BOY LOVE – Thấy gì ngoài tình yêu & tình dục?

Bất chấp là một thể loại đầy tranh cãi, đầy rẫy những chi tiết tình yêu và tình dục vô cùng khiêu khích, táo bạo, truyện boy love vẫn có một lượng người hâm mộ đông đảo và ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm có nội dung và hình thức tinh tế.

Manga tiểu sử Boku ga Otto ni Deau made (Until I met My husband) – đã được xuất bản ở Việt Nam với tên Đến ngày gặp anh.

Tháng 1/2022, Cục Phát thanh truyền hình Bắc Kinh – Trung Quốc đã ban hành văn bản cấm vĩnh viễn đề tài đam mỹ trên màn ảnh; với lý do lo ngại dòng phim này gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý và gu thẩm mỹ của giới trẻ. Trong chiều hướng ngược lại, năm 2022, Netflix ra mắt phim dài tập Heartstopper, chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Alice Oseman, kể về mối tình học trò của hai nam sinh tuổi teen. Bộ phim nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cả giới phê bình lẫn khán giả.

Đam mỹ hay Boy Love/ Boys’love, Yaoi/ Shounen Ai, đều là những cái tên chỉ các tác phẩm hư cấu (truyện tranh, tiểu thuyết, phim, kịch truyền thanh…) có nội dung xoay quanh chuyện tình cảm giữa các nhân vật nam. Vậy thực chất thể loại này là gì, xuất hiện ra sao, phản ánh thế nào về xã hội đương thời?

SỰ RA ĐỜI CỦA BOYS’ LOVE/ BOY LOVE

Khái niệm Boy Love (viết tắt là BL) đã được mở rộng và thay đổi ít nhiều kể từ lần đầu xuất hiện. Theo một nghiên cứu của giáo sư Fujimoto Yukari thuộc chuyên ngành văn hóa Manga và giới tại ĐH Meiji, Nhật Bản, BL khởi nguồn từ Shounen Ai (“shounen” là nam thanh thiếu niên, “ai” là tình yêu) – thể loại truyện tranh xoay quanh chuyện tình yêu của các chàng trai trẻ. Tuy vậy, khởi đầu của Shounen Ai bất ngờ lại chẳng liên quan mấy tới vấn đề đồng tính hay quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+ nói chung.

Cho tới giữa những năm 60, phần lớn tác giả của dòng truyện tranh thiếu nữ (shoujo) là nam giới. Mặc dù là trung tâm trong các tác phẩm shoujo, dưới lăng kính của tác giả nam và tác động của những định kiến xã hội nặng nề còn sót lại, hình tượng các nhân vật nữ vẫn vấp phải những hạn chế, khuôn mẫu trong việc thể hiện cảm xúc, quan điểm. Tới cuối những năm 60, đặc biệt bùng nổ vào thập niên 70, một thế hệ các tác giả nữ sinh ra sau chiến tranh nổi lên, tạo ra làn sóng mới. Họ muốn nới rộng, vượt qua những rào cản cũ. Dù rằng thế hệ này vẫn chưa đủ mạnh dạn tạo ra những mẫu nhân vật nữ tháo bỏ ràng buộc, họ “lách luật” bằng cách cài cắm vào những nhân vật nam. Từ đó sản sinh ra các tuyến truyện phụ về nam giới yêu nhau trong các tác phẩm truyện tranh thiếu nữ. Cho tới giờ, Shounen Ai vẫn được xếp vào thể loại Shoujo, nhắm tới đối tượng đọc là nữ giới. 

2moons2, phim BL của Thái Lan được nhiều khán giả yêu thích.

Cặp đôi tác giả nữ – Takemiya Keiko và Hagio Moto là những người đầu tiên sáng tác một bộ truyện tranh Shounen Ai chuyên biệt, không chỉ còn là tuyến truyện phụ trong Shoujo. Tác phẩm đánh dấu cuộc cách mạng của họ mang tên Shounen no na wa Jiruberu (The Boy’s Name is Gilbert). Bộ truyện được xuất bản kéo dài từ 2/1976 tới 6/1984. Năm 1978, tạp chí June dành riêng cho thể loại này ra đời. Cho tới nay đã xuất hiện thêm nhiều tạp chí truyện tranh chuyên Shounen Ai và Yaoi trên thị trường, được xuất bản hợp pháp, có khu vực bán riêng ở hầu hết các nhà sách hay siêu thị tiện lợi tại Nhật.

