Viện Pasteur: Quyền lực của một đế chế 

Sự kết hợp quyền lực của hai thế giới, vi khuẩn và chính quyền thực dân, đã tạo nên một trường hợp độc nhất vô nhị cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một mô hình huyền thoại dựng trên một tên tuổi huyền thoại: Viện Pasteur và Louis Pasteur.

Tượng Louis Pasteur đặt ở phía trước Viện Pasteur. Nguồn: Viện Pasteur.

Nếu không đặt sự kết hợp này vào bối cảnh lịch sử của nó, hẳn thật khó hình dung quá trình xâm lược và khai thác thuộc địa của người Pháp lại thiếu đi Viện Pasteur Paris và mạng lưới lan tỏa khắp các châu lục của nó, một biểu tượng tự hào của nền văn minh Pháp. Trong công cuộc khai thác thuộc địa, không có gì thuận lợi hơn sự hỗ trợ và đồng hành của một cơ sở nghiên cứu mang tên một nhà nhân văn, người làm rúng động trái tim khắp thế giới qua phát minh vaccine chống bệnh dại, Louis Pasteur.

Dẫu trong thế giới hiện tại, không thiếu những viện nghiên cứu văn hóa mang tính biểu tượng của nhiều quốc gia được đặt ở nước ngoài như Viện Goethe (Đức), Viện Puskin (Nga), Viện Cervantes (Tây Ban Nha), Viện Dante (Ý), Viện Khổng Tử (Trung Quốc)… nhưng không tổ chức nào sánh được với Viện Pasteur trong những gì họ đã làm với nước Pháp. Do đó, việc nhìn vào quá khứ, tìm hiểu những quyết định mở chi nhánh ngoài Paris của Viện Pasteur cũng như các chiến lược ngăn ngừa dịch bệnh nhiệt đới tại các thuộc địa có thể giúp chúng ta lý giải đôi phần về câu chuyện thành công này. 

Nhưng có lẽ, trước tiên, chúng ta cần nhìn vào chính Viện Pasteur như di sản lớn lao nhất của con người huyền thoại đã trao cho viện cái tên mình, Louis Pasteur.

Một đế chế khoa học

Ông là một người khác thường. Bản thân cuộc đời của Louis Pasteur đã là một câu chuyện thần tiên: Khởi đầu là một nhà hóa học, ông đã mở ra một cánh cửa để bước vào kỷ nguyên kết hợp y học và sinh học và cứu được nhiều cuộc đời. Mặc dù có nhiều phát hiện lớn nhưng điều khiến tên tuổi của Pasteur trở thành huyền thoại là vaccine chống bệnh dại. Phát minh cuối cùng này xuất hiện khi ông đã 63 tuổi, từng trải qua một lần tai biến mạch máu não với di chứng là bị liệt tay trái. Mở đầu từ phát hiện vào năm 1879 của bác sĩ thú ý Pierre Galtier ở Lyon là bệnh dại có thể được truyền sang thỏ từ nước dãi chó, Pasteur bắt đầu nghiên cứu về bệnh dại và làm những con thỏ nhiễm bệnh từ dịch chiết từ não chó. Bốn năm sau, Pasteur thành công trong làm yếu độc lực của virus nuôi cấy bằng cách chuyển virus từ chó sang khỉ, vì vậy gia tăng thời gian ủ bệnh so với khi virus ở trong chó, thỏ và chuột lang. Động vật nhận virus từ khỉ có khả năng bảo vệ trước virus độc lực cao… Sau đó, ông sử dụng vaccine nhược độc như một liệu pháp để tăng cường sức đề kháng của bệnh nhân thông qua phản ứng miễn dịch. Năm 1885, cùng với Emile Roux, Pasteur thiết kế một quá trình mới để làm nhược độc virus tối ưu hơn.

Với sự đa dạng nền tảng khoa học và tài năng, tất cả đều được đặt vào cùng chỗ để nghiên cứu về một vật liệu ở mọi góc cạnh khác nhau. Viện Pasteur thực sự là một trung tâm nghiên cứu liên ngành trước khi thuật ngữ đó tồn tại. 

