Singapore: Phai nhạt truyền thống dưới mái chợ  

Những khu chợ truyền thống có gì hấp dẫn, và sẽ thế nào nếu một ngày chúng biến mất?

Giới trẻ Singapore ngày một ít đi chợ hơn trước.

Đều đặn mỗi sáng sớm cuối tuần, khi bạn bè hãy còn đang vùi mình trong chăn ấm, chị Xienny – một cư dân khu quy hoạch Thung lũng Sông – đã áo mũ chỉnh tề để sẵn sàng bước ra cửa. Đích đến của chị là khu phố ẩm thực Tiong Bahru, nơi chị sẽ tiến hành hoạt động mà bản thân đã mong chờ cả tuần: đi chợ. Đúng vậy, đều như vắt tranh, mỗi cuối tuần Xienny lại ghé chợ Tiong Bahru, nơi chị là khách quen của nhiều tiểu thương. Họ kể chị nghe những câu chuyện quá khứ, chỉ cho chị các loại trái cây và rau quả từ các quốc gia khác nhau và thỉnh thoảng “dúi” cho chị một vài thức quà miễn phí để ăn thử. 

Xienny cho biết những cuộc trò chuyện này không thể có được nếu bạn đi siêu thị, song không phải ai cũng “đánh giá cao” chúng. Nhiều người quan niệm rằng “đi chợ truyền thống nghe quá ‘cổ lỗ sĩ’”. Chị cũng nhận thấy hầu như không có khách hàng nào ở độ tuổi của chị dạo bước quanh những khu chợ này. 

Người phụ nữ 32 tuổi có niềm yêu thích mãnh liệt với các khu chợ truyền thống, hy vọng rằng dù nhu cầu đi chợ của người dân đã giảm sút, những khu chợ cũng sẽ không biến mất hoàn toàn. 

Chợ truyền thống đã thành quá vãng?

Tháng trước, một số chủ gian hàng tại Trung tâm Tekka – nơi tọa lạc của một trong những khu chợ bán đồ tươi sống lớn nhất Singapore – đã quyết định ngừng kinh doanh khi khu phức hợp tạm thời đóng cửa vào ngày 3/7 để cải tạo trong ba tháng. Việc đóng cửa ảnh hưởng đến 284 quầy hàng trong chợ và 119 người bán hàng rong. Người phát ngôn của Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) nói với CNA rằng chỉ có sáu chủ gian hàng trong số đó tạm thời chuyển đến các trung tâm và khu ẩm thực khác như Toa Payoh, Geylang Bahru và Khu Phố Tàu.

Một số người cho rằng sự lụi tàn của chợ truyền thống là điều tất yếu – một cuộc khảo sát năm 2018 do NEA thực hiện cho thấy người dân ngày càng thờ ơ với các khu chợ này. Kết quả cho thấy, 39% số người được hỏi chia sẻ rằng họ chưa từng ghé qua các khu chợ truyền thống trong năm qua. Cuộc khảo sát trước đó vào năm 2016 và 2014 cũng cho kết quả tương tự, lần lượt là 33% và 23%.  

Đại diện của NEA cho biết xu hướng và sở thích của người tiêu dùng đã thay đổi, một phần do nhân khẩu học thay đổi, và một phần do người dân đang có nhiều lựa chọn thay thế như siêu thị và nền tảng bán hàng trực tuyến. Vào năm 2011, khi chính phủ tuyên bố rằng họ sẽ khởi động lại việc xây dựng các khu ẩm thực đường phố (hawker centre – nơi tập hợp các quán ăn đường phố một cách quy củ, đây là một nét văn hóa độc đáo của Singapore), các nhà quản lý đã tập trung vào việc tăng số lượng các quầy hàng thực phẩm nấu chín – thay vì thực phẩm tươi sống.

Ít khách hàng trẻ tuổi

Phó giáo sư Charlene Chen, nhà tâm lý học xã hội và tiêu dùng thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, chỉ ra rằng các khu chợ bán đồ tươi sống “vẫn tấp nập” vì họ có một phân khúc phục vụ riêng, chẳng hạn như người thuộc thế hệ cũ và người giúp việc trong gia đình. Nhưng bà quan sát thấy thế hệ trẻ hầu như không đến những khu chợ này. 

