Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc: Tái tập trung vào năng lượng hạt nhân

Một chương mới cho hợp tác về năng lượng hạt nhân Việt Nam - Hàn Quốc đã được hứa hẹn mở ra từ chuyến thăm và làm việc của tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Việt Nam, từ ngày 22 đến 24/6/2023.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của tổng thống Yoon Suk Yeol, công ty TNHH Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (Korea Hydro & Nuclear Power KHNP), công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc, và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VinAtom) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực hệ thống năng lượng hạt nhân tiên tiến, trong đó có lò phản ứng modul nhỏ (SMR). Đây sẽ là một phần trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc về năng lượng hạt nhân, vốn đã tồn tại từ hơn hai thập kỷ qua, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VinAtom, trao đổi như vậy sau lễ ký kết. Với tính chất quan hệ song phương giữa hai quốc gia đã được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, kể từ tháng 12/2022, hợp tác về năng lượng hạt nhân đã mang màu sắc mới, qua đó hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội để mở rộng hơn các dự án nghiên cứu chung trong thời gian tới.

Nhưng Việt Nam, trong nỗ lực gia tăng hơn nữa sự đóng góp của năng lượng hạt nhân vào đời sống xã hội và các lĩnh vực quan trọng của đất nước, sẽ thu được gì qua mối hợp tác này?

Hàn Quốc, câu chuyện thành công vượt bậc

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của UAE và khu vực Trung Đông là do Hàn Quốc xây dựng

Trong thế giới hạt nhân, không thiếu những câu chuyện thành công về công nghệ ở nhiều góc độ khác nhau: có quốc gia phát triển được công nghệ nguồn, xuất khẩu công nghệ sang quốc gia khác; có quốc gia đi nhập công nghệ về, tiến hành làm chủ công nghệ và từng bước nội địa hóa; có quốc gia sau khi nhập công nghệ, không chỉ làm chủ công nghệ mà còn tối ưu công nghệ và vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài. Ở góc độ một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về công nghệ hạt nhân, TS. Trần Chí Thành cho rằng, nếu ở nhóm thứ nhất có Mỹ, Liên Xô (Nga), Anh và Canada là các nước có công nghệ nguồn, nhóm thứ hai có Đức, Nhật Bản, nhiều nước Châu Âu, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ … thì ở nhóm thứ ba lại không có nhiều và không thể không nhắc đến Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Giữa các quốc gia này, Hàn Quốc nổi lên như một câu chuyện thành công nhất trên thế giới, trong vòng 20 đến 30 năm qua. “Thất bại hay thành công là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Nhìn tổng thể, họ phát triển năng lượng hạt nhân rất bài bản. Họ nghiên cứu công nghệ, thiết kế, an toàn hạt nhân mạnh, tạo nền tảng rất vững chắc cho phát triển công nghệ, đồng thời đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu cơ bản. Tôi nghĩ, họ đã hội tụ nhiều ưu điểm cho phát triển ngành năng lượng hạt nhân”, TS. Trần Chí Thành lý giải.

Nếu nhìn vào lịch sử phát triển của năng lượng hạt nhân, có thể thấy rõ tham vọng của chính phủ nước này. Nếu ở đợt tiếp nhận công nghệ đầu tiên vào năm 1971 ở ba nhà máy Kori 1, Kori 2 với các lò phản ứng của Westinghouse Mỹ và, nhà máy Wolsung 1 với lò phản ứng CANDU của Canada. Tất cả đều được xây dựng với hình thức chìa khóa trao tay, lần lượt các nhà thầu là Westinghouse và AECL.

Từ điểm khởi đầu, chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân của chính phủ Hàn Quốc là nội địa hóa công nghệ để trở nên tự lực trong các công nghệ phụ trợ. Do đó, sau ba lò phản ứng đầu tiên được xây cất, chính phủ đã dừng việc áp dụng các hợp đồng chìa khóa trao tay để kiên trì thúc đẩy một cách có hệ thống việc gia tăng nội địa hóa công nghệ để chuẩn bị cho các nhà máy tương lai. Vào năm 1991, Hàn Quốc đã chính thức phát triển được các thiết kế lò phản ứng của riêng mình và trở nên tự lực toàn bộ về công nghệ. Điều này đã được thể hiện rõ khi các lò phản ứng Hanbit Yonggwang 5 và 6 đi vào vận hành vào năm 2002.