Số phận đã gõ cánh cửa nhà Pasteur. Ngày 6/7/1885, cậu bé 9 tuổi Joseph Meister bị chó cắn vào tay, chân, bụng được bác sĩ Joseph Grancher ở Hôpital des Enfants-malades Paris đưa tới gặp Pasteur để tiêm, đó là cách duy nhất để trao cho cậu bé cơ hội sống sót sau 60 giờ bị chó cắn. Meister được tiêm 12 lần dịch chứa virus được chiết xuất từ não tủy chó bị mắc bệnh dại đã được nhược độc sau quy trình 14 ngày nuôi cấy. Và sống sót. Thành công trước căn bệnh khủng khiếp của châu Âu đến từ đợt chữa trị đầu tiên. Ba tháng sau, một trường hợp khác, Jean-Baptiste Jupille, một cậu bé chăn cừu 15 tuổi từ Đông Pháp cũng được cứu sống thần kỳ. Vào tháng 10/1886, hơn 2.490 bệnh nhân đã được tiêm chủng tại phòng thí nghiệm của Pasteur ở Paris. Một cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ tử vong của người chưa được tiêm là 40%, còn khi được tiêm, con số này là 0,5%. 

Chiến thắng trước bệnh dại và tầm nhìn của người mở đường cho kỷ nguyên miễn dịch học đã đưa Pasteur đến một cuộc vận động táo bạo: huy động vốn đám đông trên toàn thế giới để xây dựng một cơ sở nghiên cứu hoàn toàn mới như tâm nguyện của Pasteur “Đó phải là một nhà thương công để điều trị bệnh dại, một trung tâm nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu về vi sinh vật học”. 

Sự ra đời theo cách này đã báo hiệu một sự tồn tại mang tính toàn cầu của Viện Pasteur, bởi nó là kết quả của sự đóng góp từ khắp mọi nơi, ai cũng có thể tham gia, giàu cũng như nghèo, một người bưu tá ở Normandy cũng như Sa hoàng Nga, một viên cảnh sát từ Jura, Pháp cũng như vị hoàng đế Brazil… Ở Viện Pasteur còn lưu truyền chuyện những giọt nước mắt giàn dụa trên gò má của ông già tuổi gần 70 khi nhận được vài xu đóng góp của cậu bé nghèo Meister, người sau này trở thành gác cổng của Viện, cũng như những giọt nước mắt khác trong quá trình Pasteur quyên tiền. “Pasteur tự giới thiệu mình khi đến nhà bà Boucicaut, chủ cửa hàng xa xỉ Bon Marché, trong nỗi phập phồng không biết mình có được đón tiếp hay không. “Một quý ông lớn tuổi”, cô hầu gái thông báo. “Có phải là Pasteur, người chiến thắng bệnh dại?”. Cô hầu ra lần hai để hỏi lại. “Vâng”, Pasteur đáp. Khi được mời vào, ông giải thích về mơ ước lập một viện nghiên cứu. Mỗi lúc, ông lại thêm sôi nổi, bộc lộ con người mình một cách nhiệt thành. “Đó là lý do tại sao tôi lại đặt cho mình nhiệm vụ kêu gọi những người hảo tâm như bà. Ngay cả một xu…” “Thật vậy!”, bà Boucicaut lúng túng kêu lên. Bà mang ra cuốn séc, ký vào một tờ và đưa cho Pasteur. “Vô cùng cám ơn bà”, ông nói, “bà thật tử tế”. Ông nhìn vào tấm séc và nức nở. Bà cũng khóc theo. Tờ séc một triệu francs.” (mẩu chuyện được một nhà báo Pháp thời kỳ đó ghi lại với con số được thổi phồng bởi trên thực tế chỉ là 150.000 francs). 

Sự đóng góp thực sự lớn lao với 2,5 triệu francs, (tương đương 8 đến 9 triệu Euro ngày nay). Pasteur viết trong diễn văn khai trương viện, “có thể nói rằng đây là một tòa nhà mà không viên gạch nào lại không mang dấu hiệu của một tư duy hào phóng. Tất cả những con người phẩm hạnh đó đã đóng góp cho nơi làm việc độc đáo này. Than ôi, tôi cảm thấy buồn sâu sắc khi bước vào đó như một người đã bị thời gian đánh bại”.