Việc bán buôn ở chợ ngày càng ế ẩm.

Nhiều tiểu thương cũng đã phác họa một bức tranh tương tự về sự lạnh nhạt của giới trẻ đối với các khu chợ tươi sống. Chủ sở hữu của quầy hàng Joe’s Butchery tại Trung tâm Tekka, ông David Johari, là một trong những người quyết định không chuyển đến một địa điểm tạm thời trong thời gian trung tâm cải tạo vì ông nghĩ rằng không đáng để làm vậy chỉ vì một khoản tiền nhỏ. Quầy hàng của ông Johari cần có một mặt tiền lớn phía trước và các thiết bị như máy làm lạnh, tủ đông và tủ trưng bày. Ông sẽ phải phá dỡ vách ngăn ở địa điểm thuê tạm thời để có đủ không gian lắp đặt thiết bị, và sau đó lại phải khôi phục mọi thứ về tình trạng ban đầu khi Trung tâm Tekka đã cải tạo xong. Đó là chưa kể ông sẽ phải thuê công ty vận chuyển. 

Ông Johari thừa nhận rằng các con ông “không thích” công việc kinh doanh của cha, nhưng điều đó không khiến ông phiền lòng. Người đàn ông 69 tuổi, người đã bắt đầu làm việc tại những khu chợ bán đồ tươi sống từ năm 12 tuổi vì đó là niềm đam mê của mình, cho biết không có gì đảm bảo rằng công việc kinh doanh của ông ở khu chợ này sẽ tiếp tục sinh lời. 

Ông Lim Chun Liang, người bán thịt lợn ở chợ trên đường Ghim Moh từ năm 1977, lo ngại rằng chợ tươi sống có thể bị “tuyệt diệt”. Giờ đây, khi ông đã bước sang tuổi 72, số lượng khách hàng đến chợ ngày càng giảm. Dẫu biết việc chợ truyền thống không còn được yêu thích như xưa là điều “không thể tránh khỏi”, nhưng ông vẫn hy vọng chính phủ sẽ bảo tồn các khu chợ. “Đừng để nền văn hóa này phai nhạt. Càng truyền thống thì càng tốt.” 

Bằng kinh nghiệm của mình, ông Lim bày tỏ niềm lạc quan rằng những người trẻ tuổi sẽ đến với chợ truyền thống khi họ già đi. Họ sẽ hồi tưởng lại những ngày thơ ấu khi cha mẹ họ chọn lựa từng cọng hành, con cá ở chợ; và quyết định quay lại làm điều tương tự cho con cái họ. “Vì vậy, không phải là những người trẻ tuổi không muốn mua đồ ở các khu chợ. Chỉ là thời điểm thích hợp chưa đến mà thôi.” 

Từ góc độ hành vi của người tiêu dùng, giá trị của chợ bán đồ tươi sống nằm ở mối quan hệ gắn bó người mua người bán

Tuy nhiên, điều hành việc kinh doanh lại là chuyện khác. Ông Lim không có ý định truyền lại gian hàng của mình cho ba cô con gái, bởi họ không quan tâm đến việc tiếp quản nó. Ông cho rằng cách duy nhất để công việc kinh doanh có thể tiếp tục là bán nó cho người ngoài gia đình.

Không phải ai cũng gặp khó khăn khi tìm người kế vị việc kinh doanh trong gia đình. Tréo ngoe thay, mặc dù Delonix Tan, một thanh niên 25 tuổi có ý định tiếp quản quầy bán cá viên của bố mẹ anh, nhưng bố mẹ lại không đồng ý đáp ứng nguyện vọng này. Thông qua tài khoản trên TikTok, Instagram và Facebook, anh Tan thường đăng tải những thước phim về cuộc sống của một tiểu thương ở chợ bán đồ tươi sống. Bất chấp nỗ lực trên, sự chú ý của cư dân mạng không giúp tăng đáng kể lượng khách hàng.  

“Bố mẹ tôi lo sợ rằng đây là con đường mù mịt chẳng đến đâu. Trước đây việc buôn bán rất ổn… Bây giờ nó ngày càng ế ẩm. Họ không tin việc kinh doanh có thể khởi sắc trong tương lai. Họ tin rằng thời của chợ truyền thống đã qua”, anh Tan nói với CNA.

