Yersin ở Việt Nam (Kỳ 4): Cuộc phiêu lưu trong thế giới thực vật

Chiếu rọi từ góc độ nào, di sản Alexandre Yersin để lại cho Việt Nam cũng thật rực rỡ. Như vua Midas trong thần thoại Hy Lạp có đôi bàn tay quyền năng biến mọi thứ thành vàng, hầu hết những gì bàn tay và khối óc Yersin chạm tới đều đem đến những thành quả đáng kinh ngạc. Cuộc phiêu lưu của ông trong thế giới thực vật, vì thế, không phải là một dịch chuyển ngẫu hứng, ngược lại tạo ra nguồn tài chính vững chắc để có thể tự do làm khoa học.

Tượng bán thân Yersin ở vườn hoa Yersin Hà Nội, cạnh Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (trước là Viện Pasteur Hà Nội). Ảnh: Mỹ Hạnh.

Thế giới Yersin theo đuổi là thế giới của những vi sinh vật có kích thước siêu nhỏ chúng ta chỉ quan sát được dưới kính hiển vi, nhưng lại đủ sức mạnh đoạt mạng sống con người, thậm chí vẽ lại bản đồ phát triển của những vùng đất, một khi chúng gây bùng phát những dịch bệnh truyền nhiễm chết chóc. Thế nhưng thuở ban đầu, Yersin từng tỏ ý không muốn đi theo con đường khoa học này. Ông tâm sự với mẹ qua bức thư gửi từ Sài Gòn đề ngày 6/9/1891 để lý giải nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn của mình “Công việc nghiên cứu khoa học vô cùng thú vị nhưng thầy Pasteur đã vô cùng chính xác khi nói với con là, trừ phi là một thiên tài, còn thông thường người ta phải thật giàu sụ mới có thể làm việc tốt trong một phòng thí nghiệm và tránh được sự tồn tại của mọi thứ phiền nhiễu khốn khổ, ngay cả khi họ đã có một danh tiếng khoa học nhất định…”.  

Lời chia sẻ pha chút cay đắng của Louis Pasteur với các ngự lâm quân của mình cũng là những điều rút ruột của ông, từ quá trình lao động của mình. Và những gì Yersin học hỏi từ Pasteur và ngày đầu vận hành cái tổ chức mang tên người thầy xuất chúng này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm và cách làm khoa học của mình. Pasteur, “nhà khoa học vĩ đại này là người trước hết có khả năng nhận diện được đúng vấn đề và đúng thời điểm, khi thấy đó là một khả năng có thể giúp tìm ra được giải pháp”, theo nhận xét của François Jacob, nhà sinh học ở Viện Pasteur từng được trao giải Nobel Y sinh năm 1965. 

Viện Pasteur là một sản phẩm từ sáng kiến “huy động vốn đám đông” ở quy mô toàn thế giới của Louis Pasteur, sau thành công của vaccine bệnh chó dại. Đây thực sự là một cơ sở nghiên cứu về vi sinh vật và mầm bệnh phi lợi nhuận, độc lập với chính phủ. Do đó, thế mạnh cũng đồng thời là thế yếu của nó: mặc dù có được sự tự do học thuật, không bị gò ép trong khuôn khổ, chịu mệnh lệnh từ trên xuống nhưng lại phải chật vật chèo chống để có bằng được nguồn kinh phí duy trì sự tồn tại của chính mình. Việc để một viện nghiên cứu đỉnh cao như vậy sống được là tài khéo vận hành của chính người sáng lập ra nó: một mặt Louis Pasteur luôn nghĩ đến sự kết nối với các ngành công nghiệp thông qua việc giải quyết những vấn đề của họ hoặc tự thúc đẩy phát triển và sản xuất các sản phẩm vaccine; mặt khác ông cầu viện đến sự hỗ trợ của chính phủ khi gặp khó khăn về kinh tế. Điều đáng nể là Pasteur luôn giữ được sự độc lập nhất định của Viện thông qua đón nhận sự ủng hộ tài chính từ nhiều nguồn (hỗ trợ của chính phủ, phí tư vấn, tiền bản quyền, doanh thu qua các hợp đồng sản xuất, sự đóng góp của các nhà hảo tâm…).  

