Thương mại Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất qua tư liệu của người Anh

Nếu chỉ coi giai đoạn Pháp thuộc gắn liền với sự bóc lột tàn nhẫn, hà khắc của tư bản nhằm phục vụ chính quốc cũng như nhu cầu của chính quyền thuộc địa thì người ta đã hạn chế khá nhiều những cách tiếp cận mới, hoặc vô hình trung ngả theo một chiều hướng phân tích, lập luận về “tội ác” thực dân mà bỏ qua sự phát triển thực tế của Việt Nam. Do đó, khi sử dụng tài liệu từ góc nhìn bên ngoài – nước Anh, để cố gắng đưa ra một cách tiếp cận khách quan và nhiều chiều về kinh tế Việt Nam thuộc Pháp, cụ thể là thương mại trong giai đoạn 1897-1914, chúng ta có thể thấy một điểm mới: bên cạnh những đặc điểm của nền kinh tế thuộc địa, Việt Nam đã phát triển tương đối dưới sự khai thác của Pháp và tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương nhân Âu Mỹ.



Hội chợ đầu tiên mở tại Nhà đấu xảo Hà Nội vào năm 1902 (Exposition 1902). Sau hội chợ, tòa nhà chính trở thành Bảo tàng Maurice Long – viện bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất của Đông Dương. Nguồn: Wikipedia



Thuộc địa tiềm năng của Pháp

 

Không phải ngẫu nhiên, Việt Nam – một phần của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Quảng Châu Loan) được Pháp ưu ái đầu tư bậc nhất trong công cuộc khai thác thuộc địa. Với ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ “rừng vàng, biển bạc”, nhiều tiềm năng khoáng sản và thuận lợi thông thương, Việt Nam, đặc biệt là Nam Kỳ, được đánh giá là khu vực có tiềm năng khai thác và phát triển kinh tế nhất Liên bang. Tư liệu của người Anh vẫn còn ghi lại rành rẽ: năm 1900, tổng kinh phí của Chính phủ Pháp cho toàn Đông Dương là 20,8 triệu dollar; trong đó ngoài các phần chi chung thì Bắc Kỳ và Nam Kỳ được đầu tư lớn nhất với 4,0 và 4,4 triệu dollar; Trung Kỳ và Campuchia được hơn 2 triệu còn Lào chỉ có 739.000 dollar. Dòng ngoại tệ đầu tư từ Pháp quốc vào Đông Dương tiếp tục tăng theo thời gian, ví dụ chỉ ba năm sau, con số này đã là 31,5 triệu dollar, trong đó Việt Nam vẫn được chú trọng nhất với 12,7 triệu, gần gấp 6 lần Campuchia và 12 lần Lào1.

Chúng ta hãy thử đoán xem người Pháp dùng số tiền trên vào việc gì? Trước hết muốn khai thác tài nguyên sản vật, cần hệ thống giao thông đủ tốt và thuận lợi, phù hợp với điều kiện thông thổ Việt Nam. Đó chính là những gì họ đã làm trên thực tế. Họ chủ yếu dùng số tiền trên để phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông, bao gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy, những con đường huyết mạch kết nối các khu vực kinh tế. Ví dụ, trong vòng hai năm (1901-1902), một mạng lưới đường bộ xuyên suốt xứ Bắc Kỳ như Hải Phòng – Việt Trì (158km), Hà Nội – Ninh Bình (118km) và ở Nam Kỳ với Sài Gòn – Tanlinh? (132km). Vào những năm tiếp theo, mạng lưới này không ngừng được mở rộng với một số tuyến đường mới, không chỉ ở Bắc Kỳ như Việt Trì – Lào Cai (225km), Ninh Bình – Vinh (215km) hay Trung Kỳ với Đà Nẵng – Huế (105km), Panlinh- Lam-Biang – Khánh Hòa (468km), Huế – Quảng Trị (85km) mà còn mang tính quốc tế với tuyến Lào Cai – Vân Nam (460km). Đến năm 1908, về cơ bản hệ thống đường xe lửa đã hình thành với chiều dài 789,5 dặm (1256km) nối Hà Nội với Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn – Quảng Tây, Vinh, nối Đà Nẵng – Quảng Trị, Sài Gòn – Mỹ Tho và một đường ray dài chạy dọc Trung Kỳ2.

