Yếu tố văn hóa Cham Pa ở kinh đô Đại Việt và vùng phụ cận

Lời tòa soạn: Như chúng tôi đã đề cập trong những số báo gần đây về vùng Đồng bằng sông Hồng là hợp lưu của những luồng di dân từ hàng ngàn năm trước cho đến đầu thời Đại Việt. Bài viết dưới đây của TS Nguyễn Tiến Đông tiếp tục dòng thảo luận ấy ở một khía cạnh cụ thể hơn: người Cham pa đã đóng góp như thế nào vào không gian văn hóa ngay tại kinh đô Đại Việt và vùng phụ cận.


Ngay trên chính Hoàng thành này, những dấu tích văn hóa Cham Pa đã hiển hiện khi các nhà khảo cổ học khai quật khu di tích 18 Hoàng Diệu. Trong ảnh, sinh viên đại học nghe nhà khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông giới thiệu những di tích thời Lý – Trần (Khu A). Ảnh: Viện Khảo cổ học (2004).

Làm nhạt nhòa sự mô phỏng phương Bắc

 

Ngay từ buổi đầu của nền độc lập, nhà Tiền Lê đã cất quân đi đánh Cham Pa, sử cũ chép rằng:“Năm Nhâm Ngọ thứ 3[982]… Vua thân đi đánh nước Chiêm Thành thắng được. Trước đây, vua sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị họ bắt giữ, vua giận, mới đóng thuyền chiến, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém được Phê-mỵ-thuế tại trận; Chiêm thành thua to; bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một thầy tăng người Thiên Trúc…”(Ngô Sĩ Liên 1967).

Chắc chắn trong những năm tháng ban đầu ấy, với những tiếp xúc với Cham Pa, dù thân thiện hay không, thì hình ảnh con người và đất nước Cham Pa đã in dấu ấn vào vị vua đầu triều của nhà Tiền Lê và đi theo ông là những tù binh, cung nữ, cùng những đồ quý giá được đưa về Đại Việt. Trong suốt những năm tháng cuối cùng của thế kỷ 10 dưới triều Tiền Lê đã có hơn một lần người Cham Pa quấy rối bờ cõi và nhân đó quân Đại Việt lại tiến vào Cham Pa, những cuộc tiếp xúc đó ngày càng nhiều hơn, đều đặn hơn và đương nhiên những ảnh hưởng của nền văn minh Cham Pa cũng ngày càng rõ nét hơn vào Đại Việt. Đó là những dấu ấn văn hóa đầu tiên của xứ Cham Pa đến và ở lại trên kinh thành Hoa Lư của Đại Việt. Vì thế chúng ta, sau này còn thấy dấu ấn ấy ở Kinh đô Hoa Lư trên những mặt hổ phù trên kiến trúc, trên những hình chạm trên gạch, những cột kinh khắc chữ Phạn… (Hà Văn Tấn 1997). Và trong những cuộc mở cõi về phương Nam của tiền nhân vào thời Lý trở về sau, những yếu tố văn hóa Cham Pa, cả vật thể và phi vật thể, đã liên tục theo bước chân những đoàn quân chiến thắng trở về và ngày càng để lại dấu ấn hiển hiện rõ ràng hơn, thậm chí còn là nguồn cảm hứng vô bờ cho nền nghệ thuật Đại Việt vào thời kỳ sau.

Tại sao các yếu tố Cham Pa lại ảnh hưởng tới Đại Việt đậm sâu như vậy? Chúng ta không quên rằng ở thời điểm vừa bước ra khỏi một nghìn năm Bắc thuộc, các vị vua Đại Việt phải khẳng định những dấu ấn mới của một quốc gia độc lập. Ngay sau khi lên ngôi vua được một năm, Lý Công Uẩn đã xuống chiếu dời đô về thành Đại La, chắc rằng trong những năm đầu của triều đại nhà Lý, việc xây cất kinh thành mới dựa trên những thành tựu của Đại La cũ phải được thực hiện rất ráo riết và những dấu ấn mới, của một quốc gia độc lập phải được xác lập trên kiến trúc, điêu khắc, và phải khác với một nghìn năm nô lệ phương Bắc. Lý Công Uẩn cùng triều đình thấu hiểu cần phải có một diện mạo mới cho kinh thành, một kinh thành của một dân tộc khát khao tự do, khát khao khẳng định mình với tư cách một quốc gia không chỉ độc lập về hành chính mà còn cả về tâm hồn, nghệ thuật, đặc biệt là nền kiến trúc.