Bức ảnh chụp năm 1889, trong đó Pasteur (ngồi vị trí thứ ba từ trái sang) và Roux, Metchnikoff, Yersin (vị trí thứ 4, 5, 6 từ trái sang). Nguồn: Viện Pasteur

Thuở ban đầu, đây chỉ là một tòa nhà để chủng ngừa vaccine và nghiên cứu, gồm năm bộ phận nghiên cứu vi sinh vật. Năm ngự lâm quân được đào tạo ở chuyên ngành khác nhau tập hợp quanh Pasteur: Duclaux, một nhà hóa học tên tuổi; Chamberland, giáo sư vật lý; Grancher, bác sĩ y khoa; Metchnikoff, người được Roux miêu tả “người đàn ông 45 tuổi từ trung tâm châu Âu, với khuôn mặt đam mê, ánh mắt tóe lửa, những lọn tóc bù xù mang khí chất của một con quỷ khoa học”, và cuối cùng là Roux, người dâng hiến cả cuộc đời mình cho Pasteur. Một không khí gia đình ngự trị ở nơi này, tất cả các nhà nghiên cứu đều biết rõ nhau và giám đốc biết tất cả bọn họ.

Điều quan trọng hơn là trong tòa nhà ấy, Pasteur đã thổi vào đó luồng gió mới, hiện đại cho đến thời điểm bây giờ. Pasteur đã đích thân tuyển chọn người từ khắp mọi nơi trên thế giới, ví dụ như Elie Metchnikoff từ Odessa, nay thuộc Ukraine, và sắp xếp họ quanh mình. Với sự đa dạng nền tảng khoa học và tài năng, tất cả đều được đặt vào cùng chỗ để nghiên cứu về một vật liệu ở mọi góc cạnh khác nhau. Viện Pasteur thực sự là một trung tâm nghiên cứu liên ngành trước khi thuật ngữ đó tồn tại. 

Sau Pasteur, Duclaux điều hành viện, sau Duclaux là Roux. Họ có cùng một phong cách điều hành. Roux, một người khắt khe, một vị thánh thế tục, củng cố phong cách này theo cách gần như quân đội. Không lập gia đình, được các y tá của bệnh viện Pasteur chăm chút, Roux không có nhu cầu nào khác và có thể không tưởng tượng mình sống theo cách khác. Trong mắt ông, thuộc về ngôi nhà của Pasteur là điều vô giá “Để hình thành một viện Pasteur, xây các phòng thí nghiệm nghiên cứu đào tạo, trang bị cho nó những thiết bị phức tạp vẫn chưa đủ mà phải để nó tràn ngập tinh thần Pasteur, ấy là niềm tin khoa học thúc đẩy sự nhiệt thành trong mỗi công việc, sự tưởng tượng truyền cảm hứng cho các ý tưởng, trí tò mò để theo đuổi chúng, sự kích thích làm thực nghiệm để chứng minh chúng, và cả sự độc lập lẫn tinh thần vô vụ lợi như kết quả của tình yêu sự thật”.  

Việc tạo dựng Viện Pasteur Sài Gòn không chỉ đánh dấu một bước quan trọng trong lịch sử khai phá khoa học rộng lớn hơn của viện Pasteur mà còn cho thấy nỗ lực cạnh tranh giữa các đối thủ khoa học ở châu Âu cuối thế kỷ 19.

Từ điểm xuất phát đó, Viện Pasteur trở thành một biểu tượng của nền văn minh Pháp. Tướng de Gaulle từng bày tỏ ngưỡng mộ khi nói, ở Pháp có ba thứ cần phải được bảo vệ: tháp Eiffel, trường Collège de France và Viện Pasteur.

Vi khuẩn và chính trị 

Nếu không có sự đồng hành của Viện Pasteur và những chi nhánh của nó ở khắp các châu lục, chiến lược khai thác thuộc địa của người Pháp có thay đổi? Lịch sử không có chữ nếu, tất cả đã diễn ra như nó vốn thế nhưng chắc chắn, khi không có Viện Pasteur đồng hành, ắt hẳn người Pháp không thể có được thành công nhiều mặt trong quá trình khai thác thuộc địa. 