Tinh thần đó đã được các thế hệ trong đại gia đình Viện Pasteur tiếp nối. Ví dụ như trong thời gian ngắn ngủi ba năm ở Sài Gòn, Albert Calmette ngoài những nghiên cứu cơ bản về huyết thanh kháng nọc rắn, dịch tả… mà còn có những nghiên cứu về phương pháp lên men rượu gạo và thuốc phiện. Đặc biệt, khi khám phá ra bí mật lên men rượu truyền thống của người Trung Quốc – sản phẩm chứa đựng trong lòng nó cả một cộng đồng vi khuẩn và nấm men, Calmette đã phân lập được một loài nấm men có sức mạnh vượt trội, đặt tên cho nó là Amylomyces rouxii để vinh danh Emile Roux, rồi tìm cách nuôi cấy và phát triển đến mức có thể thương mại hóa nó.

Cả Yersin lẫn Vernet đều trải qua rất nhiều thử nghiệm để ương trồng, chăm sóc để rút cục đi đến vấn đề làm sao để chọn được cây khỏe? làm sao để nó cho mủ? kỹ thuật lấy mủ cao su như thế nào là tối ưu? làm sao để sơ chế mủ cao su? làm sao để việc trồng cây cao su thực sự có lãi? Đó là vấn đề của đồn điền Suối Dầu trong thời kỳ mò mẫm di thực cây cao su.

Là một người của Viện Pasteur Paris, và hơn ai hết là học trò thân cận của Pasteur, Yersin đã biết thật vô cùng thách thức để ông duy trì sự tự do trong nghiên cứu khoa học. Đó cũng là điểm xuất phát cho việc ông di thực cây canh ki na (Cinchona) và trồng cây cao su (Hevea Brasiliensis), qua đó dẫn đến sự ra đời của công ty spinoff “Các ông Yersin, Roux & Calmette” chuyên bán mủ cao su cho Michellin, công ty sản xuất lốp xe ô tô ở chính quốc. 

Cuộc phiêu lưu của ông trong thế giới thực vật, do vậy, không thuần túy chỉ để thỏa mãn đam mê khám phá cúa chính mình ở một địa hạt khoa học mới hay thử nghiệm di thực những cây cỏ ngoại lai vào vùng nhiệt đới thuộc địa. Đây là phương thức duy trì sự tồn tại của cơ sở nghiên cứu ông dẫn dắt, ở Việt Nam.

Chứng kiến sự bén rễ của cao su tại Việt Nam

Nếu tình cờ đi qua vùng Đông Nam Bộ, thủ phủ của cây cao su Việt Nam, vào đúng mùa cây thay lá, hẳn ai cũng thấy xao xuyến trước vòm lá thưa lao xao như những quầng lửa thắp trên các hàng cây thanh thoát, mọc đều tăm tắp. Tưởng chừng loài thực vật thân gỗ họ Đại kích này đang tồn tại ở chính chốn quê hương bản quán của mình. Phút chốc, người ta tạm quên mất rằng cây cao su (Hevea Brasiliensis) có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được người Pháp di thực vào Việt Nam trong quá trình khai thác thuộc địa.

Hẳn vào thời kỳ đó, đây là một thách thức. “Di thực thực vật luôn là việc không dễ dàng, ngay cả ở thời điểm này”, PGS. TS Trần Văn Ơn (Bộ môn Thực vật, ĐH Dược Hà Nội), một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phân loại thực vật, cho biết. “Phần lớn việc di thực đều thất bại bởi cây cần phải thích nghi được với môi trường mới. Vùng đất mà nó sinh sống với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, độ cao… đã được nó thích nghi trong hàng triệu năm rồi. Kết quả của việc di thực hoặc là cây chết hoặc nếu có sống được thì phẩm chất của nó bị kém đi, và thoái hóa dần theo thời gian”. 

Cây cao su ở Suối Dầu cho mủ lần đầu vào năm 1905. Nguồn: Bảo tàng Yersin.