Yaoi về cơ bản là Shounen Ai với mức độ nặng đô hơn. Shounen Ai kể chuyện tình yêu không bao gồm các tình tiết, hình ảnh liên quan tới quan hệ tình dục. Các nhân vật cùng lắm chỉ nắm tay, ôm hôn. Còn Yaoi thì luôn có miêu tả quan hệ tình dục đồng tính nam, từ mức độ nhẹ nhàng, thoáng qua tới thuần khiêu dâm. Nguồn gốc từ Yaoi là viết tắt của cụm Yamanashi – Ochinashi – Iminashi: không có cao trào, không có điểm nhấn (punch line), không có ý nghĩa. Gốc gác thể loại này gắn liền với fanfiction dưới dạng truyện tranh – doujinshi. Tác phẩm được coi như cột mốc khai sinh Yaoi là doujinshi của bộ truyện Captain Tsubasa (đã được xuất bản ở Việt Nam với tên Đội trưởng Subasa). Vào đầu thập niên 90, các nhà xuất bản nhận ra tiềm năng lớn của thể loại này nên đẩy mạnh đầu tư. Cùng với sự ra đời của nhiều tạp chí Shounen Ai như Boy x Boy, các tác giả doujinshi (được gọi là doujinka) dần trở thành các tác giả Yaoi chuyên nghiệp. Doujinshi Captain Tsubasa của họa sĩ Ozaki Minami được chỉnh sửa và xuất bản như một tác phẩm nguyên bản mang tên Zetsuai 1989 (Absolute Love 1989).

BL, ban đầu chỉ riêng các bộ phim truyền hình được chuyển thể từ Shounen Ai và Yaoi. Sau dần thành danh từ chung chỉ cả truyện tranh, tiểu thuyết, phim truyền hình và điện ảnh, kịch truyền thanh… với nội dung như trên. Thể loại này phát triển mạnh mẽ, lan sang các khu vực lân cận như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và cả Việt Nam. Shounen Ai và Yaoi không chỉ thuần gói gọn trong drama tình cảm. Trái lại, chúng có rất nhiều nội dung từ kinh dị, trinh thám, hành động, tiểu sử tới viễn tưởng, huyền ảo, cổ trang… từ những chuyện ngọt ngào đời thường hay bi kịch đẫm nước mắt tới cả những chuyện mong manh đạo đức, chênh vênh ranh giới bệnh hoạn như loạn luân, ấu dâm, người và thú…

Bất kể BL hiện giờ đã phát triển, mở rộng như thế nào, nhìn lại quá trình hình thành của thể loại này, có thể coi gốc rễ Shounen Ai và Yaoi là một tuyên ngôn về tự do sáng tạo của cộng đồng tác gia nữ tại Nhật nói riêng, là công cụ để họ thể hiện tiếng nói và phản ứng lại những bó buộc xã hội xưa cũ. Lịch sử thế giới có không ít những thay đổi xã hội, các sự kiện chính trị, khoa học, trào lưu văn hoá diễn ra thông qua đối thoại về tự do tình dục. Tiêu biểu như cuộc cách mạng tình dục tại Mỹ thập niên 60 và 70, góp phần thúc đẩy những cuộc cách mạng xã hội xoay quanh cộng đồng người đồng tính và nữ quyền sau đó.

Truyện BL Super lovers, đã được chuyển thể thành phim hoạt hình và được chiếu trên nhiều đài truyền hình của Nhật.

VĂN HÓA BOY LOVE PHẢN ÁNH ĐIỀU GÌ?

