Điều gì tạo nên một thiên tài?

Thiên tài là sự kết hợp của cả yếu tố bẩm sinh và môi trường sống. Những người được coi là thiên tài nhìn chung đều có chỉ số thông minh IQ cao, tính tò mò và khả năng sáng tạo tuyệt vời.

Ảnh: Shutterstock.

Có lẽ đối với các vận động viên, thiên tài là người giành được huy chương Olympic. Trong lĩnh vực giải trí, một thiên tài có thể định nghĩa là người đã đạt danh hiệu EGOT – hoặc người sở hữu cả bốn giải thưởng nghệ thuật cao quý nhất bao gồm Emmy (lĩnh vực truyền hình), Grammy (âm nhạc), Oscar (phim) và Tony (nhạc kịch). Đối với Hiệp hội quốc tế Mensa bao gồm các thành viên có trí thông minh cao, những người đạt điểm cao hơn 98% dân số thế giới trong bài kiểm tra IQ hoặc bài kiểm tra trí thông minh tiêu chuẩn khác có thể được coi là thiên tài.

Định nghĩa phổ biến nhất về thiên tài phù hợp với cách tiếp cận của Hiệp hội quốc tế Mensa, đó là “một người có trí thông minh đặc biệt”.

Trong loạt chương trình khoa học “Genius” (thiên tài) phát sóng trên mạng truyền thông công cộng PBS của Mỹ vào năm 2016, nhà bác học Stephen Hawking đã kiểm nghiệm ý tưởng cho rằng bất kỳ ai cũng có thể suy nghĩ như một thiên tài. Bằng cách đặt ra những câu hỏi lớn – chẳng hạn như “Chúng ta có thể du hành xuyên thời gian không? – đối với những người có trí thông minh ở mức trung bình, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng thách thức họ tìm kiếm câu trả lời thông qua sức mạnh tuyệt đối của trí óc con người.

“Đây là một chương trình thú vị nhằm tìm hiểu xem người bình thường có đủ thông minh để suy nghĩ giống như những bộ óc vĩ đại nhất từng sống hay không”, Hawking chia sẻ trên thông cáo báo chí của PBS vào tháng 4/2016. “Là một người lạc quan, tôi nghĩ họ sẽ làm được”.

Nếu gạt bỏ yếu tố lạc quan sang một bên, việc trả lời một câu hỏi ở cấp độ thiên tài không làm bạn trở thành một thiên tài – ít nhất là theo quan điểm của nhà tâm lý học Frank Lawlis, Giám đốc Kiểm tra Giám sát của tổ chức American Mensa. 

“Các thiên tài thường xuyên đặt ra những câu hỏi. Đôi khi họ không biết câu trả lời nhưng sự tò mò là tiền đề để họ thực hiện những khám phá mới và nghiên cứu sâu rộng hơn trong lĩnh vực chuyên môn”, Lawlis nhận định. “Họ là những người có khả năng tiếp cận, giải quyết vấn đề ở mức độ cao và sâu sắc. Sau đó, họ có thể truyền đạt hiểu biết của mình cho những người khác một cách rõ ràng và dễ hiểu hơn”.

Về mặt thống kê, bạn phải là một thiên tài để đủ điều kiện gia nhập Hiệp hội quốc tế Mensa, với trí thông minh thuộc nhóm 2% những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Lawlis cho biết ngay cả những bài kiểm tra dùng để đánh giá chỉ số IQ cũng có thể vô tình loại trừ một số người xuất sắc và tài năng nhất.

“Các bài kiểm tra IQ không thể đánh giá toàn bộ trí thông minh của một người vì chúng dựa trên những câu hỏi đã có sẵn câu trả lời. Trí thông minh thực sự bắt nguồn từ việc suy nghĩ sáng tạo, và bạn không thể kiểm tra điều đó”, Lawlis nói. “Khi một số người có trí tuệ vượt trội làm bài kiểm tra đánh giá chỉ số IQ, thay vì họ hướng sự chú ý của mình vào câu trả lời đúng, họ nghĩ về nhiều câu trả lời khác cũng có thể áp dụng được, vì vậy họ thường bối rối và làm bài rất kém”.

Thiên tài – sự kết hợp giữa trí thông minh, sự sáng tạo và đóng góp cho xã hội – rất khó định nghĩa một cách chính xác, theo Dean Keith Simonton, giáo sư tâm lý học tại Đại học California, Davis (Mỹ).