Đó chính xác là những gì đã diễn ra ở Việt Nam, trong thời kỳ đầu cây cao su được đưa vào trồng khảo nghiệm, tuy có rất nhiều kinh nghiệm từ những cuộc di thực loài cây này từ trước. Vào cuối những năm 1870, những hạt cây cao su từ những khu rừng mưa nhiệt đới Amazon thuộc lãnh thổ Brazil đã được người Anh đưa về Vườn thực vật hoàng gia Kew ươm trồng và từ 12 hạt giống đầu tiên, cây cao su đã bén rễ ở khắp các thuộc địa của họ khắp thế giới, trong đó có châu Á, để rồi trở thành một trong những nguồn thu dồi dào của đế chế Anh vào đầu thế kỷ 20. Trao đổi với Tia Sáng, TS. Nguyễn Anh Nghĩa (Viện Nghiên cứu Cao su), đã dẫn tư liệu từ cuốn “100 năm cao su ở Việt Nam” (NXB Nông nghiệp, năm 2000) của tác giả Đặng Văn Vinh, “Những hạt giống cao su đầu tiên được Jean Baptiste Louis Pierre, nhà thực vật học và giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, nhập năm 1877 về trồng tại Thảo cầm viên và sống được hai cây. Tuy nhiên, về sau người ta không còn thấy các cây này, có thể chúng đã bị đốn bỏ sau các đợt tu chính Thảo cầm viên. Năm 1884, một số cây con lại được gửi từ Vườn thực vật Buitenzorg (Indonesia) nhưng đều bị chết sau khi trồng. Năm 1881, kỹ sư Seeligmann gửi về Sài Gòn 50 cây cao su, đến năm 1883 chỉ còn lại vài cây sống èo uột và sau đó cũng mất tích. Cuối cùng những cây cao su được nhập lẻ tẻ vào Việt Nam từ trước năm 1884 đã không còn dấu vết”.

Chỉ những dòng ngắn ngủi đó đã cho chúng ta thấy phần nào nỗ lực ban đầu của những người đưa cây cao su vào Việt Nam, bất kể họ là ai. Có lẽ, ở thời điểm ngày nay, “trong các cây công nghiệp lâu năm, cây cao su có diện tích trồng lớn nhất, trải rộng từ Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc, đưa Việt Nam trở thành nước thứ ba thế giới về sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên, với sản lượng năm 2022 ước đạt 1,29 triệu tấn và xuất khẩu ước đạt hơn 2,1 triệu tấn (kể cả nguồn tạm nhập tái xuất)” như lời chia sẻ của TS. Nguyễn Anh Nghĩa, không ai mường tượng được những khó khăn ban đầu đó. Tất cả không đơn giản là bứng một cây từ một xứ nhiệt đới này sang một xứ nhiệt đới khác. 

Năm 1897 là năm cây cao su chính thức được di nhập vào Việt Nam khi “ông E. Raoul, một dược sĩ hải quân Pháp, đã nhập một số lượng lớn hạt giống cao su từ Indonesia vào Việt Nam. Hạt giống được ương tại vườn ương Thảo cầm viên Sài Gòn và mọc được 1.800 cây. Số cây ương được phân phối 1.000 cây cho Trạm thực nghiệm Ông Yệm (Bình Dương); 200 cây cho bác sĩ A. Yersin trồng ở Suối Dầu…”. 

Hiện tại vẫn có nhiều thông tin sai lạc cho rằng, Yersin là người đầu tiên mang cây cao su vào Việt Nam nhưng thông tin từ sách của ông Đặng Văn Vinh, không chỉ với tư cách là nguyên Tổng giám đốc Viện Khảo cứu Cao su Việt Nam, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Cao su Việt Nam mà còn là một trong những người từng làm việc ở trang trại Suối Dầu, đã cho thấy Yersin chỉ là một trong những người góp phần vun xới cho cây cao su bén rễ ở Việt Nam. Ở đây, Yersin đã được hưởng một chút lợi ích từ chính quyền thuộc địa bởi những nghiên cứu thăm dò, khảo nghiệm và những khám phá sâu khác về đặc tính cây cao su đều được chính quyền thuộc địa cấp ngân sách. 

Trước Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Yersin có 4.000 cây cao su trên 307 ha tại Suối Dầu và từ năm 1930 đến 1940, ông đã sản xuất được mỗi năm 100 tấn mủ cao su khô, đem lại nguồn thu nhập quá đủ và hơn nữa hết sức ổn định để có thể vận hành Viện của mình một cách độc lập.

Sự lan tỏa của cây cao su ở Việt Nam cũng như nhiều thuộc địa khác là nhờ vào sự phát triển của ngành thực vật học cũng như nhiều ngành khoa học khác như khoa học đất, sinh hóa vào đầu thế kỷ 20. Các phòng thí nghiệm sinh hóa bắt đầu trở thành những yếu tố quan trọng trong nghiên cứu nông nghiệp vì các nhà khoa học có thể kiểm tra được các mẫu đất và các mẫu thực vật để xác định thành phần dinh dưỡng trong những thực nghiệm được kiểm soát, hiệu chỉnh một cách cẩn trọng. Tuy nhiên trong ngành cao su thời kỳ đó, những thí nghiệm dạng như vậy vẫn chủ yếu được thực hiện tại hiện trường và một trong số đó ở Suối Dầu, Nha Trang, được thành lập từ năm 1902.

