Phát hiện vi nhựa tích tụ trong hàu ở Đà Nẵng

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, đăng tải trên tạp chí Vietnam Journal of Science and Technology (số 3/2022), bước đầu cho thấy tình trạng tích tụ vi nhựa trong hàu ở Đà Nẵng.

Nuôi hàu trên lốp xe ở đầm Lập An, Thừa Thiên Huế. Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xác định và định lượng lượng vi nhựa trong hàu nuôi ở Đà Nẵng, hàm lượng vi nhựa trung bình trong hàu là 2,36 ± 2,14 số hạt /g (trọng lượng ướt) và 33,25 ± 25,93 số hạt / mỗi con. Kích thước hạt vi nhựa phổ biến nhất nằm trong khoảng 0-50μm (43,98 %), tiếp theo là khoảng 50-100μm (37,59 %). Hình dạng phổ biến nhất của các vi nhựa là dạng mảnh (79,32%), tiếp theo là dạng sợi (20,30%). Các hạt vi nhựa thuộc các dạng polymer là nilon, sợi nhân tạo, và nhựa phenol.

Hàu được thu thập từ hai địa điểm ở Đà Nẵng, tại mỗi địa điểm, nhóm nghiên cứu thu thập 30 cá thể hàu, sau đó xử lý loại bỏ hoàn toàn chất hữu cơ để thu lại các mẫu vi nhựa. Trong nghiên cứu này, tất cả các mẫu hàu được xác định bằng Kính quang phổ vi hồng ngoại biến đổi Fourier (μ-FT-IR) ở chế độ phản xạ ATR. Phân tích μ-FT-IR được thực hiện với Hệ thống hình ảnh hồng ngoại Nicolet iN10 MX (Thermo Fisher Scientific, Hoa Kỳ), trang bị một máy dò Mercury-Cadmium-Telluride có độ nhạy cao.

Đây là bằng chứng cho thấy tình trạng ô nhiễm vi nhựa tích tụ sẽ ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn trong khi nuôi trồng thủy sản là một chiến lược kinh tế lớn ở các vùng ven biển và cũng là nguồn cung cấp protein cho người dân trong cả nước. Trong số các loại thủy sản, các loài nhuyễn thể là sản phẩm thương mại quan trọng của Việt Nam, có vai trò to lớn đối với chiến lược kinh tế biển với tổng sản lượng 300 nghìn tấn (thống kê vào năm 2019).

Việt Nam là một trong năm quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra đại dương nhất thế giới, đứng thứ tư trong số mười quốc gia quản lý rác thải nhựa kém nhất trên thế giới. Một báo cáo gần đây của Worldbank Phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam đã đánh giá, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc “khủng hoảng ô nhiễm nhựa”. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hằng năm, ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới. Khối lượng rò rỉ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 theo dự báo.

Khảo sát của Worldbank ở các khu vực đường sông, ven biển cho thấy: chất thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng; mười loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa rò rỉ vào đường thủy; hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa cấm hoàn toàn một loại nhựa dùng một lần nào cả. Báo cáo cũng phân tích là các chính sách đánh thuế lên sản xuất đồ nhựa không hiệu quả, mà thay vào đó cần có chính sách áp phí đối với người tiêu dùng. Khách hàng mua lẻ bị tính thuế trên mỗi túi, dẫn đến giảm số lượng túi sử dụng, và giảm lượng rác thải nhựa khó phân hủy và rác thải ra môi trường.

Tích tụ vi nhựa trong môi trường biển và trong các loài thủy sinh không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà cũng đã trở thành mối quan tâm toàn cầu trong những năm gần đây. Người ta vẫn chưa thể đánh giá hết mối những tác động của vi nhựa tích tụ trong hàu ở các trang trại nuôi ở các vùng ven biển và cả trong hải sản tự nhiên đến an toàn thực phẩm và sức khỏe con người nhưng đã liên tục có những nghiên cứu cảnh báo về lượng vi nhựa tích tụ. Vào năm 2017, các nhà khoa học Bỉ nghiên cứu cho thấy những người yêu thích hải sản có thể nạp tới 11.000 hạt nhựa mỗi năm do ăn vẹm, một món ăn phổ biến ở quốc gia này. Trong một ước lượng khác vào năm 2021, các nhà khoa học ở Đại học Kyushu, Nhật Bản ước tính có 24,4 nghìn tỷ hạt vi nhựa trong các đại dương trên thế giới – tương đương với khoảng 30 tỷ chai nước nửa lít. □

Tác giả