Những giải pháp về nguồn nhân lực điện hạt nhân

Tại cuộc Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân” do tạp chí Tia Sáng phối hợp với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (NRI) tổ chức tại Đà Lạt vào ngày 17/7, những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đang gặp phải đã được đề xuất.

Lực lượng không thiếu nhưng chưa tinh

Tại cuộc Hội thảo, Phó Viện trưởng VINATOM, TS. Nguyễn Hào Quang, cho rằng, để chuẩn bị cho chương trình điện hạt nhân, Việt Nam cần một đội ngũ khoảng 500 người đạt trình độ cơ bản, trên cơ sở đó chọn ra 400 người xuất sắc và tiếp tục tinh lọc khoảng 40 người ưu tú đào tạo chuyên sâu có khả năng đóng góp những phát kiến mới về điện hạt nhân cũng như thúc đẩy khả năng ứng dụng tại Việt Nam. Do điện hạt nhân gắn liền với văn hóa an toàn nên quy trình chuẩn bị về lực lượng phải đảm bảo sự đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan: Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Bộ GD&ĐT… Ông cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chậm tiến độ là công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ triển khai của Dự án.

Đề cập thực trạng của công tác đào tạo nguồn nhân lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo NRI, TS. Nguyễn Xuân Hải, thống kê, trên toàn quốc có sáu trường tham gia đào tạo nhân lực điện hạt nhân: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Đà Lạt và Học viện Điện lực. Trung bình mỗi năm, Việt Nam đào tạo được khoảng 250 sinh viên chuyên ngành, chưa kể số sinh viên xuất sắc đi du học. Vì vậy, vấn đề của nguồn nhân lực hiện nằm ở chất lượng chứ không phải ở số lượng. “Chúng ta thiếu những người làm thực sự, những người đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của lĩnh vực điện hạt nhân. Muốn đáp ứng được yêu cầu, chúng ta phải đảm bảo được đồng bộ các vấn đề về chất lượng đầu vào, nội dung chương trình đào tạo và chính sách tuyển dụng, thu hút nhân lực”.

Những vướng mắc trong đào tạo, tuyển dụng và ưu đãi khiến nguồn nhân lực điện hạt nhân “quý mà không hiếm”: quý vì thiếu người có năng lực chuyên sâu, có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, mặc dù nguồn nhân lực được đào tạo không quá hiếm. Nếu không có đổi mới về chính sách tuyển dụng và ưu đãi thì điện hạt nhân sẽ không đủ sức cạnh tranh với những lĩnh vực khác.  

TS. Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh một điểm sáng ở ba mùa tuyển sinh gần đây là điểm đầu vào ngành điện hạt nhân được cải thiện lên quãng 21 đến 23 điểm, do một số trường như ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Đà Lạt… đã thay đổi chính sách đào tạo nên đủ sức hút thí sinh có trình độ khá, giỏi đăng ký, dù chưa thể so với các ngành Y, Dược, Kinh tế, Ngân hàng… Tuy nhiên, ông vẫn lo lắng, “khó duy trì tin vui này lâu dài nếu chúng ta chưa có chính sách tuyển dụng thỏa đáng”. Mặt khác, chính sách tuyển dụng hiện nay cũng chưa rõ ràng đối với đội ngũ tân cử nhân 250 người mỗi năm, dẫn đến trường hợp để họ bơ vơ sau khi trải qua quá trình bốn năm đào tạo về lĩnh vực điện hạt nhân. Lấy dẫn chứng từ chính Viện NRI, TS. Hải cho biết, biên chế của Viện ở mức gần 200 người, mỗi năm chỉ tuyển thêm vài nhân sự mới để bổ sung vào “chỗ trống” do người cũ về hưu trong khi Trung tâm KH&CN hạt nhân phục vụ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và đào tạo lực lượng cho lĩnh vực điện hạt nhân Việt Nam, dự án được coi là đòi hỏi nhiều nhân sự mới, vẫn chưa được triển khai.