 

Vũ nữ trên mô hình tháp bằng gốm men trắng (18 Hoàng Diệu, Hà Nội).

Nhưng tạo được một hình hài riêng như thế nào là một bài toán không dễ, bởi kinh thành Thăng Long được dựng lên bằng tâm hồn Việt, ý chí Việt nhưng rõ ràng những ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác là không nhỏ. Đến kỷ nguyên của các triều đại sau, ta sẽ thấy Đại Việt khó lòng thoát khỏi sự mô phỏng“tất yếu” về nhiều phương diện từ người láng giềng khổng lồ phương Bắc ấy (chữ “tất yếu” của GS Trần Quốc Vượng, 2000). Tuy vậy, ngay sau ngàn năm Bắc thuộc, sự kháng cự về văn hóa cũng đã đến kỳ bùng nổ. Bằng tất cả nỗ lực và sự quật cường một nền văn hóa, lòng tự trọng của một dân tộc, thời kỳ Lý – Trần là một cuộc phục hưng mạnh mẽ trong lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử ngàn năm Thăng Long. Và tất nhiên điều đó không thể từ trên trời rơi xuống. Trong giai đoạn này, chúng ta vẫn tiếp nối một văn hóa Đông Sơn rực rỡ còn ẩn chứa, dù bị đứt gãy sau ngàn năm thuộc Bắc kết hợp với những yếu tố văn hóa ngoại lai – đó chính là nguồn cảm hứng từ Cham Pa, một nước láng giềng đã có một nền văn minh phát triển rực rỡ với một nền nghệ thuật làm say đắm lòng người. Từ nguồn văn hóa phương Nam này cha ông chúng ta đã nhận ra đây chính là một trong những yếu tố làm nhạt nhòa sự mô phỏng từ phương Bắc, hay nói theo cách của cố GS Trần Quốc Vượng là việc “giải Hoa hóa”. Nhờ đó tiền nhân chúng ta đã tạo nên một nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, và một kinh đô rất Việt nhưng cũng ẩn chứa nhiều tinh hoa của văn minh bên ngoài.

Ở đây, trong một bài viết nhỏ, tôi chỉ có thể đưa ra một vài chứng cứ về sự hiện diện văn hoá Cham Pa chủ yếu trên vùng Thăng Long và phụ cận.

 

Những địa điểm Cham Pa ở giữa lòng Thăng Long và phụ cận

 

Sau những cuộc tiến quân vào Cham Pa, gần như vị vua nào, tướng nào của Đại Việt cũng đều mang về nước rất nhiều quân lính, thợ thủ công, vũ nữ, nhạc công… phục vụ cho một công cuộc xây dựng một nền nghệ thuật mới của Đại Việt. Những khu định cư  mới của người Chăm được thiết lập xung quanh Thăng Long cả Đông, Nam, Đoài, Bắc. Các nhà nghiên cứu đã biết đến những địa danh như thôn Bà Già bên Hồ Tây (nay thuộc đất làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) là nơi an cư của tù binh Cham Pa từ thời Lý Thánh Tông (Nguyễn Vinh Phúc 1977).


Viên gạch khắc chữ Chăm tại 18 Hoàng Diệu.


Chân tảng đá hoa sen tại 18 Hoàng Diệu.

Qua bên kia sông Hồng, đến làng Võng La, một địa bàn ngay sát sông, các nhà khảo cổ học đã phát hiện trong ngôi chùa làng 2 pho tượng Cham Pa chính hiệu, một là tượng thần Shiva, chất liệu sa thạch, một là tượng Bà mẹ Xứ sở (Thiên Yana) tiếc là pho tượng này đã bị đánh tráo từ những năm 60 của thế kỷ trước, tuy nhiên pho tượng đá còn lại và phiên bản của pho tượng bị đánh tráo thì không ai có thể nói là không phải của người Cham Pa (Nguyễn Tiến Đông; Nguyễn Hữu Thiết 2005). Tôi nghĩ rằng đây cũng là một trong những làng của người Chăm xưa được các vua Việt cho định cư.