Shounen Ai & Yaoi, trái ngang thay, ra đời không nhằm mục đích nâng cao nhận thức xã hội về đồng tính, cho dù nội dung chính xoay quanh các mối quan hệ đồng tính. Ban đầu, các tác phẩm thuộc thể loại này không đem lại mấy tác động tích cực đối với cộng đồng LGBTQ+ tại Nhật. Thậm chí, vào đầu những năm 90, cộng đồng LGBTQ+ đã đưa ra nhiều chỉ trích gay gắt. Họ cho rằng BL chứa đựng tưởng tượng phù phiếm, tạo dựng những hưng phấn tình dục (fetish) lệch lạc về người đồng tính. Ngoài ra, sự phổ biến của thể loại này còn vô tình áp đặt lên người đồng tính áp lực về ngoại hình. Tương tự với những phê phán, lo ngại với phim khiêu dâm nói chung; luôn có khoảng cách rất lớn giữa hư cấu với thực tế. Ở giai đoạn đầu phát triển của BL, các nhân vật thường là các chàng trai trẻ đẹp (ngay cả khi nhân vật được miêu tả có ngoại hình tầm thường thì vẫn được vẽ tương đối long lanh, chí ít cũng dễ thương). Khía cạnh quan hệ tình dục cũng được miêu tả khá phi thực tế (không lạ khi phần lớn các tác giả là nữ dị tính, sáng tác dành cho các độc giả nữ dị tính, và thời kỳ đó chưa bùng nổ internet).
Ví dụ một mô típ truyện (trope) rất phổ biến trong Yaoi là nhân vật nam có thể yêu đương và quan hệ tình dục với một người đàn ông khác nhưng anh ta vẫn được gọi là trai thẳng vì đã từng hẹn hò phụ nữ?! Các xu hướng tính dục như Bisexual (song tính) hay Pansexual hiếm khi xuất hiện ở những tác phẩm giai đoạn đầu. Chuyện nam yêu nam trong những tưởng tượng hư cấu này tách rời khỏi thực tế khoa học và xã hội. Không loại trừ khả năng các tác giả tư duy theo hướng tạo dựng những mối quan hệ tình cảm khác biệt với đời thực, như các Samurai và thầy tu thời xưa của Nhật coi quan hệ đồng tính mới là cao quý, còn quan hệ dị tính là thể xác trần tục. Hoặc đơn giản là họ thiếu kiến thức?! Những điểm tiêu cực kể trên, tuy đến giờ đã giảm bớt nhưng vẫn còn tồn đọng.

Những độc giả nữ mê mẩn thể loại này bị gọi là “Fujoshi”,  Fudanshi” với nam – nghĩa là những cô gái, chàng trai mục ruỗng. Khái niệm này có cái tên quen thuộc hơn ở Việt Nam là “hủ nữ”, còn gọi tắt là “hủ”. Dễ dàng thấy BL ngay cả khi được tồn tại hợp pháp, độc giả của thể loại này vẫn phải hứng chịu ít nhiều phán xét từ xã hội. Đây là một thể loại thật sự nhạy cảm, khó phân định rõ ràng. Tuy vậy, lý do gì khiến BL, bất chấp những khía cạnh tiêu cực, thiếu sót còn tồn đọng, vẫn được yêu thích rộng rãi như vậy?

Gốc rễ Shounen Ai & Yaoi là một tuyên ngôn về tự do sáng tạo của cộng đồng tác gia nữ tại Nhật nói riêng, là công cụ để họ thể hiện tiếng nói và phản ứng lại những bó buộc xã hội xưa cũ.

Một thử nghiệm tâm lý của tiến sĩ J. Michael Bailey đến từ ĐH Northwestern về xu hướng tính dục và kích thích tình dục, cho thấy sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới. Đối với các đối tượng thí nghiệm là nam giới dị tính, họ chỉ bị kích thích khi xem hình ảnh liên quan tới quan hệ đồng tính nữ, chứ không có phản ứng với quan hệ đồng tính nam. Ngược lại, đối với các đối tượng thí nghiệm là nữ giới thì không có chênh lệch khác biệt nhiều. Chuyện nam giới dị tính có hứng thú khi xem quan hệ đồng tính nữ ít bị xã hội kỳ thị hay coi là biến thái hơn việc phụ nữ xem quan hệ đồng tính nam. Về việc tại sao phụ nữ thích xem, đọc BL (hay phim khiêu dâm đồng tính nam nói chung), thành viên các diễn đàn online chia sẻ những lý do phổ biến như: Họ thấy thoải mái hơn khi không so sánh bản thân với các nữ diễn viên hoàn hảo trong phim khiêu dâm dị tính. Ít cảm giác giả tạo hơn vì nam giới khi hưng phấn thì nhìn thấy “bằng chứng” rõ ràng. Họ được ngắm nhìn cơ thể nam giới nhiều hơn và xem các phản ứng vốn hay bị giới hạn bởi định kiến giới, ví dụ thể hiện cảm xúc mong manh, nhạy cảm.