Riêng ở Nam Kỳ, dựa trên địa hình sẵn có, ngoài đường bộ, người Pháp còn tập trung phát triển hệ thống kênh rạch nhằm hai mục đích phục vụ nông nghiệp và vận chuyển. Nhờ vậy trên bản đồ Nam Kỳ đã xuất hiện hàng loạt kênh mới như Trà Ôn (Vĩnh Long, 1876), Chợ Gạo (Duperre-Tiền Giang, 1877), Set Say? (1878), Phụ Tục (1878), Saintard (kênh Phú Hữu-Sóc Trăng, 1879) và Mirador (1879), Xà No (1903), Ô Môn (1908), Bassac-Cải Lởn (1908), Tẽ/Tẻ (Derivation – Sài Gòn) và Đôi (Canal de Doublement). Đến năm 1930, nơi đây đã có thêm mới 1.300 km kênh mương lớn (rộng 22m và sâu 2m).

 

Tăng trưởng của thương mại Việt Nam

 

Chính hệ thống giao thông vận tải mới cùng việc đầu tư khai thác có trọng điểm vào từng khu vực (khai mỏ ở Bắc Kỳ, nông nghiệp ở Nam Kỳ) đã phần nào thúc đẩy kinh tế, cụ thể là thương mại Việt Nam phát triển. Chúng ta có thể thấy điều đó qua biểu đồ dưới đây.
Mặc dù những dữ liệu về trao đổi thương mại được ghi trong báo cáo của người Anh đều dưới cái danh Đông Dương nhưng thực tế thì các đóng góp chính vào danh mục này đều thuộc về Việt Nam, đặc biệt là Nam Kỳ. Hai địa danh Lào và Quảng Châu không được nhắc đến còn giá trị thương mại của Campuchia thì luôn ở vị trí thấp nhất, ví dụ năm 1905, Campuchia chỉ chiếm 2,98% giá trị thương mại Đông Dương và năm 1908 thậm chí còn thấp hơn với 1,24%. Từ 1896 (trước khai thác thuộc địa) đến 1909, giá trị thương mại của Việt Nam đã tăng 4 lần từ 5 triệu bảng lên hơn 20 triệu mặc dù mới được Pháp tiến hành đầu tư khai thác trong thời gian ngắn. Tuy nhiên điều đáng chú ý là hoạt động thương mại ở Việt Nam trên thực tế nhộn nhịp và không đơn thuần là xuất nhập khẩu mà bao hàm cả việc tái xuất khẩu, thương mại trung chuyển với Vân Nam, Quảng Tây, Hong Kong, Xiêm, Bantam, dẫu cho tỉ lệ xuất nhập khẩu không chênh lệch quá lớn.

