Quỹ NAFOSTED: Lần đầu ban hành quy định về liêm chính học thuật

Trong vòng một thời gian ngắn, Quỹ NAFOSTED đã ban hành hai văn bản quan trọng liên quan đến liêm chính học thuật, qua đó hướng đến việc tạo dựng môi trường khoa học trung thực, minh bạch và khả tín.

Mặc dù hai văn bản mới được ban hành, một là Danh mục tạp chí có uy tín trong lĩnh vực KHTN và kỹ thuật (ngày 30/12/2021) và hai là Quy định về Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ KH&CN (ngày 15/2/2022), chỉ tác động đến các nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thực hiện các đề tài do Quỹ tài trợ nhưng trên thực tế, nó đã thu hút sự chú ý của gần như toàn bộ cộng đồng khoa học Việt Nam. Cả hai văn bản này đều được đưa lên trang web của NAFOSTED, lần lượt vào ngày 10 và 15/2, và đều nhận được sự quan tâm chú ý, ví dụ quy định về Liêm chính học thuật được đọc 3.153 lần (tính đến 10 giờ sáng ngày 18/2) và con số này được dự báo sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.

Vì sao hai văn bản này lại nhận được sự quan tâm lớn như vậy? “Đây là hai văn bản rất cần thiết cho khoa học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhưng đáng ra, nó cần phải được ban hành từ lâu rồi và phải được đưa lên thành yêu cầu hàng đầu trong khoa học, đặc biệt là tính liêm chính”, giáo sư Phan Văn Tân (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), cựu chủ tịch hội đồng khoa học ngành KH trái đất và môi trường, nhận xét. Đó cũng là quan điểm của rất nhiều nhà khoa học đang làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong Nam ngoài Bắc – những người trong nhiều năm qua muốn thanh lọc và xây dựng một môi trường học thuật đúng nghĩa. 
Các nhà khoa học đều cho rằng, tính liêm chính là điều cốt lõi của một nhà khoa học vì khi làm nghiên cứu, nhà khoa học phải phản ánh được những kết quả thật, tránh những cái nhìn thiên kiến hoặc chỉnh sửa, làm sai lệch kết quả. Mặt khác, thiếu sự liêm chính và trung thực còn có thể dẫn đến việc đạo văn, “trưng dụng” kết quả nghiên cứu của nhà khoa học khác vào công trình của mình…, thậm chí “mua bán bài”, “ghi nhầm” tên cơ quan chủ quản.

Ở vài năm gần đây, một số hiện tượng như vậy đã len lỏi xuất hiện trong cộng đồng khoa học Việt Nam, dẫn đến những cuộc tranh luận sôi nổi trên nhiều trang mạng xã hội, trong đó có nhóm “Liêm chính khoa học”, do một số nhà khoa học trong và ngoài nước thành lập trên Facebook. Tuy rằng vẫn còn có những góc nhìn khác nhau nhưng hầu như ai cũng cảm thấy thỏa mãn khi trong văn bản quy định về liêm chính của NAFOSTED có đề cập đến ba nguyên tắc đảm bảo tính liêm chính và 11 trách nhiệm của nhà khoa học, đáng chú ý có trách nhiệm về tính trung thực khi phải chịu trách nhiệm về độ tin cậy của nghiên cứu, không sao chép kết quả nghiên cứu của người khác làm kết quả nghiên cứu mới của mình; chia sẻ công khai và kịp thời kết quả nghiên cứu; ghi nhận đóng góp với kết quả nghiên cứu của các cá nhân và tổ chức đóng góp… 

Như một miếng ghép quan trọng của chính sách xây dựng môi trường khoa học trung thực, minh bạch và khả tín, danh mục tạp chí có uy tín trong lĩnh vực KHTN và kỹ thuật của NAFOSTED được công bố lần này là kết quả sau hai năm thảo luận, thống nhất giữa các hội đồng khoa học ngành, các nhà khoa học… Danh mục này đã loại bỏ 25% số lượng các tạp chí trong danh mục SCIE thuộc nhóm cuối theo xếp hạng của Web of Science, quan trọng hơn, loại bỏ mọi tạp chí được xếp vào dạng “ăn thịt”, “săn mồi”, “siêu cỡ” xuất bản bài báo… Một ý kiến ẩn danh cho biết “Open access là xu hướng của xuất bản khoa học thế giới. Quỹ không kỳ thị, không loại trừ open access nhưng vẫn dựa vào chất lượng để loại bỏ tạp chí không nghiêm ngắn trong phản biện, một năm xuất bản quá nhiều bài. Và về cơ bản, trong danh mục vẫn có một số tạp chí open access…”. 

Theo quan điểm của giáo sư Phan Văn Tân, ngoài việc tác động đến các nhà khoa học thụ hưởng tài trợ của Quỹ, hai chính sách mới này sẽ buộc các hội đồng khoa học ngành phải có trách nhiệm cao hơn trong xét duyệt tài trợ hoặc nghiệm thu đề tài, ví dụ như “khi đánh giá công trình phải dựa trên chất lượng khoa học chứ không chỉ dựa vào danh mục tạp chí”.□ 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)