Những bước phát triển bài bản trong các năm tiếp theo đã đưa năng lực lắp đặt của Hàn Quốc tăng lên từ 18 GWe năm 2008, dự kiến lên 43 GWe vào năm 2030. Tuy nhiên, chương mới của Hàn Quốc đã được mở ra khi quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu công nghệ vào năm 2009, khi công ty KEPCO giành được gói thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Barakah với bốn lò phản ứng theo công nghệ APR-1400 tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), sau khi Viện Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI) đã trúng thầu xây lò phản ứng nghiên cứu cho Jordan. Tổng giá trị hợp đồng của KEPCO, theo tính toán của Bloomberg vào năm 2015 là 25 tỉ USD còn theo trang nasdaq.com là 24,4 tỉ USD.

Câu chuyện thành công trong xuất khẩu công nghệ của Hàn Quốc không chỉ dừng ở đây, sau khi ba lò phản ứng của Barakah đã nối lưới điện và lò thứ tư đang trải qua các thử nghiệm an toàn trước khi đưa vào vận hành, đi kèm với hợp đồng vận hành, bảo dưỡng và cung cấp nhiên liệu trong suốt vòng đời nhà máy. Trong năm 2019, Hàn Quốc đã nộp hồ sơ đánh giá công nghệ lên tổ chức European Utility Requirements (EUR) – một tổ chức tư vấn kỹ thuật cho các cơ sở điện hạt nhân châu Âu, và vào tháng 2/2023 đã nhận được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn an toàn cao nhất. “Với việc đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Châu Âu về an toàn hạt nhân, cánh cửa xuất khẩu công nghệ sang Châu Âu và nhiều quốc gia khác của Hàn Quốc đã rộng mở”, TS. Trần Chí Thành nhận xét, không thể không khâm phục chiến lược phát triển hạt nhân của quốc gia này.

Đó là một trong những lý do dẫn đến sự tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc. Tại phiên họp toàn thể của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào năm 2019, đại diện Hàn Quốc cho biết “Năng lượng hạt nhân đã thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng trong bốn thập kỷ qua. Với sự tự chủ trong thiết kế và chế tạo thiết bị, hiện nay điện hạt nhân của Hàn Quốc là nguồn điện có giá thành thấp nhất trong cơ cấu nguồn điện của nước này. Năng lượng hạt nhân cũng đã điều hướng đổi mới sáng tạo một cách vững chắc. Thành phố Daejeon được gọi là thành phố hạt nhân với sự khởi đầu bằng lò nghiên cứu HANARO mấy chục năm trước (đạt tới hạn đầu tiên tháng 4/1995), hiện nay có hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tạo ra trên cơ sở khoa học công nghệ hạt nhân. Sự kết hợp của công nghệ bức xạ với những lĩnh vực khác và các ngành công nghiệp đã đem lại nhiều giải pháp cho các thách thức chung của đất nước. Hàn Quốc thúc đẩy phát triển và sử dụng công nghệ y học hạt nhân và lập kế hoạch để theo đuổi đổi mới sáng tạo, kết hợp năng lượng hạt nhân với những lĩnh vực tiên tiến khác như vũ trụ, khoa học biển… với niềm tin rằng sự gia tăng ứng dụng của công nghệ bức xạ sẽ mang đến những thay đổi bền vững và lợi ích cho mọi người”.

Việt Nam có thể học hỏi được những gì?

Chuyên gia hạt nhân Hàn Quốc hướng dẫn sinh viên nhập liệu cho hệ thống mô phỏng. Ảnh: tuoitre.vn

Mặc dù đã trải qua bốn thập kỷ phát triển, lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam mới đạt được một số kết quả khiêm tốn. Trên con đường đưa thêm nhiều ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, có lẽ không chỉ cần đến nỗ lực của người trong ngành hạt nhân mà còn cần cả những chính sách bền vững và kế hoạch dài hạn để có thể phát huy được năng lực của mình. Đó chính là nhân tố còn khuyết thiếu trong quá trình phát triển của năng lượng hạt nhân Việt Nam.

