Sản xuất vi mạch ở Việt Nam (kỳ 2): Chuẩn bị nguồn nhân lực thế nào?

Với thực trạng nhân lực sản xuất còn chưa sẵn sàng và đại đa số đội ngũ kỹ sư thiết kế vi mạch mới chỉ dừng lại chủ yếu ở gia công các công đoạn khác nhau, Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch như thế nào và phải chuẩn bị gì về nguồn nhân lực?

Đào tạo cơ điện tử ở Đại học Công nghệ TP.HCM. Ảnh: Hutech.edu.vn

“Đào tạo đi trước một bước”

Hiện tại, xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hay cá nhân hóa các thiết bị tiêu dùng, các phương thức điều trị bệnh tật, cũng như triển vọng phổ biến các loại xe thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh… sẽ là những động cơ mới thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn. Để đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng này, các con chip sẽ ngày càng được thiết kế phức tạp hơn và được sản xuất với số lượng nhiều hơn. Điều đó sẽ kéo theo nhu cầu về nhân lực trong ngành này tiếp tục tăng ở quy mô toàn cầu.

Trong kỳ trước chúng tôi đã phân tích, chúng ta đang có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Nhìn lại những kinh nghiệm có được, chúng ta có thể thấy nguồn lực lớn nhất của chúng ta trong ngành bán dẫn chính là nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế. Lực lượng này đóng vai trò “mỏ neo” giữ chân các công ty tên tuổi ở lại Việt Nam. Nhưng cũng có thể tạm hiểu đây là “những đội quân đánh thuê” riêng lẻ, trưởng thành qua các “môi trường” đào tạo khác nhau. Vậy ứng xử của Việt Nam như thế nào trước những kết quả và những cơ hội mà thời cuộc đem lại? Việt Nam cần xây dựng một đội ngũ của riêng mình, bổ sung thêm vào đội ngũ hiện có ra sao?

Nắm trong tay yếu tố độ tuổi vàng của dân số và chi phí vốn (nhân công) còn khá hợp lý, có thể nói nguồn nhân lực là thứ Việt Nam có thể đóng góp khi tham gia sân chơi bán dẫn hiện nay. “Đào tạo luôn cần đi trước một bước”, câu nói kinh điển này được đặt vào bối cảnh “đào tạo” nguồn nhân lực bán dẫn đang được ví như là một lĩnh vực kinh doanh, trong đó học sinh là khách hàng còn nhà trường là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo. Vậy trong hành trình “đi trước một bước” ấy của ngành bán dẫn, chúng ta cần phải chú trọng vào những yếu tố gì? nguồn nhân lực ấy phải đáp ứng được những nhu cầu gì của thị trường bán dẫn?

Để trả lời được câu hỏi này, trước hết, nếu đứng ở khía cạnh doanh nghiệp, chúng ta có thể tạm chia nhu cầu nhân lực làm hai: một là nhu cầu tuyển kỹ sư có kinh nghiệm do nhu cầu các dự án cấp bách cần người vào làm ngay; hai là nhu cầu tuyển kỹ sư mới ra trường hằng năm phục vụ nhu cầu cho chiến lược phát triển lớn mạnh trong dài hạn của doanh nghiệp.

Đứng ở khía cạnh các cơ sở đào tạo, chúng ta chỉ có thể tạo ra “tân binh” theo nhu cầu của doanh nghiệp chứ khó có nhà trường nào tạo ra ngay chiến binh dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Ở đây, vai trò của đào tạo là “vai trò hỗ trợ” chứ không thể thay thế được vai trò của công ty trong việc tăng trưởng số lượng kỹ sư bởi doanh nghiệp sẽ giúp đào tạo đẩy nhanh quá trình trưởng thành của các kỹ sư mới sau khi ra trường. Do đó, khuyến nghị đầu tiên cho đào tạo là hết sức chú ý củng cố kiến thức nền tảng định hướng vi mạch cho học sinh, sinh viên.

Đội ngũ làm vi mạch hiện nay không phải ai khác ngoài khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế, nên câu hỏi đặt ra ngay lúc này là làm sao tập hợp được, khuyến khích được, biết được đội quân này thiếu gì, cần gì, cũng như thúc đẩy phát triển đội ngũ này đông lên, phát triển lượng sẽ dẫn đến phát triển chất.

