Luật tài sản trước thử thách số hóa

Trước yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế số và thực thi các cam kết quốc tế, nhiều cuộc thảo luận gần đây đã kêu gọi phải định nghĩa thống nhất cho “tài sản ảo” trong luật Việt Nam. Lý lẽ đằng sau lời kêu gọi ấy là trên cơ sở thống nhất định nghĩa, ta mới có cơ sở áp dụng các quy chế pháp lý tương ứng để chi phối cách thức hành xử của các chủ thể trên đối tượng đó.

Nguồn: vneconomy.vn.

Bình cũ, rượu mới? 

Việt Nam (VN) đang chuyển rất nhanh sang một nền kinh tế số: năm 2023, kinh tế số chiếm đến 15% GDP cả nước. Số hóa nhanh chóng, nhiều dạng của cải mới cũng theo đà nảy sinh. Từ “tiền ảo”, “tài sản mã hóa” cho đến “tài sản ảo” hay “tài sản kỹ thuật số”, biết bao khái niệm mới lạ đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho giới kinh doanh và các nhà quản lý. 

Ở dạng căn bản nhất, tài sản số (digital assets) là những thông tin được tồn tại dưới dạng các đoạn mã máy tính, sinh ra và được lưu thông trong các hệ thống thông tin chuyên dụng. Đã là thông tin trong môi trường điện toán, rất khó để xác định hình hài chính xác của những món “tài sản ảo” này. Ở mức độ sơ đẳng nhất, có thể hình dung hai đặc điểm chung của các “tài sản số” là (i) không có hình thái vật chất cố định, và (ii) được mã hóa thông qua các kĩ thuật chuyên sâu mà chỉ số ít người hiểu rõ.  

Do các dấu hiệu về bản chất của “tài sản số” quá nặng về kĩ thuật, hiện nay người ta thường phân loại các tài sản số dựa trên chức năng mà những loại tài sản số này đảm nhiệm. Tuy nhiên, cách phân loại này chưa thể phản ánh chính xác các đặc tính của “tài sản số”. Ví dụ, với một dạng “tài sản số” phổ biến hiện nay là “tiền ảo” hay “tiền mã hóa” (cryptocurrency), dù gọi là “tiền”, nhưng phần lớn “tiền ảo” không được phát hành bởi các ngân hàng trung ương. Hơn nữa, đặc điểm chung của các loại tiền ảo đó là được tạo ra và duy trì qua công nghệ sổ cái phân tán, thường mang tính phi tập trung (decentralized) và, do đặc tính của sổ cái phân tán, chỉ có thể được đưa vào lưu thông khi các bên cùng đồng thuận.1 Những đặc điểm vừa nêu không thỏa mãn yêu cầu của một đồng tiền pháp định, vốn đòi hỏi phải được phát hành bởi một ngân hàng trung ương, có tính minh bạch, và có mức độ tập trung hóa nhất định. 

Vì không có hình thái cố định và đặc tính kĩ thuật chuyên sâu, việc áp dụng các cơ chế luật tài sản truyền thống để điều chỉnh các “tài sản số” là không hề dễ dàng. Điều này còn bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa liên quan bản chất của luật tài sản: luật tài sản là một lĩnh vực nghiên cứu có truyền thống lâu đời, chứa đựng nhiều triết lý và kĩ thuật pháp lý đặc thù. Mặc dù về lý, ta cần xây dựng một cơ chế mới mẻ, đủ sức đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các “tài sản số”, song trên thực tế, ta vẫn phải sử dụng những khái niệm và kĩ thuật hiện có của luật tài sản đến nói về “tài sản số”, bởi ngoài chúng ra không còn hệ khái niệm nào khác có thể sử dụng được. 

Các bộ luật dân sự, được xem là hạt nhân của khu vực tài phán, phản ánh những triết lý pháp luật truyền thống của khu vực, thâu gộp tất thảy những luật, lệ xoay quanh những giao thiệp xã hội của người dân trong khu vực ấy, và có tầm quan trọng chỉ sau Hiến pháp.