Bên xứ Bắc, cả một quần thể di tích chùa chiền được khởi dựng từ thời Lý với những chứng cứ về sự có mặt của văn hóa Cham Pa như cột đá chùa Dạm, bệ sen chùa Phật tích, hình tượng chim thần Garuda chùa Phật tích… Chúng ta đều biết ở nhiều ngôi chùa Việt Nam người ta đã thống kê được hàng trăm bệ đá hoa sen mang dấu ấn của văn hoá Cham Pa với những nét chạm khắc tinh xảo mà tôi nghĩ có sự tham gia của các nghệ nhân Cham Pa. Những ngôi tháp cổ như Chương Sơn, Bình Sơn với những đặc trưng về gạch, đất nung và đặc biệt là trang trí rất gần gũi với văn hóa Cham Pa từ lâu đã được nhiều người biết tới và Nguyễn Hồng Kiên đã cho rằng nơi đây có sự góp mặt chung tay xây dựng của những người thợ Cham Pa mà anh còn nói thẳng ra là tù binh Cham Pa (Nguyễn Hồng Kiên 2000).

Ở vùng ven sông Đáy thuộc huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ ngoài hệ thống các chùa mà những bệ đá hoa sen ảnh hưởng từ motif bệ thờ Cham Pa đã được nhắc đến, người ta còn thấy những dấu vết các công trình dân sinh như những giếng nước mang đậm tính kỹ thuật của người Cham ở xã Song Phương, điều này cho thấy những người Cham Pa đến Đại Việt không chỉ mang đến những tác phẩm nghệ thuật mà còn mang theo cả những kiến thức, những kỹ thuật phục vụ cho cuộc sống thường nhật của cộng đồng (Nguyễn Tiến Đông; Ogawa Yako 2000).


Chùa Phú Gia (Bà Già tự) ở phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Thế giới di sản. 

Có một nhân vật vừa mang tính vật thể vừa phi vật thể có nguồn gốc Cham Pa mà người ta không thể không nhắc đến ở Đại Việt, đó là những pho tượng Phỗng. Có thể thấy ở bất cứ đâu từ các tỉnh miền núi phía Bắc, đến châu thổ sông Hồng, Thanh Hóa… trong những ngôi chùa, đền, đình đều có sự hiện diện của nhân vật này. Ở làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa trước kia còn có một trò diễn trong lễ hội làng gọi là trò Chiêm Thành, với 14 người tham gia (1 chúa, 1 nàng, 2 phỗng, 10 quân). hai phỗng này làm động tác quỳ dâng hương và động tác quỳ bái rất giống với các pho tượng phỗng Chàm (Nguyễn Xuân Diện 2000).

Phải nói rằng ở trên khắp Đại Việt xưa, sự có mặt của văn hoá Cham Pa là khá phổ biến mà ngày nay chúng ta còn thấy rất rõ. Trong phạm vi của bài viết này không thể kể ra hết được, hơn nữa với kiến thức và sự nghiên cứu vẫn còn hạn hẹp tôi cũng không dám lạm bàn thêm. Nhân nói đến dấu ấn văn hóa phi vật thể của Cham Pa, tôi liều lĩnh nghĩ rằng: Những làn điệu quan họ nổi tiếng của đất Kinh Bắc thoảng đâu đây giai điệu của nhạc Cham Pa. Điệu múa dân gian “Con đĩ đánh bồng” mà chúng được thấy trong các hội làng ở châu thổ Bắc bộ, nhất là bên Kinh Bắc khá giống với điệu Múa bóng ở xóm Bóng, thành hố Nha Trang, một lưu dấu rõ nét của điệu múa Cham Pa (Ngô Văn Doanh 2006). Tài liệu cũng cho biết vua Lý rất mê khúc nhạc Tây Thiên của Cham Pa. Tháng 8, ban ra khúc nhạc và điệu đánh trống của Chiêm Thành khiến nhạc công hát (Ngô Sĩ Liên 1967). Tựu trung, những dấu ấn văn hóa phi vật thể của Cham Pa là khá nhiều, cần nghiên cứu kỹ hơn để có thể có những nhận xét xác đáng.

