Bí mật của Vermeer

Hiểu biết ngày một rộng mở theo thời gian đã giúp người ta khám phá ra nhiều bí mật đằng sau những nét cọ, không chỉ để thỏa mãn sự tò mò của con người mà hơn hết để hiểu sâu sắc hơn về sức sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ. Một trong số đó là danh họa Hà Lan thế kỷ 17 mà ngày nay bức màn bí ẩn vẫn còn buông phủ, Johannes Vermeer.

Đại dịch COVID buộc các trung tâm nghệ thuật, các bảo tàng phải đóng cửa, ngừng đón du khách đến thưởng lãm những kiệt tác. Đó là thời khắc gần như đen tối của các cơ sở văn hóa này, tuy nhiên nhìn từ góc độ khác thì mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Nó tạo ra cơ hội quý báu để họ có thời gian tĩnh tại để nhìn vào các bộ sưu tập của mình, kiểm tra nó và có thể phát hiện ra nhiều điểm mới thú vị, nếu không muốn nói là quan trọng sau nhiều thập kỷ. Các nhà giám tuyển và bảo tồn tranh ở Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Mỹ tại Washington DC (NGA) đã tận dụng được khoảng thời gian quý báu này để xem xét lại bộ sưu tập Vermeer của mình. Trong thời kỳ trước COVID, tình yêu của người thưởng lãm nghệ thuật với tác phẩm của Vermeer ở NGA – gồm Woman Holding a Balance (Người phụ nữ cầm cân), A Lady Writing (Người phụ nữ viết), Girl with the Red Hat (Cô gái đội mũ đỏ), và Girl with a Flute (Cô gái cầm sáo), khiến khó có thể tháo nó khỏi giá treo để đưa vào một phòng thí nghiệm bảo tồn. Vì vậy, đây là một trong những việc đúng đắn nhất mà người ta có thể làm với Vermeer bởi danh họa Hà Lan thế kỷ 17 này thực sự là một bí ẩn của thế giới hội họa. Ông được biết đến bởi khả năng cảm nhận ánh sáng và tạo ra sự tĩnh lặng, gần gụi trong những bức họa nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống về cuộc đời riêng tư và nghệ thuật.

Có thể lý giải nguyên nhân này là do lúc sinh thời, Vermeer cũng chưa thật sự nổi tiếng và phải kể từ khi tái khám phá vào thế kỷ 19, ông mới thực sự thoát khỏi bị lãng quên. Số các tác phẩm của Vermeer có xu hướng tăng giảm theo thời kỳ, tùy theo việc người ta xác định đâu là con đẻ nghệ thuật của ông, ví dụ vào năm 1866, nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Théophile Thoré-Bürger đã liệt kê hơn 70 bức họa của ông nhưng sau đó không đủ tự tin để giữ vững con số này nên hạ xuống 49 bức. Hiện tại, người ta cho là chỉ có 35 bức, trong đó NGA giữ bốn.

Danh họa Hà Lan thế kỷ 17 Johannes Vermeer thực sự là một bí ẩn của thế giới hội họa. Ông được biết đến bởi khả năng cảm nhận ánh sáng và tạo ra sự tĩnh lặng, gần gụi trong những bức họa nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống về cuộc đời riêng tư và nghệ thuật.

Phát hiện mới của một nhóm chuyên gia liên ngành gồm các nhà giám tuyển, bảo tồn và nhà khoa học vật liệu ở NGA đã làm giảm đi mất một bức khi phát hiện ra, Girl with a Flute thực sự không phải của Vermeer, nhưng mặt khác lại làm giàu thêm thông tin về ông theo nghĩa đem lại những chi tiết mới thú vị về phong cách và cuộc đời nghệ thuật của danh họa.

Kết thúc hàng thập kỷ nghi ngờ

Girl with a Flute trong bộ sưu tập Vermeer của bảo tàng đã gây tranh cãi hàng thập kỷ, với nhiều ý kiến ủng hộ lẫn nghi ngờ về khả năng do họa sĩ vẽ nên. Giám tuyển Marjorie Wieseman, người phụ trách Phòng Hội họa Bắc Âu của NGA, đã hài hước gọi cơ hội độc nhất vô nhị mà COVID đem lại là “một dự án của đại dịch”, nơi quy tụ nhà khoa học hình ảnh John Delaney, nhà bảo tồn giàu kinh nghiệm Melanie Gifford, chuyên gia về hội họa Hà Lan và Bỉ thế kỷ 17 Dina Anchin và nhà khoa học vật liệu Lisha Deming Glinsman.