Ở thời điểm hiện tại, để định nghĩa “tài sản số”, chúng ta buộc phải quay lại sử dụng những khái niệm, triết lý và kĩ thuật sẵn có của luật tài sản, vốn được hình thành và phát triển qua khoảng thời gian rất lâu dài, qua nhiều thăng trầm của lịch sử. 

Sự hình thành và phát triển luật tài sản: Bức tranh so sánh

Tầm quan trọng của luật tài sản đối với sự phát triển của nhân loại được phản ánh qua sự đa dạng của các định chế tài sản ở các khu vực tài phán khác nhau trên thế giới. Sự khác biệt này bắt nguồn từ nét đặc thù của các khu vực tài phán, đi liền với những đặc điểm đa dạng trong văn hóa pháp lý của mỗi khu vực, nhưng suy cho cùng đều đến từ vai trò của những con người khác nhau trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo, giải thích và áp dụng pháp luật.

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng hệ thống common law (thông luật) thân thiện và rộng mở hơn với những sự vật, hiện tượng mới nổi như “tài sản số”. Trong hệ thống thông luật, các thẩm phán bị ràng buộc phải áp dụng phán quyết của các tòa án đi trước, qua thao thác lập luận tương tự (analogy), để giải quyết các cuộc phân tranh được mang đến trước Tòa. Vì tranh chấp nảy sinh từ thực tiễn, khi đối diện với các tranh chấp, thẩm phán luôn phải tìm kiếm cách thức để nhìn nhận những sự vật, lợi ích mới nổi dưới lăng kính của luật tài sản truyền thống. Trong quá trình đó, các sự vật mới trở thành đối tượng điều chỉnh của luật với điều kiện chúng được định nghĩa một cách thuyết phục thông qua thao tác lập luận, biện giải, so sánh, chứng minh của các luật gia. 

Cạnh tranh trực tiếp với common law, truyền thống civil law – dân luật mang đặc tính đề cao tính ưu tiên áp dụng của các văn bản pháp luật được ban hành qua thủ tục chính thức, trải dài từ các nước châu Âu lục địa như Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ, các quốc gia châu Phi, cho đến nhiều nước ở khu vực Đông Á như Nhật, Hàn, Trung Quốc và cả Việt Nam.2 Ở một nước civil law, luật có hiệu lực trước hết phải là luật thành văn, được đúc kết từ sự kết hợp giữa thực tiễn đời sống với các triết lý và học lý hàn lâm, sau đó được viết thành các quy phạm, được sắp xếp theo một trật tự nhất định, và được công bố rộng rãi đến dân chúng. 

Nhà làm luật hay tòa án sẽ phải vất vả “gò” các loại tài sản số vào một trong bốn nhóm “tài sản” gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản”. Ảnh minh họa: internet.

Đặc trưng quan trọng nhất của một khu vực tài phán civil law là tồn tại các bộ luật (codes). Luật được pháp điển hóa (codified), tức được thu thập, sắp xếp, xây dựng thành các bộ luật thành văn một cách có hệ thống, phản ánh những triết lý sâu xa của luật trong đời sống dân sự. Các bộ luật dân sự, vì thế, được xem là hạt nhân của khu vực tài phán, phản ánh những triết lý pháp luật truyền thống của khu vực, thâu gộp tất thảy những luật, lệ xoay quanh những giao thiệp xã hội của người dân trong khu vực ấy, và có tầm quan trọng chỉ sau Hiến pháp. 

