Tăng độ dài của telomere để cải lão hoàn đồng

Mới đây, một nhóm nhà khoa học ở Học viện Y khoa, ĐH Stanford, dưới sự chỉ đạo của TS John Ramunas và TS Eduard Yakubov đã sáng chế ra một phương pháp làm tăng độ dài của telomere, qua đó có thể biến đổi các tế bào già lão trở thành tế bào non trẻ, thực hiện được mục đích “cải lão hoàn đồng” cho cơ thể con người. 

Thành tựu nghiên cứu nói trên đã được công bố trên tạp chí The FASEB Journal.

Telomere là những đoạn trình tự lặp lại (của DNA) có chiều dài nhất định ở các đầu mút của nhiễm sắc thể (chromosome); có thể đơn giản gọi telomere là đầu mút của nhiễm sắc thể. Nó được coi là chiếc “mũ bảo vệ” phần đầu của nhiễm sắc thể; chiếc “mũ” này càng dài thì nhiễm sắc thể càng được bảo vệ tốt. Người ta thường mô tả telomere là chiếc “mũ plastic ở đầu cuối sợi dây buộc giày”. Nó có chức năng duy trì tuổi thọ của tế bào, giữ cho phân tử DNA được khỏe mạnh. Mỗi lần DNA được sao chép (replication) thì chiều dài của telomere lại bị ngắn đi một chút, cuối cùng ngắn tới mức không thể bảo vệ DNA khỏi bị tổn thương và đột biến, dẫn đến hậu quả làm cho cơ thể trở nên già yếu và sinh ra bệnh tật ở tuổi già.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy tăng chiều dài của telomere thì sẽ giữ cho tế bào được khỏe mạnh, đạt được mục đích trẻ hóa người già. Nhưng vấn đề khó nhất làm cách nào để tăng được chiều dài của telomere.

Trong cơ thể người trẻ tuổi, telomere có chiều dài vào khoảng 8.000~10.000 lần độ dài của một nucleotide [đơn vị cấu trúc của DNA và RNA]. TS Helen Blau, thành viên nhóm nghiên cứu, nói: “Hiện nay chúng tôi tìm ra được một phương pháp có thể tăng độ dài của telomere trong cơ thể con người, cụ thể là tăng thêm được một chiều dài bằng 1.000 lần độ dài của nucleotide, qua đó quay ngược được chiếc kim đồng hồ bên trong tế bào cơ thể, tương đương như phục hồi được sức sống thời trẻ một số năm trước đây.” Những tế bào có đầu mút nhiễm sắc thể (tức telomere) đã được kéo dài sẽ có biểu hiện như tế bào khi cơ thể còn trẻ, chúng có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở chứ không bị già hóa.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng RNA (ribonucleic acid) đã qua cải tạo để kéo dài telomere. RNA mang theo mệnh lệnh của gene DNA tới “nhà máy chế tạo protein” của tế bào. RNA chứa trình tự mã hóa của telomerase sao chép ngược (Telomerase Reverse Transcriptase TERT), một thành phần hoạt tính thiên nhiên.

TS Helen Blau cho biết: trong tương lai, các nhà khoa học sẽ đưa ra phương án mới điều trị tế bào gốc của cơ bắp bệnh nhân mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne (Duchenne muscular dystrophy, DMD, tức chứng teo cơ); thí dụ kéo dài telomere của tế bào gốc. Đồng thời nghiên cứu này cũng có thể dùng để điều trị các loại bệnh của người già như bệnh tiểu đường và tim mạch. Các nhà nghiên cứu tin rằng sử dụng phương pháp tăng độ dài telomere, người ta sẽ làm được những loại thuốc chống già hóa bằng cách tăng số lượng tế bào do cơ thể sinh ra.

Tuy vậy, tạp chí Medical News Today số tháng 6/2014 có đăng một nghiên cứu của Đại học California-San Francisco cho rằng tăng chiều dài telomere có thể làm tăng nguy cơ ung thư não.

Nguyên Hải tổng hợp

Tác giả