Sự thật về công nghệ và quy trình vận hành “lò đốt rác phát điện” ở Thái Bình
Vừa qua, một số tờ báo đưa tin: "nông dân Thái Bình làm "nhà máy điện" cạnh tranh với EVN, mô hình đủ sức đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của 20 hộ dân với giá bằng 1/5 giá ngành điện đang bán; các doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp Nhật Bản cũng tới tham quan mô hình và muốn mua công nghệ... gây nên cơn sốt trong dư luận và sự hiểu nhầm không đúng về mô hình này. Là người trực tiếp tiếp cận mô hình "lò đốt rác phát điện" và làm việc với tác giả Bùi Khắc Kiên ngay từ ngày đầu, tôi xin nêu sự thật về công nghệ, quy trình "lò đốt rác phát điện" của tác giả Bùi Khắc Kiên tại Thái Bình để bạn đọc cùng tìm hiểu.
Việc sử dụng rác thải sinh hoạt phục vụ cho đun nấu, cấp nước nóng và điện thắp sáng đã có từ rất lâu trên thế giới và ở Việt Nam. Xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu có 3 phương thức: Chôn lấp, ủ sản xuất phân vi sinh và đốt phát điện. So sánh ba phương thức, đốt phát điện chiếm ưu thế nổi bật. Tại Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc rác thải sinh hoạt đô thị cơ bản được xử lý bằng phương thức đốt phát điện. Từ năm 1987, Trung Quốc đã có nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên, đến cuối năm 2012, Trung Quốc đã có 142 nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện với tổng quy mô xử lý là 124 nghìn tấn rác, tổng công suất lắp đặt khoảng 2.600 MW…
Ở Việt Nam, từ năm 1996, Viện Cơ điện Nông nghiệp (chủ trì dự án là GS. Phạm Văn Lang) thực hiện dự án xây dựng dây chuyền công nghệ phát điện sử dụng nhiên liệu từ trấu, với công suất 50kw phục vụ cho sấy sản phẩm nông, lâm nghiệp. Đến nay, đã có trên 70 hệ thống lò hơi đốt đa nhiên liệu kiểu tầng sôi được bán cho các doanh nghiệp. Có 20 hệ thống được bán trọn gói và chuyển giao cho doanh nghiệp vận hành. 50 hệ thống khác được lắp đặt tại doanh nghiệp và bán hơi cho doanh nghiệp sử dụng.. Từ thành công này, Dự án Nhà máy nhiệt điện đốt bằng vỏ trấu đầu tiên ở Việt Nam được khởi công vào cuối tháng 12/2013, trên diện tích 9 ha tại thị trấn Long Mỹ, Hậu Giang với tổng vốn đầu tư khoảng 31 triệu USD, do Ngân hàng EximBank Malaysia và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam hỗ trợ. Đây là nhà máy đầu tiên trong dự án xây dựng 20 nhà máy nhiệt điện đốt bằng vỏ trấu tại Việt Nam. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư xây dựng tại 5 tỉnh gồm: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ với tổng công suất 200MW.
Hiện nay ở Thái Bình cũng như các địa phương khác trong toàn quốc, lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản (lò NFI- 05) đã được nhiều địa phương lắp đặt; Thiết kế lò gọn(dài: 2,56m; rộng: 1,405m, cao: 2,0m, nặng: 8,5 tấn), đốt 450kg rác/giờ. Lò đốt không cần điện, dầu, hoàn toàn bằng khí tự nhiên; không gây ô nhiễm môi trường.. để xử lý rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn và thị trấn đông người mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, được xã hội chấp nhận.
2. Về thiết kế. ” Lò đốt rác phát điện” của ông Kiên hoàn toàn không có thiết kế chi tiết, chỉ có một bản vẽ tay trên 1 trang giấy, không có chú thích…(ảnh), nên rất khó góp ý vì không có cơ sở khoa học.
3. Về lò đốt. Thực chất là từ “lò rèn” cải tiến mà thành, giống như bao “lò rèn” khác. Có khác chăng “lò rèn ” này được làm lớn hơn, với kích thước đường kính khoảng 50cm, bên trong được xây bằng gạch chịu lửa, bên ngoài được bọc bằng vỏ thùng phi. Phía ngoài cùng, miệng lò được tách thành 2 cửa(đều có thể đưa rác vào), riêng cửa dưới có thêm hệ thống thanh ghi để tro than ra phía dưới cùng. Muốn đốt lò và trong quá trình đốt thường xuyên phải có 2 quạt điện công xuất lớn quạt liên tục thổi không khí vào lò…nhưng lửa vẫn “phì “ra ngoài miệng lò. Thực chất đây là kiểu đốt ‘cưỡng bức liên tục’, trong quá trình đốt, nếu không quạt liên tục lò sẽ tắt. Do dùng quạt công suất lớn, liên tục, nên trong quá trình đốt, khói, bụi, than, khí độc hại….bay mù mịt xung quanh…
4. Về nồi hơi. Với phương châm nghĩ đến đâu, làm đến đấy, Nên ban đầu tại chợ Thái Giang, nồi hơi là “một thùng phi” được hàn kín và bọc kín xung quang bằng bao tải, rẻ, quần áo rách…Sau khi kiểm tra, thấy không an toàn, chúng tôi đã yêu cầu ông Kiên không được thử nghiệm mô hình ở chợ vì dễ gây nguy hiểm cho nhiều người.
Sau đó ông Kiên chuyển mô hình về nhà và có mua nồi hơi của Công ty CP nồi hơi và thiết bị áp lực Đông Anh, mã hiệu LHT D0,05/15, công xuất sản xuất hơi 50kg/giờ, áp suất định mức 15bar hơi bão hòa.