Cũng vì lý do trên, ở các nước civil law, các chế định lớn như luật tài sản là sản phẩm của công trình tổng hợp các tập quán, án lệ trên thực tiễn, nghiên cứu, đối chiếu với các khung lý thuyết pháp luật. Luật tài sản ở các nước này là thành quả kết tinh từ công cuộc “làm luật bác học”, tức thông qua con đường hệ thống hóa các quy phạm cụ thể theo các học lý được đúc kết qua các nghiên cứu hàn lâm của giới học giả, và “áp dụng luật thực tiễn”, tức là qua sự giải thích, áp dụng của các thẩm phán khi giải quyết các vấn đề pháp lý. Là “hiến pháp của đời sống dân sự”, các nhà làm luật cân nhắc rất kĩ lưỡng khi xây dựng một bộ luật dân sự bởi tính chất nền tảng, khái quát, phản ánh đầy đủ triết lý luật và tập quán địa phương của nó. Một khi đã xác lập, người ta sẽ hạn chế sửa đổi một bộ luật dân sự để tránh gây xáo động tính chất nhất quán và trật tự pháp lý của toàn bộ hệ thống.

Tóm lại, sự hình thành và phát triển của định chế luật tài sản ở các nước đi theo những con đường khác nhau, nhưng có thể nhận thấy vai trò bất khả di dịch của: (i) lập pháp, là việc soạn thảo, tổng hợp các quy phạm pháp luật thành các luật, lệ chính thức, được tiến hành chủ yếu qua con đường nghiên cứu lý thuyết và lập luận logic; (ii) tư pháp, là việc giải thích, áp dụng, thậm chí sáng tạo ra các quy phạm pháp luật trong quá trình áp dụng pháp luật của tòa án, giải quyết các khiếu tố phát sinh trong thực tiễn. Nếu so sánh, giới quản lý và thực thi chính sách thường đóng vai trò khá hạn chế trong việc hình thành luật tài sản, bởi họ chỉ ban hành và áp dụng các quy phạm hành chính có tính cưỡng chế nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý phát sinh trên thực tiễn giao dịch hằng ngày. 

Thảo luận khả năng nhìn nhận tài sản số ở VN không thể bỏ qua nền tảng pháp lý bản địa của VN. Những dòng tiếp theo nhìn lại sự hình thành luật tài sản hiện đại ở VN và đánh giá khả năng dung nạp “tài sản số” vào khung cảnh pháp lý VN.

Bối cảnh pháp lý ở Việt Nam 

Trước khi bước sang thời hiện đại, ở VN luật tài sản được hình thành từ tập quán xử lý tranh chấp và từ các quy phạm mệnh lệnh, bắt buộc do chính quyền phong kiến ban hành. Của nhà nông, quý nhất không gì ngoài điền thổ; luật tài sản trước là sự phân chia rành mạch quy chế công thổ và tư điền, sau là những quy tắc phân định các quyền năng của thân quyến trên điền sản tư gia. 

Mặc dù đã có nhiều công trình đồ sộ nghiên cứu về luật tài sản, những lý luận và học thuyết trong những công trình ấy đã được tiếp nhận đến đâu trong quá trình hình thành luật tài sản của VN vẫn là một điều bí ẩn.

Bên cạnh điền sản, các loại tài sản khác thường được biết đến trong luật với cái tên phù vật. Theo ông Vũ Văn Mẫu3, từ luật nhà Lê, các động sản ngoài điền thổ như trâu, ngựa, thuyền bè, cá, gà, v.v (gọi chung là phù vật), theo tập quán sự chấp hữu chính là bằng cớ cho sở hữu; giao dịch phù vật cơ bản không cần văn khế. 

Đã là của nổi, có lẽ không nên chỉ hiểu gói gọn chữ phù vật là vật hữu thể. Người VN rất giàu sáng tạo và có trí tưởng tượng tuyệt vời: từ mua danh bán lợi đến buôn thần bán thánh, thời hiện đại có nhà thơ còn rao bán cả trăng. Có lẽ cũng nhờ sự đa dạng trong mạo từ, phàm sự vật nào dân ta cũng có thể định hình trong tiếng nói lời văn, những điều trừu tượng đến mấy cũng có thể được xác định và gọi thành tên. Không khó lý giải vì sao ngày nay chúng ta không gặp trở ngại gì khi hình dung về sở hữu, mua bán những thứ vô hình như quyền đòi nợ, sử dụng đất, quyền chọn, quyền khai thác bản ghi âm, ghi hình, vân vân. Bởi vậy, gọi thành tên và bổ sung vào luật những quyền gắn liền với việc khai thác, hưởng lợi từ tài sản số chắc không phải chuyện quá khó trong thao tác tư duy của người VN. Song vua chúa không còn, cổ luật đã đi vào dĩ vãng. Điều cần bàn là ai sẽ làm và phải làm việc này như thế nào trong khung khổ luật tài sản hiện hành.