Nền tảng cơ bản mà các cơ sở đào tạo cung cấp cho người học là kiến thức có trong sách giáo khoa. Tôi cho rằng, sách giáo khoa thường thì ở đâu cũng thế, không có chuyện kiến thức sách giáo khoa của Mỹ hơn kiến thức sách giáo khoa của Việt Nam nhưng điểm làm nên khác biệt là ở chỗ tương tác với sách như thế nào. Qua quan sát các bạn sinh viên Việt Nam và nước ngoài nhiều năm, tôi thấy dường như sinh viên Việt Nam chỉ chăm chăm đọc để hiểu/nắm được nội dung (rồi cũng nhanh chóng quên) mà ít chịu khó làm bài tập. Có một sự thật là nếu một bạn sinh viên chịu khó làm bài tập thì khi phỏng vấn tuyển dụng sẽ có nhiều nội dung trao đổi hơn và tự tin hơn so với bạn ít làm bài tập sách giáo khoa. Vậy nên nếu các giảng viên kiên trì, nghiêm khắc giao bài tập trong sách giáo khoa và nghiêm túc kiểm tra đối với sinh viên thì chúng ta sẽ có những thế hệ kỹ sư nắm chắc các kiến thức nền tảng rất cần thiết cho quá trình làm việc sau này trong ngành vi mạch.

Ảnh: Shutterstock.

Khuyến nghị thứ hai là các cơ sở đào tạo nên bắt tay với doanh nghiệp càng nhiều càng tốt trong đào tạo các môn học định hướng vi mạch, qua đó các bạn sinh viên sẽ được làm quen, biết cách sử dụng phần mềm, công cụ chuyên dụng và có cơ hội tương tác với nhà tuyển dụng tương lai, góp phần tăng tỷ lệ được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Đó là những khuyến nghị mang tính dài hạn, khi nhìn vào việc mỗi năm Việt Nam có nửa triệu học sinh đăng ký học đại học, và số lượng không nhỏ sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo về điện, điện tử, kỹ thuật máy tính, vật lý kỹ thuật, … ra trường. Còn với đội ngũ 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch hiện có? Người làm vi mạch hiện nay không phải ai khác ngoài lực lượng này, nên câu hỏi đặt ra ngay lúc này là làm sao tập hợp được, khuyến khích được, nắm bắt được đội ngũ này thiếu gì, cần gì, cũng như thúc đẩy phát triển đội ngũ này đông lên, phát triển lượng sẽ dẫn đến phát triển chất.

Do đó, khuyến nghị thứ ba chính là các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình huấn luyện nâng cao năng lực, hay nói cách khác là “nâng cấp” đội ngũ 5.000 kỹ sư đang tham gia ở tất cả các công đoạn thiết kế, từ đơn giản đến phức tạp, lên một trình độ cao hơn. Nếu Việt Nam có chính sách đột phá, khuyến khích các công ty cử các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm đi học, đi bồi dưỡng tập huấn nâng cao, vv. thì chính họ sẽ có năng lực giải được những bài toán hóc búa cụ thể của doanh nghiệp.

Đó là một cơ hội rất lớn cho cả các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng có câu hỏi đặt ra là liệu khuyến nghị này có thực tế không bởi nó còn phụ thuộc vào việc 5.000 kỹ sư có muốn đi học thêm? công ty có sẵn sàng cử người đi học? cơ sở đào tạo có sẵn sàng nhận đào tạo đội ngũ này?

Nhìn vào lịch sử phát triển của ngành bán dẫn, chúng ta có thể nói khởi nguồn ngành này là từ Mỹ, sau đó chuyển dịch tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Là một người làm việc trong ngành bán dẫn nhiều năm, tôi thấy rằng châu Á sẽ là nơi định hình lĩnh vực này trong tương lai, xét ở khía cạnh thị trường người mua hàng cuối và lợi thế về chi phí vốn bỏ ra. Việt Nam nằm ở vị trí rất thuận lợi của châu Á nên đã xuất hiện những công ty, tập đoàn lớn quyết định đặt trung tâm nguồn lực quan trọng ở Việt Nam. Do đó, kỹ sư người Việt/gốc Việt nắm giữ những vị trí có thể tác động được tới chính sách của công ty, một điều thuận lợi để các cơ sở đào tạo có thể chủ động bắt tay, phối hợp, hỗ trợ, thúc đẩy và tận dụng các chương trình đào tạo nội bộ của chính các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam.

