Werner Heisenberg: Nhà khoa học gây tranh cãi (Kỳ 2)

Chiến tranh Thế giới lần Thứ hai đã vẽ ra một lằn ranh giữa cái thiện và cái ác, giữa sự ngây thơ vô tội và cái xấu xa tội lỗi. Các nhà khoa học ở đâu, giữa những lằn ranh đó?

Werner Heisenberg.

Thế giới xấu xí nhưng công việc thì đẹp đẽ

Trong một bức thư gửi Sommerfeld vào tháng 2/1938, Heisenberg viết: “Thật đáng tiếc là trong thời điểm mà vật lý đang đạt được những tiến bộ tuyệt vời như vậy và thật vui khi được đóng góp cho sự phát triển hơn nữa của nó, thì người ta lại tham gia vào chính trị hết lần này đến lần khác”. 

Sau khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, Heisenberg đã không thể giữ mình tách biệt khỏi chính trị được nữa. Mặc dù, giống như nhiều người Đức khác, Heisenberg nhìn nhận chủ nghĩa dân tộc của Hitler với một thiện cảm nhất định, nhưng ông đã thực sự kinh hoàng trước sự thô thiển của chế độ trong việc thực thi các biện pháp cụ thể, chẳng hạn như việc thanh trừng khỏi các trường đại học các đồng nghiệp người Do Thái. Trước tình hình đó, Heisenberg đã xin lời khuyên của Max Planck, một người lão thành vĩ đại của khoa học Đức. Planck đã thuyết phục Heisenberg rằng nghề vật lý sẽ được bảo vệ tốt hơn bằng những nỗ lực thầm lặng đằng sau hậu trường hơn là phản đối công khai. Tháng 6/1933, sau khi Planck gặp Hitler, Heisenberg đã viết cho Born (vốn là một người Do Thái) như sau: “Planck đã nói chuyện với người đứng đầu chính phủ – tôi nghĩ tôi có thể tiết lộ điều này với ông – và nhận được sự đảm bảo rằng [chính phủ] sẽ không thực thi biện pháp nào làm cản trở khoa học của chúng ta, ngoài luật nghĩa vụ dân sự mới”.

Mặc dù Born chưa chính thức bị sa thải nhưng ông đã rời Göttingen và sẵn sàng di cư. Ngay cả khi được phép ở lại vì một quy định đặc biệt miễn trừ việc sa thải những người Do Thái đã phục vụ trong Thế chiến Thứ nhất, Born đã không thấy tương lai nào cho các con của mình ở Đức. Heisenberg khuyên người hướng dẫn cũ của mình: “Tôi muốn đề nghị ông đừng vội đưa ra bất kỳ quyết định nào mà hãy chờ xem đất nước của chúng sẽ như thế nào vào mùa thu tới.” Born phớt lờ lời khuyên can của Heisenberg và di cư đến Vương quốc Anh, nơi ông định cư 17 năm trước khi trở lại Đức vào năm 1953.

Chiến lược “chờ đợi và xem điều gì sẽ xảy ra” đã trở thành một đặc điểm trong phản ứng của Heisenberg đối với chính trị. Năm 1935, Heisenberg tiến gần nhất đến một cuộc biểu tình công khai chống lại chính quyền Đức quốc xã khi các đồng nghiệp từ Khoa Triết học Leipzig bị sa thải trong làn sóng thanh trừng thứ hai. Heisenberg và những người khác đã mất tinh thần và bày tỏ sự phản đối của họ tại một cuộc họp của khoa. Hậu quả duy nhất của cuộc phản đối trong bối cảnh này là người đứng đầu khu vực đã chính thức khiển trách những người bất đồng chính kiến, còn việc sa thải vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Bị kinh hoàng trước chính trị thêm một lần nữa, phản ứng của Heisenberg là rút lui. Trong một lá thư gửi cho mẹ vào mùa thu năm 1935, Heisenberg viết: “Con phải thỏa mãn để giám sát những giá trị sẽ phải trở nên quan trọng cho tương lai trong lĩnh vực khoa học nhỏ [mà con quan tâm]. Đó là điều rõ ràng duy nhất còn lại mà con có thể làm trong sự hỗn loạn chung này. Thế giới ngoài kia thực sự xấu xí, nhưng công việc thì đẹp đẽ”.