Về tổng thể, bức tranh thương mại ở Việt Nam hấp dẫn không chỉ ở những dòng vận chuyển xuôi ngược mà còn ở sự phong phú của hàng hóa. Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm máy móc, kim loại (sắt, thép, kẽm, đồng), vật liệu xây dựng, dầu khoáng, đồ uống (bia, rượu vang, rượu nặng, nước khoáng), cafe, thuốc lá, bột mỳ, sữa đặc, đồ may mặc (lụa, len dạ, sợi đay, vải), vũ khí, đồ trang sức, đồng hồ, đồ da, hàng chế biến và thuốc phiện,… với tổng khoảng 50 sản phẩm các loại. Nguồn gốc của chúng cũng đa dạng như lụa, thuốc phiện đến từ Trung Quốc, bao vải gai đựng gạo từ Ấn Độ (nhưng nhập khẩu qua Singapore), bột mỳ từ Pháp, Mỹ, vũ khí từ Hong Kong trong khi máy móc đến chủ yếu từ châu Âu (Pháp, Anh, Đức) và Mỹ, vàng, bạc, tiền hầu hết từ Pháp. Hàng dệt may chiếm vị trí và vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động nhập khẩu của Việt Nam mặc dù các hàng hóa khác đều tăng trưởng mạnh. Năm 1884, hàng dệt may đã chiếm gần 50% giá trị hàng nhập khẩu (5,6 triệu dollar), đến năm 1910 là ¼ (15,9 triệu dollar). Đáng chú ý, máy móc và các thiết bị công nghiệp ngày càng tăng giá trị và tỉ trọng do Pháp phải đầu tư khai thác thuộc địa. Từ năm 1903 đến 1907, nhập khẩu máy móc đã tăng hơn 14 lần và năm 1908 đã lớn hơn giá trị hàng dệt may. Chỉ nhìn vào hai sản phẩm tiêu biểu trên, chúng ta dễ dàng hình dung được cơ cấu kinh tế thuộc địa khi Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiêu thụ của chính quốc Pháp, nhưng không thể phủ nhận việc Pháp đã đầu tư vào hệ thống máy móc cho các hoạt động kinh tế ở Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, những mặt hàng rời Việt Nam chủ yếu là các sản vật đặc trưng với khoảng 33-35 mặt hàng khác nhau, bao gồm sản phẩm nông nghiệp (thóc gạo, cau, sản phẩm từ dừa và lạc, bông, sen, ngô – bắt đầu từ năm 1906, rau quả khô, hồ tiêu, thịt lợn), sản phẩm ngư nghiệp (cá khô, bong bóng cá, mỡ cá, tôm khô), các sản vật tự nhiên (ngà voi, sừng trâu, cánh kiến), than đá, và một số sản phẩm khác. Trong đó, sản phẩm nông nghiệp, cụ thể là thóc gạo từ Nam Kỳ đóng vai trò quan trọng nhất, khoảng 50% đến 65% giá trị xuất khẩu. Ngược lại, Bắc Kỳ xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm than và khoáng sản khác. Các đồn điền cao su, cafe ở Trung Kỳ thì phải đến gần trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất mới bắt đầu khai thác và xuất khẩu.






Biểu đồ 1: Giá trị xuất nhập khẩu của Đông Dương (1896-1909) (bảng Anh)

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo về ngoại giao, thương mại của Anh về thuộc địa Đông Dương của Pháp qua các năm: No. 2276 (Saigon, 1898), p.5; No. 3626 (Cochin-China, 1905), p.580; No. 4028 (Cochin-China, 1907), p.511; No. 4596 (Indo-China, 1909), p.291.




 

Như vậy, ở thời kỳ đó thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào nông nghiệp và các sản phẩm thô và chưa thấy bóng dáng sản phẩm công nghiệp, qua đây ta cũng hình dung được bóng dáng của nền kinh tế Việt Nam đương thời.

 

Việt Nam trong hệ thống thương mại quốc tế

 

Quá trình khai thác thuộc địa của Pháp gắn liền với sự mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác và tham gia sâu rộng của Việt Nam vào hệ thống thương mại toàn cầu, khác hoàn toàn so với tình hình buôn bán của Việt Nam trong thế kỷ XIX khi bạn hàng và thị trường chỉ bó hẹp ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Xiêm. Các tuyến đường thương mại quan trọng mà Việt Nam tham gia năm 1906 là Sài Gòn – Thượng Hải, Sài Gòn – Singapore – Batavia – Noumea – Brisbane – Sydney, Lyons – Marseilles – Thượng Hải – Quảng Đông – Sài Gòn. Ngoài ra còn có các tuyến khác nối Hải Phòng – Marseilles, Đà Nẵng – Manila, Osaka, Yokohama, Sán Đầu, Thượng Hải, hoặc các tuyến nội địa nối Sài Gòn – Đà Nẵng – Hải Phòng.





Biểu đồ 2: Xuất khẩu gạo của Nam Kỳ (1884-1914)

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo hằng năm của Anh về Nam Kỳ và Đông Dương; cụ thể là các tập: Report for the year (1886-1887) on the Trade of Saigon and Cochin-China. No.90 & 280; Report for the year (1903-1904-1905-1906-1907-1911) on the Trade, Commerce and Navigation of Cochin-China. No.3181-3378-3628-3886-4028-4883.