Du nhập hay ứng tác: Tinh thần luật tài sản hiện đại của VN 

Ngày nay, hệ thống pháp luật VN tuy mang nhiều đặc điểm tương đồng với truyền thống civil law dân luật, song lại duy trì những đặc thù của một nền pháp lý dựa trên chỉ đạo, điều hành và cưỡng chế. Về cơ bản, luật tài sản của VN hiện nay phần nhiều được hình thành bởi con đường làm luật của cơ quan lập pháp, kết hợp với nhiều quy chế chuyên biệt được ban hành bởi cơ quan hành pháp. Cơ quan xét xử hầu như không đóng góp nhiều vào việc hình thành bức tranh luật tài sản ở VN hiện nay. 

Từ sau Đổi mới đến nay, có đến ba bộ luật dân sự (BLDS) đã được ban hành ở Việt Nam. Cứ mười năm một lần, người ta lại bắt tay sửa đổi nhiều phần, nhiều câu, nhiều chữ của bộ luật dân sự. Luật sau thay luật trước, đến nay, nhẩm đếm đã thấy có ba phiên bản của định nghĩa “tài sản” trong luật VN, chưa tính vô vàn quy chế cho các loại “tài sản” khác nhau được chi phối bởi các đạo luật chuyên ngành. Vì vậy, hiện nay các học giả ở VN vẫn chưa thể thống nhất cách hiểu khái niệm “tài sản”. Mặc dù đã có nhiều công trình đồ sộ nghiên cứu về luật tài sản, những lý luận và học thuyết trong những công trình ấy đã được tiếp nhận đến đâu trong quá trình hình thành luật tài sản của VN vẫn là một điều bí ẩn. 

Ngay ở phương diện định nghĩa trong luật, “tài sản” không có một định nghĩa rõ ràng mà chỉ được phát biểu theo dạng liệt kê: tài sản là “vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản” (Điều 105 BLDS 2015). Nếu hiểu tài sản theo cách này, nhà làm luật hay tòa án sẽ phải vất vả “gò” các loại tài sản số vào một trong bốn nhóm, điều này vô tình đã trói buộc sức sáng tạo của các nhà luật học và hạn chế khả năng thu nạp những điều mới của hệ thống. Khái niệm “tài sản” là một khái niệm rộng lớn, mang nhiều cách hiểu, chứ không gói gọn vào “vật, “tiền”, “giấy tờ có giá” hay “quyền tài sản”. Càng không nên chỉ hiểu tài sản là “quyền trên vật” bởi có những quyền năng như “đòi nợ”, dù không trực tiếp chi phối vật nào, nhưng vẫn được xem là tài sản và được mua bán lưu thông. 

Bên cạnh đó, sức ép quản lý kinh tế từ thời Đổi mới đến nay còn thúc đẩy sự ra đời của các đạo luật tài sản chuyên biệt với logic điều chỉnh của riêng chúng, tạo ra nhiều thách thức hơn cho việc đi đến một định nghĩa thống nhất về “tài sản” trong khung cảnh luật VN. Mặc dù đạo luật chuyên biệt này được cho là vận hành thống nhất dưới nguyên tắc chung về tài sản của BLDS, nhưng chúng mang nhiều nét đặc thù mà khái niệm “tài sản” trong BLDS khó lòng bao quát, nổi bật có thể nêu vài cái tên: “Luật Sở hữu trí tuệ”, “Luật Kinh doanh bảo hiểm”, “Luật Chứng khoán”, “Luật Các công cụ chuyển nhượng”… 