Giải đáp vấn đề này, Viện trưởng NRI, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền, cho rằng cần tiếp nhận các tân cử nhân như biện pháp chuẩn bị lực lượng kế cận và có kế hoạch tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của họ nhưng có hai vấn đề là nơi nào sẽ đảm nhận vai trò này và nếu áp dụng thì theo chính sách phát triển lực lượng nào. Trên thực tế, NRI không thể tăng mãi số lượng biên chế và hợp đồng được nên dù muốn cũng chưa thể mở cửa đón nhận các tân cử nhân. Một số ý kiến khác tại tọa đàm cũng lưu ý, vấn đề tuyển dụng nên được cân nhắc để tránh tình trạng tăng cơ hữu về số lượng mà không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

Không chỉ thiếu ăn khớp về đào tạo và khả năng tuyển dụng, chương trình đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân còn tồn tại một vướng mắc nữa là chế độ đãi ngộ chưa hợp lý. Trong thời gian gần đây, Nhà nước đã có chính sách tăng ưu đãi tối đa 0,7 hệ số lương người hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân, nhưng dù được hưởng ưu đãi thì thu nhập của cử nhân điện hạt nhân cũng không quá bốn triệu đồng, trong khi nếu vào các công ty nước ngoài hoặc liên doanh, họ sẽ hưởng khoảng 10 triệu đồng/tháng. Vì vậy, muốn đảm bảo được chất lượng trong đào tạo nhân lực điện hạt nhân, cần một chế độ đãi ngộ tương đối thỏa đáng và mức độ đãi ngộ cần được tính toán dựa trên mặt bằng chung của xã hội. Theo TS. Nguyễn Xuân Hải, những vướng mắc trong đào tạo, tuyển dụng và ưu đãi khiến nguồn nhân lực điện hạt nhân “quý mà không hiếm”: quý vì thiếu người có năng lực chuyên sâu, có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, mặc dù nguồn nhân lực được đào tạo lại không quá hiếm. Nếu không có đổi mới về chính sách tuyển dụng và ưu đãi thì điện hạt nhân sẽ không đủ để cạnh tranh với những lĩnh vực khác. 

Đào tạo dàn trải gây lãng phí nguồn lực

Những vướng mắc mà công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân đang gặp phải là do Việt Nam chưa có một cái nhìn tổng thể về chương trình này cũng như chưa tạo mối gắn kết với các chương trình ở tầm quốc gia khác và các ngành nghề khác, vì vậy việc đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân không được nhận diện đúng, dẫn đến đào tạo dàn trải, gây lãng phí nguồn lực về con người và kinh phí đầu tư.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành năng lượng nguyên tử, PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh (nguyên Phó viện trưởng NRI) nhìn nhận, cách thức đào tạo theo kiểu hàn lâm mà hiện nay chúng ta đang làm chưa ổn bởi lĩnh vực này đòi hỏi sự chuyên môn hóa về nhân lực ở nhiều mặt hoạt động với đội ngũ kỹ sư công nghệ, kỹ thuật viên chuyên giải quyết các vấn đề kỹ thuật vận hành lò phản ứng; cán bộ nghiên cứu thực hiện công tác R&D với yêu cầu cao về công bố quốc tế; cán bộ hành chính đảm trách các vấn đề hoàn thiện văn bản pháp quy, lập kế hoạch… Theo ông, không nhất thiết phải đào tạo tràn lan cử nhân mà cần đào tạo cả ở bậc trung cấp để có được đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề hỗ trợ công việc của các kỹ sư công nghệ.

Việt Nam chưa có một cái nhìn tổng thể, cũng như chưa tạo mối gắn kết với các chương trình ở tầm quốc gia khác và các ngành nghề khác, vì vậy việc đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân không được nhận diện đúng, dẫn đến đào tạo dàn trải, gây lãng phí nguồn lực về con người và kinh phí đầu tư.

Cùng quan điểm với PGS.TS. Nguyễn Mộng Sinh, Giám đốc Trung tâm môi trường NRI, TS. Phan Sơn Hải, cho rằng, chương trình điện hạt nhân cần nhiều nguồn nhân lực khác nhau, “đặc biệt cần những nhóm chuyên gia, đội ngũ kỹ sư tinh thông am hiểu về công nghệ chứ không chỉ đạt trình độ tiến sĩ trở lên”. Ông lấy ví dụ về trường hợp nhóm chuyên gia Nga tới Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt năm 2013 để vận chuyển các thanh nhiên liệu có độ giàu cao về nước, người phụ trách là kỹ sư trưởng, không phải là tiến sĩ nhưng được đào tạo bài bản, về công nghệ và về vận hành lò phản ứng nên chỉ đạo và tham gia thực hiện công việc rất tốt. 

Do chưa có nền tảng công nghệ trong lĩnh vực điện hạt nhân nên Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào việc cử sinh viên đi nước ngoài đào tạo, dù vẫn tiến hành tuyển sinh trong nước. Theo PGS. TS. Lê Ngọc Chung (nguyên Phó trưởng Khoa Kỹ thuật hạt nhân, ĐH Đà Lạt), vẫn còn thiếu sự rõ ràng giữa việc xác định các mảng đào tạo trong nước và nước ngoài nên dễ dẫn đến tình trạng đào tạo trùng lặp, có thể gây thừa nhân lực ở mảng này nhưng lại thiếu hụt ở mảng khác.