Ban đầu, nhóm nghiên cứu tập trung vào hai tác phẩm chắc chắn của Vermeer, A Lady WritingWoman Holding a Balance, bởi theo Delaney, là “cách tạo ra những chỉ dấu cơ bản về phương pháp vẽ mà danh họa đã áp dụng”. Sau đó, họ đi tới hai bức họa nhỏ hơn, Girl With the Red HatGirl With a Flute. Từ lâu, hai bức họa này đã được coi là một cặp thú vị và đều “tronies” – một thuật ngữ Hà Lan dành chỉ những bức họa khuôn mặt không phải là chân dung của những người cụ thể nhưng thường được lý tưởng hóa hoặc mang biểu cảm riêng biệt; bức Girl With a Pearl Earring (Cô gái đeo hoa tai ngọc trai) của Vermeer là ví dụ nổi tiếng nhất.

Hai bức họa này đều cùng khắc họa một cô gái trẻ với khuôn mặt và biểu hiện tương đồng. Cả hai chân dung đều đội những cái mũ khác thường và đeo những chiếc hoa tai ngọc trai kích thước rất lớn, nổi bật trên cái nền sơ lược và giản dị – trang trí bằng thảm treo tường và một cái ghế khắc đầu sư tử. Và cả hai đều được vẽ trên khung gỗ, điều vô cùng hiếm ở Vermeer.

Nhiều thập kỷ qua, các học giả nghi ngờ là liệu có đúng Vermeer đã vẽ Girl With a Flute không. Nhưng chỉ dựa vào cảm quan thì không đủ, dẫu họ thấy những chuyển tiếp từ sáng sang tối quanh gương mặt trông rất cẩu thả và đột ngột, ví dụ như những khoảng bóng màu xanh lá dưới mũi và dọc theo xương hàm thiếu tinh tế. Trong những năm 1990, giám tuyển NGA Arthur Wheelock, một chuyên gia về Vermeer giờ đã nghỉ hưu, tin là bức này chỉ được gán cho Vermeer nhưng không đạt phẩm chất của một thiên tài. Dù phần lớn các học giả đều đồng tình với ý kiến của Wheelock nhưng các đồng nghiệp ở Bảo tàng nghệ thuật đương đại (Met) vẫn bảo lưu quan điểm đó có thể là tác phẩm của Vermeer và cho rằng sự phủ định chỉ là quan điểm của chính Wheelock.

Những công nghệ tiên tiến ngày nay đã đem lại câu trả lời. Bức Girl With the Red Hat được xác định là bước ngoặt trong cuộc đời nghệ thuật của Vermeer. Nó đánh dấu một thử nghiệm cách tân của ông: bắt đầu vẽ chân dung với một khung nền phác họa hình dáng rồi bắt đầu nhấn vào sự tương phản sáng tối, các đặc điểm mà trước đây ông chỉ giới hạn ở những nét tô nền thì từ thời điểm này đã trở thành đặc điểm phong cách của ông.

Mặt khác, kỹ thuật tia X ở những năm 1970 đã phát hiện ra dưới những nét vẽ này là chân dung một người đàn ông đội mũ nhưng giới hạn công nghệ khi đó không cho phép phát hiện thêm. Hiện tại với quang phổ học hình ảnh huỳnh quang tia X, các nhà khoa học đã lập được sơ đồ sử dụng các màu vẽ chứa chì. Bằng việc xử lý vật liệu có trong lớp bề mặt, họ đã tạo ra một hình ảnh tiết lộ chi tiết về người đàn ông đội mũ, tóc dài, cổ áo trắng và những nếp cuộn của áo choàng.

Nhưng Girl With the Red Hat thì liên quan gì đến Girl With a Flute? Nó như một phép tham chiếu để các nhà khoa học nhìn ngược lại phong cách vẽ ở bức họa bị nghi ngờ và đi đến kết luận: không phải do Vermeer vẽ. Giữa hai bức không chỉ có điểm chung dễ nhận thấy mà còn chung cả về một số vật liệu, tuy nhiên vẫn tồn tại những điểm khác biệt: ở bức Girl With the Red Hat, kỹ thuật thể hiện tinh tế và khéo léo thì những đường cọ ở Girl With a Flute lại vụng về và thậm chí là thô kệch. Thay vì sử dụng những màu vẽ dạng thô để vẽ nền và kết thúc bằng những màu vẽ rất mịn cho lớp trên (như cách Vermeer đã làm) thì ai đó đã vẽ Girl With a Flute theo cách ngược lại, dẫn đến bề mặt bức tranh không được mịn. Thậm chí những sợi lông cọ còn lưu lại trong các lớp vẽ, điều đó cho thấy người họa sĩ này sử dụng một cái cọ kém phẩm chất hoặc quá cũ.

