉ chăm chăm nhìn mọi vấn đề và sự kiện bằng các chỉ số kinh tế thì có lẽ, mọi dự án trên đời đều đáng ngờ và đầy rẫy rủi ro, và do đó, không đáng để đầu tư. Trên thực tế, rất nhiều sự kiện đem lại cho đời sống xã hội nước chủ nhà những giá trị không thể đong đếm được, ít nhất trong ngắn hạn. Và rất khó tách bạch được một cách rõ ràng những hệ quả tốt đẹp của một sự kiện thể thao toàn cầu đem lại cho một thành phố, một quốc gia. Những hiệu ứng từ nhận diện được hình ảnh quốc gia và những sản phẩm của nó sau một kỳ Olympics sẽ cần đến cả thập kỷ để phân định.
Tổng thư ký Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang lúc sinh thời, từng nhiều lần nhắc đến khái niệm di sản được IOC tích hợp vào các sự kiện Olympic. Là kết quả của một tầm nhìn, di sản Olympic bao gồm những lợi ích hữu hình và vô hình trong dài hạn được khởi xướng hoặc gia tốc từ việc đăng cai một kỳ Olympic cho mọi người, các thành phố và phong trào Olympic trước, trong và sau khi Olympics khép lại. Tại một sự kiện tổ chức ở Bảo tàng Olympic ở Lausanne, Chủ tịch IOC Jacques Rogge cho rằng “Đại hội còn có nhiều giá trị hơn cả một sự kiện thể thao quan trọng. Bên cạnh các giấc mơ và thành công của các vận động viên trẻ, đại hội đem lại một môi trường cho các nhà vô địch gieo hạt giống cho các thế hệ tương lai cũng như trân trọng trách nhiệm xã hội trong việc đảm đảo các thành phố đăng cai có được một di sản thực thụ”.
Có một hạn chế là không nhiều ban tổ chức Olympic tập trung vào gây dựng di sản này bởi phần lớn hoạt động của họ là để điều phối sự kiện và chống trả mũi dùi chỉ trích của báo chí vào những thiếu sót trong chiến lược tổ chức của mình. Trong khi đó, di sản của Olympic, được hay mất, thực ra thuộc về các cộng đồng địa phương hơn là một ban tổ chức Olympic. Việc sở hữu một di sản cần được thảo luận rộng rãi để đảm bảo các thành phố và các vùng tiếp tục có sự tăng trưởng kinh tế, sử dụng hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng, gia tăng nền tảng hiểu biết và tinh thần cộng đồng sau khi đại hội kết thúc. Ở đây, khía cạnh tinh thần của di sản Olympic được hi vọng sẽ lan truyền theo thời gian trong cộng đồng để cuối cùng trở thành một phần của thứ mà người ta vẫn gọi là vốn xã hội. Khi nhận biết được lợi ích xã hội tiềm năng của việc đăng cai một sự kiện lớn, ý tưởng đòn bẩy xã hội của di sản Olympic ngày được chú ý hơn bởi việc tối đa hóa cảm xúc của cộng đồng cư dân sau đại hội có thể tham gia vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống và vốn xã hội của nước chủ nhà. Một trường hợp điển hình là việc London, nơi đăng cai chính Olympic London 2012 đã nêu mục tiêu của mình là “để lại một di sản chủ chốt cho đất nước về văn hóa, thể thao, tinh thần tình nguyện, thương mại và thể thao”. Chính phủ Anh đã khởi xướng năm di sản chính đi kèm một chiến lược toàn diện: (1) Đưa Anh trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về thể thao; (2) Chuyển đổi trung tâm vùng Đông London; (3) Khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động tình nguyện, văn hóa và thể chất; (4) Đưa công viên Olympic thành nơi phù hợp cho cuộc sống bền vững; (5) Thể hiện một nước Anh sáng tạo, cởi mở để sống và làm việc. Sau đó, di sản thứ sáu được bổ sung là phát triển hơn nữa các cơ hội cho người khuyết tật bằng việc thay đổi sự chấp nhận của xã hội.