Đế chế được xây dựng trên các mầm bệnh này từng tham gia nhiều nghiên cứu về bệnh nhiệt đới của chính phủ. “Sứ mệnh Pasteur” ở nước ngoài đầu tiên là tới Alexandria vào năm 1883 để nghiên cứu dịch tả với sự tham gia của Roux. Sau đó vài năm, nhận thấy nhu cầu của các bác sĩ hải quân trước khi tham gia đoàn quân viễn chinh, Roux mở các khóa đào tạo “Grand Cours” về vi sinh vật năm 1889 – một gợi ý để chính quyền Pháp tạo ra trường Ứng dụng y học thuộc địa” năm 1906 ở Marseilles (còn được gọi là le Pharo). Sự gắn kết của Viện Pasteur với le Pharo thông qua các nhà nghiên cứu của mình, ví dụ Paul Louis Simond từng đảm trách vai trò trợ lý giám đốc đầu tiên của trường. 

Quan trọng hơn, việc thành lập chi nhánh đầu tiên ngoài Paris của Viện Pasteur, Viện Pasteur Sài Gòn, cho thấy sự gắn kết đã chặt chẽ hơn. Vào năm 1890, Eugene Etienne của Bộ Thuộc địa đã gửi thư cho Pasteur về việc thành lập một phòng thí nghiệm ở Đông Dương, trong đó kêu gọi sự hỗ trợ trực tiếp của Viện và nhấn mạnh đến uy tín và thiên hướng của Viện trong dịch vụ y tế công cộng. Cơ sở này sẽ được đặt ở Sài Gòn của Nam Kỳ, xứ thuộc địa của Pháp theo Hòa ước Giáp thân 1884. Chưa đầy một năm sau, chi nhánh này ra đời với sự dẫn dắt của Albert Calmette, một cựu bác sĩ hải quân 27 tuổi, điểm khởi đầu cho một mạng lưới các viện con ở trong và ngoài Pháp cũng như khởi đầu cho sự nghiệp của người sau này lập nên danh tiếng lừng lẫy với vaccine phòng lao BCG và huyết thanh kháng nọc rắn. Sứ mệnh của nơi này là hình thành một nơi chữa trị bệnh dại như một nhiệm vụ mang tính biểu tượng của Viện mẹ Pasteur nhưng mang một tham vọng lớn vươn tới các vùng đất ảnh hưởng của đối thủ “những người bị chó mèo cắn ở Trung Quốc, Nhật Bản hay thuộc địa ở người Hà Lan có thể đến đây điều trị”. 

Paul Simond trong phòng thí nghiệm ở Viện Pasteur Sài Gòn. Ảnh: Viện Pasteur.

Sự xuất hiện của các phòng thí nghiệm của Viện Pasteur ở thuộc địa là phản hồi đầu tiên của người Pháp cho một hướng, một lĩnh vực nghiên cứu mà đi đầu là người Anh: nghiên cứu về các bệnh nhiệt đới. Việc tạo dựng Viện Pasteur Sài Gòn không chỉ đánh dấu một bước quan trọng trong lịch sử khai phá khoa học rộng lớn hơn của viện Pasteur mà còn cho thấy nỗ lực cạnh tranh giữa các đối thủ khoa học ở châu Âu cuối thế kỷ 19. Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền, ắt hẳn với ngân sách không mấy dồi dào của một cơ sở nghiên cứu tư nhân, Viện Pasteur khó có thể mơ đến việc có được những cơ sở nghiên cứu đặt ở nước ngoài, và lại càng khó trong việc cạnh tranh với những đối thủ lớn ở châu Âu trong việc tìm ra những phát hiện mới về mầm bệnh nhiệt đới. Như vậy có nghĩa là đặt mình xa khỏi đường biên khoa học. 

Ba năm ngắn ngủi ở Sài Gòn của Calmette đã đủ tạo nên một mô hình tối giản của Viện Pasteur ở thuộc địa, qua đó kích hoạt tinh thần Pasteur qua các khóa đào tạo nhân lực, áp dụng các kỹ thuật đã trở nên thuần thục của Pasteur. Và một thời gian sau là Viện Pasteur ở Nha Trang, từ một phòng thí nghiệm nhỏ của Yersin, một người mới trở về từ HongKong với phát hiện lịch sử trực khuẩn gây bệnh dịch hạch. Tất cả đã đủ cơ sở cho việc hình thành một hình mẫu cho xây dựng các viện nghiên cứu như vậy ở khắp các thuộc địa của Pháp trên thế giới. Lịch sử đã ghi nhận, mỗi viện chi nhánh lại được đặt dưới sự dẫn dắt của một nhà nghiên cứu xuất sắc mà Viện Pasteur Paris đào tạo nên, đi kèm với những phát hiện quan trọng về bệnh dịch nhiệt đới.