Anh Tan cũng nhận thấy một sự thật rằng ngày càng có ít người đến chợ truyền thống, đặc biệt là “khi những người thuộc thế hệ cũ qua đời” trong những năm qua. Những khách hàng trẻ thường ở độ tuổi 30 – và họ không ghé thường xuyên vì họ có nhiều lựa chọn hơn so với những người lớn tuổi đã quen đi chợ. 

Do đó, gian hàng bán cá viên chiên chỉ mở cửa bốn ngày một tuần – Thứ ba, Thứ năm, Thứ bảy và Chủ nhật – vì “cớ gì phải mở nhiều ngày như vậy khi khách hàng chẳng có mấy mống”, anh tự giễu. 

Anh cho rằng lý do những người trẻ ở độ tuổi của anh không đến chợ bán đồ tươi sống có thể tóm tắt ở ba từ: Sạch sẽ, tiện lợi và thoải mái. 

Sạch sẽ, tiện lợi, thoải mái

Ngay cả những người thích đi chợ cũng hiểu một khu chợ truyền thống điển hình có những đặc điểm gì mà có thể khiến nhiều người không cảm thấy thoải mái khi đến đây. 

Xienny đã đến thăm Trung tâm Tekka trước khi nó đóng cửa để cải tạo, và chị vẫn nhớ rằng nơi này “không vệ sinh lắm, khá bẩn và cực kỳ hôi hám”, đặc biệt là xung quanh các khu bán hải sản. Và khi chị đến thăm một khu chợ tươi sống ở Toa Payoh, vẻ sập sệ của nó khiến chị không muốn nán lại lâu. Nhưng chị nhấn mạnh khu chợ quen của mình – Chợ Tiong Bahru – là điểm giao thoa lý tưởng giữa chợ truyền thống và siêu thị. “Đó là một ví dụ điển hình về cách cải thiện các khu chợ bán đồ tươi sống”, chị đồng thời chỉ ra một ưu điểm lớn của nó đó là nhập đa dạng các mặt hàng từ khắp nơi trên thế giới.

Một người vẫn đều đặn đến chợ truyền thống, bà Siti Mariah, cho biết bà thích thực phẩm tươi ở chợ hơn ở với siêu thị, nhưng các khu chợ hiện nay không sạch sẽ như khu chợ ở  phố Telok Blangah mà trước đây bà vẫn hay đi. 

Một người bạn của Siti cũng đồng ý rằng bà hiếm khi gặp những khách hàng trẻ tuổi. Bà mẹ hai con cho biết, cô con gái 20 tuổi nói với bà rằng mình thích đi siêu thị vì ở đó có máy lạnh và nhiều loại hàng hóa hơn. “Con bé cho rằng vì đồ ăn được đóng gói sẵn nên trông sạch sẽ hơn… Nhưng đó chỉ là con bé nghĩ vậy. Chúng ta phải tự mình trải nghiệm (để xác định) xem đồ ăn có tươi hay không”, bà kể.

Sự bất tiện khi đến chợ truyền thống cũng là một vấn đề mà Xienny đã nghe được từ bạn bè của mình. Họ tỏ ra ngạc nhiên khi biết rằng chị vẫn còn đi chợ, họ cho rằng siêu thị “thuận tiện hơn nhiều” vì một số mở cửa xuyên đêm.

Anh Tan nói thêm rằng nhiều người có thói quen mua sắm trực tuyến mặc dù họ ủng hộ việc bảo tồn chợ truyền thống. “Tại sao bạn lại phải đến tận nơi để mua đồ? Khi bạn đã quen với việc mua hàng trực tuyến thì bạn sẽ thấy nó rất tiện lợi. Bạn thậm chí không cần phải bước ra khỏi cửa. Chỉ cần nằm trên giường, nhấn vài nút – hàng hóa đã được đặt trước nhà,” anh nói. “Chúng tôi (chợ truyền thống) chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định, vào sáng sớm.” 