Những con số này cho chúng ta thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của thị trường Việt Nam đối với các tàu buôn quốc tế. Nếu như giai đoạn trước khai thác thuộc địa, số tàu ra chỉ khoảng 500 chiếc thì đến đầu thế kỷ XX đã dao động khoảng 2000 chiếc, số lượng tàu buôn cập bến cũng có giá trị tương đương mặc dù trong biểu đồ phía trên không biểu thị được số liệu chính xác. Như vậy, thương mại quốc tế của Việt Nam qua số tàu buôn cũng tăng 4 lần như giá trị xuất nhập khẩu, trong đó, đương nhiên các tàu buôn của Pháp, bao gồm tàu từ chính quốc và tàu thuộc 4 công ty hoạt động trực tiếp ở Việt Nam (Mesageries Maritimes, Compagnie Nationale, Bangkok steamer of the Messageries Fluviales, và Chargeurs Réunls) chiếm số lượng lớn nhất. Xếp vị trí thứ hai là các tàu buôn thuộc sở hữu của người Anh.

Các thương cảng Việt Nam không chỉ mở cửa đón các đội tàu Pháp và Anh mà còn mở với các tàu buôn Mỹ, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Nga, Hà Lan và một số nước châu Âu khác… Nó đem lại một hình ảnh tương phản với những gì diễn ra chính các thương cảng này vào nửa đầu thế kỷ XIX, khi gần như những thương nhân người Hoa chiếm thế “độc quyền”. Với xu hướng “tự do thương mại” đầy cởi mở này, Việt Nam đã từng bước trở thành một phần của hệ thống thương mại toàn cầu trong quá trình Pháp khai thác thuộc địa, do đó làm thay đổi cơ cấu thương mại của Việt Nam.

Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương nhân Âu Mỹ không đồng nghĩa với việc thị trường Âu – Mỹ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu thương mại Việt Nam. Là quốc gia nông nghiệp còn nhiều lạc hậu, các sản phẩm truyền thống hầu như chỉ phù hợp với thị trường khu vực, sự xuất hiện và đầu tư khai thác của Pháp không thể ngay lập tức biến Việt Nam thành “điểm đến” của thương mại Âu Mỹ.

Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, không ngạc nhiên khi Pháp có địa vị “độc quyền” với gần 50% tổng giá trị nhập khẩu (năm 1912 còn trên 51%) với các mặt hàng chính là hàng dệt may, hàng chế biến và máy móc. Ngược lại, Pháp và thuộc địa của Pháp lại không phải là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam khi chỉ chiếm khoảng 1/5-1/3 giá trị xuất khẩu. Thay vào đó, Hong Kong – thuộc địa của Anh, có thể được coi là thị trường quan trọng bậc nhất cả về xuất nhập khẩu. Thị trường Hong Kong chiếm khoảng 1/3 giá trị xuất khẩu của Việt Nam, đỉnh cao là năm 1907 với hơn 40%. Đáng chú ý hơn, bên cạnh Hong Kong thì sự phát triển của các thị trường Nhật Bản, Xiêm, Singapore, Ấn Độ, Malay đã biến châu Á (đặc biệt là Đông Á) trở thành thị trường thương mại quan trọng nhất của Việt Nam với gần 50% giá trị nhập khẩu và hơn 60% giá trị xuất khẩu. Các quốc gia Âu Mỹ khác (ngoài Pháp) chiếm tỉ lệ vô cùng khiêm tốn khi không có sự tương thích cần thiết giữa nhu cầu các nước và sản phẩm của Việt Nam, trong đó, Anh và Đức là hai quốc gia tham gia trao đổi thương mại với Việt Nam tích cực hơn cả với xu hướng ngày càng tăng, có lẽ là do thương nhân Âu Mỹ không chỉ phát triển thương mại ở chính quốc mà hoạt động chủ yếu ở thuộc địa, dẫn đến sự tăng trưởng về giao lưu kinh tế giữa các thuộc địa hay, cụ thể là giữa Việt Nam với các nước Đông Á. Một mặt, điều này từng bước nâng cao khả năng giao lưu quốc tế của thương mại Việt Nam, nhưng mặt khác phản ánh thực tế về tính hạn chế trong các mặt hàng của Việt Nam, dẫn đến việc thị trường Âu Mỹ vẫn chiếm tỉ lệ khá nhỏ (dưới 10%) mặc dù có xu hướng tăng lên.





Biểu đồ 3: Số lượng tàu buôn các nước ra vào Việt Nam giai đoạn 1886-1914

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo của Anh về thương mại Đông Dương và Nam Kỳ. Mã số cụ thể như sau: Nam Kỳ: No. 90 (Cochin-China, 1886), p. 2; No. 3181 (Cochin-China, 1903), pp. 445-447. Đông Dương: No. 280 (Indo-China, 1887), p. 3; No. 2485 (Indo-China, 1899), pp. 438-39; No. 2618 (Indo-China, 1900), p. 299; No. 2843 (Indo-China, 1901), pp. 6-7; No. 2966 (Indo-China, 1902), pp. 6-7; No. 3707 (Indo-China, 1905), p. 771; No. 4117 (Indo-China, 1907), p. 844; No. 4377 (Indo-China, 1908), pp. 875, 885; No. 4596 (Indo-China, 1909), p. 310. 



Qua các báo cáo chi tiết của người Anh về kinh tế Việt Nam thuộc Pháp trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, chúng ta có thể nhìn thấy sự tăng trưởng thương mại nước ta qua các năm, đặc biệt từ đầu thế kỷ XX. Sự tăng trưởng đó không chỉ đến từ một phía mà là sự tổng hợp của cả hai hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy vậy trong phần lớn thời gian, giá trị nhập khẩu luôn cao hơn hàng xuất khẩu do cơ cấu kinh tế thiên về nông nghiệp, trình độ phát triển còn khá hạn chế và Pháp mới bắt đầu tiến hành đầu tư, khai thác thuộc địa lần thứ nhất.





Biểu đồ 4: Thị trường xuất khẩu của Việt Nam (1898-1914)

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ báo cáo hàng năm của người Anh về thương mại Nam Kỳ và Đông Dương. Mã số: No. 2485 (Indo-China, 1899), p. 440; No. 3707 (Indo-China, 1905), p. 754; No. 1 (French Colonies, 1908), p. 728; No. 4596 (Indo-China, 1909), pp. 292-3; No. 5538 (Cochin-China, 1914), pp. 600-02; No. 4377 (Indo-China, 1908), pp. 867-870; No. 4117 (Indo-China, 1907), pp. 826-830.




Mặc dù có nhiều bất cập trong cơ cấu xuất nhập khẩu, Việt Nam đã bước đầu tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu qua nhiều kênh khác nhau. Tuy vậy, ngoài nước Pháp và hệ thống thuộc địa rộng khắp ở châu Á, châu Phi, thị trường chính của thương mại Việt Nam vẫn là các quốc gia Đông Á. Thậm chí thương nhân châu Âu (Anh, Đức, Mỹ) cũng chỉ trao đổi trực tiếp một phần thương mại với Việt Nam, còn phần lớn họ thực hiện trao đổi thương mại với Việt Nam từ Hong Kong, Singapore, Philippines, đảo Java. Điều đó càng khẳng định rõ hơn tính hạn chế trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khi các sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp chỉ đáp ứng chủ yếu nhu cầu khu vực và Việt Nam chưa có được những sản phẩm chế biến hay hàng công nghiệp phục vụ nhu cầu quốc tế.

1. Diplomatic and Consular Reports, No. 2618, Report for the year 1900 on the Trade of French Indo-China (London, 1901), p. 286; No.3528, Report for the years 1903-04 on the Trade of Indo-China (London, 1906), p. 255.

2. Diplomatic and Consular Reports, No. 4377, Report for the year 1908 on the Trade of French Indo-China (London, 1909), p. 877.

Tác giả