Tranh cãi nguồn gốc đại dịch: Vai trò của chợ Hoa Nam ?

Cuộc tranh cãi về nguồn gốc đại dịch COVID tiếp tục nổ ra, sau các bài báo xuất bản trên Science.

Nhiều động vật hoang dã trong các trang trại ở Trung Quốc nhạy cảm với coronavirus. Nguồn: DW

Mỗi lần đi qua đây, tôi đều cảm thấy rùng mình”, một tài xế taxi nói như vậy khi lượn xe gần chợ bán buôn hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc. Khu chợ bán đồ tươi sống này – ngoài ra còn có cả gia cầm sống, các quầy thịt lợn, thịt bò – là nơi phần lớn các bệnh nhân COVID-19 giai đoạn đầu làm việc hoặc lui tới mua bán trước khi nhập viện  vào tháng 12/2019. “Từ Hoa Nam đã đồng nghĩa với virus”, ông nói.

Kể từ ngày 1/1/2020, khu chợ này đã bị cấm người lui tới, và ngừng hoạt động sau những hàng rào xanh. Nhìn xuyên qua song sắt ở cánh cổng, tôi thấy những chiếc ghế xanh trống rỗng, lưới cá chỏng chơ và vài cái hộp đựng đồ đông lạnh…

Khi cả thế giới bước vào năm đại dịch thứ ba, nguồn gốc chính xác của virus gây bệnh và vai trò của chợ Hoa Nam trong việc kích hoạt dịch vẫn còn gây tranh cãi. Phần lớn chuyên gia đồng ý với nhau là COVID-19 xuất hiện do hiện tượng vượt qua hàng rào loài (zoonotic spillover) – xảy ra khi một con virus từ động vật hoang dã nhảy sang người. Nhưng vẫn chưa rõ một cách chính xác là việc vượt qua hàng rào loài này xảy ra khi nào và ở đâu. Việc xác định nơi chốn không chỉ là vấn đề quan tâm của giới học thuật mà còn “quan trọng đối với những ngụ ý chính sách” có thể giúp đưa ra các biện pháp ngăn ngừa đại dịch tiếp theo, theo Roger Frutos, một nhà vi trùng học ở ĐH Montpellier, Pháp.

Tuần vừa qua, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã xuất bản hai nghiên cứu trên tạp chí Science cùng đi đến kết luận là chợ Hoa Nam là trung tâm của đại dịch. Công trình của họ đề xuất hai diễn giải về SARS-CoV-2 nhảy từ động vật sang người trong hai sự kiện khác nhau, đều trong bối cảnh chợ.

Hai nghiên cứu này tiếp nối những nghi ngờ trước đây là “động vật trong chợ là yếu tố chính của lan truyền bệnh giai đoạn đầu”, Dominic Dwyer, một nhà miễn dịch học tại ĐH Sydney, Australia, nói. Ông không tham gia vào nghiên cứu trên nhưng là thành viên của đoàn chuyên gia WHO từng tới Vũ Hán vào năm ngoái để đi tìm nguồn gốc của COVID-19. “Rõ ràng là các con virus này đã lưu hành ở chợ và sau đó lây truyền ra ngoài”.

“Việc truy tìm nguồn của một dịch bệnh mới từ động vật như mò kim đáy bể, và là thách thức bởi dấu vết lây nhiễm trong một quần thể động vật có thể rất mờ nhạt” (nhà vi trùng học Ronald Rosenberg)

Nhưng các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi là liệu có phải một con vật bị lây nhiễm hay một người mắc bệnh đã mang virus tới chợ? Những gì tiếp theo là các nhà khoa học vẫn phải tìm cho ra bằng được một con vật bị nhiễm virus tổ tiên của SARS-CoV-2, vì vậy kết luận nhảy loài diễn ra ngay tại chợ vẫn còn dựa vào bằng chứng ngẫu nhiên. “Chúng ta không nên dựa vào những lời tuyên bố về sự tương quan giữa các hiện tượng”, Virginie Courtier, nhà sinh học tiến hóa ở trường ĐH Paris, Pháp lưu ý.

