Giải pháp trường học thông minh hoàn chỉnh

Với cách tiếp cận “chậm mà chắc”, CTCP TitKul hướng đến xây dựng một giải pháp trường học thông minh hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số phù hợp với điều kiện và hướng phát triển của từng trường học.

Vì thiếu kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và quản lý học sinh, nên “khi đại dịch COVID-19 xảy đến, nhà trường đã phải ‘loay hoay’ tìm kiếm các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác dạy học trực tuyến”, ThS. Lê Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lái (quận 2, TP.HCM) nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi dịch bệnh “quét” qua TP.HCM. “Các thầy cô cũng thử dùng Zalo, Facebook Messenger v.v. để dạy, nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng với những mạng xã hội như vậy, nhà trường không thể quản lý được quá trình dạy và học. Liệu giáo viên có lên lớp đúng giờ hay không? Học sinh có vào lớp đầy đủ hay không?”.
Chia sẻ của ThS. Lê Thị Thảo cũng chính là nỗi lòng chung của rất nhiều giáo viên khác trên khắp cả nước. Ngay cả khi dịch bệnh dần qua đi, nhịp sống trở lại bình thường, “chúng tôi lại gặp khó khăn ở việc đo thân nhiệt cho các em học sinh. Vào giờ cao điểm, quá trình đo thân nhiệt tốn rất nhiều thời gian, nhất là khi các em phải đứng xếp hàng giãn cách – dẫn tới ùn tắc giao thông trước trường”.
Song “chúng tôi đã giải quyết được vấn đề của cả hai thời điểm nhờ vào giải pháp TK Smart Vision Edu”, bà chia sẻ. Giải pháp TK Smart Vision Edu mà bà nhắc đến chính là giải pháp quản lý trường học thông minh do Công ty CP TitKul phát triển, gồm hai phần là phần mềm TK Smart Vision và thiết bị TK Robot AI.
Theo đó, vào thời điểm đại dịch, Trường THCS Cát Lái đã phối hợp với TitKul triển khai phần mềm TK Smart Vision gồm Hệ thống quản lý đào tạo LMS (Learning Management System) và Hệ thống quản lý trường học SMS (School Management System) trên cả nền tảng ứng dụng điện thoại và website. Mỗi học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường sẽ được cung cấp một tài khoản với các phân quyền chức năng riêng phù hợp để tham gia học tập, làm việc và quản lý các tác vụ liên quan. “Chúng tôi có thể theo dõi quá trình dạy học, điểm danh học sinh, thậm chí là điểm số hay là bài giảng của thầy cô giáo, mọi thứ được ghi nhận và lưu trữ trong kho dữ liệu”, bà Thảo cho biết.
Khi học sinh đi học trở lại, công ty TitKul tiếp tục lắp đặt kiosk TK Robot AI ở các cổng ra vào, lối đi, khuôn viên trường – những nơi thuận tiện cho việc điểm danh của học sinh trong mọi thời điểm vào, ra của học sinh. Với cấu tạo bao gồm cụm camera, cảm biến thân nhiệt; màn hình hiển thị thông tin điểm danh, thông báo và khay rửa tay tự động, một kiosk có thể giải quyết tốt vấn đề tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian rất nhiều mà vẫn đảm bảo thông tin chính xác tức thời. So với cách đo thân nhiệt, rửa tay và điểm danh truyền thống mà các trường đang thực hiện thì với kiosk, tại thời điểm học sinh đứng trước camera để nhận diện gương mặt, cảm biến nhiệt đã ghi nhận chỉ số thân nhiệt của học sinh ngay lập tức và được tự động chuyển lên hệ thống TK Smart Vision và thông báo đến ứng dụng mà nhà trường và phụ huynh đang sử dụng; đồng thời các học sinh cũng có thể rửa tay sát khuẩn tự động ở khay ngay phía dưới màn hình hiển thị.
Nhưng đại dịch đã kết thúc, việc sử dụng hệ thống TK Smart Vision có còn cần thiết nữa hay không? Trên thực tế, hiện tại ứng dụng và website TK Smart Vision thậm chí còn trở nên hữu ích hơn khi nó có chức năng gửi và nhận thông báo, báo bài, giao, nộp bài tập, quản lý điểm số, đánh giá, nộp học phí và báo cáo thống kê… nhờ vào những dữ liệu được tổng hợp từ TK Robot AI, điều này giúp tối ưu các hoạt động đào tạo trực tuyến kết hợp trực tiếp – một xu thế học tập đang trở nên phổ biến sau đại dịch.
Chuyển đổi số theo điều kiện của từng trường
Cách đây hai tuần, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã ký ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Trong bối cảnh đó, các startup hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số đang đẩy nhanh quá trình hợp tác với các doanh nghiệp, ngân hàng và trường học. Liệu giải pháp TK Smart Vision có điểm gì khác biệt để nắm bắt cơ hội này, khi mà hệ thống LMS lẫn kiosk điểm danh dành cho cơ sở giáo dục đều không phải là những công nghệ mới trên thị trường?
