Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nói chuyện về nền giáo dục Việt Nam độc lập từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946

Giữa bốn bề thiếu thốn và chồng chất nhiều cam go mà một quốc gia non trẻ như Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải đối mặt, quyết sách xây dựng nền giáo dục mới với nhiệm vụ trước mắt là giúp hơn 90% dân số thoát khỏi cảnh mù chữ đã được xác lập. Trong điều kiện thiếu lớp học, sách vở, bàn ghế, phương tiện giảng dạy, kinh phí…, bộ máy giáo dục Việt Nam từ trung ương đến địa phương vẫn thực hiện thành công nhiệm vụ đầu tiên: diệt “giặc dốt”.

Từ Cách mạng tháng Tám đến toàn quốc kháng chiến chỉ vẻn vẹn có mười sáu tháng, nhưng đó là một chặng đường đặc biệt quan trọng trên đó hoạt động giáo dục ở Việt Nam bắt đầu bước vào một xuất phát điểm khác, thực hiện một quá trình khác. Dĩ nhiên sau ngày Toàn quốc kháng chiến, quá trình nói trên phải chịu tác động của nhiều yếu tố tiếp tục nảy sinh nên lại dần dần chuyển qua một quỹ đạo khác, nhưng nhiều bài học về mục tiêu và cách thức giáo dục mà con người Việt Nam tích lũy được trong thời gian ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị thời sự cũng như ý nghĩa lịch sử của chúng trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, giai đoạn lịch sử này trong nhiều công trình, giáo trình lịch sử hiện nay ở Việt Nam vẫn còn hiện ra một cách khá mờ nhạt.

Trong cuốn sách cuốn sách Tư liệu về giáo dục Việt Nam từ tháng 9.1945 đến tháng 9.1946, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành, tác giả Cao Tự Thanh cho rằng “Một quy luật sắt của lịch sử là cái có sau quyết định cái có trước, tức nếu cái có sau tiếp nối được thì cái có trước mới có giá trị, còn nếu cái có sau không tiếp nối được thì cái có trước chỉ có ý nghĩa. Nhưng mười sáu tháng đầu tiên xây đắp nền giáo dục mới của nước Việt Nam độc lập thời gian 1945 – 1946 là một trang sử đẹp mà bất kể thế nào, con người Việt Nam cũng phải tiếp nối”.

Với mong muốn đánh giá lại những bài học này và đặt nó trong bối cảnh lịch sử xã hội thời điểm đó, Tia Sáng mời nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh tới trao đổi và chia sẻ những suy nghĩ của ông trong buổi nói chuyện với chủ đề “Nền giáo dục Việt Nam độc lập từ tháng 9.1945 đến tháng 9.1946”.

Thông tin chi tiết:

Thời gian: 14h30 Thứ Bảy, ngày 6 tháng 8 năm 2022

Địa điểm: Cà phê Trung Nguyên – 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Vào cửa tự do

* Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (Cao Văn Dũng) sinh năm 1955, ra Bắc năm 1964, học ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972, tốt nghiệp năm 1977. Ông nghiên cứu về văn học sử, văn hóa sử Việt Nam và là dịch giả nhiều bộ sách về văn học, lịch sử, triết học, y học Trung Quốc. Với khối kiến thức sâu rộng, ông là một trong mười nhà nghiên cứu Việt Nam được Đại học Đài Bắc đưa vào chương trình nghiên cứu Các nhà Trung Quốc học thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, ông đã xuất bản khoảng 100 đầu sách nghiên cứu và dịch thuật.

PV

Tác giả