Thực tế trước giờ các sản phẩm hư cấu có yếu tố tình dục hoặc khiêu dâm thường nghiêng về thỏa mãn cho đàn ông hoặc từ góc nhìn của nam giới. Đây cũng là lý do quan trọng khiến một tác phẩm với chất lượng làng nhàng như 50 Sắc thái bất ngờ đạt được nhiều thành công lớn về doanh thu, bởi nó có góc nhìn khoái cảm cho phụ nữ (khoan bàn tới góc nhìn này có độc hại hay không). Thay vì chỉ đánh giá BL qua những thiếu sót, chúng ta cần xét tới cả giá trị nó mang lại, bù đắp cho sự mất cân bằng hiện tại. Con người, dù giới tính nào hay xu hướng tính dục ra sao, phần đông không thể tách rời tình dục ra khỏi đời sống. Đó là một nhu cầu tự nhiên và cần thiết. Cách nghĩ hợp lý hơn nên là hiểu đúng về bản năng, từ đó tìm ra những cách tiếp cận tình dục lành mạnh.

BL giống như mọi thể loại khác, có hay có dở. BL ở Nhật cũng từng vấp phải nhiều tranh cãi, chỉ trích với nội dung gần giống với lý do Trung Quốc cấm đam mỹ, nhưng Nhật lại có cách quản lý văn hóa hoàn toàn trái ngược. Trong cuốn sách BL shinkaron (The Theory of BL Evolution), học giả và nhà hoạt động xã hội Mizoguchi Akiko – cũng là một người đồng tính nữ – cho rằng kể từ cuối những năm 2000, các tác phẩm BL đã có sự tiến bộ rõ rệt, tạo dựng những mối quan hệ nam-nam với chiều sâu tinh tế hơn, cũng như tiến gần hơn tới thực tế của cộng đồng LGBTQ+. Nếu không có cơ hội để sai, để nhận phê bình thì thể loại này sẽ không thể cải thiện tốt lên; đồng thời bớt đi một công cụ để giới nữ giải phóng khỏi sự kiềm tỏa và thiếu thốn tự do về tình dục.

Một ví dụ tiêu biểu cho làn sóng phát triển mới của BL tại Nhật là manga tiểu sử Boku ga Otto ni Deau made (Until I met My husband) – đã được xuất bản ở Việt Nam với tên Đến ngày gặp anh; do Tsukizuki Yoshi vẽ minh họa, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nanasaki Ryousuke. Cuốn tiểu thuyết này có xuất phát điểm là một bài viết chia sẻ trên blog của tác giả – một nhà hoạt động xã hội & sáng lập công ty Tổ chức sự kiện Juerias LGBT Wedding, kể về trải nghiệm của chính bản thân anh. Đám cưới của anh là đám cưới đồng tính đầu tiên được tổ chức và công nhận ở Tokyo. Tác phẩm này, ngoài giá trị với cộng đồng LGBTQ+ nói riêng, còn là một câu chuyện vô cùng xúc động và đầy tính nhân văn. Bất kể người đọc có xu hướng tính dục thế nào cũng có thể tìm được điểm đồng cảm. Những tác phẩm chất lượng như thế này sẽ không có cơ hội đến được với độc giả nếu như phải hứng chịu những lệnh cấm cực đoan từ các cấp quản lý.

Dù xuất phát điểm dành cho độc giả nữ dị tính, hiện nay đã có sự dịch chuyển trong cộng đồng đọc và sáng tác BL tại Nhật. Một khảo sát năm 2019 của Japan’s Yano Research Group cho thấy có tới 30.6% fan của thể loại này là nam giới, tuy không có thông tin cụ thể về xu hướng tính dục của nhóm khảo sát. Ngoài ra, các tác giả thuộc cộng đồng LGBTQ+ bắt đầu tham gia tích cực hơn, tạo ra thể loại Bara – truyện tranh đồng tính dành cho độc giả nam đồng tính. Mặt khác, các tác giả BL không muốn định nghĩa thể loại giới hạn hay tách biệt sáng tạo của họ. Đạo diễn phim BL người Thái Lan – Aam Anusorn, với các phim được yêu thích như 2moons2, Present Perfect, chia sẻ rằng khi làm phim BL, anh không bao giờ nghĩ đây chỉ là phim về gay. Anh chỉ đang kể những câu chuyện tình yêu mà thôi. Anh cho rằng bản chất BL cũng là phim tình cảm hài lãng mạn thông thường. Không hiếm các truyện Yaoi & Shounen Ai không khai thác vấn đề đồng tính hay những khó khăn mà cộng đồng LGBTQ+ phải đối mặt trong xã hội, chỉ là những chuyện tình đẹp với cái kết viên mãn. Cách tiếp cận này hiếm gặp hơn hẳn ở các tác phẩm phương Tây cùng chủ đề.