Rõ ràng là Hoa Nam đã bán động vật hoang dã rất “nhạy” với SARS-CoV-2 vào cuối năm 2019. Nhưng chuyện nhảy loài có thể đã xảy ra với bất cứ ai trong chuỗi cung cấp tiếp xúc với động vật, trong đó có những người làm ở trang trại nuôi động vật hoang dã, Ronald Rosenberg, nhà vi trùng học tại Fort Collins, Colorado, nói. Theo một báo cáo năm 2017 của Viện Hàn lâm KH Trung Quốc, hàng trăm triệu động vật hoang dã thuộc hàng trăm loài đã được nuôi trong các trang trại để bán ở quốc gia này. Báo cáo ước tính, ngành “công nghiệp buôn bán động vật hoang dã” thu hút 10 triệu nhân công, đem lại lợi nhuận 76 tỉ USD; chỉ một phần tư động vật hoang dã được bán là từ các trang trại.

Các chuyên gia cảnh báo, việc tiếp xúc gần với các loại chợ bán đồ tươi sống hay cấm thương mại động vật hoang dã, như Trung Quốc đã từng hứa hẹn, không đủ để ngăn cản các cơn bùng phát dịch bệnh. “Chúng ta còn phải đối mặt với vấn đề lớn hơn nhiều trong tương lai”, David Redding, một nhà sinh học bảo tồn tại Viện Nghiên cứu Động vật học ở London, Anh, nói.

Khi diện tích trồng trọt mở rộng khắp thế giới, các loài vật khác nhau – gồm cả động vật đã thuần hóa và hoang dã – thông thường rất ít tiếp xúc nhau sẽ có nhiều cơ hội chạm trán và trao đổi các mầm bệnh, tạo ra những ổ virus. Điều này, theo Redding, là gốc rễ không chỉ của SARS và COVID-19 mà còn dẫn đến những bệnh lây nhiễm khác từng xuất hiện với tần suất ngày càng gia tăng trong những thập kỷ gần đây.

Lịch sử rắc rối của các chợ bán đồ tươi sống

Ngay cả trước khi COVID-19 bùng nổ, Hoa Nam và những khu chợ khác đều ẩn chứa những mối lo y tế công cộng bởi tiềm năng là nơi ươm các mầm bệnh mới. Nổi tiếng nhất số này là việc tìm thấy một khu chợ ở Trung Quốc là điểm khởi phát của dịch SARS năm 2002, và một số chợ khác liên quan đến các đợt bùng phát cúm gà trong những năm gần đây.

Một chợ bán đồ tươi sống ở Vũ Hán, Trung Quốc trước khi đại dịch bùng phát. Nguồn: healthpolicy-watch.news

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều thực hiện các cuộc khảo sát thường kỳ việc bán động vật sống ở chợ Hoa Nam. Trong thời kỳ diễn ra một căn bệnh do động vật truyền qua vết cắn có động lực cao, một nhóm nhà khoa học đã kiểm tra bốn chợ ở Vũ Hán – trong đó có Hoa Nam – hàng tháng từ tháng 5/2017 đến tháng 11/2019. Dữ liệu trên tạp chí Scientific Reports vào năm ngoái cho thấy đó là một nguồn tư liệu giá trị cho các nhà khoa học đang muốn tìm hiểu về nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Sau đó, nhóm nghiên cứu cho rằng các khu chợ này chứa gần 48. 000 động vật hoang dã thuộc 38 loài, đều được nhốt trong những cái lồng chật chội, tù túng, thiếu vệ sinh – những điều kiện hoàn hảo cho virus và lây truyền. Tất cả các cuộc buôn bán động vật hoang dã mà các nhà khoa học điều tra tại đó đều là bất hợp pháp. Nhiều người buôn bán các loài cần được bảo vệ và không ai có giấy chứng nhận nêu rõ nguồn gốc của động vật hoặc chúng có sạch bệnh hay không.