Tuy vậy, VinAtom vẫn tìm mọi cách để duy trì và mở rộng các mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia có nền khoa học hạt nhân phát triển như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc… Dẫu những hợp tác chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc chưa nhiều như với quốc gia khác nhưng những tiền đề của nó đã có sẵn. “Từ đầu những năm 2000, Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã có một số hợp tác rồi. Công ty KHNP đã cử các đoàn chuyên gia sang tới Việt Nam với mục tiêu là hỗ trợ Việt Nam phát triển chương trình nội địa hóa các thiết bị hạt nhân ở các công ty cơ khí chế tạo của Việt Nam. Đó cũng là thế mạnh của họ và là cách thức để họ vươn lên trong quá trình làm chủ và học hỏi công nghệ của nước ngoài”, TS. Trần Chí Thành cho biết. “Họ đã khảo sát khá kỹ lưỡng để kiểm tra xem năng lực của các ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe của công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hạt nhân, ở mức độ như thế nào, vấn đề nằm ở đâu và cần cải thiện như thế nào”. Và đã lập một báo cáo đầy đủ trình Bộ Công thương về nhiệm vụ này.

Mặc dù trong kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân khi đó của Việt Nam, hai quốc gia được chọn thầu hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận là Nga và Nhật Bản nhưng Hàn Quốc vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhiều năm nay vẫn duy trì hợp tác nghiên cứu với KAERI. Vào tháng 11/2014, công ty KHNP, Đại học Hanyang (HYU) và Hiệp hội Hạt nhân Hàn Quốc (KNA) đã trao tặng hệ mô phỏng lò phản ứng hạt nhân OPR1000 Core Simulator (CoSi) trị giá 500.000 USD cho trường ĐH Đà Lạt, một trong số các trường ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành hạt nhân. Sau này, các nhà nghiên cứu trường đại học Đà Lạt và một số đồng nghiệp trong và ngoài nước đã có một số công bố từ hệ thiết bị này. Từ tháng 12/2016, chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam đã dừng lại nhưng hệ thiết bị mô phỏng vẫn được trường ĐH Đà Lạt sử dụng trong quá trình đào tạo kỹ thuật hạt nhân tại trường. Đặc biệt, trong những năm từ 2010-2016, Hàn Quốc đã cấp kinh phí cho Việt Nam tiến hành nghiên cứu Tiền khả thi (Pre-FS) xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại hai địa điểm ở Bình Định và Phú Yên.

Khía cạnh hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Hàn Quốc không vì việc dừng chương trình này mà dừng lại. “Ở góc độ một viện nghiên cứu, VinAtom rất muốn được hợp tác với những quốc gia có nhiều bài học kinh nghiệm và thành công về năng lượng hạt nhân như Hàn Quốc để nâng cao năng lực. Việc học hỏi được từ họ bao giờ cũng đem lại nhiều bài học đáng giá”, TS. Trần Chí Thành nhận xét. Đó là lý do mà VinAtom vẫn tiếp tục cùng Hàn Quốc hợp tác nghiên cứu về lò phản ứng nghiên cứu, công nghệ hạt nhân…, những thế mạnh của Hàn Quốc. Thậm chí trong thời gian ba năm rưỡi lò phản ứng nghiên cứu HANARO ở Daejeon bị dừng hoạt động, một số nghiên cứu đã được thực hiện trên lò phản ứng Đà Lạt.

Việc hợp tác với một quốc gia mạnh về năng lượng hạt nhân như Hàn Quốc đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội khác, đặc biệt là đào tạo. “Ngoài nhóm được đào tạo ở Nga hay Nhật Bản, VinAtom có khoảng 15 đến 20 người được đào tạo ở Hàn Quốc từ bậc thạc sĩ đến tiến sĩ về các lĩnh vực công nghệ hạt nhân, vật lý lò phản ứng, ứng phó sự cố nặng nhà máy điện hạt nhân, đánh giá phát tán phóng xạ môi trường, an toàn hạt nhân”, TS. Trần Chí Thành cho biết. Ở môi trường như Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ được đào tạo một cách bài bản? Trước câu hỏi này, anh trả lời “Qua đánh giá, tôi nhận thấy chất lượng đào tạo của Hàn Quốc đạt tiêu chuẩn tốt, không hề kém Nhật Bản bởi chương trình của họ bài bản, nhiều giáo sư đạt tầm quốc tế và rất nhiều dự án nghiên cứu để nghiên cứu sinh có thể tham gia thực hiện cùng. Đó là những cơ hội học hỏi rất tốt cho chúng ta”.