Nhưng lẽ thường, những gì đạt được có bao giờ đến một cách ngẫu nhiên…   

Lập công ty spinoff bán mủ cao su

Không phải là một người được đào tạo về thực vật nhưng Yersin vẫn có lợi thế ở một nhãn quan khoa học. Ông đã đặt rất nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành về thực vật, khoa học đất từ Pháp để học hỏi một cách nghiêm túc. Cây cao su cũng chỉ là một trong những ý tưởng của ông bởi hẳn ông nghĩ là “mình có 500 ha đất trang trại ở Suối Dầu, mình có cộng sự hỗ trợ, mình có kiến thức, tại sao lại không thử nghiệm nhiều loại cây có tiềm năng đem lại nhiều tiền?”. Phải, ý tưởng nào cũng đưa ông về mục đích cuối cùng, giống như ông thầy Pasteur, đó là tạo ra một nguồn thu ổn định để không phụ thuộc vào bất cứ nguồn trợ cấp nào và có thể chủ động làm khoa học. 

Trước cao su hay song song với nó, Yersin đã bắt đầu thử trồng cà phê vào năm 1896, với các giống liberia, sau là arabica nhưng chỉ có liberia là chịu được khí hậu xứ này. Năm 1897, ông trồng thành công 40 ha cây coca, loài cây có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, sau một năm là cây cola để tách chiết chất coke từ hạt rồi pha chế thành một loại nước giải khát có nhiều nét tương tự Coca cola. Nhiều năm sau, ông thử nghiệm nhiều loại cây khác như nho, tiêu, vanilla, thuốc lá, ngô… nhưng đều thất bại hoặc chỉ có thể canh tác ở quy mô nhỏ lấy thức ăn cho ngựa thay vì phải nhập lúa mì ở châu Âu về. Năm 1923, ông dành cả 15 ha để chăm bón cây cọ dầu châu Phi, một loại cây không chỉ đem lại cho ông dầu mà còn cả phần bã sau ép nuôi gia súc. Cùng với đó là hai ha trồng sắn (khoai mì) lấy củ. Rút cục thì đám bò ngựa của ông cũng cần được chăm sóc đầy đủ chứ. 

Chừng ấy cho chúng ta thấy, Yersin xoay như chong chóng giữa các ý tưởng mới khác nhau. Khi chưa thành công với cao su, ông còn thử cả cây guttapercha (các thầy thuốc Đông y gọi loài cây này là đỗ trọng) vì thấy nó cũng cho mủ, tuy cứng hơn mủ cao su. 

Những bước chân của Yersin trong không gian mới đã vẽ ra những chặng đường tiềm năng khác nhau, dẫu không phải lúc nào cũng đi kèm doanh thu. Đúng như thành ngữ dân gian “trăm bó đuốc mới được con ếch”, cuối cùng thì thành công lớn nhất mà ông thu về vẫn là cây cao su, một công cuộc mà ông chính thức bắt đầu từ năm 1899. 

Một cây cao su, được nẩy mầm từ các hạt cao su còn sót lại ở Suối Dầu, giờ vẫn còn xanh tốt trên đường lên mộ Yersin. Ảnh: Thanh Nhàn.

Để có được thành công như hằng khao khát, Yersin đã cất công tìm hiểu cách di thực cây cao su ở Java (Indonesia), Singapore và Ceylon (Sri Lanka). Qua trao đổi với các nhà thực vật Hà Lan ở vườn thực vật Buitenzorg ở Java về việc thử nghiệm các loài cao su khác trong trong điều kiện nhiệt đới châu Á, Yersin đã đi đến kết luận, giống Hevea brasiliensis phù hợp với mình hơn cả. Ông kể lại với mọi người là không có mối quan tâm mới nào của mình khiến ông thấy háo hức như đọc các trang sách giới thiệu về cây cao su. Nhưng có lẽ, trăm hay không bằng tay quen, “chủ yếu, ông học về cây cao su thông qua chính thực tế trồng trọt và sản xuất tại Suối Dầu cũng như bằng sự nỗ lực nghiên cứu và thí nghiệm tại chỗ của mình. Ông cùng với kỹ sư nông học Georges Vernet mà ông mời từ Pháp sang tiến hành các thí nghiệm từ đó đưa ra những kỹ thuật phù hợp cho việc canh tác cây cao su”, TS. Nguyễn Anh Nghĩa cho biết.