 

Dấu ấn văn hóa Cham Pa trên nghệ thuật kiến trúc

 

Mặc dầu người ta nói nhiều đến sự ảnh hưởng văn hóa từ Cham Pa qua nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, tuy nhiên vẫn còn là chưa đủ, tư liệu vật chất quả thật không nhiều hơn nữa còn tản mát. Chỉ những năm gần đây, với cuộc khai quật di tích Hoàng Thành Thăng Long ở 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, một hệ thống di tích kiến trúc và di vật với đủ các loại hình từ gốm sứ, đồ kim loại, mộ táng, đồ gỗ… đặc biệt là những di vật trang trí kiến trúc bằng đất nung, gạch, ngói có trang trí hoa văn, những cấu kiện kiến trúc bằng đá có trang trí rồng, phượng… của Hoàng Thành Thăng Long xưa được các nhà khảo cổ học làm xuất lộ đã cung cấp cho những nhà nghiên cứu một khối tư liệu đồ sộ đủ để khẳng định có một Thăng Long “bằng xương bằng thịt” tồn tại và phát triển không ngừng trong lịch sử.


Trang trí kiến trúc bằng đá mô típ hoa dây tại 18 Hoàng Diệu.


Trang trí kiến trúc bằng đá mô típ hoa dây tại tháp Dương Long.

Trước khi có cuộc khai quật này, những tư liệu vật chất về Thăng Long xưa, đặc biệt là thời Lý – Trần còn quá khiêm tốn, chưa đủ để đưa ra những nhận định táo bạo và chính xác. Nhưng với khối tư liệu mà chúng ta đang nắm giữ, tôi cho rằng: Trên kinh thành Thăng Long xưa, sự hiện diện của văn hóa Cham Pa là rất rõ. Tôi muốn nói về vật liệu kiến trúc và nghệ thuật tạo hình. (Trong phần này tôi chỉ nói đến thời kỳ Lý-Trần).

 

Vật liệu gạch

 

Nếu như những viên gạch của thời kỳ Đại La chủ yếu có màu xám với độ nung khá cao, cứng và khó chạm khắc thì gạch của Hoàng Thành Thăng Long thời kỳ này đại bộ phận là có màu đỏ tươi, chất liệu mịn, độ nung không cao và dễ gọt cắt, chạm khắc. Những đặc trưng kỹ thuật này cho thấy đã có sự thay đổi lớn trong kỹ thuật làm gạch để phục vụ cho một ý đồ tạo hình và xây dựng khác với thời trước đó. Tôi cho là kỹ thuật này có thể đã được tham khảo từ kỹ thuật làm gạch của Cham pa, một dân tộc sản xuất và sử dụng gạch bậc thầy ở khu vực. Ý nghĩ này càng được củng cố trong tôi khi phát hiện viên gạch có viết những dòng chữ Chăm trên cả hai mặt gạch. Quan sát thật kỹ có thể nhận ra những dòng chữ  này được viết lên gạch khi còn ở dạng mộc, thậm chí còn chưa khô. Dứt khoát không phải viết khi đã nung. Tôi là người mù chữ Chăm, mà lại Chăm cổ nữa thì càng tịt nên không dám nói gì về nội dung. Nhưng sự xuất hiện của viên gạch này có ý nghĩa cực kỳ to lớn cho việc nghiên cứu. Trước hết nó khẳng định sự có mặt của người thợ Chăm trên Hoàng Thành Thăng Long là sự thật như sử đã chép. Thứ hai, điều này quan trọng hơn với tôi, nó chứng tỏ người thợ Chăm ở Thăng Long không chỉ là người thợ xây mà còn là người làm ra những viên gạch đó, và chính họ đã mang đến Thăng Long kỹ thuật làm ra những viên gạch đỏ tươi, tạo hình đẹp, cùng với màu đỏ của bộ mái tuyệt vời đẹp và rất Việt xây cất lên những kiến trúc lung linh, lộng lẫy của Thăng Long khác xa những viên gạch xám đậm chất phương Bắc trước đó.    

 

Vật liệu đá

 

Trên kinh thành Thăng Long người ta có thể nhận thấy có rất nhiều cấu kiện kiến trúc bằng đá, chủ đạo là sa thạch, một loại đá rất gần gũi với người thợ Cham Pa, loại đá không có thớ, dễ đục đẽo, tạo hình.

 

Lá đề cân trang trí hình chim phượng tại 18 Hoàng Diệu (trái) và Lá nhĩ, hay gọi là tympan theo các học giả phương Tây trên trán các ngôi đền thờ Cham Pa.

Gần như toàn bộ các tảng kê cột của kiến trúc Hoàng Thành đều bằng đá và được chạm hoa sen rất đẹp, nhất là những tảng kê cột thời Lý. Những bệ tượng tạo hình rồng, đặc biệt là những bậc lan can trang trí rồng, phượng, sóng nước, vân mây cực kỳ tinh xảo của thời Lý chắc sẽ có sự can thiệp của người thợ đá Cham Pa, thực hiện những ý tưởng Việt để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời đến vậy.