Trong Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, chúng ta đang đặt mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030. Tuy nhiên mục tiêu 50.000 hay 100.000 sẽ không thực tế nếu chúng ta không có 50.000 hay 100.000 việc làm bán dẫn, vì thực chất vấn đề này là bài toán đầu ra cho nguồn nhân lực chứ không hẳn là vấn đề đào tạo. Điều này liên quan đến thu hút đầu tư và cần có chính sách vĩ mô cho ngành bán dẫn.

Chính sách vĩ mô cho ngành bán dẫn

Mặc dù sau thất bại của Nhà máy Z181 vào những năm 1990, Việt Nam chưa có chính sách nào lớn định hướng cho ngành bán dẫn phát triển nhưng trong mấy chục năm qua, các công ty trong lĩnh vực này vẫn bén rễ và Việt Nam đã có được đội ngũ 5.000 kỹ sư thiết kế. Vậy có cần chính sách định hướng nào không cho tương lai? Tôi thấy rằng, về cơ bản, dẫu các công ty đang kinh doanh ổn định nhưng vẫn ở trong tình trạng công ty nào biết công ty đấy, thế hệ nào biết thế hệ đấy, việc tôi tôi làm, việc anh anh làm. Để vi mạch trở thành một trong những đặc điểm nhận diện thương hiệu quốc gia và có đóng góp quan trọng vào GDP thì không thể thiếu vai trò của chính phủ.

Trong thời gian qua, ở rất nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, trao đổi lớn nhỏ khác nhau, người trong ngành bán dẫn tranh luận nhiều về vai trò của chính phủ đối với sự phát triển của ngành. Rất nhiều ý kiến cho rằng chính phủ chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, nhiều ý kiến cho rằng chính phủ nên tài trợ thông qua các chương trình và dự án lớn. Nhìn vào sự phát triển của ngành bán dẫn, tôi cho rằng, nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, tuy nhiên việc hỗ trợ ai, doanh nghiệp nào, hay ai cũng hỗ trợ cần được xem xét.

Do đó, tôi khuyến nghị dưới góc độ quản lý nhà nước, trước mắt, chính phủ có thể tập trung vào hai nhóm chính sách sau: (1) nhóm chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế chip; và (2) nhóm chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nước, hoặc khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ở cấp độ cụ thể hơn, đó là các chính sách thiết thực:

– Chính sách ưu đãi giảm thuế thu nhập cá nhân để thúc đẩy việc thu hút kỹ sư, chuyên gia vi mạch ở lại Việt Nam làm việc. Khi chưa có nền tảng gì đáng kể thì càng phải hỗ trợ, phát triển lực lượng kỹ sư thiết kế mà chúng ta đang có. Trong khi mặt bằng chung thu nhập của kỹ sư ở Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước thì thuế thu nhập cá nhân của chúng ta lại khá cao, điều này đang không hấp dẫn các kỹ sư có kinh nghiệm ở lại Việt Nam làm việc, cũng như không thu hút sinh viên theo học lĩnh vực bán dẫn. Việt Nam đang tạo ra bất lợi về chính sách trong cuộc đua thu hút các kỹ sư vi mạch có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam. Duy trì và phát triển được đông đảo đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm ở Việt Nam sẽ là chìa khóa then chốt để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.

– Hỗ trợ, thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử, sao cho bất kể là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam hay các doanh nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động trực tiếp làm về lĩnh vực vi mạch và bất kế lớn hay nhỏ đều dễ dàng nhận được ưu đãi từ các chính sách thuế và hạ tầng của chính phủ. Việc này góp phần tạo ra nhu cầu tiêu dùng nội địa với các sản phẩm chip vi mạch do kỹ sư Việt Nam thiết kế chế tạo sản xuất. Chính sách này cũng sẽ thúc đẩy tính liên kết hợp tác giữa các tập đoàn doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái phát triển các sản phẩm vi mạch trong nước.