Bức Girl With the Red Hat được xác định là bước ngoặt trong cuộc đời nghệ thuật của Vermeer. Nó đánh dấu một thử nghiệm cách tân của ông: bắt đầu vẽ chân dung với một khung nền phác họa hình dáng rồi bắt đầu nhấn vào sự tương phản sáng tối, các đặc điểm mà trước đây ông chỉ giới hạn ở những nét tô nền thì từ thời điểm này đã trở thành đặc điểm phong cách của ông.

Có một số khiếm khuyết khác, ví dụ ở những vùng tô màu xanh lam có các phần rạn chỉ dấu lớp vẽ bề mặt khô trước khi tô thêm các lớp khác trong khi “một họa sĩ giàu kinh nghiệm biết các trộn các màu và vẽ để điều này không xảy ra”, Wieseman cho biết thêm. Tương tự, ở những nơi màu trắng được tô vào thì người họa sĩ vô danh này đã dùng quá nhiều dầu để trộn, và khi màu khô đi, tạo ra những vết rạn. Do đó, anh ta phải cạo chỗ rạn đi và vẽ đè lên bề mặt một lớp khác. “Nó giống như lỗi của tay mơ”, Wieseman nói. “Còn Vermeer biết mình đang làm gì, ông biết kết quả cuối cùng sẽ là gì, trái ngược với người kia”.

Tuy vậy không phải mọi người đều sẵn sàng chấp nhận quan điểm của NGA và không nghĩ rằng Vermeer không liên quan đến bức họa. Giáo sư lịch sử nghệ thuật Aneta Georgievska-Shine, tác giả cuốn Vermeer and the Art of Love, trả lời Times là cô nghĩ bức họa có thể là sản phẩm hợp tác của Vermeer và ai đó. “Tôi không ngạc nhiên là bảo tàng đi đến kết luận như vậy nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Tôi chỉ nghĩ là dường như Vermeer đã đặt những nét cọ đầu tiên lên mặt toan”.

Rọi thêm ánh sáng mới vào Vermeer

Việc xác định một bức họa trong số những bức ít ỏi còn lại không phải của Vermeer có thể làm những người hâm mộ ông thất vọng đôi chút nhưng ngược lại, chỉ dấu cho những điều mới. Bởi nếu tất cả những điều này là thật thì có nghĩa nó sẽ làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về Vermeer. Từ lâu, người ta tin rằng ông làm việc một mình mà không có sự hỗ trợ của học trò. Phát hiện mói làm dấy lên câu hỏi: ai là nghệ sĩ đã có mặt ở xưởng họa của Vermeer và sử dụng nhiều vật liệu tương tự của ông? Và mối quan hệ giữa họ là gì?

Nhóm nghiên cứu ở NGA tin là Vermeer có xưởng vẽ của riêng mình, giống nhiều bậc thầy hội họa khác như Rembrandt, Rubens. Là những họa sĩ danh tiếng, họ thường có một xưởng họa lớn với nhiều học trò tham gia để có đủ năng lực hoàn thành các đơn đặt hàng theo thời gian cam kết với các nhà bảo trợ. Bản thân họ cũng từng trưởng thành từ xưởng họa của nhiều họa sĩ khác trước khi được đông đảo công chúng biết đến. Nếu thông tin này được xác nhận thì đây là phát hiện mới về Vermeer. Cho đến tận bây giờ, phần lớn các học giả nghệ thuật đều chưa khi nào nghĩ Vermeer có thể đào tạo ra nhiều học trò hay có xưởng vẽ cùng các trợ lý. Chưa có bằng chứng kỹ thuật nào cho thấy điều đó. Ý tưởng cho là Vermeer lao động nghệ thuật trong xưởng vẽ của mình thách thức niềm tin tồn tại đã lâu về việc ông là một thiên tài cô độc. Thay vào đó, phát hiện mới đặt ông vào vai trò của một người thầy, một nhà cố vấn cho các họa sĩ thế hệ tiếp theo, đem lại một góc nhìn hoàn toàn khác về cuộc đời ông.