Những sự tình cờ và có chủ đích của lịch sử đã tạo dựng được sự kết nối giữa việc chăm sóc sức khỏe thuộc địa với mối quan tâm của quân sự và chính trị Pháp mà thời gian làm nó trở nên liền lạc hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, mỗi bên đã đóng tốt vai trò của mình. Thành công của dự án Viện Pasteur Sài Gòn đã tạo chất keo gắn kết một liên minh quyền lực mới giữa một viện nghiên cứu và các chính thể ở thuộc địa, những bên có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội thế kỷ 19. Quan điểm của chính quyền là thiên hướng của Viện Pasteur đã được ghi nhận ở Pháp và có thể cần được thiết lập các cơ sở tương tự ở các thuộc địa để đáp ứng các nhu cầu y tế công cộng, trong trường hợp của Viện Pasteur Sài Gòn, hoặc giải quyết các nhu cầu thuần túy kinh tế như trường hợp Viện Pasteur ở Tunisia: những người Pháp định cư ở đây làm rượu nhưng bị thất bại nên đề nghị Viện Pasteur hỗ trợ. 

Câu chuyện về Viện Pasteur, một đế chế được xây dựng trên những con vi khuẩn, nói với chúng ta rất nhiều điều hữu ích. Nó cho thấy y học, hay nói rộng hơn là khoa học, có thể đền đáp xã hội và trở thành biểu tượng như thế nào trong những thời kỳ khó khăn nhất.

Có thể nói rằng, các thuộc địa trên khắp thế giới là những vùng đất màu mỡ cho các hạt giống Pasteur nảy mầm, nhất là khi được sự chăm chút của các chính quyền thuộc địa. Về mặt tinh thần, các viện Pasteur là biểu hiện rõ nét nhất và thuyết phục nhất của nền văn minh Pháp, qua đó trở thành mũi giáo tiên phong của chiến lược khai hóa những xứ man dã; về mặt xã hội, không có gì thuần phục người bản xứ dễ dàng hơn các phương thức điều trị bệnh tật, gìn giữ sức khỏe; và hơn cả là về mặt kinh tế chính trị, các viện Pasteur giúp các đội quân viễn chinh Pháp cũng như các đồn điền cao su, cà phê, cọ dầu của chủ Pháp tại các thuộc địa hạn chế tổn tại cả về người và của trước sự tấn công của các bệnh nhiệt đới, ví dụ dịch tả, sốt rét… Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các nỗ lực phòng chống sốt rét của chính quyền Pháp ở Đông Dương, với sự tư vấn của các nhà khoa học Viện Pasteur Đông Dương. Trong một bức thư gửi chính quyền Nam Kỳ vào tháng 1/1919, bác sĩ Laurent Gaide, người phụ trách dịch vụ Y tế Nam Kỳ, đã thảo luận về những biện pháp viện trưởng Noël Bernard áp dụng ở một số đồn điền và cho rằng nó cần được cả chính quyền địa phương lẫn các chủ đồn điền tuân thủ. Một năm sau, Henri Morin, người phụ trách bộ phận nghiên cứu về sốt rét của Viện Pasteur Paris, thuyết phục toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut triển khai các biện pháp chống sốt rét của viện, đồng thời chỉ ra là truyền thống nghiên cứu mà Viện đã thực hiện đều đem lại những đóng góp kinh tế cao. 