Nhưng rút lui vào khoa học mà không dính líu đến chính trị là điều không thể đối với những nhà vật lý nổi tiếng. Khi Sommerfeld đến tuổi nghỉ hưu vào năm 1935, Heisenberg là ứng viên sáng giá để kế nhiệm Sommerfeld tại Munich. Nhưng hệ tư tưởng của Đức quốc xã lúc đó cũng đang hoành hành cả trong vật lý: Johannes Stark và Philip Lenard, cả hai đều đoạt giải Nobel, đã mô tả các lý thuyết hiện đại như thuyết tương đối và cơ học lượng tử là “vật lý Do Thái” (“Jewish physics”).  Stark phàn nàn công khai rằng mặc dù Einstein đã rời Đức sang Mỹ nhưng vẫn còn đó những nhà vật lý hành động theo tinh thần của Einstein. Hơn thế, Stark còn đích danh chỉ trích rằng “nhà lý thuyết hình thức Heisenberg, tinh thần của tinh thần Einstein, giờ đây thậm chí còn được hậu hĩnh mời giữ một chức vụ”. Đó là thời điểm mà chiến dịch chống lại Heisenberg và Sommerfeld bắt đầu. Chiến dịch này kết thúc vào năm 1939 khi Wilhelm Müller được chỉ định làm người kế vị Sommerfeld. Müller, một nhà khí động học, bị Sommerfeld gán cho cái mác “thằng ngốc toàn phần” (“complete idiot”). Heisenberg đã bị đẩy đến tuyệt vọng trong cuộc đấu tranh này. Sử dụng các mối quan hệ riêng giữa gia đình của mình và gia đình của Heinrich Himmler, Heisenberg muốn tìm kiếm sự đảm bảo từ Đức quốc xã rằng quan điểm chính thức của họ về ông không giống như nhũng gì thể hiện trong chiến dịch chống lại ông. Heisenberg thậm chí còn nghĩ đến việc di cư khi cuộc điều tra về trường hợp của ông dường như sẽ kéo dài vô tận.

Cho đến tận ngày hôm nay, các nhà vật lý và sử gia vật lý vẫn đang tranh luận về động cơ và vai trò của Heisenberg trong nỗ lực chế tạo bom hạt nhân. Những thỏa hiệp với chế độ của Đức quốc xã – có lẽ có thể giải thích được về mặt tâm lý khi xét đến sự đấu tranh để bảo vệ thanh danh – đã làm dấy lên những nghi ngờ về tính cách của Heisenberg.

Đằng sau màn kịch, trường hợp của Heisenberg – và quan điểm của chế độ của Đức quốc xã về vật lý nói chung – được đánh giá khác nhau bởi các nhóm khác nhau. Đội quân quyền lực của Himmler (đội quân SS) cuối cùng đã ủng hộ Heisenberg và vật lý lý thuyết hiện đại vì những lý do thực dụng, trong khi các nhà lãnh đạo đảng và đại diện các trường đại học của Đức quốc xã nhấn mạnh ý thức hệ hơn là lợi ích. Những kẻ cuồng tín trong số các nhà vật lý – thường được gọi là nhóm “Vật lý Đức” (“Deutsche Physik”), bất chấp xu hướng phân tán của họ – đã thành công trong việc ngăn cản Heisenberg kế vị Sommerfeld. Nhưng trường hợp của Heisenberg đã đánh dấu sự khởi đầu cho màn cờ tàn của họ. Với sự bùng nổ của Chiến tranh Thế giới Thứ hai, chế độ Đức quốc xã đánh giá khả năng ứng dụng của vật lý cao hơn hệ tư tưởng.

Những năm chiến tranh

Heisenberg được chính phủ chấp nhận sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai bùng nổ, và được Bộ Giáo dục giao cho chức giám đốc khoa học của Viện Vật lý Kaiser Wilhelm ở Berlin, cùng với Otto Hahn. Viện này nằm dưới quyền của Văn phòng Vũ khí Quân đội (Army Ordnance Office) vì vai trò trung tâm của nó trong việc điều phối một dự án quân sự bí mật. Cùng với các nhà khoa học hạt nhân khác, những người tự gọi mình là Câu lạc bộ Uranium, Heisenberg bắt đầu nghiên cứu các ứng dụng có thể thực hiện trong thời chiến của phản ứng phân hạch hạt nhân do Hahn và các cộng sự phát hiện từ tháng 12/1938. Những ứng dụng như vậy bao gồm các lò phản ứng hạt nhân để đẩy tàu ngầm và khả năng tạo ra một quả bom mới với sức công phá “vượt vài bậc về độ mạnh so với sức nổ của vật liệu nổ mạnh nhất”, như Heisenberg đã viết trong báo cáo sơ bộ vào tháng 12/1939.