 

Nghệ thuật tạo hình

 

Ở đây tôi không dám lạm bàn quá sâu, đơn giản chỉ vì tôi chưa bao giờ là người nghiên cứu chuyên nghiệp về lĩnh vực này, tuy nhiên với những gì thu lượm, học hỏi được trong những năm vừa qua tôi cũng xin có dăm ba ý kiến.


Tượng Kinari chùa Phật Tích, Bắc Ninh.

– Trước hết về biểu tượng lá đề ở Hoàng Thành, rõ ràng đó là vật trang trí kiến trúc, tuy nhiên nó còn mang tính quyền uy của vương triều. Hình tượng lá đề lớn, có tạo hình rồng hoặc phượng được đặt ở chính giữa bờ nóc của kiến trúc (vị trí của mặt nhật, nguyệt, hồ lô…trên các kiến trúc Trung Hoa hay ảnh hưởng Trung Hoa) là một sáng tạo tuyệt vời của tiền nhân chúng ta, Trung Hoa không có motif này. Nhưng tại sao lại là motif lá đề, tôi mạnh dạn cho rằng nguồn cảm hứng của sự sáng tạo ấy đến từ cái lá nhĩ, hay người Tây gọi là tympan trên trán các ngôi đền thờ Cham Pa. Ở Cham Pa, lá nhĩ trang trí các vị thần, đặt ở trên cửa chính của ngôi đền thờ, còn ở Đại Việt lá đề trang trí linh thú như rồng, phượng, đem đặt chính giữa bờ nóc. Thế là xong, người Chăm không thấy đó là của mình và người phương Bắc cũng chịu, không thể bảo là của họ, và đó chính là Đại Việt. Còn cái lá đề lệch, nhìn qua ta thấy đâu đó phảng phất hình bóng của vật trang trí góc tháp Chăm (người Pháp gọi là pierre d’accent), nhưng cũng không hoàn toàn là vậy, chỉ phảng phất thôi và ở Cham Pa nó được đặt ở các góc tháp, đền để tạo nên sự bay bổng, nhẹ nhõm cho một khối gạch đá khổng lồ. Còn ở đây, nó chạy dọc hai bên bờ nóc, chạy xuống bờ dải cùng với tàu mái lượn lên, với những hàng ngói ống có đầu ngói trang trí phong phú và cái lá đề tinh xảo trên lưng tạo nên một bộ mái cực kỳ mỹ miều và thanh thoát. Thế cũng là ổn, không ai phủ nhận được một bộ mái cung đình Đại Việt. Cái giỏi của cha ông ta là vậy.


Tượng thần Shiva (chùa Võng La, Đông Anh, Hà Nội). Chất liệu đá.

– Lại bàn thêm về một số hình tượng khác như đầu rồng, chúng ta dễ nhận thấy rồng thời kỳ này có cái vòi, cái nanh, cái lưỡi mang dáng dấp của makara Cham Pa (Hà Bích Liên 1998), nhưng rồng của Đại Việt ngậm ngọc và có một cái bờm vút cao nhẹ nhàng bay bổng phía sau gáy, cái đó Cham Pa không có được. Còn cái thân uốn lượn của con rồng thời Lý-Trần, đặc biệt là thời Lý thì đúng là một tuyệt tác của tổ tiên chúng ta. Những mặt hổ phù, dường như cũng mang cảm hứng từ mặt kala của Cham Pa chăng? Và còn Garuda, Kinnara của Cham Pa thì mọi người đều thấy xuất hiện khá nhiều trên các kiến trúc Lý-Trần nhất là các đền đài mà tôi chắc không thiếu được chúng ở tháp Báo Thiên kỳ vĩ nay đã không còn.

 

Tượng Makara Cham Pa tại Bảo tàng Điêu khắc Cham Đà Nẵng (trên) và Tượng đầu rồng tại 18 Hoàng Diệu.

