Đặc điểm môi trường nghiên cứu của đại học và công ty

Những năm gần đây ở các nước phát triển và một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc…các công ty lớn ngày càng chú trọng đầu tư vào nghiên cứu. Vì vậy, với nhiều nhà nghiên cứu, quyết định làm nghiên cứu trong môi trường nào không phải dễ dàng. Cần phải hiểu rõ về đặc điểm của hai môi trường và sở thích riêng của cá nhân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trong bài này, thông qua một số câu hỏi của chúng tôi, anh Phan Dương Hiệu sẽ giúp chúng ta có một cách nhìn về vấn đề này tại Pháp.

Sự khác biệt giữa hai môi trường…

Khác biệt lớn nhất giữa nghiên cứu hàn lâm và công ty là về mức độ tự do tư tưởng, ở cả hai khía cạnh: tự do định hướng cho bản thân và tự do trao đổi với cộng đồng. Một người làm nghiên cứu trong trường đại học có thể hoàn toàn tự do chọn hướng đi cho mình, anh ta có thể nghiên cứu bất kể chủ đề gì mình ưa thích. Trong khi đó, người làm nghiên cứu trong công ty dù sao vẫn bị chi phối về chiến lược phát triển chung của công ty. Ngoài ra, người làm nghiên cứu trong trường đại học có thể tự do hoàn toàn trao đổi ý tưởng của mình với đồng nghiệp và viết bài đăng báo khi hoàn thành công trình. Nhưng khi làm nghiên cứu trong công ty  không được tự do trao đổi ý tưởng, và khi đã có kết quả thì thường phải đăng ký bằng sáng chế (patent) cho kết quả đó để công ty có hoàn toàn bản quyền về nó và ở Pháp, chỉ khi bằng sáng chế được ghi nhận (quá trình này thường kéo dài ít nhất là 6 tháng) thì mới có thể gửi bài đăng báo. Chừng nào bằng sáng chế chưa được cấp thì anh ta không được trao đổi kết quả với bên ngoài.

Về thời gian dành cho nghiên cứu, nhiều người vẫn nghĩ chắc chắn đó là lợi thế của trường đại học, nhưng thực tế chưa hẳn đã như vậy. Trong đại học ngoài nghiên cứu có rất nhiều công việc đi kèm như lên lớp giảng bài (trừ một số ngoại lệ, ở Pháp nhiều người làm nghiên cứu trong đại học và là thành viên của CNRS – trung tâm nghiên cứu quốc gia – không bắt buộc phải dạy), hướng dẫn tốt nghiệp và tham gia rất nhiều các cuộc họp… Do vậy, thời lượng dành cho nghiên cứu có thể chỉ từ 30-50% thời gian làm việc và có thể ít hơn các nghiên cứu viên trong công ty. Tại các công ty có chú trọng đến nghiên cứu, đơn cử France Telecom, bộ phận R&D cũng chia thành nhiều lớp, trên 50% phải làm thiên về nhiều hơn đến phát triển ứng dụng, khoảng 30-40% vừa làm nghiên cứu vừa làm cầu nối với ứng dụng và có một bộ phận nhỏ được dành tới 90% thời gian cho nghiên cứu, không phải bắt tay làm ứng dụng mà chỉ cần thỉnh thoảng trao đổi với các nhóm ứng dụng.

Về điều kiện làm việc, có lẽ không có quá nhiều khác biệt. Tuy nhiên, những người làm nghiên cứu cần môi trường ứng dụng ngay kết quả của mình có thể tìm thấy ở công ty một môi trường phù hợp hơn. Khi công ty nhìn thấy một hướng đi triển vọng thì họ sẽ trợ giúp tuyệt đối cho anh ta phát triển nó. Trong những ngành cần có thiết bị và phương tiện để tiến hành các thí nghiệm (ví dụ một mạng lớn các máy tính với tốc độ tính toán cực mạnh để thực hiện một thuật toán tấn công một hệ thống bảo mật), anh ta có thể có nhiều lợi thế so với điều kiện làm việc trong trường đại học. Ngoài ra, làm trong công ty có thể được tiếp xúc với những hệ thống thực tế mà môi trường bên ngoài khó tiếp cận (do các công ty không công bố giải pháp của mình).