Cuộc điều tra này là một trong số những bằng chứng quan trọng được nêu trong các công bố mới trên Science, cùng với một nghiên cứu do nhóm chuyên gia của WHO và Trung Quốc thực hiện, vốn được xuất bản vào tháng 3/2021, và một báo cáo từ CDC Trung Quốc tháng 1/2022, miêu tả một số mẫu môi trường được thu thập ở Hoa Nam vào đầu năm 2020.

Phân tích của họ cho thấy phần lớn các mẫu môi trường đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, tập trung ở khu vực phía Tây Nam của chợ Hoa Nam – nơi những người buôn bán các loài động vật bất hợp pháp, bao gồm lửng chó, cáo đỏ, dúi, dẫn đến những cơn bùng phát dịch sớm. Một quầy hàng ở khu vực này có tới năm mẫu dương tính, bốn trong số đó liên quan đến việc bán động vật hoang dã: một cái lồng kim loại, một thiết bị cắt lông hoặc da, hai thùng vận chuyển.

Dẫu địa điểm chính xác của sự nhảy loài chưa rõ ràng thì phần lớn các nhà vi trùng học và chuyên gia bệnh truyền nhiễm đều đồng ý là việc buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc khởi phát đại dịch.

Lời giải thích phù hợp nhất là virus trong những mẫu đó rơi ra từ một con vật đã bị lây nhiễm sẵn và gây ra sự nhảy loài trong chợ, theo Edward Holmes, nhà vi trùng học tại ĐH Sydney ở Australia và là đồng tác giả của hai bài báo trên Science.

Nhưng các nhà khoa học đang săn tìm nguồn gốc của COVID-19 đều thoái chí. Khi Hoa Nam bị nghi ngờ là nơi bùng phát dịch, những người buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở đây đều biến mất cùng các món hàng của mình. Rất nhiều nhóm nghiên cứu truy theo dấu vết động vật hoang dã bị lây nhiễm đều không thành công.

Vào ngày 7 đến 18/1/2020, Tian Junhua của CDC Vũ Hán và cộng sự đã thu thập các mẫu từ động vật hoang dã gần thành phố, bao gồm 15 con lửng chó từ các trại cung cấp cho Hoa Nam cùng hàng trăm con dơi; họ không tìm thấy dấu vết của SARS-CoV-2. Các nhà khoa học tham gia đoàn chuyên gia WHO-Trung Quốc đều thất bại trong việc tìm virus khi phân tích hơn 600 mẫu lấy từ các trang trại cung cấp cho Hoa Nam ở Hồ Bắc. Họ cũng phân tích gần 2.000 mẫu lấy từ hơn hai chục loài hoang dã ở các vùng phía Nam Vân Nam, Quảng Đông, và Quảng Tây với các loài dơi mang virus corona nhưng cũng thất bại.

Rosenberg không ngạc nhiên về việc các nhà nghiên cứu trắng tay. Ông cho biết việc truy tìm nguồn của một dịch bệnh mới từ động vật như mò kim đáy bể, và là thách thức bởi dấu vết lây nhiễm trong một quần thể động vật có thể rất mờ nhạt.

Một bức tranh di truyền không rõ ràng

Không có bằng chứng trên động vật hoang dã bị lây nhiễm, một con đường khác để chứng tỏ hiện tượng nhảy loài ở Hoa Nam là tìm cho ra virus trên động vật ở chợ làm khởi phát đại dịch. Nếu COVID-19 xuất hiện khi một virus nhảy từ động vật lên người ở Hoa Nam, thì có thể tìm thấy trong chợ một virus tổ tiên của SARS-CoV-2 khác với virus ở người. Nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy một loại virus như vậy.