Có lẽ, cả Yersin lẫn Vernet đều trải qua rất nhiều thử nghiệm để ươm trồng, chăm sóc để rút cục đi đến vấn đề làm sao để chọn được cây khỏe? làm sao để nó cho mủ? kỹ thuật lấy mủ cao su như thế nào là tối ưu? làm sao để sơ chế mủ cao su? làm sao để việc trồng cây cao su thực sự có lãi? Đó là vấn đề của đồn điền Suối Dầu trong thời kỳ mò mẫm di thực cây cao su, theo nhận xét của ông Đặng Văn Vinh trong cuốn sách của mình. 

Khi đặt nhiều công sức vào đó thì một Yersin với sự hỗ trợ của kỹ sư Vernet gặt hái được thành công sớm hơn những ông chủ đồn điền Pháp khác. Trong những thước phim tài liệu “A. Yersin – Vainqueur de la paste” có trích dẫn một bức thư của ông “Tôi tin chắc vào tiềm năng của cây cao su hiện nay… Tôi mong ước một cây cao su trưởng thành cho trên một cân mủ khô mỗi năm và mỗi héc ta có tối thiểu 400 cây”. Khi kể với mẹ ở Thụy Sĩ qua lá thư đề ngày 11/12/1904, Yersin không dấu nổi niềm vui về sự hứa hẹn phía trước “Kết quả cạo mủ thử ở Suối Dầu rất đáng khích lệ: các cây cao su cho mủ ngày càng nhiều, có thể chúng con sẽ đạt được 250 gam mủ khô cho một cây vào năm sau, và đạt được 100 kg mủ khô thì có thể bán ít nhất 1.000 Franc”. 

Thực tế cho thấy ông không phải là người lạc quan sớm. “Vào năm 1905, những cây cao su trồng từ năm 1897 đã được mở miệng cạo và Yersin bán được 1,316 kg cao su khô cho Công ty Michelin với số tiền 28,5 franc”, TS. Nguyễn Anh Nghĩa nói. Đó là sự mở đầu ngoạn mục và dẫn Yersin tới một quyết định: thành lập công ty spinoff cùng hai đồng nghiệp, hai người bạn thân thiết của mình với cái tên “Các ông Yersin, Roux & Calmette”. Chắc hẳn số vốn liếng ban đầu của công ty không thật nhiều nhặn, bởi cả ba đều là nhà khoa học, đặc biệt Roux dù lên chức Viện trưởng Viện mẹ Pasteur nhưng thu nhập thanh đạm và bao nhiêu tiền đổ vào nghiên cứu nên cũng chẳng có bao nhiêu tiền để góp vào. 

Và từ năm 1908, Suối Dầu đã có thể tự chủ về tài chính, đó là thông tin quan trọng mà Yersin thông báo với chị mình trong bức thư đề ngày 6/7/1908. Các nhà khoa học chia sẻ niềm vui với nhau, trong bức thư Roux gửi Yersin đề ngày 15/5/1910 có dòng chữ “Toàn quyền Klobuwski đã ‘lác mắt’”. 

Vào đầu thế kỷ, sự phát triển của những chiếc xe đạp và ô tô ở châu Âu cùng những tiềm năng phong phú khác mà các giọt mủ cao su hứa hẹn mang lại đã đưa cây cao su trở thành một trong những mặt hàng được thế giới công nghiệp khao khát. Đó là thị trường rộng lớn cho nhiều công ty và đặc biệt là “Các ông Yersin, Roux & Calmette” ở xứ Đông dương. Không lý do gì mà không chớp cơ hội ấy, Yersin đã mở rộng diện tích trồng cao su. Tính đến năm 1914, tổng diện tích trồng cao su ở Suối Dầu đạt 1.200 ha. Trước Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Yersin có 4.000 cây cao su trên 307 ha tại Suối Dầu và từ năm 1930 đến 1940, ông đã sản xuất được mỗi năm 100 tấn mủ cao su khô, đem lại nguồn thu nhập quá đủ và hơn nữa hết sức ổn định để có thể vận hành Viện của mình một cách độc lập.