Mối quan hệ gắn bó

Thực chất, không phải điều kiện vệ sinh hay mức độ tiện lợi, sự thiếu thoải mái mới là yếu tố quyết định khiến nhiều người không mặn mà với chợ truyền thống. Tác giả viết sách dạy nấu ăn Pamelia Chia gợi ý rằng thế hệ trẻ có thể cảm thấy vô định, mù mờ khi đi chợ, và điều này có thể khiến họ không muốn đi chợ nữa. “Chợ đặt bạn ra ngoài vùng an toàn của mình, kiểu như ‘ôi, tôi không biết những thứ này’… vì có quá nhiều loại mặt hàng. Nơi đây không chỉ có cà chua, ngô và những thứ quen thuộc khác mà còn có các các nguyên liệu từ Thái Lan, Ấn Độ, và mọi vùng miền trong nước,” chị giải thích. “Bản thân tôi đã từng là đầu bếp, nhưng tôi cũng không biết nhiều về những nguyên liệu này – và nếu bạn sợ sai, bạn sẽ không thích cảm giác thừa nhận rằng vẫn còn nhiều điều mình chưa biết. Đó là lý do bạn sẽ rất khó chịu khi đi chợ đồ bán đồ tươi sống.” 

Chợ truyền thống là nơi mà “bạn phải mở miệng hỏi, bạn phải mặc cả, bạn phải làm tất cả những điều khó nhằn mà trường học không dạy bạn”. 

Nhiều người cho rằng những yếu tố này là cơ sở để khách hàng và tiểu thương phát triển mối quan hệ thân thiết – dấu hiệu đặc trưng của trải nghiệm chợ truyền thống. Từ góc độ hành vi của người tiêu dùng, giá trị của chợ bán đồ tươi sống nằm ở mối quan hệ gắn bó này, PGS. Chen gợi ý. “Họ có những mối quen. Tôi tin tưởng người bán hàng khi họ nói quả này rất ngọt, trong khi trên các nền tảng trực tuyến, tôi phải chấp nhận bất cứ thứ gì được giao cho mình”. Tại chợ truyền thống, “người mua hàng có cảm giác được kiểm soát, được tự quyết và họ dành sự tin tưởng cho người bán”. 

Một trải nghiệm rất “Singapore”

Câu hỏi đặt ra là liệu thế hệ trẻ có coi chợ truyền thống là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của Singapore hay không. “Đó là một phần rất quan trọng trong di sản của chúng tôi. Chúng là biểu tượng của quá trình hiện đại hóa ẩm thực đường phố, khi chính phủ đưa những người bán hàng rong vào trong các khu nhà khép kín,” PGS. Chen nhận định.

Tác giả sách dạy nấu ăn, chị Chia, mô tả việc dạo bước trong khu chợ ẩm thực là “một trải nghiệm đầy cảm xúc” và chị vẫn ghé chợ bất cứ khi nào chị từ Hà Lan trở về Singapore. “Ta lắng nghe âm thanh từ đài phát thanh, chứng kiến các cô đang ủ giá đỗ, ta ngửi thấy mùi đậu phụ hoặc thậm chí là mùi tanh của cá. Đó thực sự là một trải nghiệm của đầy ‘Singapore’,” chị nói. “Chỉ khi bạn từ nước ngoài trở về, bạn mới thực sự nhận ra rằng đó là một điều gì đó rất quý giá mà không bao giờ có thể ghi lại được trong sách hay phim truyền hình.” Trong bối cảnh Singapore đang phát triển không ngừng, các khu chợ bán đồ tươi sống “thực sự là không gian để bạn sống chậm lại”. 

Thời điểm khi Chia bắt đầu viết cuốn sách nấu ăn Wet Market to Table (Từ Chợ đến Bàn ăn) của mình, các khu chợ truyền thống chỉ đơn thuần là nơi mua nguyên liệu. Nhưng càng ghé nhiều, chị càng “xúc động” bởi những “mối liên kết thực sự” mà chị đã tạo dựng được với những người chủ gian hàng. Có những ngày chị không mang đủ tiền mặt, chị dễ dàng ngỏ lời với chủ gian hàng rằng mình sẽ trả vào ngày khác. Thậm chí chị có thể đặt riêng người bán hàng những món mình cần, chẳng hạn như các loại gia vị đặc biệt dành riêng cho món cà ri mà chị muốn nấu hoặc một miếng thịt lợn nào đó sẽ rất hợp với bánh mì kẹp thịt. Nhưng chị cho rằng ngày nay người trẻ tuổi không nấu ăn nhiều nên họ không hiểu làm thế nào mà các khu chợ tươi sống có thể “giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn theo nhiều cách” hoặc có thể nhận ra độ tươi của nguyên liệu.