– Chính sách hỗ trợ bằng tiền chuyển trực tiếp hoặc khấu trừ thẳng vào các loại thuế doanh nghiệp phải đóng đối với các doanh nghiệp tham gia phối hợp với nhà trường trong các hoạt động đào tạo vi mạch. Ví dụ tham gia xây dựng và giảng dạy các môn học thiết kế chế tạo vi mạch; cử kỹ sư đi học cao học, tiến sĩ; hỗ trợ cho sinh viên được trải nghiệm công việc dự án thực tế; hỗ trợ những hoạt động chế tạo thử; vv.

– Đơn giản hóa thủ tục visa, thẻ cư trú đối với kỹ sư chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực bán dẫn tại các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia,… khi tới làm việc ở Việt Nam.

– Thành lập, bảo trợ hoạt động của một hiệp hội công nghệ vi mạch bán dẫn Việt Nam (hiện Việt Nam mới có Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM – HSIA) nhằm tạo ra đầu mối thông tin nhất quán, chính thống, thuận tiện cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước mong muốn tìm hiểu đóng góp phát triển lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam; đồng thời bổ sung, tham mưu hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển ngành bán dẫn.

– Chính phủ lập quỹ hỗ trợ các start-up vi mạch nội địa, ví dụ bạn nào có ý tưởng thì sẽ nhận được một khoản đầu tư thiên thần vào khoảng 100 tỷ (4 triệu USD), sau đó kết nối kêu gọi các nguồn lực khác đầu tư cùng.

Việt Nam có nên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực sản xuất bán dẫn không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn vào tính chất đặc biệt của ngành bán dẫn, nơi các quá trình từ thiết kế, chế tạo, kiểm tra, đóng gói để hình thành một sản phẩm có sự chuyên môn hóa rất cao. Vì vậy, nếu bàn về việc đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất bán dẫn, làm việc ở các nhà máy sản xuất thì chúng ta phải làm rõ việc mình cần nguồn nhân lực cụ thể gì? Lấy ví dụ một nhà máy bất kỳ thì có thể thấy nhu cầu nhân lực của nhà máy đó là bộ phận nghiên cứu phát triển, đổi mới quy trình sản xuất, bộ phận kỹ thuật bảo trì máy móc, bộ phận kiểm soát chất lượng, các phân xưởng… Tùy vào quy mô, đặc thù sản xuất của nhà máy mà yêu cầu nhân sự về số lượng, kỹ năng, trình độ ở mỗi bộ phận sẽ khác nhau.

Hiện tại chưa có nhà máy chế tạo chip nào ở Việt Nam, như vậy về nguồn lực con người chúng ta chưa sẵn sàng. Nhà máy đóng gói kiểm thử ở Việt Nam đã có nhưng nếu tuyển kỹ sư tốt nghiệp đại học vào chỉ để đứng một chỗ 8 tiếng một ngày, quan sát các đèn báo hiệu trên dây chuyền xem có bất thường gì không, nếu có thì xử lý theo bộ quy tắc thuộc lòng như bảng cửu chương thì đấy là một sự bất hợp lý trong việc phân công lao động, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Bất cứ một công ty nào định xây dựng nhà máy ở Việt Nam cũng sẽ có một khoảng thời gian 1-2 năm cho việc chuẩn bị nguồn lực. Thông thường, việc chuẩn bị nhân lực sẽ được tiến hành song song với xây dựng nhà máy. Vì vậy, Việt Nam nên chủ động tìm hiểu, khảo sát nhu cầu cụ thể của các đối tác khi tiến hành xúc tiến thu hút đầu tư để chuẩn bị và đề xuất nguồn nhân lực phù hợp.

Riêng với nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam nên hợp tác với các đối tác để cấp học bổng, cử các bạn sinh viên ra nước ngoài học, thực tập và làm việc tại nước ngoài trước, thay vì tự chuẩn bị ở trong nước.

Bài đăng trên KHPT số 26/2024

Xem kỳ 1: Sản xuất vi mạch ở Việt Nam: Cơ hội có thực cho nguồn nhân lực?

Tác giả

(Visited 214 times, 2 visits today)