Đón đọc Tia Sáng số 7 tháng 4/2024

Bên niềm vui thường có khi một số báo mới về tới tòa soạn, cả ê kíp làm Tia Sáng còn cảm thấy một niềm vui nữa: sự chờ đón của các độc giả mới, những người không chờ tới khi số báo mới sẵn sàng mà đã “đặt trước” với tòa soạn.

Đó là lý do để chúng tôi chăm chút nội dung của số báo và chuẩn bị kỹ chủ đề, một vấn đề mà nhiều người cùng quan tâm, khi nhìn vào vụ án Vạn Thịnh Phát đang được xử: sở hữu chéo ngân hàng.

Tại sao bà Trương Mỹ Lan và người quen của bà lại có thể thâu tóm được ngân hàng SCB? Mạng lưới quyền lực mềm này lại thao túng được hoạt động ngân hàng? Sở hữu chéo ngân hàng có tác động như thế nào đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng? Trong “Ngân hàng SCB: Nhìn thấy gì từ sở hữu chéo”, nhóm tác giả ở ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM đã đưa ra cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về sở hữu chéo, khi “một nhóm cổ đông (thường là các doanh nghiệp địa ốc) liên kết sở hữu trên 51% cổ phần, tạo lập mạng lưới quyền lực mềm để thao túng hoạt động ngân hàng. Sở hữu chéo có thể mang lại lợi ích nếu vốn được sử dụng hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn cho nền kinh tế, biến ngân hàng thương mại thành công cụ tài chính cho các doanh nghiệp cổ đông, làm lệch hướng dòng vốn khỏi nền kinh tế thực”.

Vậy làm gì để khỏi xảy ra những vụ Vạn Thịnh Phát trong tương lai? Các tác giả cho rằng, cần hạn chế quyền lực của nhóm các thành viên hội đồng quản trị thông qua kỷ luật thị trường và minh bạch thông tin.

Cũng trong mạch chảy kinh tế, bên cạnh câu chuyện sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng còn có cả một câu hỏi chưa được giải đáp một cách thấu đáo “Tăng năng suất lao động: Yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế”? Khi đề cập đến vấn đề này, hai chuyên gia kinh tế Việt Nam tại Pháp Lê Văn Cường và Phạm Ngọc Sáng đã lý giải cho chúng ta thấy “không nên nhìn năng suất lao động như một chỉ số độc lập mà nên đặt nó trong sự liên đới với số lượng và chất lượng của vốn (máy móc), số lượng và chất lượng của người lao động, cách thức quản lý của các công ty và các thiết chế của nhà nước”.

Với việc thay đổi góc nhìn, giờ đây chúng ta hiểu rằng “Khi ta thấy thống kê năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn năng suất lao động của nước khác thì có khi lỗi chưa chắc nằm ở trình độ của người lao động… Vấn đề mấu chốt, đó là phải tìm ra phân bổ tối ưu giữa mua/chế tạo máy móc và công nghệ mới, số tiền chi tiêu cho giáo dục, đào tạo và chính sách tiền lương”.

Vấn đề của sở hữu chéo và năng suất lao động chỉ là một trong vô số những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Sự phức tạp của nó cho chúng ta thấy một điều, cần phải có đủ tri thức và cả sự cẩn trọng để chúng ta nhìn một cách xác đáng vào muôn mặt vấn đề.

Đó cũng là lý do chúng ta cần đọc Tia Sáng.

Như thường lệ, Tia Sáng không chỉ có những vấn đề nóng hổi, thời sự mà còn có những bài viết càng ngẫm càng hay, càng hữu ích: “Đào tạo nhân lực cho ngành kinh tế ở Việt Nam: Đề xuất mô hình mới” – Lê Văn Cường, Trần Nam Bình, Nguyễn Ngọc Anh; “DESI và manh mối đầu tiên về năng lượng tối: Tín hiệu mới từ vũ trụ?” – Nguyễn Nhật Minh; “Big Bang, cái tên bắt nguồn từ đâu?” – Cao Hồng Chiến dịch; “Cô đơn bào mòn sức khỏe và xã hội” – Bảo Như tổng hợp; “Phán quyết của tòa án công lý quốc tế vụ Nam Phi kiện Israel: Sức mạnh hay lời thở dài của luật quốc tế”?- Ngô Nguyễn Thảo Vy; “Trang báo không có gương mặt người Palestine” – Bùi Phương Thảo; “Hiểu thêm về Tuần đêm” – Tô Vân tổng hợp; “Những ngôi nhà thở” – Bài: Nhung Nguyễn. Ảnh: Hiroyuki Oki; “Chuyện chiếc áo nhung đen”, “Mùa xuân Munich” – Thái Kim Lan; “Điện ảnh của Kō Nakahira: Tội lỗi duyên dáng” – Hiền Trang; “Maurizio Pollini – Một thiên tài piano” – Ngọc Tú.

BBT Tia Sáng

———————————-

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)