Là một hệ thống, luật pháp trước phải ổn định, sau phải khả đoán; trong một khu vực tài phán lấy luật đã thành văn làm nguồn cơ bản, sự thay đổi liên miên các bộ luật cũng như sự phân mảnh của các quy chế chuyên ngành gây ra sự giòn rỗng của hệ thống. Quy phạm định nghĩa sống yểu rồi chết, mỗi khái niệm “tài sản” chỉ có tuổi thọ mười năm, từ phiên bản chào đời năm 1995 đến nay đã bị sửa đổi tận hai lần, làm sao đủ sức hình thành một học thuyết vững chãi về luật tài sản cho Việt Nam. 

Khi cổ luật đã bị chôn vùi, ba mươi năm luật dân sự chưa đủ sức hình thành các học lý dẫn đường, vai trò của những người giải thích và áp dụng luật trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi cách thức họ áp dụng luật tài sản để chi phối các đối tượng “tài sản số” sẽ quyết định số phận pháp lý của chúng. Lúc này, để giải quyết vấn đề quy chế pháp lý cho “tài sản số”, có lẽ cần một sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. 

Một vài ý tưởng 

Thận trọng trong lập pháp: Trong khung cảnh của luật thực định hiện nay, đã có quan điểm cho rằng miễn cưỡng nên xếp “tiền ảo” vào một dạng “quyền tài sản” mới bởi tính chất vô hình song dễ chuyển giao của chúng. Cân nhắc tính thiên biến vạn hóa của các loại tài sản số, có học giả còn đề xuất không nên phân loại mà nên căn cứ vào chức năng cụ thể mà nó đảm nhiệm để điều chỉnh bằng luật chuyên ngành hiện có sẵn; điển hình trong khung cảnh đó đôi khi Luật Chứng khoán sẽ được áp dụng trực tiếp để điều chỉnh cái gọi là “tiền ảo” mà không nhất thiết phải “chạy” qua định nghĩa “tài sản” của BLDS.4

Phân loại hay không phân loại có lẽ chỉ là yếu tố kĩ thuật, song trong một bối cảnh cụ thể, ý tưởng ưu tiên áp dụng quy chế chuyên ngành dựa trên chức năng của tài sản số là ý tưởng rất đáng cân nhắc mà giới học giả đang tích cực thúc đẩy. Bên cạnh việc tăng cường vai trò của nghiên cứu lý thuyết, nhà lập pháp cần rất thận trọng khi đưa ra một sự khẳng định nào mang tính chất pháp lý về “tài sản số” bởi chúng có khả năng gây xáo trộn một hệ thống luật tài sản vốn đã rất mỏng manh.

Thống nhất cách tiếp cận trong hành pháp: Trong một nghiên cứu năm 2020, Ngân hàng Thế giới đã nhận diện ba xu hướng làm luật để điều chỉnh các hình thái vật chất số mới nổi, lần lượt là: (i) đợi và xem, (ii) thử và học, (iii) thúc đẩy đổi mới và cải cách pháp lý quản trị. Bị động nhất là chờ đợi người khác rồi học theo, song nhà làm luật ở VN có thể chủ động hơn qua những công cụ quản lý mang tính thử nghiệm như sandbox. Ở góc độ pháp lý, không nên khuyến khích hành vi “phá rào”, nhưng quá thận trọng đôi khi lại tạo ra rào cản phát triển. Ở giai đoạn hiện nay, trao quy chế thử nghiệm kèm cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả, kết hợp với lối tiếp cận “áp dụng chuyên ngành trước” trong một bộ khung sandbox sẽ là lựa chọn hợp lý cho các nhà hoạch định chính sách. Về quản trị, cần có các chính sách đồng bộ, tổng thể về kinh tế số từ đầu; nhà nước tham gia quản lý tài sản số ở bước đầu tiên để đảm bảo sự ổn định của thị trường và hệ thống pháp luật, nhưng vào thời điểm thích hợp, có thể mạnh dạn trao quyền cho các chủ thể khác cùng tham gia quản trị khối dữ liệu chung, hình thành thị trường riêng cho “tài sản số” trong trung và dài hạn.  