Đó là điều mà Xienny đã nhận ra. Chị tự nấu bữa tối cho mình hằng ngày và thực hiện một “chế độ ăn kiêng rất nghiêm ngặt”, nhờ đó chị có thể nhận ra sự khác biệt giữa hàng tươi sống ở chợ so với hàng trong siêu thị. Chị thân thiết với các tiểu thương đến mức thỉnh thoảng chị có thể được cho thêm miễn phí một vài cọng sả hoặc một quả ớt. 

Ông Johari, người bán thịt ở Trung tâm Tekka, cảm thấy khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng tại các siêu thị nơi ông từng làm việc. Ông kể rằng mình không được tán phét với khách hàng, nhiệm vụ của ông“chỉ là gói ghém, định giá mặt hàng, và chào tạm biệt.” 

Trong khi đó, chợ bán đồ tươi sống là nơi ông có thể hiểu hơn về khách hàng của mình. Sau hơn 20 năm ở Tekka, ông đã phục vụ vô số người, chứng nhiều ​​một số người trưởng thành và lập gia đình riêng. Khi gian hàng của ông tạm thời đóng cửa, khách hàng liên tục gọi điện cho ông. “Họ thích thịt bò của tôi, họ chỉ muốn mua thịt từ tôi. Tôi đã nói với họ rằng tôi chưa thể bán lại được. (Nhưng) họ vẫn chờ đợi… họ nói với tôi, ‘Đừng lo, khi anh bán lại, tôi sẽ ghé”, ông kể.

Kết nối khu ẩm thực đường phố với chợ truyền thống

Những người bán hàng có ý thức cộng đồng rất mạnh. “Trong văn hóa bán hàng rong hawker và văn hóa chợ truyền thống, có một cộng đồng ngầm nơi mọi người biết nhau… Chúng tôi đã quen nhau từ lâu. Một số cô chú trong chợ có thể nói với tôi, ‘Chú quen bố cháu từ hồi ông ấy còn con nít’,” anh Tan chia sẻ. 

Khi được hỏi liệu có thể làm gì để bảo tồn các khu chợ tươi sống, anh Tan cho rằng trong ngắn hạn, chính phủ có thể nới lỏng các quy định tuyển dụng và cho phép các tiểu thương thuê người nước ngoài phụ việc. Những người bán hàng rong và chủ sạp hàng ở chợ hiện chỉ có thể thuê người Singapore và thường trú nhân. Nhưng “hầu hết họ không nhiệt tình làm việc”, anh chia sẻ..

Về lâu dài, anh Tan tin rằng các trung tâm ẩm thực đường phố và khu chợ tươi sống “song hành với nhau”. “Ví dụ, nếu bạn bán cà ri đầu cá ở trung tâm, bạn sẽ mua cá từ nguồn quen trong chợ. Đó là một cộng đồng nhỏ kết nối với nhau.”

Tương tự như vậy, cuộc khảo sát năm 2018 của NEA, cũng như các cuộc khảo sát năm 2016 và 2014, cho thấy các khu ẩm thực đường phố hawker luôn được người trả lời coi là ba tiện nghi quan trọng nhất trong khu dân cư. Tổng cộng 91% số người được hỏi trong cuộc khảo sát năm 2018 đồng ý rằng các trung tâm ẩm thực đường phố thúc đẩy sự tương tác giữa mọi tầng lớp xã hội và là “nơi lý tưởng” để tụ tập cùng bạn bè, gia đình và hàng xóm. Chưa kể, nhiều người xem đây là trải nghiệm tổng hợp. Một trong những khách hàng của anh ấy sẽ ăn sáng cùng gia đình tại trung tâm ẩm thực đường phố trước khi cả nhà đi mua hàng ở chợ truyền thống gần đó. “Vì lẽ đó, tôi nghĩ việc bảo tồn các khu chợ truyền thống cũng quan trọng không kém”.□

Anh Thư dịch

Nguồn: CNA/gy(mi)

https://www.channelnewsasia.com/singapore/wet-markets-singapore-future-focus-footfall-interest-die-out-3689661

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)