Cho đến tận ngày hôm nay, các nhà vật lý và sử gia vật lý vẫn đang tranh luận về động cơ và vai trò của Heisenberg trong nỗ lực này. Những thỏa hiệp với chế độ Quốc xã – có lẽ có thể giải thích được về mặt tâm lý khi xét đến sự đấu tranh để bảo vệ thanh danh – đã làm dấy lên những nghi ngờ về tính cách của Heisenberg. Hàng nghìn trang đã được viết về “cuộc chiến của Heisenberg” (“Heisenberg’s war”), nhưng vẫn không đạt được sự đồng thuận.

Theo một phiên bản, được ủng hộ một cách độc lập bởi hai nhà báo Robert Jungk và Thomas Powers, Heisenberg đã cố tình trì hoãn tiến độ của dự án vì ông ghê tởm ý tưởng về một quả bom nguyên tử trong tay Hitler. Nhưng nhà sử học Paul Rose lại có quan điểm ngược lại. Rose tin rằng Heisenberg đã cố gắng hết sức để chế tạo bom nguyên tử, nhưng thất bại vì không hiểu đủ mức độ cần thiết về vật lý [hạt nhân]. Còn theo phiên bản riêng của Heisenberg, ông và các nhà khoa học đồng nghiệp trong Câu lạc bộ Uranium đã được miễn nhiệm vì không đạt được đủ tiến bộ do hoàn cảnh của chiến tranh.

Werner Heisenberg và Nils Borh.

Trong khi đó, Mark Walker chỉ trích các câu trả lời theo kiểu “đen hoặc trắng”. Walker lập luận rằng không phải năng lực của Heisenberg đã quyết định tiến độ của dự án bom nguyên tử, mà là Văn phòng Vũ khí Quân đội đã mất hứng thú với dự án này vào năm 1942 vì nó sẽ không tạo ra kết quả đủ sớm để ảnh hưởng đến kết cục của cuộc chiến. Trong cuốn sách nghiên cứu của mình có tên “Khoa học Đức quốc xã”6, Walker đưa ra câu trả lời, có lẽ là câu trả lời phù hợp nhất để có thể tiếp cận sự thật trong vấn đề nhiều vướng mắc này. Walker hỏi: “Người Đức có cố chế tạo bom nguyên tử hay không?” Walker lập luận rằng một mặt người Đức đã không đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng các nhà máy khổng lồ vào việc phát triển các thiết bị kích nổ. Nhưng, mặt khác, họ đã sản xuất các chất được biết đến là các chất nổ hạt nhân tiềm năng càng nhanh càng tốt mà không cản trở nỗ lực chiến tranh. Theo kết luận của Walker thì không có câu trả lời đơn giản.

Cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn

Cuộc sống của Heisenberg sau chiến tranh không được quan tâm nhiều, mặc dù vậy nó cũng tạo ra những tranh cãi. Heisenberg đã không tìm được sự ủng hộ của các nhà khoa học đồng nghiệp khi ông có ý định thành lập một Hội đồng Nghiên cứu ưu tú của Đức (elitist German Research Council) với tư cách là cơ quan trung tâm của Đức về chính sách khoa học. Mặc dù Konrad Adenauer, Thủ tướng đầu tiên của Tây Đức, hoan nghênh những tư vấn của Heisenberg về các vấn đề nguyên tử, nhưng vai trò của Heisenberg với tư cách là một “ông hoàng nguyên tử” người Đức (German “atomic tzar”) đã vấp phải sự chế nhạo từ Franz Josef Strauss, Bộ trưởng đầu tiên về các vấn đề nguyên tử. Về mặt khoa học cũng vậy, những nghiên cứu sau chiến tranh của Heisenberg về vật lý hạt cơ bản đã bị hoài nghi và được cho là không mấy hữu ích, trái ngược với những bài báo giật gân đưa tin rằng “Weltformel” – lý thuyết trường thống nhất của ông về các hạt cơ bản – đã được Heisenberg đưa ra vào năm 1958.