Việc phân tích các mẫu trích xuất từ hai bức họa cho thấy sự tương đồng của bóng đổ màu xanh đất ở rìa khuôn mặt cô gái là điều bất thường trong hội họa Hà Lan – người ta chưa từng nhìn thấy điều này ở bất kỳ đồng nghiệp cùng thời nào của Vermeer. Do đó, bức Girl With a Flute không phải là sản phẩm của bất cứ ai ngoài xưởng vẽ, nghĩa là một học trò của chính Vlermeer. Nét vẽ của nhân vật chưa biết này cũng ở mức khá nhưng còn lâu mới có thể đạt đến mức thiên tài. “Người này đã hiểu được ý đồ và cách thức tạo nên một bức họa của Vermeer nhưng không thể có được chất tinh tế của ông”, Wieseman nói. Có lẽ, người học trò này của Vermeer đang ở giai đoạn tập luyện, một người amateur, đang thực hiện các bài tập của ông, hoặc cũng có thể là một họa sĩ tự do được thuê theo một vài dự án, hoặc cũng có thể là một thành viên trong chính gia đình của Vermeer. Giám tuyển Marjorie Wieseman nêu giả thuyết với Art Newspaper đó là Maria, con gái lớn của Vermeer, và ở tuổi độ tuổi khoảng 15 đến 21 khi họa sĩ hoàn thành bức vẽ.

Trong bất cứ trường hợp nào thì người nghệ sĩ vô danh này dường như là ai đó quen thuộc với công việc của Vermeer – ai đó hiểu rất rõ kỹ thuật nhưng bị giới hạn ở khả năng sáng tạo, John Delaney nói với Washington Post. Và dù chính xác người này là ai và vì sao lại vào xưởng vẽ của Vermeer vẫn cần phải được xác định thêm nhưng bản thân nó đã cho thấy danh họa không cô độc như những huyền thoại người ta vẫn kể về ông.

Dự án mà nhóm nghiên cứu NGA thực hiện còn đem đến những thông tin khác: quá trình sáng tạo của  Vermeer, “như thể đứng ở đằng sau họa sĩ và theo dõi công việc của ông vậy”, Marjorie Wieseman ví von. Trước đây, người ta vẫn nghĩ Vermeer là một người hết sức tỉ mỉ và hoàn hảo bởi điều đó thể hiện rõ nét trong A Lady Writing (Người phụ nữ viết). Trong bức họa này, ông sử dụng bốn màu vàng khác nhau để tô tay áo khoác ngoài của người phụ nữ và tinh chỉnh những chi tiết rất nhỏ: góc của cái quản bút thẳng hơn một chút cho thấy nhân vật đang viết trên giấy.

Tuy nhiên giờ đây, khi nhìn sâu xuống dưới các bề mặt được xử lý tinh tế và chuẩn mực qua những bức ảnh trên kính hiển vi điện tử, nhóm nghiên cứu ở NGA thấy không phải lúc nào ông cũng đạt tới sự hoàn hảo. Nhóm nghiên cứu cho biết họ cũng mở to mắt vì ngạc nhiên khi phân tích bức Woman Holding a Balance, vốn được họa sĩ vẽ qua nhiều giai đoạn: phác thảo, những hình ảnh sơ bộ… Dưới lớp bề mặt, có thể thấy những đường cọ vẽ vội, phóng túng, thậm chí là những nét thô tháp. Nó cho thấy một Vermeer trong một quá trình khám phá không ngừng nghỉ, cố gắng áp dụng và loại bỏ nhiều cách tiếp cận khác nhau để rồi cuối cùng tạo ra những đường cọ hoàn hảo, tỉ mỉ và vươn tới vẻ đẹp phi thời gian trên lớp màu cuối cùng.