Tòa án cần mạnh dạn hơn: Một trong những bước quan trọng trong tiến trình pháp điển hóa là tổng hợp kết quả giải thích, áp dụng pháp luật của tòa án trên thực tiễn và tiếp thu những triết lý xét xử ấy vào trong hệ thống pháp luật. Bằng cách này, các tòa án của civil law đã đóng góp tích cực vào việc hình thành một hệ thống pháp luật đồng bộ, các thẩm phán của tòa án civil law có vai trò không kém quan trọng so với các đồng nghiệp của mình bên thế giới common law.

Vừa qua, một số tòa án ở VN đã phải đưa ra phán quyết xoay quanh “tiền ảo”. Khéo léo tránh được thao tác định nghĩa, các tòa án tỏ ra rất thận trọng khi từ chối công nhận “tiền ảo” là một dạng hàng hóa hay tài sản.5 Giá như tòa án mạnh dạn áp dụng các cơ chế của luật tài sản hiện có vào các tài sản số, các “tài sản” cụ thể sẽ dần hình thành, các đặc điểm riêng của từng loại có lẽ cũng sẽ nổi rõ hơn. 

Lịch sử đã cho thấy vai trò giải thích của các tòa án phương Tây trong việc định hình các hình thái khác nhau của tài sản trí tuệ, ba mươi năm qua ta đã du nhập gần nguyên vẹn các thành tựu ấy để biến chúng thành luật sở hữu trí tuệ bản địa của VN. Để thoát khỏi sự ỷ lại vào việc tiếp thu thành tựu của các nước khác, xứng tầm một nước “lần đầu tiên trong lịch sử, đồng hành cùng thế giới trong cuộc cách mạng chuyển đổi số”,6 có lẽ đã đến lúc tòa án hiên ngang hơn trong việc đưa ra những giải thích, lập luận đối với tài sản số trên chính nền tảng luật pháp sẵn có. □

———-

Chú thích

1 Đỗ Giang Nam & Đào Trọng Khôi, “Bản chất pháp lý của tiền ảo – Tài sản mã hóa: Từ góc nhìn luật tài sản so sánh đến pháp luật tài sản Việt Nam”, trong Ngô Huy Cương, Nguyễn Thị Quế Anh, Trần Kiên, Đỗ Giang Nam, “Luật tư trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2023, tr.126-49. 

2 Trung Quốc và Việt Nam cũng hay được xếp vào gia đình “luật xã hội chủ nghĩa” (socialist law), song ngoài những nét đặc trưng chủ yếu đến từ nguyên tắc Đảng lãnh đạo, tổ chức hệ thống pháp luật và thứ tự ưu tiên các nguồn luật ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn tương tự với các nước thuộc gia đình civil law. 

3 Xem Cổ Luật VN lược khảo, Quyển II, tr.176, Saigon 1970.

4 Đỗ Giang Nam và Đào Trọng Khôi, ‘Xây Dựng Quy Chế Quyền Tài Sản Cho Dữ Liệu: Nhu Cầu và Thách Thức Pháp Lý’ (2023) 09(481) Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp.

5 Xem Bản án số 22/2017/HC-ST ngày 21-9-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre về việc khiếu kiện Quyết định truy thu thuế, Bản án số 841/2023/HS-PT ngày 01-11-2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Ngọc T và đồng phạm – phạm tội cướp tài sản (điều 168 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015). 

6 “Huy động các sáng kiến cho lộ trình phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam”, Báo Nhân Dân, 14/09/2023, 

https://nhandan.vn/huy-dong-cac-sang-kien-cho-lo-trinh-phat-trien-kinh-te-so-xa-hoi-so-tai-viet-nam-post772395.html#:~:text=Với%20kinh%20tế%20số%2C%20lần,khu%20vực%20và%20thế%20giới.

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)