Tạm kết

 

Như trên tôi đã nói, sau một ngàn năm Bắc thuộc, nước Đại Việt ra đời và bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập. Những gì người phương Bắc mang đến và để lại trong nền văn hóa Việt quả thật không nhỏ và nó cũng phần nào, cùng với yếu tố văn hóa nội lực của xứ này tạo nên một bản sắc riêng của phương Nam. Ở đây tôi lại viện dẫn cố GS Trần Quốc Vượng: Sự” mô phỏng” Trung Hoa là một sự tất yếu.

a. Do sự dính líu với Trung Hoa hàng chục thế kỷ Bắc thuộc.

b. Do áp lực thường xuyên của Trung Quốc – dù ẩn tàng hay hiển minh suốt từ sau thế kỷ 10 trở lại đây, ngăn cản sự phát triển của đời sống xứ sở này.

c. Bởi vậy Việt Nam làm bất cứ một cái gì cũng phải để một con mắt về phía Bắc. Trung Hoa thì To, Việt Nam thì Nhỏ: Bắt chước Trung Hoa cũng để tỏ ra”không kém” và “không khác” Trung Hoa, cũng “văn hiến” như Trung Hoa và do đó không cần Trung Hoa cai trị…

Sau thế kỷ 10, thời kỳ phục hồi dân tộc và phục hưng văn hóa dân tộc… Những ảnh hưởng cũ của văn hóa Ấn Độ (Phật giáo và cả Bà La Môn) qua việc thờ Đế Thích và Nhị Thiên Vương (hai thần Nhật Nguyệt đời Lý) cũng như ảnh hưởng mới từ văn hóa Chiêm Thành, Chân lạp – những nền văn hóa cao và không Trung Hoa, trở thành “đối trọng” (contre-poids) của văn hóa Việt Nam có tác dụng trung hòa ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc, tăng cường cái căn cước riêng biệt của Việt Nam… (Trần Quốc Vượng 2000).

 

Mặt hổ phù đất nung tại 18 Hoàng Diệu và Mặt Kala trên tường tháp Mỹ Sơn F1.

Đọc những dòng trên tôi thiết nghĩ, việc Đại Việt lấy nguồn cảm hứng từ phương Nam, từ Cham Pa để tạo nên một đối trọng với phương Bắc, một diện mạo mới cố gắng tách khỏi sự ràng buộc trong văn hóa từ phương Bắc cũng là điều tự nhiên, hoàn toàn tự nhiên. Cha ông chúng ta đâu có photocopy Cham Pa, cha ông chúng ta học hỏi tiếp nhận và sáng tạo những tinh hoa ấy dựa trên một nền tảng văn hóa bản địa, trên nguồn lửa từ Mặt trời Đông Sơn bùng phát sau ngàn năm Bắc thuộc tưởng chừng như đã tắt để thắp sáng một ngọn lửa Việt không chỉ trên kinh đô Thăng Long mà còn trên cả xứ sở này.

 

——-

* TS, Viện Khảo cổ học.

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Sĩ Liên 1967. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 168, 190.

2. Trần Quốc Vượng 2000. Trên mảnh đất ngàn năm văn vật. NXB Hà Nội, tr. 142, 143,145.

3. Nguyễn Vinh Phúc 1987. Tìm ra thôn Bà Già Hà Nội, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1986, Hà Nội, tr 280-281.

4. Nguyễn Xuân Diện 2000. Những phát hiện mới về loại các tượng phỗng Chàm trong các di tích, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 1999, Hà Nội, tr 727-728.

5. Nguyễn Tiến Đông, Nguyễn Hữu Thiết 2005. Hai bức tượng Chăm tại chùa Bạch Sam (Hà Nội), trong Những phát hiện mới về khảo cổ học 2004.

6. Nguyễn Tiến Đông, Ogawa Yako 2000. Hai giếng nước có kỹ thuật Cham Pa ở xã Song Phương (Đan Phượng, Hà tây). trong NHững phát hiện mới về khảo cổ học 1999, Hà Nội, tr 727-728.

7. Hà Văn Tấn 1997. Theo dấu các văn hoá cổ. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 791-793.

8. Nguyễn Hồng Kiên 2000. Có hay không nghệ nhân-tù binh Cham Pa trong việc xây dựng tháp Then – Bình Sơn, trong NPHMVKHC 1999, tr 744-745.

9. Hà Bích Liên 1998. Nhệ thuật cổ Cham Pa – Những dấu ấn của giao lưu văn hóa khu vực,  Nghiên cứu Đông Nam Á số 2-1998, tr 75-80.

10. Ngô Văn Doanh 2006. Lễ vía Bà Thiên Yana với tục thờ Mẫu của người Chăm và người Việt. Nghiên cứu Đông Nam Á số 2-2006, tr 48-53.

Tác giả

(Visited 242 times, 1 visits today)