WIKIPEDIA- Từ điển bách khoa trực tuyến

Mỗi khi lên mạng tra cứu vấn đề gì, ta thường thấy xuất hiện từ mục của Wikipedia. Trang web Wikipedia là Bách khoa thư (BKT) trực tuyến lớn nhất, nguồn tư liệu phong phú nhất toàn cầu hiện nay, cung cấp 2,6 tỷ bài, viết bằng 200 ngôn ngữ. Sau 6 năm ra đời, trang web này đang phát triển với tốc độ mỗi tháng 7%, đổ đồng hàng tháng có 2 tỷ lượt truy cập. Riêng bản tiếng Anh hiện có gần 1 triệu từ mục, trong khi Đại BKT Encyclopaedia Britannica lừng danh ra đời từ năm 1768 tới nay cũng chỉ có 1,2 triệu từ mục.

Wikipedia phát triển nhanh như vậy vì nó là một BKT tự do, mở, do chính bạn đọc tình nguyện biên soạn – điều này chỉ có thể thực hiện được trong thời đại Internet. Nó cũng cho phép bất cứ ai đều có thể sửa nội dung nào mình cho là sai. Nhưng không ai được lưu tên trong phần mình viết hoặc sửa; vì ở đây không có khái niệm sở hữu riêng. Mọi người đều có quyền trích dẫn wikipedia mà không sợ vi phạm bản quyền. 
Wikipedia do Jimmy Wales 39 tuổi sáng lập và phát lên mạng ngày 10/1/2001, nay đã là một thương hiệu nổi tiếng. Nhiều nhà quảng cáo muốn được xuất hiện trên website này. Tuy biết đó là một nguồn lợi lớn nhưng Wales không chấp nhận, vì sợ tổn hại tới hình ảnh trang web thiêng liêng của mình. Sứ mạng cuộc đời tôi là làm cho mọi người trên trái đất đều có thể được miễn phí sử dụng BKT. Hãy tưởng tượng khi tất cả mọi người đều được tự do tiếp cận với nguồn tư liệu của toàn nhân loại; đó là điều Wikipedia đang nhằm tới – Wales nói. Anh đang phấn đấu để website này vừa giữ được thương hiệu lại vừa phát triển được, dưới sự tài trợ của tổ chức phi lợi nhuận Wikimedia ở bang Florida, do Wales lập ra. Tháng 3/2007, từ wiki được thừa nhận là một từ mới trong tiếng Anh.
Cũng do biên soạn mở mà Wikipedia bị phê phán là nội dung các mục từ chưa chính xác. Thí dụ một thuộc hạ của cựu Tổng thống J. Kennedy phát hiện thấy trong mục nói về ông lại viết ông là một trong số những kẻ tình nghi ám sát Kennedy. Wikipedia bản tiếng Đức năm 2005 bị khiếu nại vì đã “dán” các mục từ của BKT Brockhaus Enzyklopdie; sau đó Wikipedia phải xóa hết phần đó… Các thí dụ trên cho thấy bạn đọc rất quan tâm đến chất lượng của BKT này.
Dù thế, Robert McHenry nguyên chủ biên BKT Britannica vẫn nhận xét Wikipedia là một “BKT cơ bản trung thực”. Một bản điều tra đăng trên tạp chí Nature số 12/ 2005 cho thấy tính chính xác của Wikipedia chỉ hơi kém Britannica một chút. Jorge Cauz, một manager của Encyclopaedia Britannica ở Chicago nói Wikipedia là một vấn đề được các cuộc họp ban biên tập của ông thường xuyên bàn tới.