Nhóm phản hồi tình trạng y tế khẩn cấp Vũ Hán lấy mẫu ở chợ Hoa Nam vào tháng 3/2020. Nguồn: CNSPHOTO/VIA REUTERS

Trong một nghiên cứu đang ở giai đoạn tiền xuất bản, một nhóm nghiên cứu do George Gao, giám đốc CDC Trung Quốc (mới từ chức vào tháng bảy), tiết lộ một phân tích toàn thiện 800 mẫu môi trường ở Hoa Nam, bao gồm cả nước thải, bụi sàn, tường, đồ đông lạnh, lồng nhốt. Hai phần ba của 64 mẫu dương tính đều ở khu vực buôn bán động vật sống phía Tây Nam chợ. Bốn trong số đó – không mẫu nào từ quầy số 29 vốn được Holmes và cộng sự tin là nơi xảy ra hiện tượng nhảy loài – đã được giải trình tự hệ gene để so sánh với SARS-CoV-2 được lấy từ người nhiễm. Từ đó, nhóm nghiên cứu Trung Quốc kết luận là các mẫu virus này đều xuất phát từ người hơn là động vật, và khu chợ này là nơi khuếch đại sựlan tràn virus chứ không phải là nguồn gốc.

Nhiều nhà khoa học đều nghi ngờ về điều này. Thật khó để xác minh kết luận từ dữ liệu mà nhóm của George Gao đã sử dụng vì nó không được công khai, Andrew Rambaut, nhà sinh học tiến hóa tại trường ĐH Edinburgh và đồng tác giả hai bài báo trên Science, nói. Anh lưu ý là các mẫu dương tính từ môi trường chợ chứa các vật liệu di truyền từ động vật, và anh muốn biết chúng thuộc loài nào, số  lượng vật liệu di truyền và có thể liên quan đến vị trí các quầy bán động vật hoang dã như thế nào.

Tuy nhiên, tác giả của hai bài báo này đều nghĩ là họ đã tìm ra những manh mối di truyền của sự nhảy loài ở chợ.

Joel Wertheim của trường ĐH California, San Diego, xem xét cẩn trọng gần 800 kết quả trình tự virus vào giai đoạn đầu đại dịch, trước tháng 2/2020, và tìm thấy hai dạng SARS-CoV-2 có sự khác biệt ở hai đơn vị mã hóa di truyền. Weitherm gọi đó là “một dấu hiệu mách bảo” hai phiên bản liên quan với nhau của con virus đã nhảy từ động vật lên người ở hai sự kiện riêng rẽ.

Cả hai chủng A và B từ các mẫu lấy ở chợ Hoa Nam mà nhóm CDC Trung Quốc đã phân tích, theo Michael Worobey, nhà sinh học tiến hóa ở ĐH Arizona ở Tucson và đồng tác giả của bài báo Science. Nếu giả thuyết này là sự thật thì rất có thể chúng đều diễn ra tại chợ chứ không phải là nhiễm bên ngoài chợ rồi mang virus vào.

Không thể trả lời được mọi câu hỏi và có thể không bao giờ biết rõ COVID-19 đến từ đâu. Nhưng chúng ta biết đủ để hiểu rằng các trang trại nuôi động vật hoang dã ở Trung Quốc tiếp tục cho thấy là mối đe dọa về sức khỏe công cộng toàn cầu.

Nhưng cũng có công trình khác đề xuất là một chủng virus thứ ba xuất hiện vào tháng 10 năm đó chính là virus đã xuất hiện trong các chuỗi trình tự SARS-CoV-2. Một nghiên cứu xuất bản tại Bioinformatics vào tháng 3/2022, một nhóm nghiên cứu do Sudhir Kumar, ĐH Temple ở Philadelphia, dẫn dắt đã phân tích hơn 1 triệu chuỗi trình tự SARS-CoV-2 khắp thế giới và kết luận là chỉ có một tổ tiên chung, ngụ ý chỉ là tất cả cùng bắt nguồn từ một cú nhảy loài.

Các nghiên cứu này sử dụng những phương pháp khác nhau để suy ra tiến hóa virus trên cơ sở quan sát chuỗi trình tự gene và các cách tiếp cận đều có nhiều điểm bất định, vì vậy phần lớn các nhà khoa học quan sát các nghiên cứu này đều cho rằng cần xem xét kết luận của họ.