“Sự khác biệt lớn nhất giữa hai môi trường là mức độ tự do. Tôi nghĩ đó là điểm cơ bản trong khoa học. Do đó sau một thời gian ngắn trải nghiệm nghiên cứu trongR&D, tôi đã quay lại môt trường đại học. Điều thứ hai là tôi luôn ưa thích môi trường trẻ trung sôi động của trường đại học, thích được truyền kiến thức mình tích lũy được cho các bạn sinh viên trẻ. Tiếp xúc, trao đổi với họ tôi cũng cảm thấy mình trẻ hơn, năng động hơn và do đó có khí thế hơn trong công việc”.

Phan Dương Hiệu, tốt nghiệp tiến sĩ tại  Ecole normale supérieure, từng làm nghiên cứu phát triển (R&D) tại France Telecom và hiện là maître de conferences (giảng viên nghiên cứu chính thức) tại trung tâm nghiên cứu LAGA, ĐH Paris 8-13.

Thu nhập cũng là một điểm khác biệt khi làm cho công ty có ưu thế hơn. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch không lớn nên thường đó không phải là một yếu tố quyết định cho sự lựa chọn làm trong trường đại học hay trong công ty của một người.

 

 …Và những lợi ích khi hai bên cùng cộng tác

Tại  Pháp, trong lĩnh vực nghiên cứu của tôi (Mật mã – Cryptology) quan hệ cộng tác giữa trường đại học và công ty khá là khăng khít, và được thực hiện qua nhiều kênh. Kênh đầu tiên và phổ biến hơn cả do chính Nhà nước khuyến khích để những dự án chung giữa trường đại học và công ty có điều kiện phát triển. Nhiều dự án quốc gia được nhà nước hỗ trợ tài chính theo cách: cung cấp toàn bộ chi phí cho phía trường đại học và hỗ trợ 40-60% cho chi phí tham gia của công ty. Điều này đưa tới lợi ích cho cả công ty, trường đại học và nhà nước. Về phía trường, các nghiên cứu viên có điều kiện để phát triển một nhóm nghiên cứu theo hướng của mình: có điều kiện áp dụng các ý tưởng của mình vào thực tế thông qua các công ty, có chi phí tuyển post-doc, nghiên cứu sinh, có chi phí cho các thành viên trong nhóm tham gia các hội nghị quốc tế, có điều kiện tổ chức các hoạt động khoa học… Các nghiên cứu viên của công ty tìm được tự do hơn trong nghiên cứu. Do nhà nước đã trả chi phí cho công ty nên họ có thể có 50% thời gian tham gia dự án nghiên cứu, và đó là lúc họ có được bầu không khí tự do đáng mơ ước để làm và trao đổi khoa học. Còn bản thân các công ty không mất gì nhiều: một số thành viên mất thời gian tham gia dự án nhưng chi phí đã được nhà nước bù đắp, và hơn hết họ sẽ được nhiều cái lợi lớn là những giải pháp cần các nghiên cứu chiều sâu của họ sẽ được một lực lượng đông đảo các nhà khoa học, của công ty họ và của các trường đại học tham gia giải quyết.

Với nhà nước thì thực chất họ đã chi khoản tiền phát triển khoa học theo một cách hợp lý hơn là chia đều cho tất cả các nghiên cứu viên. Các thành viên trong trường đại học ở Pháp có sự đảm bảo suốt đời về công việc. Điều đó có mặt tốt và không. Tốt là nhà khoa học yên tâm hoàn toàn để làm khoa học mà không chịu sức ép mất việc. Và không tốt là dẫn đến có những người sau khi đã có vị trí có thể yên tâm “ngồi chơi” không làm khoa học. Để khuyến khích những người thực sự làm khoa học, nhà nước cấp rất nhiều kinh phí cho những người năng động. Xây dựng phát triển dự án với các công ty và các trường đại học khác là một hình thức nổi bật giúp các nghiên cứu viên đại học có thêm chi phí để phát triển nhóm và phát triển sâu và rộng hướng nghiên cứu của mình.

Ngoài ra tất nhiên còn có nhiều kênh kết hợp khác giữa đại học và công ty: công ty mời các nghiên cứu viên nhiều kinh nghiệm làm cố vấn, các trường kết hợp “chiến lược” với công ty để gửi sinh viên của mình tới thực tập và sau đó công ty có thể tuyển họ làm việc…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)