Nói đúng ra là các tranh cãi về hành vi của Heisenberg trong thời Đức quốc xã cũng là câu chuyện của thời hậu chiến. Nó bắt đầu vào năm 1947 khi nhà vật lý người Mỹ Samuel Goudsmit xuất bản cuốn sách ALSOS7, một tài liệu nghiệt ngã về nỗ lực chiến tranh hạt nhân của Đức. Goudsmit đã dùng trường hợp của Heisenberg để minh họa cho những thất bại của chế độ độc tài trong việc chỉ đạo khoa học. Tuy nhiên, vào năm 1956, lần đầu tiên Heisenberg được miêu tả như một biểu tượng đạo đức trong cuốn sách của Jungkcó tên “Sáng hơn ngàn Mặt trời”8, viết trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh và Chủ nghĩa McCarthy. Tuy nhiên, Walker sau đó đã kết luận rằng “thuyết âm mưu” của Jungk một lần nữa lại là sản phẩm của thời kỳ mà chính trị gây tổn hại cho khoa học và các nhà khoa học.

Một cuộc tranh cãi khác xung quanh Heisenberg lại nổi lên xoay quanh một vở kịch về chuyến đi của Heisenberg tới Copenhagen năm 1941, nơi ông gặp Bohr và Margrethe (vợ của Bohr). Mối quan tâm đến Heisenberg của nhà viết kịch Michael Frayn được khơi dậy sau khi đọc cuốn sách “Cuộc chiến của Heisenberg”9 của Powers, trong đó, giống như Jungk đã làm, Heisenberg được miêu tả như một anh hùng, người đã trì hoãn tiến độ nghiên cứu về bom nguyên tử của Đức. Tuy nhiên, vai trò của Heisenberg trong vở kịch thì ít anh hùng hơn, và trong nhân vật Heisenberg được lồng vào một mê cung nghệ thuật của những điều không chắc chắn, ám chỉ đến cả sự bất định trong vật lý lượng tử lượng tử và sự bất định về lịch sử do thiếu tài liệu làm bằng chứng về cuộc gặp Heisenberg-Bohr năm 1941 tại Copenhagen. Một số vấn đề liên quan đến sự việc này có thể xem thêm từ những bức thư bí mật của Bohr10

Heisenberg của Frayn không phải là “người Đức xấu xí” (“ugly German”) như Rose miêu tả, cũng không phải là anh hùng như trong sách của Jungk hay Powers. Với phép ẩn dụ bất định, từ quá khứ đến hiện tại, cả bên trong và bên ngoài vật lý, bản thân cuộc đời của Heisenberg là một ẩn dụ: một người chịu những áp lực trái ngược nhau, một biểu tượng của cái dường như là một nguyên tắc vượt xa ra ngoài lĩnh vực lượng tử. “Những gì mọi người nói về động cơ và ý định của chính họ, ngay cả khi họ không mắc vào những cái bẫy liên quan đến Heisenberg, luôn là chủ đề đáng nghi ngờ – cũng như sự nghi ngờ về những điều mà bất kỳ ai khác nói về họ”, Frayn kết luận trong phần tái bút của mình về chuyến đi tới Copenhagen năm 1941 của Heisenberg.

Theo Frayn, một Heisenberg mới đã bước lên sân khấu, giờ đây đang đồng hành cùng một hệ tư tưởng hậu hiện đại. Frayn cho rằng: “Những suy nghĩ và ý định, thậm chí là của riêng một người – có thể là của hầu hết mọi người – vẫn thay đổi và khó nắm bắt. Không có một suy nghĩ hay ý định nào thuộc bất kỳ loại nào có thể được thiết lập một cách chính xác”. □

Nguyễn Bá Ân dịch

Tài liệu tham khảo

1 Werner Heisenberg: nhà khoa học gây tranh cãi; https://physicsworld.com/a/werner-heisenberg-controversial-scientist/

2 Heisenberg and the Nazi Atomic Bomb Project, 1939-1945; https://www.amazon.com/Heisenberg-Nazi-Atomic-Project-1939-1945/dp/0520229266 

3 Uncertainty: the Life and Science of Werner Heisenberg; https://www.amazon.com/Uncertainty-Life-Science-Werner-Heisenberg/dp/0716725037 

4 Atomic Structure and Spectral Lines; https://www.amazon.com/Atomic-Structure-Spectral-ARNOLD-SOMMERFELD/dp/B0000EFPNI

5 On a quantum theoretical re-interpretation of kinematical and mechanical relationships; W. Heisenberg, Z. Phys. 33, 879 (1925)

6 Nazi Science; https://www.amazon.com/Nazi-Science-Truth-German-Atomic/dp/0738205850 

7 ALSOS; https://www.amazon.com/Alsos-History-Modern-Physics-Astronomy/dp/1563964155 

8 Brighter Than a Thousand Suns; https://www.amazon.com/Brighter-than-Thousand-Suns-Scientists/dp/0156141507

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)