Dẫu địa điểm chính xác của sự nhảy loài chưa rõ ràng thì phần lớn các nhà vi trùng học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đều đồng ý là việc buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc khởi phát đại dịch. Đó là, Frutos nói, cần thiết phải nhìn vào toàn bộ rủi ro có thể xảy ra trong toàn bộ chuỗi cung cấp.

Tương lai của việc nuôi động vật hoang dã

Trong một buổi chiều u ám vào tháng Chạp năm ngoái, tôi vào chợ Qiyimen nhộn nhịp ở Vũ Hán – một trong bốn chợ được các nhà nghiên cứu phát hiện ra việc bán bất hợp pháp động vật hoang dã. Không khí ở đây căng đầy mùi cá và âm thanh rao bán hàng hóa. Người đi chợ lượn qua các quầy hàng bán đồ tươi sống, từ củ sen đến những con lươn đang trườn và những con thỏ bị lột da treo lủng lẳng trên móc.

Khi được hỏi về “đồ hoang dã”, những người bán sa sầm mặt. “Đừng nhắc đến từ đó”, một người nói. “Không được phép”.

Trung Quốc đã cấm tiêu thụ động vật hoang dã kể từ tháng 2/2020. Nhưng nhiều nhà khoa học nói là không đủ để ngăn ngừa đại dịch bởi vô số loài chưa được thuần hóa vẫn đang bị săn bắt để lấy da, lông, làm nguyên liệu Đông y, vật nuôi…

Cho đến gần đây, người ta vẫn còn biết quá ít về các nguy cơ rủi ro sức khỏe công cộng từ việc nuôi động vật hoang dã. Vào tháng 2/2022, một nhóm nhà khoa học quốc tế do các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc dẫn dắt cho biết, đã phám khá ra hơn 100 dạng virus mới từ mẫu của 2.000 vật nuôi trang trại thuộc 18 loài – nhiều loài từng được bán ở chợ Hoa Nam. Hai chục virus trong số đó dường như có nguy cơ rủi ro cao cho người. Nhiều loài virus, bao gồm các loài coronavirus mới và cúm, có tiềm năng sẵn sàng nhảy từ loài vật này sang loài vật khác.

Một số loài vật mà họ lấy mẫu đang bị ốm – thường có triệu chứng ho, chảy nước mũi hoặc tiêu chảy – nhưng nhiều loài lại không hề có dấu hiệu bệnh tật. Giống như với con người, nhiều loài virus có thể lưu hành một cách âm thầm giữa các loài động vật hoang dã, Holmes cho biết. Virus có thể lan truyền từ loài này sang loài khác và đột biến một cách liên tục. Điều này càng dễ dàng hơn khi nhiều loài được nuôi trong cùng một trang trại hoặc được nuôi thành bầy tại những nơi có điều kiện thông khí kém.

Để giải quyết vấn đề, một vài nông dân đã chấp thuận biện pháp an toàn sinh học cơ bản, như khử trùng trước và sau khi đến vào chuồng nuôi hoặc mang găng tay khi phải mang vật chết ra ngoài. Quá nguy hiểm khi mang vật chết chứa đầy virus mà không có biện pháp bảo vệ nào, Holmes nói, bởi “ngay cả các tiêu chuẩn an toàn sinh học chểnh mảng nhất trong một phòng thí nghiệm cũng an toàn hơn cả ngàn lần”.

Hơn nữa, động vật được vận chuyển khắp đất nước đều có tiềm năng kích hoạt các bệnh dịch mới nổi, Li nói. Những lo ngại lớn nhất là các mầm bệnh mới đều khuếch đại nguy cơ lây nhiễm giữa vật nuôi bởi nhiều trại nuôi động vật hoang dã gần với rừng và nông dân thường đánh bắt động vật hoang dã để bổ sung cho kho hàng của mình.