Jimmy Wales, nhà sáng lập Wikipedia

Wikipedia thành công lớn là do kích thích được nhiệt tình của những người ủng hộ. Nó có rất nhiều tình nguyện viên tham gia biên soạn, biên tập. Như chị Frieda Brioschi ở Italia mỗi tuần dành 25 giờ biên tập phần tiếng Italia. Các tình nguyện viên còn làm ra những phần mềm biên tập. Cơ quan Wikipedia chỉ có 3 nhân viên ăn lương (2 trợ lý và 1 kỹ sư phần mềm).
Ngoài BKT, Wales còn bắt đầu biên soạn Từ điển Wiki (Wikitionary), Bộ Sưu tập danh ngôn Wikiquote, Học liệu mở Wikiversity Beta, Tủ sách giáo khoa mở Wikibooks, trang web tin tức Wikinews (kết hợp đăng tin của các hãng tin khác nhau, như Đài Truyền hình Bán đảo ở Qatar, đài BBC và Tân Hoa Xã Trung Quốc)… Thật là cả một “đế chế” truyền thông! Song để làm như vậy, Wales cần tìm kiếm nguồn kinh phí. Năm 2005, các bạn đọc quyên tặng được 1 triệu USD;  Yahoo biếu một server và 250 nghìn USD. Ngoài ra, Wales còn lập một công ty kiếm lời lấy tên Wikicities, nhận biên soạn những nội dung chuyên biệt (kể từ tiền cổ cho tới rượu bia… cho các trang web lớn trên thế giới, và nhận đăng quảng cáo, tuy vẫn dùng tình nguyện viên để biên soạn. Có điều Wales không chịu tăng biên chế cơ quan. Anh còn ấp ủ dự định cung cấp miễn phí đĩa DVD Wikipedia cho các vùng chưa có Internet. Sự nghiệp của Jimmy Wales nếu thành công sẽ ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài tới các thế hệ học sinh, khi họ tra cứu nguồn kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Hôm vừa rồi lên thư viện, khi gõ từ “Đông Kinh Nghĩa Thục” (ĐKNT) trên Google tiếng Việt, tôi thấy màn hình hiện lên duy nhất phần giải thích của Wikipedia. Phần giới thiệu chung viết tạm được tuy quá sơ sài, nhưng khi kích vào tên “Nguyễn Hữu Cầu” trong danh sách các nhà sáng lập ĐKNT thì Wikipedia lại “link” với tiểu sử Nguyễn Hữu Cầu-Quận He, một nhân vật có trước ĐKNT cả thế kỷ. Thấy thế tôi bèn tìm cách sửa. Rất may là Wikipedia có hướng dẫn chi tiết cách làm. Dựa vào trí nhớ, tôi gõ bàn phím được khoảng ngót một trang tiểu sử Nguyễn Hữu Cầu ĐKNT, dưới cùng có ghi tên họ mình và số điện thoại. Nhưng khi trở lại truy cập từ đầu thì thấy Wikipedia vẫn “link” Nguyễn Hữu Cầu với Quận He! Bực quá, tôi làm lại lần nữa, chưa kịp xong thì thư viện đã đóng cửa. Tuần sau, tôi lên mạng, ngạc nhiên thấy phần mình sửa được đăng tải trọn vẹn trên Wikipedia (cho tới khi viết bài này)! Thì ra cái người vô hình nọ của Wikipedia cần có thời gian kiểm định nội dung sửa của tình nguyện viên. Tôi mừng lắm, dù chẳng hề thấy họ liên hệ với mình, và liền gọi điện cho các hậu duệ của mấy cụ sáng lập viên ĐKNT đề nghị họ biên soạn ngay tiểu sử các cụ còn chưa có trong Wikipedia. Cũng qua việc đó, tôi thấy cần thận trọng khi trích dẫn các thông tin từ BKT này. Wkipedia từng tuyên bố rõ ràng là họ không chịu trách nhiệm về các khiếu kiện đối với sự chính xác của nội dung các từ mục.
Sự việc trên cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể và nên tham gia biên soạn BKT trực tuyến Wikipedia, vì nội dung của Wikipedia bản tiếng Việt hiện nay còn quá nghèo nàn, bỏ trống quá nhiều, chưa kể tồn tại không ít sai sót. Phần tiếng Việt của Wikipedia xuất hiện từ tháng 10/2003, hiện nay mới tập hợp được hơn 40 nghìn thành viên có account, họ mới biên soạn được 20 nghìn từ mục, trong khi phần tiếng Bahasa Indonesia có trên 50 nghìn, tiếng Suomi (Phần Lan) và Svenska – hơn 100 nghìn, tiếng Ba Lan – hơn 200 nghìn từ mục… Đặc biệt, một số người không ưa thích chế độ chính trị hiện nay của Việt Nam đã viết những nội dung rất chối tai. Nếu cứ nhắm mắt để nguồn tư liệu ấy tồn tại trên mạng trong khi hoàn toàn có thể sửa lại cho sát sự thật hơn, thì rõ ràng chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử, với hàng triệu người tra cứu và trích dẫn Wikipedia, chủ yếu là thế hệ trẻ.
Khi tham gia biên soạn Wikipedia, tình nguyện viên cần tuân theo các quy chế của trang web này, như không được sao chép nguyên văn những nội dung đã đăng trên sách báo, website (vì như thế dễ vi phạm bản quyền, là điều Wikipedia không cho phép). Có lẽ một điều không cần nói ra là phải cố gắng tránh dùng quan điểm chủ quan của mình nhìn nhận các sự kiện lịch sử, lược bỏ phần sự kiện này, nhấn mạnh phần sự kiện kia, thực chất là xuyên tạc; làm như thế sớm muộn sẽ bị người khác “sửa gáy”.
Hình như trong “Lịch sử văn hóa Trung Hoa”, cụ Đặng Thai Mai có nhắc lại một câu rất hay của Voltaire, đại ý: Từ khi có các nhà viết sử, lịch sử không còn là lịch sử nữa. Có thể chính vì thế mà Wikipedia mong mỏi lịch sử nhân loại sẽ được viết lại một cách ngày càng khách quan, toàn diện, đúng sự thật; để làm như vậy, họ sử dụng đội ngũ biên soạn là hàng triệu người có cùng mục tiêu ấy, không phân biệt quốc tịch, chính kiến. Rõ ràng, mục tiêu cao cả này có thực hiện được hay không thì phụ thuộc vào các tình nguyện viên và ban biên tập Wikipedia; nhưng việc phấn đấu đi tới cái đích ấy lại là nghĩa vụ tự nhận của những ai quan tâm vấn đề này.
Tạp chí TIME thật có lý khi chọn nhân vật của năm 2006 là YOU. Vâng, chính YOU, tức đông đảo quần chúng nhân dân sẽ làm nên tất cả, kể cả việc viết lại lịch sử. Trong thời đại kinh tế tri thức, người dân có khả năng làm chủ nhiều việc; mạng Internet cho họ một phương tiện tự do trình bày quan điểm của mình không ai ngăn cấm nổi. Nhật ký cá nhân trên mạng (blog), đài phát thanh cá nhân trên mạng (podcasting) là vài thí dụ. Nhờ thế, cuộc sống tinh thần của nhân loại đang ngày một phong phú hơn bao giờ hết. Tri thức và phương tiện truyền thông không còn bị một số ít người thao túng để phục vụ lợi ích riêng nữa.

Hồ Anh Hải

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)