Bí ẩn mãi mãi

Bất chấp những phát hiện mới, vẫn luôn luôn tồn tại một bầu không khí bí ẩn xung quanh Vermeer và tác phẩm của ông. Việc tổng số tranh bị giảm đi một bức khiến di sản của ông ngày một thêm giá trị, không chỉ trên thị trường tranh mà còn trong trái tim người hâm mộ. Nhiều người trong số họ đã yêu tranh của Vermeer ngay từ cái nhìn đầu tiên – và gắn bó mãi mãi. Thậm chí có người thực hiện những chuyến “hành hương” mỗi năm để tới các bảo tàng treo tranh của ông. Arne Neumeyer, một người sống ở Munich, đã lấy lại được cân bằng trong cuộc sống sau một thập kỷ chịu đựng chứng trầm cảm nặng, thông qua hội họa, nhà hát và âm nhạc cổ điển. “Tôi cũng thấy đôi chút kỳ cục khi chỉ ngắm tranh của một họa sĩ duy nhất. Nhưng với tôi, có sự thôi thúc tự nhiên thực hiện cuộc hành trình để thấy tất cả các bức họa đó”, ông nói với NGA.

Việc phân tích các mẫu trích xuất từ hai bức họa cho thấy sự tương đồng của bóng đổ màu xanh đất ở rìa khuôn mặt cô gái là điều bất thường trong hội họa Hà Lan – người ta chưa từng nhìn thấy điều này ở bất kỳ đồng nghiệp cùng thời nào của Vermeer. Do đó, bức Girl With a Flute không phải là sản phẩm của bất cứ ai ngoài xưởng vẽ, nghĩa là một học trò của chính Vermeer.

Neumeyer lập kế hoạch sẽ xem đủ thế giới của Vermeer nhân cuộc triển lãm mang tên ông ở Amsterdam vào năm 2023. Neumeyer bị thu hút không chỉ kỹ thuật vẽ của Vermeer mà còn cả không khí bí ẩn trong từng bức. Vermeer, Neumeyer chỉ ra, dành hầu hết cuộc đời của mình tại Delft để vẽ khoảng hai bức trong một năm, hoàn tất chúng một cách cẩn thận và tái sử dụng các vật liệu vẽ. “Dường như đó là một người nhạy cảm, nội tâm và ẩn chứa khả năng quan sát phi thường, luôn luôn biết rõ mình làm gì”, ông nhận xét. “Có một chút gợi ý mà Vermeer nhắn gửi vượt ngoài các bức họa, thi thoảng nhân vật trong tranh dường như đang giao tiếp bằng mắt với người thưởng lãm, ví dụ như ‘tôi có nên chấp nhận anh chàng này không’ trong bức The Girl with the Wine Glass (Cô gái cầm ly rượu vang). Có một chút gì đó rất hài hước trong đó”.

Nếu còn một số bức nữa Neumeyer còn chưa được ngắm thì Jonathan Janson, một nhà sử học nghệ thuật sống ở Rome, đã xem tận mắt tất cả các bức họa. Vào đầu những năm 1970, khi còn là sinh viên trường Thiết kế Rhode Island, Janson, đã tới Bảo tàng Gardner Isabella Stewart và bắt gặp The Concert, một bức họa của Vermeer. Ông đứng sững, “Ở cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, tôi đã choáng váng. Tôi không biết là ai đó có thể vẽ được như vậy. Đó chính là những gì tôi muốn làm. Và sau đó tôi trở lại trường và cầm bút lên vẽ”.

Sau nhiều năm, giờ Janson “vẫn còn đủ ngốc nghếch để cố gắng vẽ như Vermeer” như ông vẫn tự trào. “Phong cách Vermeer không hề hào nhoáng, thoạt nhìn thì dường như quá bình thường. Thực ra ban đầu, tôi cũng chưa say mê thế giới mà Vermeer vẽ như bây giờ đâu, nó có vẻ hơi lỗi thời”.

Nhưng sau ông đã vượt qua được suy nghĩ này và bắt đầu ngắm kỹ các bức tranh hơn. “Vermeer đặt những điều bình thường vào cạnh nhau theo một cách đầy ý nghĩa nhưng người ta thường không thể định hình ra nó là gì. Đó là sự bí ẩn của Vermeer”. Janson so sánh việc tìm ra ý nghĩa của nó với việc nắm bắt một giấc mơ thoáng qua. Tất cả đều đầy cuốn hút nhưng lại dễ lẩn tránh con người.□

Anh Vũ tổng hợp

Nguồn: https://www.theartnewspaper.com/2022/10/07/vermeer-at-the-national-gallery-in-washington-dc-declared-not-the-real-thing

https://www.washingtonpost.com/arts-entertainment/2022/10/07/vermeer-girl-flute-imitations/

https://www.nga.gov/press/exhibitions/exhibitions-2022/5675.html

Tác giả