Cũng nhấn mạnh việc xác định rõ nội dung đào tạo ở nước ngoài, TS. Mai Xuân Trung (nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Đà Lạt) cho rằng, chúng ta chưa chú trọng đào tạo lực lượng kỹ sư điện hạt nhân (nuclear engineeing) trong khi đây là đội ngũ có vai trò lớn, có thể đảm trách tốt công tác vận hành lò phản ứng. Hiện nhiều quốc gia có nền công nghệ điện hạt nhân tiên tiến, kể cả Nga, đều chưa đào tạo kỹ sư hạt nhân cho Việt Nam.

Việc cử người đi học ở nước ngoài còn tồn tại một thực tế khác là nhiều quốc gia chỉ tiếp nhận đào tạo học viên Việt Nam ở bậc thạc sĩ chứ không nhận đào tạo từ bậc tiến sĩ do có độ chênh về nền tảng công nghệ cơ bản giữa Việt Nam và nước ngoài trên hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm.

Bốn hướng đào tạo cần tập trung

Ở góc độ người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại các trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu, châu Á và châu Mỹ, Phó giám đốc Trung tâm phân tích NRI, TS. Hồ Mạnh Dũng, phân tích, Việt Nam là quốc gia nhập công nghệ điện hạt nhân nên quan trọng là phải biết cách vận hành công nghệ đó an toàn. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân lực cho chương trình điện hạt nhân vào bốn hướng: An toàn điện hạt nhân; Thiết kế và xây dựng nhà máy; Vận hành và bảo dưỡng nhà máy; Nhiên liệu hạt nhân và chu trình nhiên liệu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chuẩn bị nhân lực cho những lĩnh vực mới để hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy điện hạt nhân như đẩy mạnh nghiên cứu về Vật lý hạt nhân, Vật lý neutron và Vật lý lò phản ứng…

 

Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân lực cho chương trình điện hạt nhân vào bốn hướng: An toàn điện hạt nhân; Thiết kế và xây dựng nhà máy; Vận hành và bảo dưỡng nhà máy; Nhiên liệu hạt nhân và chu trình nhiên liệu.

Nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển về số lượng và chất lượng của ngành hạt nhân, TS. Hồ Mạnh Dũng đề xuất, cần phối hợp chặt chẽ giữa hai vấn đề nghiên cứu và đào tạo: nghiên cứu là công cụ cho đào tạo, và là cơ sở để phát triển đào tạo, từ đó đóng góp trực tiếp vào phát triển nguồn nhân lực. Ở Việt Nam lâu nay, hai vấn đề này vẫn chưa có sự gắn kết, thậm chí còn tách bạch, nên công tác đào tạo nhân lực chưa được hỗ trợ thông qua quá trình nghiên cứu đề tài, dự án khoa học và việc nghiên cứu đề tài, dự án không đặt nặng vấn đề nâng cao năng lực cho các thành viên trẻ. Vì vậy, theo ông, “chúng ta không nên lặp lại cách thức mở các lớp đào tạo đại trà như ở trường phổ thông mà phải đẩy mạnh nghiên cứu kết hợp với đào tạo chuyên sâu. Việc thực hiện các dự án/đề tài khoa học trong các nhóm nghiên cứu chính là cách thức đào tạo nhân lực hiệu quả nhất”.

TS. Hồ Mạnh Dũng đưa thêm ba giải pháp cụ thể về phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân: 1. Tập hợp lại đội ngũ nghiên cứu về vật lý hạt nhân còn tản mát do đảm trách quá nhiều công việc; 2. Tách nhóm nghiên cứu vật lý lò phản ứng ra khỏi công việc vận hành lò thường xuyên như theo cách làm của nhiều quốc gia tiên tiến bởi việc đảm nhiệm song song dễ dẫn đến tình trạng chủ quan trong vận hành và dễ sai về mặt quy phạm an toàn, đồng thời ít có thời gian tập trung nghiên cứu; 3. Lập nhóm nghiên cứu neutron để tìm hiểu và chuẩn bị cho các kỹ thuật neutron mới.

Để đảm bảo tính khả thi của những giải pháp trên, PGS. TS Nguyễn Mộng Sinh đề nghị, nên chọn một tổng công trình sư cho chương trình điện hạt nhân cũng như thành lập một tổ công tác đặc biệt hỗ trợ trong công tác quản lý, điều hành, theo cách thức các quốc gia có nhiều kinh nghiệm về điện hạt nhân như Nga, Pháp, Mỹ… đã áp dụng thành công.     

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)