Tại sao con người hay chú ý đọc tin tiêu cực hơn tích cực?

Tại sao xung quanh chúng ta có quá nhiều tin tiêu cực? Có lẽ con người hứng thú với tin xấu hơn tin tốt?

Để trả lời câu hỏi này, một nhóm nghiên cứu do nhà khoa học chính trị Stuart Soroka, tại Đại học Michigan (Mỹ) dẫn đầu đã khảo sát trên 1,100 người tại 17 quốc gia ở mọi châu lục trừ Nam Cực. Stuart Soroka cho biết ông và các đồng nghiệp của mình quan tâm đến khía cạnh tâm lý của sự thiên vị các tin tiêu cực và vai trò của nó trong việc định hình tin tức. Kết quả nghiên cứu được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. 

Trong thời kì tin tức trên toàn thế giới đặc biệt chú trọng vào những tin tiêu cực thì chủ đề nghiên cứu này rất có ý nghĩa, nhằm tạo ra những khuyến nghị cho giới báo chí và giới chính trị. 

Trước đây, khi phân tích nguyên nhân của sự bùng nổ tin tiêu cực và người đọc “thiên vị” dòng tin này, có xu hướng giải thích rằng “các nhà báo tức giận, hoài nghi và họ tạo ra một loạt các nội dung tiêu cực. Điều này ảnh hưởng không tốt đối với nền dân chủ và gây hại cho cả những người đọc tin”, Soroka cho biết. Tuy nhiên ông và đồng sự cũng nghi ngờ “tin tức biểu hiện như thế không hoàn toàn là do những gì nhà báo cảm nhận mà có lẽ phần nhiều nhằm đáp ứng độc giả”.

Có một vài nguyên nhân tiến hóa giải thích cho việc tại sao người đọc dễ thiên vị những tin tiêu cực lại tồn tại. Chẳng hạn, việc lờ đi những thông tin tiêu cực như cơn bão đang đến sẽ nguy hiểm hơn việc bỏ qua những tin tốt như một chú chó giải cứu cậu bé mắc kẹt trên cây. Các nhà khoa học cho rằng việc chú ý đến tin tiêu cực nói chung là một chiến lược sinh tồn hiệu quả.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây về hành vi thiên vị tin tiêu cực chủ yếu tập trung khảo sát thanh niên da trắng người Mỹ, ở độ tuổi đại học nên khó đưa ra câu trả lời toàn diện và chính xác. Nghiên cứu này của nhóm Soroka muốn kiểm chứng các giả thiết trước đây và tìm ra những kết luận khái quát hơn. Để có cái nhìn toàn diện, nhóm của Soraka đã chọn mẫu là 1,156 người tại 17 quốc gia: Brazil, Canada, Chile, Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Ghana, Ấn Độ, Israel, Ý, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Senegal, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Các nhà khoa học đã cố gắng mở rộng phạm vi nghiên cứu và chọn mẫu đa dạng. Họ tìm đến cả những khu chợ ở Ghana hay đến một khu tổ hợp xây dựng ở Ấn Độ.

Mỗi người tham gia được cho xem 7 bản tin bất kì – cả tiêu cực và tích cực – trên kênh truyền hình BBC World News. Khi người tham gia xem tin tức, các nhà nghiên cứu theo dõi nhịp tim và độ dẫn điện trên da họ. Về cơ bản, những dao động nhỏ và các mức độ mồ hôi có thể chỉ ra mức phản ứng sinh lý “chiến-hay-chạy” của một người.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, trung bình, hơn quá nửa người xem thể hiện sự thiên vị với các tin tiêu cực. Soroka cho biết biểu hiện này thể hiện ở tất cả các quốc gia và nền văn hóa.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng ở cấp độ cá nhân, dường như có mức biến đổi khá cao trong các phản ứng. Có khoảng 2/5 người tham gia cho thấy họ không có sự thiên vị nào đối với tin tiêu cực hoặc tin tích cực.

Richard Lau, nhà tâm lý học chính trị tại Đại học Rutgers (Mỹ) không tham gia vào nghiên cứu này, nhận xét điều này có nghĩa là câu cách ngôn “If it bleeds, it leads” (càng máu me càng tốt) có thể không nên được áp dụng cho mọi trường hợp nữa. “Một trong những điểm rất đáng chú ý của nghiên cứu này chính là việc có rất nhiều biến thiên trong con người. Điều này đúng trên mọi nền văn hóa”, Lau nói.

Soroka cho rằng điều đó cũng có nghĩa là đơn vị báo chí có thể chuyển tỷ lệ tin xấu sang tin tốt mà vẫn duy trì được sự chú ý của từng độc giả. “Không phải là hầu hết mọi người đều muốn có tin tiêu cực mọi lúc mọi nơi. Hiểu được điều đó có thể mở ra những khả năng mới cho tin tức”.¨

Ngô Hà lược dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2019-09-news-negative-human-attention-blame.html?

Tác giả

(Visited 183 times, 1 visits today)