Tuy nhiên, trước khi đi đến được những mục tiêu lớn lao này, cần phải xem xét lại cách thức tổ chức Olympic để có thể vượt qua mọi quan điểm coi sự kiện thể thao này không thể trở thành sự kiện bền vững trong xã hội hiện đại. IOC cũng nhận ra điều này và tổng thư ký IOC đương nhiệm Thomas Bach, nhà cựu vô địch Olympic kiếm liễu Đức, đã đưa ra những cải cách về Olympic Games. Tính bền vững trở thành một trong ba trụ cột của Olympic Agenda 2020, và Olympic Agenda 2020 + 5 nhằm “đảm bảo cho Olympic Games trở thành tiên phong trên lĩnh vực bền vững” bởi “xã hội ngày nay đòi hỏi các tổ chức và các sự kiện nhiều hơn trước đây”. Theo quan điểm của ông, việc trở nên bền vững là “chúng ta cần ứng phó bằng việc hướng tới sự bền vững và đem đến những di sản tích cực, dài hạn cho các cộng đồng địa phương. Chúng ta đặt trọng tâm vào sự bền vững, di sản và khiến cho các thành phố chủ nhà trở nên dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh các đại hội phù hợp với nhu cầu của họ hơn là cố gắng cho vừa với một khung có sẵn. Các thành phố phải xác định được việc sử dụng di sản hậu Games ở mọi địa điểm tổ chức để đảm bảo việc đầu tư cho đại hội đem lại lợi ích cho thành phố, cho vùng và các cư dân của nó về dài hạn”.
Một bài báo trên Nature Sustainability đã đề xuất một cách thức có thể để Olympic Games thêm bền vững thông qua việc giảm thiểu các nguồn lực tổ chức, trong đó có tài chính, và cải thiện khả năng vận hành một đại hội. Là một phần của dự án “Sports for the planet? The sustainability of major sports events” (Thể thao cho hành tinh? Sự bền vững của các sự kiện thể thao lớn), được Quỹ KH Quốc gia Thụy Sĩ tài trợ, giải pháp do GS. Martin Müller, ĐH Lausanne, nghiên cứu về khía cạnh đô thị của chuyển đổi bền vững, đề xuất trong bài báo mà anh tin là có thể đem lại cải thiện đáng kể về tính bền vững.
Thứ nhất, giảm quy mô sự kiện. Điều này dẫn đến việc gia tăng hầu như đầy đủ các chỉ số bền vững thông qua giảm thiểu các yêu cầu về nguồn lực. Quan trọng hơn, nó cũng sẽ làm giảm quy mô, chi phí của những cơ sở hạ tầng mới và qua đó, loại bớt phát thải carbon của những người tham gia, giảm được vết sinh thái của đại hội. Điều này giúp giải quyết được vấn đề chi phí vượt quá dự tính và giảm việc phải di dời nhà ở cho các công trình đó. Ngoài ra, việc giảm số lượng người xem trực tiếp ở các địa điểm tranh tài cũng có thể giúp giảm chi phí an ninh, giao thông và ban tổ chức có thể bù đắp cho người yêu thể thao các hình thức truyền thông số phổ biến.
Thứ hai, luân phiên tổ chức Olympic giữa các thành phố tương đồng về quy mô, năng lực tổ chức. Cách này có thể áp dụng với việc mọi cơ sở hạ tầng ở các thành phố đều sẵn sàng và Olympic Games có thể diễn ra mà ít ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nhất và ở mức chi phí tối thiểu.
Thứ ba, cải thiện sự quản trị bền vững. Điều này sẽ giúp tạo ra một tổ chức độc lập hoặc được ủy quyền để phát triển, giám sát và tăng cường các tiêu chuẩn bền vững. Nó cũng cải thiện tình trạng hiện nay, khi mỗi thành phố hay quốc gia chủ nhà đều thiết lập các mục tiêu bền vững nhưng lại không chịu trách nhiệm nếu không đạt được các mục tiêu đó.
Cái nhìn của chuyên gia về tính bền vững của các sự kiện lớn và các thiết chế văn hóa có giao thoa với các chuyên gia kinh tế không? GS. Bent Flyvbjerg đề xuất, IOC và chủ nhà tương lai phải hiểu được sự tồn tại của chi phí vượt quá; cần có quỹ dự phòng lớn cho Olympics; IOC phải giữ vai trò lớn hơn về chi phí với Olympic; thời gian chuẩn bị cho Olympic ngắn hơn, dưới bảy năm; giải quyết hội chứng “người bắt đầu vĩnh viễn” bằng việc luân phiên tổ chức ở một số nơi nhất định; và các chủ nhà có thể loại bỏ rủi ro bằng cách từ chối đăng cai.
Rõ ràng, IOC cần phải làm rất nhiều điều để có thể tiếp tục vận hành con tàu di sản Olympic.□
——–
Tài liệu tham khảo:
Martin Müller et al. “An evaluation of the sustainability of the Olympic Games”. Nature Sustainability.
Martin Müller et al. “Peak event: the rise, crisis and potential decline of the Olympic Games and the World Cup”. Tourism Management.
Bent Flyvbjerg et al. “Regression to the tail: Why the Olympics blow up”. Environment and Planning A: Economy and Space.
Nola Agha et al, “Considering legacy as a multi-dimensional construct: The legacy of the Olympic Games”. Sport Management Review.
Victor Matheson and Andrew Zimbalist. “Why Cities No Longer Clamor to Host the Olympic Games”.