5. Về tua bin phát điện. Là một tầng cánh quạt được hàn thủ công và được bọc kín nên không thể xem được bên trong. Khi ông Kiên tháo dỡ ra chúng tôi mới thấy cụ thể. Tua bin là một tầng cánh quay theo kiểu guồng nước bọc trong thùng tôn hàn kín, không có điều chỉnh tốc độ. Tua bin được nối với máy phát 3kw của Trung Quốc thông qua bộ đai truyền. Điện sinh ra từ máy phát được đưa tới một số bóng điện 100W làm mẫu.
6. Về phát điện. Cả 3 lần ông Kiên vận hành “lò đốt rác phát điện” thì chỉ có 01 lần thành công, thắp sáng “nhấp nháy” 7-10 bóng điện 100W trong khoảng thời gian 2-3 phút. Như vậy, không có việc “lò đốt rác” đã phát điện đủ để cho gia đình ông Kiên và 20 hộ dân xung quanh sử dụng; Thực chất lượng điện được sản xuất từ “lò đốt rác phát điện” chỉ “nhấp nháy” vài bóng điện mà thôi. Lượng điện để làm quay 2 quạt công xuất lớn đang thổi gió vào lò mỗi khi đốt là đang lấy từ EVN..
Ngày 26/7/2012, đoàn chuyên gia của Bộ KH&CN, Đại học Bách khoa HN, Cục An toàn (Bộ LĐ&TBXH), Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Khu vực I – Bộ KH&CN) cùng các chuyên gia ở Thái Bình đã không dám cho ông Kiên phát điện thử vì sợ không an toàn cho nhiều người..
7. Hiệu quả kinh tế. Không có việc “lò đốt rác phát điện” đã phát được điện để gia đình ông Kiên và 20 hộ dân xung quanh sử dụng và cũng không thể nói giá thành điện chỉ bằng 1/5 so với EVN. Hàng tháng gia đình ông Kiên và 20 hộ xung quanh vẫn trả tiền sử dụng điện cho EVN tại xã, vì “lò đốt rác phát điện” khi hoạt động mới chỉ “nhấp nháy” được vài bóng điện mà thôi.
8. Hiệu quả môi trường. Do không có quy trình thu hồi và xử lý khói bụi…nên mỗi khi ” lò đốt rác phát điện” đốt thử nghiệm, toàn bộ môi trường xung quanh bị khói bụi mù mịt bao phủ. Trong khói bụi mù mịt đó có cả khói bụi của vỏ bao thuốc trừ sâu nhựa vô cơ, hợp chất benzen…cháy thải vào không khí… gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường xung quanh.
9. An toàn cháy nổ. Do tự thiết kế, tự thi công bằng nguyên liệu ‘ nhặt nhạnh” quanh nhà và cùng với thiếu hiểu biết về kỹ thuật nồi hơi, kỹ thuật phát điện…nên an toàn cháy nổ có thể sảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngày 26/7/2012, đoàn chuyên gia của Bộ KH&CN, Đại học Bách khoa HN, Cục An toàn (Bộ LĐ&TBXH), Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Khu vực I – Bộ KH&CN) cùng các chuyên gia ở Thái Bình đã không dám cho ông Kiên phát diện thử vì sợ không an toàn cho nhiều người..
10. Chất lượng thông tin. Do ‘ý tưởng” và “ước mơ” nên tác giả đã đưa ra những thông tin không chuẩn xác( chưa nói là thiếu hiểu biết) gây hiểu lầm trong dư luận:
– Nhiệt độ lò từ 1600-2000độC. Thực tế Sở KH&CN Thái Bình đo ở 5 điểm trong mấy tiếng tại buổi thực nghiệm (tháng 8/2012) cho kết quả: Nhiệt độ cửa nhập nguyên liệu trung bình 631,85độC, nhiệt độ thân lò 30cm trung bình 902độC. Các lò đốt rác của Nhật, Thái Lan…hiện đang sử dụng ở Việt Nam, nhiệt độ cháy tối đa khoảng 850-1000độC (nếu lò đốt rác của ông Kiên nhiệt độ tới 2000độC thì phải trao giải Nobel… Chắc vì thông tin này nên người Nhật vội đến để mua bản quyền???).
– Đưa áp suất nồi hơi lên 75bar… Trong khí thiết kế nồi hơi tối đa cho phép 15bar.
– ” Lò đốt rác phát điện ” có thể cung cấp điện cho 20 hộ gia đình? Từ khi mô hình “lò đốt rác phát điện” vận hành, gia đình ông Kiên và 20 hộ dân xung quanh vẫn trả tiền điện tiêu thụ như bao hộ dân khác ở Thái Bình. Vậy điện ông Kiên sản xuất cung cấp đi đâu?? (hóa đơn tiền điện hàng tháng tại xã Thái Giang cho thấy rõ điều này).
Tất cả các thông tin trên chỉ từ “trí tưởng tượng” mà ra. Từ những thông tin tưởng tượng đã tạo ra cơn sóng dư luận hiểu lầm không cần thiết, tốn thời gian..
11. Kết luận. Có thể khẳng định: Mô hình ” lò đốt rác phát điện” của ông Kiên không mới, không thành công; Mới thành công ở mức “ý tưởng”. Từ ý tưởng đến thực tiễn là cả một chặng đường dài, gian khó, bởi ý tưởng không phải phép màu.
Đọc thêm:
Mô hình sản xuất điện từ rác thải sinh hoạt: Một số sự cố có thể xảy ra
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=7684&CategoryID=2
—
* Tiến sỹ. Ủy viên HĐTW Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam