Tôn giáo trước ngưỡng cửa khoa học

Chúng ta, những con người, đang mang cho vũ trụ một ý nghĩa và một mục đích thông qua cách mà chúng ta đối xử với nhau trong cuộc sống, bởi tình yêu thương đối với tha nhân, bởi khám phá những điều bí mật còn chôn dấu trong tự nhiên, bởi làm việc và sáng tạo nghệ thuật. Chúng ta không phải là những ngôi sao trong vở kịch vĩ đại của vũ trụ, nhưng chúng ta buộc phải đối mặt với một vũ trụ thờ ơ vô cảm và không có tình yêu. Tuy nhiên, chúng ta lại mất khả năng sáng tạo nên chính bản thân mỗi chúng ta, một ốc đảo nhỏ của sự ấm áp, tình yêu và cả trong đó là khoa học và nghệ thuật.

Thuyết Sáng thế và Vũ trụ học
Không đơn thuần chỉ là quá trình tiến hóa sinh học đã đặt ra những thách thức trong quan điểm Thiên chúa giáo truyền thống. Những hiểu biết khoa học về quá trình tiến hóa của vũ trụ đã làm suy giảm đức tin tâm linh của con người. Trong cuốn sách về sự sáng thế, Chúa đã tạo dựng nên toàn cõi vũ trụ trong vòng sáu ngày. Nhưng theo các nhà vũ trụ học ngày nay thì vũ trụ bắt đầu từ một “vụ nổ” và thường được ví von với thuật ngữ “Vụ Nổ Lớn-Big Bang”. Sau hàng tỷ năm, các ngôi sao và thiên hà bắt đầu hình thành. Giống như Darwin đã giả thuyết, tiến hóa của sự sống là một quá trình đều đặn, chậm rãi và lâu dài. Bởi vậy, các nhà vũ trụ học cũng tin rằng, vũ trụ của chúng ta cũng trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài và chậm chạp như thế.

Nhưng giả thuyết và phương thức giải quyết vấn đề của Kinh Thánh và Khoa học lại không tương thích với nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cả hai đều gợi ý rằng, vũ trụ bắt đầu từ hư không trong một khoảng thời gian hữu hạn ở quá khứ. Quả thực, rất nhiều đức tin tôn giáo hiện thời coi lý thuyết Vụ Nổ Lớn như là một lời khẳng định ý niệm của Chúa về sự tạo thành vũ trụ. Thật là thú vị khi bằng chứng đầu tiên của lý thuyết Vụ Nổ Lớn được khám phá vào năm 1929 bởi nhà thiên văn người Mỹ Edwin Hubble. Các quan sát của Hubble chỉ ra rằng vũ trụ đang giãn nở. Rất nhiều nhà khoa học đã bác bỏ ý kiến này, bởi theo họ, nó mang thoang thoảng hương vị của tôn giáo. Nếu vũ trụ có một khởi đầu thì phải có một Đấng tạo hóa. Đó là một điều phản khoa học. Quan điểm thịnh hành ở thời điểm đó cho rằng, vũ trụ trong trạng thái tồn tại vĩnh hằng, và do đó, không có khởi điểm.

Khám phá của Hubble về sự giãn nở của vũ trụ đã đặt dấu chấm hết cho một vũ trụ tĩnh không thay đổi theo thời gian, đồng thời nó cũng đưa chúng ta tới một sự ngoại suy rằng, vũ trụ có một thời khắc khởi đầu xác định trong quá khứ. Hơn nữa, quan niệm này đã củng cố cho thuyết tương đối rộng của Einstein, mà ở đó, nó đưa ra một loạt các phương trình đẹp đẽ miêu tả cách thức mà vũ trụ xuất hiện từ hư không. Một số các nhà khoa học ngày nay đã giành lại thế thượng phong để tranh luận rằng, thuyết Vụ Nổ Lớn minh chứng vũ trụ xuất hiện từ những quá trình tự nhiên thuần túy mà không cần có sự can thiệp bởi một sức mạnh siêu nhiên nào.

Quan niệm này được diễn tả rành rọt bởi nhà vật lý người Anh Stephen Hawking. Trong cuốn sách bán chạy nhất thế giới của ông “Lược sử thời gian”, Hawking đã chỉ ra rằng, nếu lý thuyết vũ trụ hiện tại là đúng thì sự tạo thành của vũ trụ hoàn toàn có thể giải thích được bằng các định luật vật lý thuần tuý. Trong tình huống như thế, Hawking đặt ra câu hỏi, cái gì đóng vai trò cho một Đấng sáng tạo?
Trong khi Hawking nhìn nhận khoa học như một sự lột tả bức tranh của Chúa thì cũng có nhiều nhà khoa học mang những quan niệm khác nhau. Chẳng hạn, nhà vật lý Paul Davies đã diễn tả rằng, vẻ đẹp và trật tự của các định luật vật lý đã gợi mở một vài điều còn ẩn sau chính những định luật đó, một vài điều bắt nguồn từ vẻ đẹp của toán học và trật tự của vũ trụ. Tương tự như vậy, nhà vật lý John Polkinghorn và John Barrow tin vào sự cân bằng tinh tế đáng kinh ngạc của trật tự toán học cho phép mô tả vũ trụ. Điều đó ngụ ý rằng, có một tác động trí tuệ nào đó có trách nhiệm cho chính sự tinh tế này. Chính Stephen Hawking đã liên hệ Chúa với các định luật vật lý. Đặc biệt, Hawking và Davies đã gán Chúa với cái gọi là “Lý thuyết của vạn vật”- Một lý thuyết đơn lẻ mà các nhà vật lý hy vọng một ngày nào đó nó sẽ thống nhất được cả thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử, bởi vậy có thể mang toàn bộ vũ trụ vào trong một cái bóng lớn đầy hiệu lực của toán học. Lý thuyết này là mục tiêu lớn nhất mà các nhà vật lý lý thuyết đương đại muốn vươn tới. Đây cũng là cái mà Hawking ám chỉ là “ý niệm của Chúa”. Tuy nhiên, vươn xa hơn các ngành khác, vũ trụ học là trường hợp mà bạn có thể hoặc không thể nhìn thấy Chúa phản ánh trong bức tranh. Và cuối cùng, khoa học hoặc không làm sáng tỏ hoặc không bác bỏ sự tồn tại của Chúa.

Đi tìm cội nguồn của vũ trụ
Ý tưởng cho rằng vũ trụ có một bắt đầu lần đầu tiên được tiên đoán bởi thuyết tương đối rộng của Einstein vào năm 1916. Các phương trình Einstein miêu tả cấu trúc của không gian và thời gian đã ám chỉ rằng, vũ trụ không phải là tĩnh, và nó phải giãn nở theo thời gian. Cả Einstein và các nhà vật lý khác đã sớm nhận ra hệ quả tất yếu này. Nhưng hầu hết các nhà vật lý thời đó đều có một niềm tin vững chắc vào một vũ trụ tĩnh tại. Chính Einstein cũng bị thống trị bởi cách suy nghĩ này hơn là chấp nhận hệ quả mà phương trình của ông đưa ra, để rồi buộc ông phải thêm vào phương trình vốn dĩ rất đẹp một thuật ngữ xa lạ để làm sao phương trình đó miêu tả một vũ trụ tĩnh. Sau khi các quan sát của Hubble về sự lùi xa của các thiên hà cho thấy vũ trụ đang giãn nở thì Einstein mới thừa nhận “đó là sai lầm lớn nhất của đời tôi”. Ông đã bỏ lỡ cơ hội mà chắc chắn đó là tiên đoán vĩ đại nhất trong lịch sử khoa học.
 
Một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về sự giãn nở và nguồn gốc của vũ trụ là một cha cố người Bỉ George Lemaitre. Ông gợi ý rằng, vũ trụ bắt đầu từ cái gọi là “nguyên tử khổng lồ”. Trong kịch bản của ông về sự tiến hóa của vũ trụ thì siêu nguyên tử này sau đó bị vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ, dần dần tạo ra các nguyên tử, các hạt mà sau đó là những viên gạch kiến tạo nên toàn bộ vũ trụ. Các nhà vật lý đã không chấp nhận ý tưởng về “nguyên tử khổng lồ” của Lemaitre. Nhưng họ cũng lần theo ý tưởng đó để suy đoán về sự bắt đầu của vũ trụ từ một điểm vật chất đặc và nhỏ, sau đó giãn nở và tạo nên vô vàn các cấu trúc trong vũ trụ mà chúng ta có thể quan sát thấy ngày nay. Cha cố Lemaitre hoạt động nghề nghiệp vinh quang như một nhà vũ trụ học, và trong nhiều năm ông cũng là lãnh đạo của Viện Hàn lâm Giám mục của khoa học nằm trang trọng trong khuôn viên của Vatican.

Chúa của Stephen Hawking
Trong cuốn sách “Lược sử thời gian”, nhà vật lý Stephen Hawking đã tuyên bố rằng, khi một nhà vật lý tìm ra một lý thuyết, anh ta và các đồng nghiệp đang tìm kiếm cái gọi là “Lý thuyết của vạn vật”- sau đó họ sẽ nhìn vào “Ý niệm của Chúa”. Hawking là nhà vật lý duy nhất gán Chúa với các định luật vật lý. Nhà khoa học đoạt giải Nobel, Leon Lederman, đã tạo ra mối liên kết giữa Chúa và các hạt hạ nguyên tử được gọi là các boson Higgs. Lederman đã gợi ý rằng, khi các nhà vật lý tìm ra các hạt đó trong các máy gia tốc của họ, nó cũng giống như việc nhìn thấy khuôn mặt của Chúa. Nhưng các dạng nào của Chúa mà các nhà vật lý muốn nói đến?
Nhà vật lý đoạt giải Nobel Steven Weinberg diễn tả rằng, thực tế không có Chúa nào hết. Weinberg lưu ý rằng, theo cách hiểu truyền thống, “Chúa” có nghĩa là một cá nhân cụ thể. Nhưng đó không phải là điều mà Hawking và Lederman có ý nói đến. Ông nói, Chúa của họ thực ra chỉ là một nguyên lý trừu tượng của trật tự và sự hài hoà, một tập hợp các phương trình toán học. Weinberg sau đó đặt câu hỏi, “Tại sao họ lại sử dụng thuật ngữ “chúa”?”. Ông đã tạo ra một quan điểm khá sâu sắc rằng, “nếu một ngôn từ có bất cứ ý nghĩa gì đối với chúng ta thì chúng ta hãy cố gắng gìn giữ ý nghĩa của ngôn từ ấy, và “Chúa” xét về mặt lịch sử không có nghĩa là các định luật của tự nhiên”. Câu hỏi “Chúa” là gì đã đánh nặng các nhà thần học trong suốt hàng nghìn năm. Những điều mà Weinberg nhắc nhở chúng ta là phải thận trọng với những khái niệm chế tác.

Chúa và thời gian
Cũng trong cuốn “Lược sử thời gian”, Hawking đã chỉ ra rằng, nếu mô hình về một vũ trụ không có biên là đúng thì không cần phải viện đến một Đấng sáng tạo. Mô hình này giả thiết rằng, không cần một thời khắc chính xác cho sự bắt đầu của vũ trụ, bởi vì không có thời khắc xác định nào khi thời gian bắt đầu. Lý thuyết Vụ Nổ Lớn nói rằng, vụ nổ xảy ra ở tất cả mọi điểm trong không gian và là bắt đầu của thời gian. Bởi vì điều mà Hawking đã tuyên bố là không có vai trò nào cho một Đấng sáng tạo. Trong mô hình của ông, đại lượng được gọi là thời gian được nảy sinh ra từ một dạng của rối lượng tử, trong đó có một thành phần ảo của thời gian, tối thiểu ở những thời khắc ban đầu của Vụ Nổ Lớn. Nó có một ý nghĩa toán học chính xác liên hệ với cái gọi là số phức. Những tình tiết của thời gian ảo này thực ra không quan trọng. Theo Hawking, vũ trụ không bắt đầu trong thời gian mà chính thời gian bắt đầu cùng với vũ trụ.
Nhưng nếu Hawking nhìn nhận vấn đề này như một sự tranh luận chống lại một đấng sáng tạo thì nhà vật lý đồng thời cũng là nhà thần học Robert Russell lại có ý kiến khác. Russell chỉ ra rằng, ý kiến của Hawking cũng khá tương tự như ý kiến được đưa ra hơn 1500 năm trước bởi một nhà thần học Thiên chúa giáo nổi tiếng. Augustine cũng tuyên bố vũ trụ không sinh ra trong thời gian, đúng hơn là cùng với thời gian. Như Russel nhận xét, đây là một ví dụ đẹp, nơi mà các học thuyết thần học kinh điển và khoa học đương đại khá tương đồng. Ông nói, “Nếu bạn mang trong mình một bức tranh đầy thú vị về hai nền văn hoá khác nhau, nhưng có thể đặt ra cùng một câu hỏi cho cả hai nền văn hoá đó, và hơn nữa, sẽ có cùng một câu trả lời được đưa ra”. Những điều chỉ cho chúng ta, như Russell nói, đó là “Trên phương diện thần học, Hawking thực sự là một người đồng minh của chúng ta bởi vì ông ta đã nói cho chúng ta ý niệm về một vũ trụ hữu hạn như là sự sáng tạo của Chúa được duy trì, cho dù vũ trụ đó có điểm khởi đầu hay không”.

Lý thuyết của vạn vật

Chúng ta đã tìm đến một thời điểm phi thường trong lịch sử khoa học. Một số nhà vật lý tin rằng, họ đang tiệm cận đến một lý thuyết duy nhất có thể kết hợp được tất cả các khoa học dưới một cái bóng quyền lực của toán học. Đặc biệt, lý thuyết này có thể thống nhất được hai pháo đài vĩ đại nhất của nền vật lý thế kỷ 20: thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử. Thuyết tương đối rộng miêu tả thế giới ở thang đo vĩ mô như những cấu trúc của vũ trụ, trong khi cơ học lượng tử lại miêu tả mọi hành xử của vật chất ở thang vi mô, trong thế giới hạt nguyên tử. Việc thống nhất cả hai lý thuyết này cho phép giải thích một cách toàn vẹn và chính xác về toàn bộ thế giới. Một lý thuyết như thế được ví von như là “Lý thuyết của vạn vật”.

Đặc biệt, lý thuyết này sẽ thống nhất được tất cả các tương tác cơ bản vốn điều hành mọi hành xử của vũ trụ. Các nhà vật lý đã tìm ra tất cả bốn tương tác cơ bản trong tự nhiên: tương tác hấp dẫn giữ cho các hành tinh quay xung quanh Mặt trời và đóng vai trò cốt yếu trong sự hình thành các sao và thiên hà trong vũ trụ. Tương tác điện từ giữ cho các electron chuyển động xung quanh hạt nhân nguyên tử và liên kết các nguyên tử với nhau. Tương tác hạt nhân yếu có tác dụng bên trong hạt nhân nguyên tử và gây ra các phân rã phóng xạ. Và cuối cùng, tương tác hạt nhân mạnh có vai trò liên kết các proton và notron trong nguyên tử với nhau, và như vậy, rất cần thiết cho sự ổn định của vật chất. Ở thời điểm này, các nhà vật lý đã xây dựng thành công từng lý thuyết riêng biệt cho mỗi loại tương tác, nhưng mục đích cuối cùng mà họ muốn đạt được là xây dựng một lý thuyết thống nhất được tất cả các tương tác trên. Mục tiêu trên phần nào đã có những tiến triển lạc quan, bởi vì hiện tại họ đã thống nhất được tương tác điện từ và tương tác yếu thành tương tác điện yếu. Nhưng quả thật, việc thống nhất cả bốn tương tác trên là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Dù sao các nhà vật lý đều rất tự tin rằng, trong một vài thập kỷ tới họ có thể hoàn thành được sứ mạng cao cả đó.

Nhà vật lý lý thuyết Steven Weinber, người đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất thành công lý thuyết điện yếu và đoạt giải Nobel cùng với hai đồng nghiệp Abdus Salam và Sheldon Glashow, đã gọi lý thuyết thống nhất cả bốn tương tác trên là một “lý thuyết tối hậu”. Ông và nhiều nhà vật lý khác phát biểu, khi các nhà vật lý tìm ra được lý thuyết này thì nền vật lý sẽ đặt hồi chuông cáo chung. Ngày nay, vũ trụ được mô tả bởi tập hợp các phương trình hoặc chỉ một phương trình. Nhưng vẫn còn lại câu hỏi là, các phương trình đó thực chất là gì?

Mang cho vũ trụ một ý nghĩa

Weinberg từng viết “Chúng ta càng hiểu vũ trụ bao nhiêu, thì dường như nó càng trở nên vô nghĩa bấy nhiêu”. Đối lập với cách nhìn nhận lạnh lùng của Weinberg, nhà sinh học Australia Charles Birch, một trong những người sáng lập nên sinh thái học hiện đại, lại tìm thấy vũ trụ có một ý nghĩa nào đó khi ông coi mình như là một phần cố hữu của vũ trụ.
Tương tự như vậy, vị linh mục và cũng là một nhà thiên văn George Coyne đã phát biểu rằng, vũ trụ tự nó đã có một mục đích và một ý nghĩa đầy đủ. Ông chỉ ra rằng, đối với tất cả những thành tựu vĩ đại của khoa học, nó không cần thiết phải là một bãi chiến trường để chỉ cho chúng ta quan điểm hoặc là cuộc đời của mỗi chúng ta hoặc vũ trụ là tất cả. Nhiệm vụ đó ngoài khả năng của khoa học. Thay vì thế, chúng ta có thể tìm thấy trong kinh nghiệm thường ngày và ngay tại thế giới này. Ông giải thích, “Với tất cả kinh nghiệm của con người, tôi nghĩ, có thể nói với chúng ta một điều rằng, có một ý nghĩa cho điều đó. Khi tôi nắm bàn tay lạnh lẽo của một người bạn vừa lìa xa cõi đời, và nhìn thấy một diễn tả về sự hy vọng và niềm vui sướng trong đôi mắt của người bạn đó, thậm chí ngay ở thời khắc của sự chết đến. Tôi có thể nhìn thấy ý nghĩa cho sự tồn tại mà điều này vượt ra ngoài những phát minh khoa học”

Thú vị thay, Weinberg lại tán thành với quan điểm của Cha cố Coyne, mặc dù ông tin tưởng rằng, khoa học đang vẽ lên bức tranh về một vũ trụ vô nghĩa, lạnh lùng và dửng dưng. Ông cũng tuyên bố mạnh mẽ rằng, chúng ta, những con người, đang mang cho vũ trụ một ý nghĩa và một mục đích thông qua cách mà chúng ta đối xử với nhau trong cuộc sống, bởi tình yêu thương đối với tha nhân, bởi khám phá những điều bí mật còn chôn dấu trong tự nhiên, bởi làm việc và sáng tạo nghệ thuật. Chúng ta không phải là những ngôi sao trong vở kịch vĩ đại của vũ trụ, nhưng chúng ta buộc phải đối mặt với một vũ trụ thờ ơ vô cảm và không có tình yêu. Tuy nhiên, chúng ta lại mất khả năng sáng tạo nên chính bản thân mỗi chúng ta, một ốc đảo nhỏ của sự ấm áp, tình yêu và cả trong đó là khoa học và nghệ thuật. Đó là một tuyên bố nhân văn sâu sắc từ một con người với cách nhìn lạnh lùng dường như là vô cảm. Tuy vậy, điều gì là ngạc nhiên nhất? Đó chính là một nhà khoa học vô thần thẳng thắn đã diễn tả một quan niệm không tương đồng với quan điểm của những tông đồ tôn giáo.

Điểm tương đồng giữa Khoa học và Phật giáo
Khác biệt với quan điểm của Thiên chúa giáo, Phật giáo lại có nhiều điểm tương đồng với nền khoa học đương đại. Trong đạo Phật, Đức Phật đã đưa ra thuyết Vô thường và Duyên khởi, tức là vạn vật hiện hữu trong thế giới luôn vận động và biến đổi. Vạn vật khi hội đủ duyên thì được sinh ra, hết duyên thì hoại diệt. Không có gì hiện hữu tự thân, một vật chỉ có thể tồn tại và ghi nhận trong tổng hoà các quan hệ với các đối tượng khác trong thế giới thực tại. Các học thuyết khoa học đương đại đã minh chứng cho quan điểm này của Phật giáo. Bất cứ một đời sống nào trong vũ trụ này đều trải qua bốn giai đoạn “sinh, lão, bệnh, tử”. Và để sinh vật đạt đến một đời sống trí tuệ lại phải trải qua một chuỗi các tiến hoá. Ngay cả với vũ trụ, thông qua một loạt các biến cố từ Vụ Nổ Lớn đến vũ trụ giãn nở, và hình thành nên các cấu trúc vũ trụ mà chúng ta quan sát thấy ngày nay. Cả chúng ta nữa, những đời sống trí tuệ biết thưởng thức vẻ đẹp cùng sự hài hoà của vũ trụ và có thể đặt những câu hỏi về vũ trụ. Tất cả đều có một đời sống và một lịch sử. Hơn thế nữa, ý niệm về tánh không trong Phật giáo tương ứng với lưỡng tính sóng hạt trong cơ học lượng tử. Cũng nhờ ý niệm về duyên khởi và tánh không mà Phật giáo không chấp nhận ý niệm về Đấng sáng tạo.
Có chăng, điều khác nhau giữa khoa học và Phật giáo là phương thức tiếp cận đối tượng của chủ thể quan sát trong thế giới thực tại. Khoa học xây dựng các quy luật của thế giới thực tại bằng một hệ thống cấu trúc toán học chặt chẽ và kiểm chứng thông qua các khí cụ khoa học. Còn trong Phật giáo, phương pháp chính là quán tưởng và công cụ là tâm. Einstein từng phát biểu: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo hoàn vũ. Nó sẽ phải vượt qua một vị Thượng Đế có nhân trạng và tránh xa những học thuyết lẫn giáo điều. Bao gồm cả khoa học tự nhiên và tâm linh, nó sẽ phải được đặt căn bản trên một ý thức tôn giáo phát khởi từ cảm nghiệm về tất cả mọi sự vật, khoa học tự nhiên lẫn tâm linh, và đây được xem như một sự hợp nhất đầy ý nghĩa… Phật giáo là câu trả lời cho sự mô tả này… Nếu có bất kỳ một tôn giáo nào có thể đáp ứng được những nhu cầu của nền khoa học đương đại, thì đó chính là Phật giáo”.

Mối tương hỗ
Các nhà thiên văn đang cố gắng nhìn sâu hơn vào không gian và các nhà vũ trụ học có thể mở rộng các phương trình để mô tả nhiều hơn về vũ trụ, các nhà di truyền học tháo gỡ tất cả những bí mật của gene người và các nhà sinh học tiến hoá khám phá nhiều hơn nữa nguồn gốc và sự phát triển của cuộc sống. Tất cả họ đang cố gắng trả lời những những câu hỏi thần học hóc búa. Trong kỷ nguyên này của khoa học chúng ta có thể hỏi tôn giáo có vai trò gì? Khoa học và tôn giáo cùng tương hỗ cho nhau như thế nào?
Theo nhà vật lý và thần học Robert Russell – giám đốc Trung tâm Thần học và Khoa học tự nhiên ở Berkeley – thì, cả khoa học và thần học đều cần đến nhau. Mặc dù các nhà khoa học đang trả lời một lượng lớn các câu hỏi, nhưng lại nảy sinh ra những câu hỏi khác mà khoa học chưa thể làm sáng tỏ, và thường là những câu hỏi liên quan đến triết học và đạo đức: Tại sao lại có vũ trụ này? Vì sao chúng ta đi tìm kiếm trật tự của toán học trong thế giới xung quanh? Tại sao khoa học tự nó lại mang một ý nghĩa nào đó?…Theo Russell, những câu hỏi này muốn giải quyết được không chỉ cần các nhà khoa học mà phải có sự tham gia của các nhà triết học, nhà đạo đức học và thần học.
Mặt khác, Russell chỉ ra rằng, trong kỷ nguyên của khoa học hiện đại, các nhà thần học và những người có tín ngưỡng không đủ sức để lờ đi những gì đang tiếp diễn trong khoa học. Nhà triết học Thiên chúa giáo Nancey Murphy giải thích, nếu quan điểm của tôn giáo không liên hệ với một vũ trụ cụ thể mà khoa học mô tả thì nó rất dễ bị tàn lụi. Chúng ta cần tránh sự tách biệt của tôn giáo từ khoa học trong Thời kỳ Khai Sáng, thời kỳ ở Châu Âu thế kỷ 18, cho rằng chỉ có lý trí và tri thức của khoa học mới đưa loài người tiến bộ.
Theo Murphy, để tôn giáo duy trì được sức mạnh trong việc giảng dạy đạo đức thì họ phải nhìn một cách hài hoà trong sự thật của khoa học. Nếu bạn muốn ai đó tin vào những gì bạn nói trong những phạm trù đạo đức, bạn cần mang cho họ bức tranh về thế giới dựa trên những kinh nghiệm của chính bạn. Điều đó không có nghĩa là phủ nhận những lý thuyết của khoa học.

Nguyễn Đức Phường

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)