Để hiểu được phần nào giá trị mà mỗi ký lô mủ cao su bán cho hãng Michelin đem lại cho Suối Dầu, chúng ta hãy nhìn vào cuốn sổ kế toán của nơi này qua nhận xét của giáo sư Nguyễn Thị Thế Trâm, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang sau năm 1975 (bà mới qua đời vào những ngày cuối tháng 7/2023) “Ngày 1/6/1896, Yersin đã tự tay mình viết trong sổ nhật ký kế toán của đồn điền Suối Dầu: chi phí tháng đầu tiên lên tới 135 đồng (vào thời đó, với một đồng bạc Đông Dương, người ta có thể mua ít nhất 30 ký lô gạo, và có thể nói rằng, đó là công chuyện làm ăn của đại tư bản)”.

Công việc sinh ra công việc. Việc chăm sóc và cạo mủ cao su trên diện tích lớn như vậy ở Suối Dầu đòi hỏi một lượng nhân công lớn để đảm nhiệm. Và khi tuyển mộ người bản xứ cho công việc này, Yersin nhận ra ông phải lo rất nhiều cho công nhân của mình. Vì vậy, ông cắt ra tới 80 ha đất trồng trọt để cấy lúa và thu hoạch lấy thóc gạo làm nguồn cung lương thực cho họ. Đến đây, chúng ta đã tạm mường tượng ra sức lao động phi thường của Yersin trong việc quản lý hệ thống Viện Pasteur ở Đông Dương, làm nghiên cứu khoa học, sản xuất các loại vaccine, huyết thanh, đào tạo nhân lực và chăm lo cho Suối Dầu, nơi quy tụ không chỉ đám chuột, thỏ thí nghiệm, bò ngựa làm huyết thanh mà còn cả hàng trăm ha cao su và hàng chục thứ cây khác nữa…   

***

Nhưng thật lạ lùng, nguồn lợi mà cây cao su đem lại cho Suối Dầu và cho Yersin cũng không chỉ thuần túy là tiền bạc, dẫu đó là đích đến mà Yersin đã vẽ ra trên tuyến đường mới của mình. Có lẽ, sự nghiêm túc của nhà khoa học nơi Yersin đã thúc đẩy ông công bố những thông tin mới mà mình và cộng sự tìm ra. Trong hoàn cảnh nào, nhà khoa học vẫn làm khoa học. Do đó, các kết quả nghiên cứu thực nghiệm được ông và Vernet xuất bản trên những tập san khoa học thuộc địa, một trong số đó là Agricultural Bulletin of the Indochinese Scientific Institute (BAISI) mà sau do Vernet là tổng biên tập, và chính Vernet đã viết cuốn “L’Heavea Brasiliensis – Sa culture et son exploitation dans le Sud – Annam” (Hevea Brasiliensis: its cultivation and exploitation in South Annam), xuất bản năm 1905 ở Paris, và sau được những người trồng cao su tham khảo rất nhiều. Đánh giá về vai trò của Yersin trong sự phát triển của loài cây công nghiệp này, TS. Nguyễn Anh Nghĩa trả lời qua e-mail “Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Suối Dầu đã cung cấp hạt giống cao su cho một số đồn điền ở Nam Trung Bộ và đóng góp kinh nghiệm về trồng và cạo mủ cao su. Hơn thế, sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu và sản xuất, giữa phòng thí nghiệm với đồn điền; sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ do ông khởi xướng vẫn còn có giá trị thực tiễn đến ngày nay”.

Yersin đã toại nguyện mơ ước ổn định về tài chính. Ồ nhưng đó không phải cái đích cuối cùng của Yersin, bởi nói như giáo sư Jean Luc Durosoir, tổng đại diện điều phối mạng lưới quốc tế các Viện Pasteur quốc tế “Không có thứ gì liên quan đến sự đau khổ và nhu cầu của con người ở đất nước này lại xa lạ hoặc không quan trọng đối với ông”. 

Hơn thế, vì họ, ông sẽ san sẻ đến giọt máu cuối cùng trong huyết quản của mình. □ (Còn tiếp).

————————————

Tài liệu tham khảo

“Alexandre Yersin: Medical Doctor and Scientist, Explorer, Veterinary Scientist and Agronomist”. Bruno Goddeeris. Khoa Thú y, UGent và Khoa Kỹ thuật y sinh, KU Leuven.

“The Scientist, the Governor, and the Planter: The Political Economy of Agricultural Knowledge in Indochina During the Creation of a ‘Science of Rubber’,” 1900–1940. Michitake Aso. East Asian Science, Technology and Society: an International Journal (2009).

Tác giả

(Visited 39 times, 1 visits today)