Rủi ro với mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn
Rừng ngập mặn là vành đai xanh vừa giúp chống đỡ biến đổi khí hậu vừa mang lại sinh kế cho cư dân. Để điều hòa giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường, hệ thống nuôi tôm-rừng ngập mặn (IMSF) được đánh giá là giải pháp tối ưu, vừa giữ được rừng ngập mặn vừa mang lại nguồn lợi đáng kể cho cộng đồng ở các vùng ven biển. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu mới đây, mô hình này vẫn tiềm ẩn những rủi ro có thể ảnh hưởng tới mục tiêu giữ độ che phủ rừng (mức che phủ tối thiểu cần phải giữ là 60%).
Công bố gần đây về Thực hành canh tác và chất lượng môi trường của hệ thống nuôi tôm-rừng ngập mặn ở tỉnh Trà Vinh trên tạp chí Journal of Coastal Research1, cho thấy tỷ lệ che phủ rừng ngập mặn trung bình của các hộ được phỏng vấn thấp hơn 13% so với mức tối thiểu do chính quyền tỉnh yêu cầu (55%). Trong số 30 hộ gia đình được khảo sát, 13,33% trực tiếp thải bùn nạo vét ra các sông xung quanh. Các giá trị oxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS) và NH4+ đo được ở các con sông dẫn nước đều vượt quá mức cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia, gây ra rủi ro cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường ven biển, trong khi các thông số này trong các ao nuôi IMSF thì ở mức chấp nhận được.
Một khảo sát tương tự ở Bến Tre, đăng trên tạp chí Ocean and Coastal Research2 cũng cho thấy sự mong manh của mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn khi tỷ lệ rừng ngập mặn và ao nuôi tôm trung bình là 56,90 – 42,70%. Hai vấn đề đáng chú ý trong việc xử lý nước nuôi tôm dưới tán rừng là việc sử dụng thuốc diệt cá tạp rotenone để tiêu diệt những loài cá tạp có thể ăn tôm giống trước khi thả tôm và hai là cải tạo ao nuôi tôm hàng năm có thể gây ô nhiễm môi trường.
May mắn là các nghiên cứu đều cho thấy, các chất độc hại khác, các chất hữu cơ khó phân hủy, dầu mỡ và coliform luôn thấp hơn mức cho phép của tiêu chuẩn quốc gia.
Một công bố trước đó, vào năm 2022 phân tích dữ liệu nuôi tôm dưới tán rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy3 hiện trạng các nông hộ có xu hướng giảm diện tích rừng, tăng diện tích nuôi tôm, làm ảnh hưởng tới tính bền vững của mô hình sinh thái này. Nghiên cứu cũng chỉ ra, đảm bảo diện tích rừng 60% trở lên cũng giúp giảm thiểu rủi ro trong canh tác, giúp duy trì mức năng suất và bảo tồn môi trường sinh thái cho sản xuất về lâu dài.
Các nghiên cứu này gợi ý tăng cường giám sát mô hình IMSF và tăng các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ nông hộ kiểm soát rủi ro, kiểm soát môi trường trong trang trại nuôi tôm và các con sông lân cận để đảm bảo môi trường sinh thái và tính bền vững của mô hình sinh kế này. Các mô hình nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn nguồn sinh kế quan trọng của các hộ nghèo ở ĐBSCL cũng như vùng ven biển khác. Nếu không được hỗ trợ kiểm soát rủi ro và các điều kiện môi trường trong ao nuôi, các nông hộ rất khó giữ được tỉ lệ canh tác – độ che phủ rừng 40 – 60%.
Trước đây, diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam từng bị suy giảm nhiều do nuôi trồng thủy sản. Một số nghiên cứu đã thống kê khoảng 161.000 ha đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và sử dụng cho mục đích thương mại khác từ năm 1953 đến năm 1995. Sau đó Chính phủ và các tỉnh đã giao đất giao rừng cho các hộ canh tác với điều kiện giữ độ che phủ rừng tối thiểu 60% để giữ rừng.
Do đó, giữ được các mô hình tôm – rừng này cũng là điểm mấu chốt trong quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn hiện nay (trong đó ĐBSCL đặc biệt quan trọng vì hiện nay vùng nắm giữ khoảng 100.000 hecta rừng ngập mặn).
Phương Hoa
—–
Chú thích:
1 Nguyen Van Cong, Huynh Van Thao (2023) Farming practices and environmental quality of integrated mangrove-shrimp farming systems in Tra Vinh province, Vietnam. Journal of Coastal Research. https://doi.org/10.2112/JCOASTRES-D-22-00075.1
2 Huynh Van Thao, Nguyen Van Cong (2023), Characteristics of integrated mangrove-shrimp farming systems in Ben Tre Province, Vietnam: preliminary findings for organic shrimp production certification. Ocean and Coastal Research. https://doi.org/10.1590/2675-2824071.22117hvt
3 Do, H.-L., & Dang Thuy, T. (2022). Productivity response and production risk: A study of mangrove forest effects in aquaculture in the Mekong River Delta. Ecological Economics. https://doi.org/10.1016/j.ecolecon.2021.107326