Sông Sài Gòn: Lượng vi nhựa tỉ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa

Một dữ liệu nền tảng về vi nhựa trên sông Sài Gòn cũng như hai con sông chảy qua đô thị khác ở Đông Nam Á là Chao Phraya (Thái Lan), Citarum (Indonesia) đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam và Thái Lan thiết lập thông qua “Microplastics pollution in selected rivers from Southeast Asia” (Ô nhiễm vi nhựa trên các dòng sông Đông Nam Á) xuất bản trên tạp chí APN Science Bulletin.

Vớt rác trên các kênh rạch đổ ra sông Sài Gòn. Nguồn: laodong.com.vn.

Khi thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Phương Loan (ĐH Văn Lang), Tạ Anh Tuấn (ĐH Thammasat) và đồng nghiệp trường ĐH Chiang Mai, Thammasat (Thái Lan) và Viện Công nghệ Bandung (Indonesia) muốn tìm hiểu tình trạng ô nhiễm vi nhựa và đặc điểm của nó trên nước bề mặt của ba dòng sông chảy qua các đô thị lớn là Chao Phraya dài 372 km, chảy qua 9 tỉnh và đổ vào vịnh Thái Lan; sông Citarum dài 270 km, chảy qua lòng chảo Majalaya, Tây Java; sông Sài Gòn dài 256 km, chảy dọc trên địa phận TP.HCM khoảng 80 km. Trong số này, Citarum là dòng sông ô nhiễm nhất khi có tới 4.000 nhà máy vận hành dọc sông và cung cấp nguồn Kinh kế, nước, điện cho 25 triệu dân. Để biết được đích xác tình trạng ô nhiễm vi nhựa của các con sông này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu trên sông  Chao Phraya vào tháng 5 và 9/2019, sông Citarum vào tháng 10/2020, còn sông Sài Gòn vào tháng 8/2019 ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và tháng 10/2020 ở lạch Giồng Ông Tố.

Sau khi phân tích các mẫu, họ nhận thấy dù lấy ở cửa sông hay khu vực đô thị thì mẫu nào cũng có đầy vi nhựa. Với sông Chao Phraya, cứ mỗi mét khối nước có 80±60 mảnh vi nhựa; sông Citarum, lượng vi nhựa là 12±6 mảnh/m3; sông Sài Gòn là 68±20 mảnh/m³. Điểm độc đáo của lượng vi nhựa trên sông Sài Gòn là sự chênh lệch giữa tả ngạn (60 mảnh/m³), và hữu ngạn (90 mảnh/m³). Nguyên nhân là do trên sông Sài Gòn, có một vùng đệm đô thị với cây xanh ở tả ngạn và cảng Tân Thuận, khu vực dân cư và các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ ở hữu ngạn. Vì thế, nước thải từ các quận trung tâm TP.HCM thoát qua cống liên hợp và kênh Tả – kênh Đôi đổ ra sông Sài Gòn khiến bờ phải ô nhiễm nhựa nhiều hơn. Bên cạnh đó, cảng Tân Thuận ở gần khu vực lấy mẫu cũng góp phần vào hiện trạng này.

Do nghiên cứu được thực hiện trên ba con sông lớn nên các tác giả đã tìm thấy một số xu hướng, đó là lượng vi nhựa ở khu vực cửa sông thấp hơn nhiều so với khu vực đô thị. Điều này cho thấy sự tích lũy của vi nhựa gia tăng theo sự gia tăng của tốc độ đô thị hóa. Bên cạnh đó, số lượng vi nhựa của hai con sông Chao Phraya và Sài Gòn, dù ở khu vực đô thị hay cửa sông đều cao hơn Citarum.

Khi đi sâu vào kích thước và hình thái vi nhựa, các nhà nghiên cứu không thấy sự khác biệt giữa các loại vi nhựa ở các khu vực trên sông Chao Phraya và sông Citarum, tuy nhiên phạm vi kích thước ở đô thị nhỏ hơn ở cửa sông. Nguyên nhân là do vi nhựa ở khu vực này bị phơi nhiễm trong môi trường với thời gian ngắn hơn nên không đủ thời gian để phân rã thành mảnh nhỏ hơn.

Với sông Sài Gòn, kích thước của vi nhựa không có sự khác biệt giữa mẫu ở cửa sông và đô thị, tương tự như điều diễn ra trên sông Chao Phraya và Citarum. Tuy nhiên, độ biến thiên về kích thước lại không lớn và tại khu vực cửa sông, vi nhựa có kích thước 0,3–0,5 mm chiếm số lượng lớn trong lượng mẫu.

Khi xét về thành phần vi nhựa, chủ yếu vi nhựa trong các mẫu nước mặt ở ba con sông này là nhựa PP và PE, nguyên liệu của những sản phẩm như container, chai lọ, túi nhựa, bát đĩa hay đồ chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm. Tỉ lệ cao của nhựa PP và PE trên nước bề mặt là do nhiều nguyên nhân, thứ nhất là quá trình phong hóa có thể làm thay đổi độ kết tụ, trọng lượng phân tử của nhựa giảm do sự phân cắt chuỗi polyme và quá trình oxy hóa trong quá trình phong hóa; thứ hai, tỷ lệ bề mặt trên thể tích cao hơn khiến các mảnh vi nhựa lơ lửng trong nước bề mặt.

Các con sông này đều đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt và nông nghiệp nên sự xuất hiện của vi nhựa có thể ảnh hưởng đến con người và hệ sinh thái. Do đó, những giải pháp chính sách tiềm năng để giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa trên sông sẽ cần tham khảo bộ dữ liệu sơ khởi này.

Tác giả