Rất có thể là đã xảy những đợt bùng phát virus ngắn giữa các trang trại nuôi động vật hoang dã, Frutos nói. Trong phần lớn trường hợp, người nuôi bị lây nhiễm có thể ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng, và các con virus đều chết sau những lây truyền trong phạm vi nhỏ. Trong một mô phỏng trên máy tính của nhóm nghiên cứu do Wertheim dẫn dắt xuất bản trên Science vào năm ngoái, 95% virus là do nhảy loài trong vùng nông thôn. “Nhưng ông cần một con số về người và số lượng tiếp xúc dẫn đến lây truyền bệnh”, ông nói.

Khi hiện tượng nhảy loài diễn ra thường xuyên hơn thì khả năng lan truyền giữa người với người sẽ gia tăng – cụ thể lượng người di chuyển giữa các trang trại và nơi có nhiều người như các chợ bán đồ tươi sống.

Ở các giao lộ

Với COVID-19, người nhiễm bệnh đầu tiên có thể là người trung gian – thu thập hàng hóa động vật từ các trang trại và phân phối chúng với chợ và kho hàng ở thành phố Vũ Hán, tương tự như những gì diễn ra ở toàn Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, Frutos nói. Người này có thể sau đó đã truyền bệnh cho những người buôn bán ở Hoa Nam và các nơi khác ở Vũ Hán, một giả thuyết phù hợp với phát hiện của Gao là SARS-CoV-2 đã có trong môi trường của các khu chợ và kho hàng liên quan trong thành phố này.

Quan trọng là, Frutos nói, nhiều kịch bản không cần đến sự lây nhiễm trong động vật bởi virus tổ tiên của virus gây đại dịch có thể tiến hóa và được chọn lọc ở người. Kịch bản cho giả thuyết này nhấn mạnh một thực tại đang lớn dần là con người bị nhiễm các mầm bệnh mới thường xuyên hơn chúng ta vẫn nghĩ trước đây. “Phần lớn các lây truyền đó đều không được ghi nhận hoặc bị chẩn đoán sai”, Rosenberg nói.

Trong hai nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học tại Viện Vi trùng Vũ Hán và cộng sự đã tìm thấy 4 % người sống gần nơi có dơi và làm việc gần với tự nhiên ở Nam Trung Quốc bị nhiễm với các virus nguy hiểm từ động vật; tỉ lệ lây nhiễm là 9% giữa những người làm nghề giết mổ động vật, dẫu không phát triển triệu chứng.

Rất nhiều sự kiện nhảy loài diễn ra thường xuyên, cuối cùng là nguyên nhân dẫn đến dịch SARS và COVID-19, Frutos nói.

Các nhà khoa học thừa nhận là họ không thể trả lời mọi câu hỏi và có thể không bao giờ biết rõ COVID-19 đến từ đâu. Nhưng chúng ta biết đủ để hiểu rằng các trang trại nuôi động vật hoang dã ở Trung Quốc tiếp tục cho thấy là mối đe dọa về sức khỏe công cộng toàn cầu, Holmes nói.

Thêm vào lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã, Holmes nói Trung Quốc phải nâng cao các biện pháp an toàn sinh học trong toàn chuỗi cung cấp động vật hoang dã bằng việc kiểm tra thường xuyên các trại nuôi động vật hoang dã. Cần phải thêm nhiều giám sát, ông cho biết thêm, vào các loài vật như chồn sương và lửng chó, những loài được biết là dễ nhiễm coronavirus và sẽ tiếp tục được nuôi trên diện rộng ở Trung Quốc để lấy lông.

Không riêng gì Trung Quốc, còn rất nhiều quốc gia khác có các trang trại nuôi động vật hoang dã và buôn bán chúng ở chợ. Trung Quốc lại nằm ở một vị trí giao thương thuận lợi. Nếu thất bại trong việc giám sát bệnh dịch “COVID-19 dường như không phải là đại dịch cuối cùng thoát ra từ Trung Quốc”, Li nói. □

Anh Vũ dịch

Nguồn: https://www.nationalgeographic.com/magazine/article/debate-deepens-over-wuhan-wet-markets-role-in-kickstarting-the-pandemic

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)