Phát hiện di chỉ của người Hòa Bình tại Điện Biên

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một hang động có vết tích cư trú của người Hòa Bình ở Điện Biên. Phát hiện này bổ sung những nhận thức mới về quá trình người Hòa Bình di cư, sinh sống trong các hang động ở miền Bắc Việt Nam đồng thời có thể góp phần tìm hiểu về quá trình mở rộng địa bàn sinh cư của cư dân tiền Đông Sơn vào khu vực này.


Cửa hang Thẳm Tâu. Ảnh: Phạm Thanh Sơn.

Đợt điều tra điền dã tháng 4/2021 của Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Điện biên, Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên đã phát hiện thêm một di chỉ có cả dấu vết người Hòa Bình và những hiện vật gốm có thể thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn (niên đại 3000 năm cách ngày nay) tại hang Thẳm Tâu, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

 
Kết quả khảo sát và đào thám sát ở hai khoang của hang Thẳm Tâu cho thấy, tầng văn hóa (tầng văn hóa: các tầng có chứa hiện vật của các thời kỳ khác nhau) dày trên 1.5m, gồm các giai đoạn văn hóa khác nhau. Các công cụ đá của người Hòa Bình xuất hiện ở mọi độ sâu của tầng văn hóa. Hiện vật đồ gốm – thuộc giai đoạn muộn hơn chỉ được phát hiện ở tầng bề mặt tới độ sâu khoảng 40cm. Gốm được trang trí văn thừng, hoa văn kết hợp với trang trí khắc vạch và in chấm có nhiều nét tương đồng với gốm của giai đoạn tiền Đông Sơn.
 
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã phát hiện di cốt người cùng với rất nhiều mảnh vụn xương cốt của cả các loài động vật, thú ăn thịt nhỏ và các loài nhuyễn thể. Từ những xương cốt, vỏ nhuyễn thể còn sót lại, có thể đoán biết được người sinh sống trong hang Thẳm Tâu săn bắt cả các loài hươu, nai, chim, khỉ, lợn, sóc, hoẵng, trai ốc nước ngọt, ốc núi, rùa và cá. Cấu tạo địa tầng của hố thăm dò còn cho thấy ít nhất có hai giai đoạn cư trú bị giãn cách vì giữa hai giai đoạn cư trú có lớp canxi cacbonat dày từ 5cm tới 10cm. 

Công cụ đá ghè đẽo phát hiện tại hang Thẳm Tâu. Ảnh: Phạm Thanh Sơn.
 
Các kết quả thăm dò sơ bộ cho thấy, bằng chứng của giai đọan chiếm cư muộn nhất tại hang Thẳm Tâu có thể thuộc thời kỳ tiền Đông Sơn, có niên đại khoảng 3000 năm cách ngày nay. Giai đoạn sớm nhất của quá trình cư trú của người Hòa Bình thì sẽ cần các kết quả nghiên cứu chuyên sâu thông qua khai quật khảo cổ học kết hợp với các nghiên cứu liên ngành để xác định niên đại, cũng như tìm hiểu bối cảnh cổ môi trường để nghiên cứu sự thích nghi và ứng xử của cư dân cổ lúc bấy giờ. Hiện tại có thể đặt ra giả thiết là hang Thẳm Tâu được người Hòa Bình cư trú, sau đó lại được tái sử dụng bởi những cư dân tiền Đông Sơn trong quá trình mở rộng và tìm kiếm địa bàn sinh cư.
 
Trong số hơn 130 di chỉ về người Hòa Bình được phát hiện ở Việt Nam, hang Thẳm Tâu có vị trí khá đặc biệt, vì là một trong số các hang hiếm hoi có cả dấu vết cư trú của người Hòa Bình và người Tiền Đông Sơn. Cùng với Thẳm Tâu ở Điện Biên, di tồn văn hóa vật chất của cư dân tiền Đông Sơn cũng được phát hiện tại Hang Tọ ở Sơn La. Đây là vấn đề mà các nhà nghiên cứu khảo cổ học phải tiếp tục làm rõ.  


Mảnh gốm Tiền Đông Sơn. Ảnh: Phạm Thanh Sơn. 

 
Từ năm 1930 tới nay, số lượng di tích phát hiện thuộc văn hóa Hòa Bình ở nước ta là khoảng 130. Bên cạnh đó, phạm vi phân bố còn được phát hiện lẻ tẻ ở hầu hết các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á lục địa và một phần của Nam Trung Quốc, niên đại kéo dài từ khoảng 40 ngàn năm tới 4000 năm cách này nay. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi về người Hòa Bình, như họ từ đâu đến Việt Nam và Đông Nam Á? Về sau họ di cư đi đâu? Họ có để lại dấu vết nào trong các nền văn hóa khảo cổ học sau này như Tiền Đông Sơn, Đông Sơn hay không đều cần tiếp tục phải được đi sâu tìm hiểu. Các nhà khoa học, ở các chuyên ngành khảo cổ học, giải mã hệ gene đều đang nỗ lực tìm kiếm bằng chứng để giải mã những vấn đề này.
 
Phạm Thanh Sơn (Viện Khảo cổ học)

Tác giả