Mặt khác, trong quá trình hợp tác, Việt Nam cũng nhìn thấy Hàn Quốc một điểm chung đáng kể: quốc gia này mới khởi công xây dựng lò phản ứng nghiên cứu Kijang 15 MWt (KJRR) tại khu phức hợp Công nghiệp Khoa học phóng xạ ở Gijang-gun, Busan vào ngày 28/4/2023. Viện Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI) cho biết, lò phản ứng mới này đặt mục tiêu tự chủ và tiến tới xuất khẩu các dược chất phóng xạ, đồng vị phóng xạ chính dùng trong y tế và công nghiệp mà hiện nay Hàn Quốc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, bao gồm molybdenum-99, iodine-131 mIBG, iodine-125 và iridium-192. Thậm chí KAERI còn không dấu giếm tham vọng cung cấp hơn 15% sản phẩm trên thị trường đồng vị toàn cầu. Thêm vào đó, lò phản ứng này cũng sẽ là một bằng chứng thuyết phục quan trọng để họ chuẩn bị cho xuất khẩu các lò nghiên cứu tương tự cho các quốc gia có nhu cầu. Do đó, “việc quan sát và học hỏi từ quá trình hợp tác với Hàn Quốc sẽ có ích cho Việt Nam bởi chúng ta đang trong quá trình triển khai dự án lò phản ứng nghiên cứu mới”, TS. Trần Chí Thành nói.

Trong chương mới với một quốc gia mà tầm quan hệ ngoại giao đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, ắt hẳn Việt Nam sẽ còn có lợi nhiều hơn thế? “Chúng tôi cũng đặt nhiều hi vọng vào chương mới này. Tất cả đều rất thuận lợi cho chúng ta học hỏi được rất nhiều từ một nền năng lượng hạt nhân thành công bậc nhất thế giới trong vòng mấy thập kỷ qua”, theo nhận định của TS. Trần Chí Thành.

Không phải tất cả mọi chuyện diễn ra với năng lượng hạt nhân Hàn Quốc đều thuận lợi, theo nhận xét của TS Philip Andrews-Speed, hiện ở Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford trong công trình “South Korea’s nuclear power industry: recovering from scandal” (Nền công nghiệp điện hạt nhân Hàn Quốc: Phục hồi từ scandal), xuất bản trên tạp chí The Journal of World Energy Law & Business. Có hai sự kiện liên tiếp ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình này của Hàn Quốc, đó là tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi Nhật Bản vào năm 2011 và tình trạng tham nhũng – thông đồng trong chuỗi cung ứng hạt nhân, gồm 101 công ty Hàn Quốc vào năm 2012. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã vượt qua được những thách thức ngặt nghèo này, vốn đủ khả năng làm suy yếu hoặc dập tắt sự phát triển của năng lượng hạt nhân ở nhiều nơi, bằng các chính sách không thể hợp lý hơn. Đó là thành lập một ủy ban độc lập về an toàn và an ninh hạt nhân quốc gia, được hỗ trợ bởi hai tổ chức là Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc và Viện Không phổ biến vũ khí và kiểm soát hạt nhân Hàn Quốc cùng một ủy ban kỹ thuật khác; cải cách cơ sở hạ tầng hạt nhân toàn diện, trong đó quan trọng nhất là một loạt sửa đổi Đạo luật An toàn hạt nhân quốc gia và trao cho Ủy ban An toàn và an ninh hạt nhân quốc gia quyền hạn lớn hơn về văn hóa an toàn và sự quản lý chuỗi cung cấp. Các biện pháp này còn được bổ sung bằng những luật chung và quy định pháp luật về mua sắm công, hành vi của quan chức và tham nhũng.
Hiện tại, Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa năng lượng hạt nhân lên chiếm 34,6% tổng mức điện năng của quốc gi vào năm 2036, tăng lên so với mức 27,4% trong năm 2021.

Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/hop-tac-viet-namhan-quoc-tai-tap-trung-vao-nang-luong-hat-nhan/20230706075941453p1c785.htm

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)