Đây là một đóng góp mà bản thân Viện Pasteur cũng được hưởng lợi, ít nhất về mặt khoa học. Nghiên cứu về sốt rét của Viện đã được mở rộng ở các vùng thuộc địa và các nhà nghiên cứu cả đế chế này đã có thể công bố các phát hiện của mình thông qua một loạt các sách chuyên khảo và các bài báo trên những tạp chí Archives of Institut Pasteur, Bulletin de la Société de Pathologie Exotique, Bulletin de la Société médico-chirurgicale de Indochine… Họ vẫn giữ được thế cạnh tranh với người Anh ở một trận tiền mà hai giải Nobel Y sinh liên quan đến bệnh sốt rét, lần lượt vào năm 1902 của Sir Ronald Ross và năm 1907 của Alphonse Laveran là minh chứng rõ nét. Việc các công trình dẫn đến hai giải thưởng này của người Anh và người Pháp đều được thực hiện ở những vùng đất thuộc địa cho thấy, thuộc địa có ý nghĩa quan trọng như thế nào với họ và ngược lại, họ đã tận dụng tốt cơ hội mà lịch sử trao cho mình như thế nào. 

Tượng bán thân Pasteur ở trước Viện Pasteur Hà Nội, nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Mỹ Hạnh.

*****

Không phải ngẫu nhiên các vấn đề về sự phát triển y học nhiệt đới, sự phản hồi với bệnh dịch ở các thuộc địa, mạng lưới phân phối thuốc và vaccine giữa các châu lục, mối quan hệ giữa các cơ quan nghiên cứu và chính quyền… được lật lại. COVID-19 và sự chuẩn bị cho các đại dịch tương lai buộc phải  người ta soi chiếu vào quá khứ để tìm hiểu những vấn đề như thế đã được giải quyết như thế nào và rút ra những bài học kinh nghiệm.

Câu chuyện về Viện Pasteur, một đế chế được xây dựng trên những con vi khuẩn, nói với chúng ta rất nhiều điều hữu ích. Nó cho thấy y học, hay nói rộng hơn là khoa học, có thể đền đáp xã hội và trở thành biểu tượng như thế nào trong những thời kỳ khó khăn nhất. Dẫu trong suốt cuộc đời mình, Pasteur mới chỉ chứng kiến sự thành lập ba viện nghiên cứu ngoài Pháp (Sài Gòn, Tunisia, Nha Trang), nhưng tinh thần và niềm tin ông đặt vào một mô hình nghiên cứu độc lập, thực hiện những nghiên cứu vì sức khỏe con người vẫn còn được truyền lại. 

Sau tất cả những gì diễn ra trong lịch sử, nhiều người lầm tưởng rằng Viện Pasteur là một cơ sở nghiên cứu công, dẫu trên thực tế thì trong hơn một thế kỷ tồn tại, viện vẫn là một cơ sở nghiên cứu độc lập. Nhưng để duy trì được điều này, viện đã phải trả giá rất nhiều. Những năm 1970, viện lâm vào khủng hoảng kinh tế bởi thật khó duy trì nghiên cứu đỉnh cao và ứng dụng những hiểu biết mới vào thực tế mà lại không có được nguồn tài chính dồi dào “chống lưng”. Tình thế ấy buộc những người lãnh đạo viện lúc bấy giờ phải thực hiện những biện pháp đau đớn đến mức có thể nói là “tự ngoạm vào chính mình” dưới cái mũ “tái cấu trúc”: cắt giảm phòng ban và nhân sự (chủ yếu là cho nghỉ hưu trước thời hạn). Không còn cách nào khác, Viện Pasteur phải cầu viện đến chính phủ và đề xuất phương án được hỗ trợ tài chính hằng năm từ 30 đến 50%. 

Dẫu cuối cùng, vấn đề tài chính đã được giải quyết nhưng những gì xảy ra với một nơi lừng lẫy như Viện Pasteur trong một giai đoạn lịch sử khó khăn cho thấy: cũng như nghệ thuật, sự tồn tại của khoa học rất mong manh, và nếu không được vun xới, ngay cả một đế chế cũng dễ rơi vào suy sụp.□

Anh Vũ – Thanh Phương

—————————–

Tài liệu tham khảo

“Louis Pasteur, from crystals of life to vaccination”. P. Berche. Clinical Microbiology and Infection. 2012

“The Pasteur Institute”. François Jacob. 2 April 1998.

“The story of the Pasteur Institute and its contributions to global health”. Marie-Hélène Marchanda. Cambrige Scholar Publishing. 

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)