Trong số đặc biệt về thiên tài của tạp chí Scientific American Mind, Simonton cho rằng tất cả các thiên tài đều áp dụng cùng một quy trình giống nhau để tạo ra những đóng góp đáng kể cho nhân loại. Họ bắt đầu bằng việc tìm kiếm ý tưởng, không nhất thiết phải là vấn đề cần giải pháp. Từ cuộc tìm kiếm này, thiên tài sẽ đặt ra một số câu hỏi và tiến hành một loạt các thử nghiệm và sai sót. Sau đó, họ tìm ra giải pháp cho một vấn đề mà những người khác có thể chưa từng nghĩ đến.

“Tài năng là khi bạn bắn trúng mũi tên vào tấm bia không ai có thể bắn trúng. Thiên tài là khi bạn bắn trúng mũi tên vào tấm bia không ai nhìn thấy được”, Simonton dẫn lời triết gia nổi tiếng người Đức Arthur Schopenhauer sống ở thế kỷ 19. Nói một cách dễ hiểu hơn, tài năng là khi bạn làm điều gì đó mà người khác không thể làm. Còn thiên tài là khi bạn làm điều gì đó mà người khác thậm chí còn chưa nhìn thấy, nhận thức hay hiểu được.

Bên trong bộ não của thiên tài

Trong một nỗ lực nhằm nhận biết sự kết hợp của các yếu tố có xu hướng tạo ra một bộ não đặc biệt sáng tạo, nhà thần kinh học Nancy Andreasen tại Đại học Iowa (Mỹ) đã sử dụng phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để đo hoạt động của não bằng cách phát hiện những thay đổi liên quan đến lưu lượng máu.

Andreasen đã kiểm tra những người có khả năng sáng tạo ở mức cao tham gia Hội thảo Nhà văn Iowa tại Đại học Iowa [tạm gọi là nhóm sáng tạo], và một nhóm đối chứng [hoặc nhóm kiểm soát] đến từ nhiều ngành nghề khác nhau ít đòi hỏi tính sáng tạo, chẳng hạn như luật sư, quản trị viên, kế toán,…Họ đều có độ tuổi, trình độ học vấn tương tự nhau. 

Trong quá trình quét não bằng công nghệ fMRI, những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu thực hiện ba nhiệm vụ khác nhau: liên kết từ vựng, liên kết hình ảnh và nhận dạng mẫu. Kết quả cho thấy bộ não của nhóm sáng tạo có sự kích hoạt mạnh mẽ hơn trong các vùng vỏ não liên kết (association cortices). Đây là những vùng phát triển nhất trong não người, giúp diễn giải và sử dụng thông tin thị giác, thính giác, cảm giác và vận động.

Ngoài các cơ chế hoạt động của não, Andreasen cũng tìm kiếm những yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của các tình nguyện viên.  

“Một số người nhìn thấy và làm những điều mà người khác không thể. Nếu họ đúng, chúng ta gọi họ là những thiên tài sáng tạo. Nếu họ sai, chúng ta gọi họ là người mắc bệnh tâm thần”, Andreasen viết trên tờ The Atlantic, đề cập đến những người tham gia nghiên cứu của mình. “Đôi khi, có những người phù hợp với cả hai cách phân loại này”.

Andreasen phát hiện có một dấu hiệu chung khác của các thiên tài sáng tạo, đó là bệnh lý về tâm thần hoặc rối loạn thần kinh.

Thông qua các cuộc phỏng vấn và nghiên cứu sâu rộng, Andreasen nhận thấy những người có khả năng sáng tạo ở mức cao mà cô nghiên cứu có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao hơn, bao gồm cả tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần. Các chẩn đoán phổ biến nhất là rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, lo lắng và nghiện rượu. “Câu hỏi đặt ra là bệnh tâm thần góp phần tạo nên thiên tài hay ngược lại. Chúng ta vẫn chưa có câu trả lời đầy đủ và rõ ràng”, Andreasen nói.

Trong nghiên cứu về bộ não của Einstein, một trong những thiên tài nổi tiếng nhất lịch sử, các nhà khoa học tại Đại học bang Florida (Mỹ) đã phát hiện những đặc điểm thể chất khác biệt trên bộ não của nhà vật lý, có thể giúp giải thích cho khả năng thiên tài của ông. Cụ thể, não Einstein có nhiều nếp gấp hơn trong chất xám, phần não xử lý tư duy có ý thức. Khu vực thùy trán – phần não đóng vai trò quan trọng trong suy nghĩ trừu tượng, đưa ra dự đoán và lập kế hoạch – cũng có những nếp gấp đặc biệt phức tạp. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Brain vào năm 2012.

Bá Lộc dịch

Nguồn Live Science

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 46)

Tác giả

(Visited 50 times, 4 visits today)