ĐỌC và XEM BOY LOVE SAO CHO KHÔNG ĐỘC HẠI?

Không chỉ riêng với BL, mọi văn hóa phẩm giải trí có yếu tố tình dục đều tương đối nhạy cảm, dễ gây tranh cãi và khó quản lý hiệu quả. Tuy vậy, một bài toán khó cần lời giải chứ không phải cứ không biết làm sao thì ta cấm tiệt cho đơn giản. Ở Nhật gần như không có kiểm duyệt gì về nội dung, chỉ kiểm duyệt hình ảnh, cụ thể là phải che toàn bộ hoặc một phần hình ảnh của bộ phận sinh dục. Nhưng bù lại, ý thức người đọc Nhật và người bán nhìn chung tương đối tốt. Họ tuân thủ đúng rating độ tuổi của sản phẩm. Ngoài ra, các đơn vị xuất bản cũng sẽ có thông tin phân loại cụ thể về nội dung, thể loại để người đọc dễ dàng chọn lựa hơn.

Tuy vậy, hiển nhiên không thể áp dụng cách thức của Nhật lên Việt Nam. Hai nền văn hóa khác biệt cần những cách xử lý phù hợp riêng. Theo một thống kê không chính thức của các app đọc lậu truyện tranh ở Việt Nam, lượt đọc truyện BL thường cao nhất. Hiện tại gần như không có cách nào kiểm soát triệt để nổi những nội dung lan truyền trên internet. Chi bằng vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn để hươu chạy lung tung. Các NXB Việt Nam đang dần mạnh dạn làm BL nhiều hơn và hầu như đều lựa chọn những tác phẩm tương đối nhân văn, tình cảm nhẹ nhàng. Tuy rằng để phù hợp với kiểm duyệt trong nước, các cảnh sex đều bị cắt bỏ hoặc chỉnh sửa che đi. Nhưng việc chỉnh sửa này cũng được làm cẩn thận, vẽ lại đàng hoàng chứ không bôi nhem nhuốc như trước kia. Chí ít theo cách hợp pháp này, các tác phẩm còn qua một bước lọc về chất lượng nội dung, xem có lành mạnh và phù hợp với văn hóa địa phương hay không. Về cơ bản, Yaoi hay các tác phẩm BL có yếu tố tình dục không dành cho đối tượng chưa trưởng thành. Và ngay cả với khán giả, độc giả trong độ tuổi trưởng thành thì cũng cẩn lựa chọn hết sức cẩn trọng.

Ngoài nỗ lực và trách nhiệm của các cấp quản lý và các đơn vị xuất bản, bản thân người đọc cũng cần rèn luyện, nâng cao khả năng “miễn dịch” của mình. Khi đọc một cuốn sách và nhận thức được cái tốt cái xấu của cuốn sách đó thì khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực sẽ thấp đi nhiều. Đây chắc chắn không phải chuyện một sớm một chiều, mà cần tích lũy từng bước. Không chỉ riêng với thể loại BL, mà sách vở, phim ảnh, nội dung trên internet nói chung đều giống vậy. Kỳ vọng không bao giờ đọc phải một quyển sách dở hay xem phải một bộ phim dở là chuyện bất khả thi. Mục tiêu thực tế hơn là ngay cả khi đọc phải sách dở thì ta biết nó dở ở đâu, tại sao dở. Nâng cao nhận thức và trình độ thẩm mỹ là cách tự vệ hiệu quả nhất.

TẠM KẾT

BL có lịch sử hình thành và phát triển thú vị, với nhiều mặt cả tốt cả xấu. Hiểu về thể loại này giúp chúng ta hiểu thêm được phần nào, dù nhỏ bé, về xã hội loài người. Và sau cùng, muốn tiến bộ trước hết ta phải hiểu đúng đã. □

Tác giả

(Visited 1.252 times, 8 visits today)