“Trong năm học 2022-2023, chúng tôi định hướng xây dựng chiến lược về trường học thông minh hoàn chỉnh. Đó là điều mà công ty TitKul đang tâm đắc nhất, và đó cũng là thứ mà các đơn vị cung cấp phần mềm chưa có”, ông Trịnh Minh Trí, Giám đốc Kinh doanh CTCP TitKul, chia sẻ tại sự kiện “Giải pháp quản lý trường học thông minh TK Smart Vision Edu” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức vào tháng trước.
Nhấn mạnh vào từ “hoàn chỉnh”, ông cho biết TK Smart Vision Edu sẽ giúp cho nhà trường giám sát, quản lý và kết nối học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên hiệu quả, dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn chỉ với một hệ thống duy nhất, không cần sử dụng cùng lúc nhiều phần mềm khác nhau để thực hiện công tác quản lý. Các tác vụ quản lý của nhà trường sẽ được tự động hóa và kết nối với nhau, từ công tác giám thị, điểm danh học sinh, quản lý giáo viên, quản lý bán trú, kết nối kế toán/thủ quỹ, thu học phí, kết nối tương tác giữa phụ huynh học sinh với nhà trường,… Mỗi học sinh, giáo viên, phụ huynh nhân viên nhà trường đều sẽ có một tài khoản riêng trên ứng dụng với các phân quyền khác nhau. Chẳng hạn, phụ huynh sẽ có thêm chức năng gửi đơn xin nghỉ học điện tử thông qua ứng dụng, còn nhân viên phụ trách canteen sẽ có quyền xem tình hình sỹ số các lớp trong ngày để chuẩn bị suất ăn.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Anh Tuấn (Giám đốc điều hành CTCP TitKul), một điểm khác biệt khác của TitKul, đó là công ty hiểu rất rõ chuyển đổi số là ứng dụng những công nghệ tiên tiến giúp nâng cao trải nghiệm của người học, nâng cao tương tác giữa nhà trường – học sinh – phụ huynh, từ đó tạo môi trường để học tập thuận tiện nhất; chứ không phải là bất chấp chuyển đổi số mọi thứ trong nhà trường. Do đó, “khi chúng tôi triển khai chuyển đổi số cho một đơn vị, chúng tôi sẽ tư vấn để hiểu rõ xem họ cần gì, chúng tôi có đủ năng lực để triển khai theo nhu cầu của họ hay không, thay vì áp đặt họ phải chuyển đổi theo đúng tất cả module mà công ty đang có”, ông Tuấn giải thích về hướng tiếp cận khách hàng.
Mỗi trường học lại có hướng phát triển, nhu cầu và tình trạng cơ sở vật chất riêng, vì vậy cần phải có hướng chuyển đổi số phù hợp. ThS. Lê Thị Thảo đồng tình với việc chuyển đổi số là một quá trình cần có thời gian dài và phải phù hợp với điều kiện mỗi trường. “Để xây dựng lớp học thông minh, hướng đến trường học thông minh, từ năm 2017, trường THCS Cát Lái đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị thông minh như tivi thông minh, máy chiếu, hệ thống mạng internet để học sinh dễ dàng truy cập tại lớp, giáo viên có thể lấy tư liệu, dữ liệu để dạy học. Năm 2019, nhà trường dần đưa những cơ sở dữ liệu phần mềm thông minh vào trường học và hiện nay đã xây dựng được 20 phòng học thông minh”. Sau mỗi năm, nhà trường sẽ chuyển đổi số một số cấu phần tùy theo tình hình thực tế. Trong năm học này, nhà trường và công ty TitKul đang phối hợp xây dựng thư viện thông minh với nguồn học liệu phong phú và cách thức tiếp cận phù hợp.
Hiện tại, TK Smart Vision là 1 trong 5 hệ thống được Sở GD&ĐT TP.HCM thẩm định và công nhận đáp ứng yêu cầu kết nối cơ sở dữ liệu của ngành GD&ĐT. Công ty đang phối hợp triển khai chuyển đổi số cho 15 trường học với nhiều module khác nhau. “Chúng tôi hỗ trợ các trường về kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số trong trường học thông qua các hoạt động tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật,… đồng thời nghiên cứu phát triển các giải pháp dựa trên nhu cầu thực tế của mỗi trường như xây dựng phòng lab thông minh, thư viện thông minh, thẻ thông minh cung cấp các thông tin về sức khỏe để dùng trong phòng y tế”, ông Tuấn chia sẻ. Chẳng hạn, để đề phòng rủi ro cháy nổ khi thực hiện thí nghiệm hóa học, học sinh có thể trải nghiệm trước trên phần mềm phòng lab thông minh để biết kết quả như thế nào, sẽ có những rủi ro gì, các em cần đề phòng điều gì trước khi thực hành ở phòng lab thật.
Ngân Hà

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)