100 NGÀY MẤT NHÀ THƠ LÊ ĐẠT: Ông yên nghỉ nơi thung xanh reo vui
Thực ra cái tên Lê Đạt và một số đoạn trích các bài thơ của ông tôi đã biết từ đầu những năm 60, hồi còn học phổ thông. Vụ nhân văn giai phẩm ầm ĩ đến nỗi vang vọng tới cả cái trường cấp III nhỏ bé mới thành lập của chúng tôi ở một huyện đồng bằng Bắc Bộ. Lên đại học, dư âm của Vụ nhân văn vẫn còn dai dẳng, đặc biệt là ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngay cả bọn sinh viên khoa học tự nhiên chúng tôi cũng được săn sóc rất kỹ lưỡng về chính trị tư tưởng. Quả thật, lúc đó tôi rất tò mò muốn đọc những tác phẩm nhân văn giai phẩm và đặc biệt muốn biết mặt những nhà văn nhà thơ này, nhưng không thể thực hiện được.
Phải mãi tới năm 1976. Dạo ấy tôi đang ôn thi nghiên cứu sinh. Do không có gia đình ở Hà Nội, nên hằng ngày tôi đều đến Thư Viện quốc gia ở phố Tràng Thi để học ôn. Một hôm, tình cờ tôi ngồi cạnh một dịch giả cũng đã đứng tuổi. Thực ra tôi cũng đoán vậy thôi vì tôi thấy ông đang dịch một cuốn sách bằng tiếng Pháp rất dày. Sau này tôi mới biết rằng ông là nhà văn N.C. Ngồi một lúc, tôi thấy ông đứng dậy và sau đó dẫn đến một người cũng cỡ tuổi ấy, nhưng có gương mặt phúc hậu và lúc nào cũng như đang cười. Thì ra ông N.C đang bí một đoạn và nhờ người này đến giúp. Qua câu chuyện của họ tôi được biết loáng thoáng cuốn ông N.C đang dịch viết về văn học dân gian, văn học của những người hát rong thời La Mã hay Hy Lạp cổ đại gì đó. Vốn thích văn chương từ bé, lại thấy câu chuyện cũng hay hay nên tôi dỏng tai nghe lỏm. Sau khi nghe nhà văn N.C. nói qua đoạn dịch của mình, người kia cười hiền bảo, cậu dịch thế thì sai bét rồi còn gì, rồi ông giảng một mạch và phân tích cho ông N.C biết đã hiểu sai như thế nào. Tôi phục quá, tự nhủ sẽ phải tìm mọi cách để biết cái ông rất uyên bác này là ai. Đợi cho đến lúc hết giờ, thấy ông thu dọn sách vở đem trả, tôi cũng vội vã bám theo luôn. Khi cô thủ thư trả thẻ cho ông, tôi đã liếc trộm được tên ông. Thì ra ông là nhà thơ Lê Đạt mà tôi mong muốn được gặp từ lâu.
Trong thời gian học ở thư viện, qua bạn bè, tôi được biết cả nhà thơ Trần Dần và nhà triết học Trần Đức Thảo cũng thường xuyên đến làm việc ở đây. Tất cả họ đều đi bằng chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, mà họ (hay người đời) thường gọi là xe Peugiout “con vịt”. Từ hôm tình cờ được biết nhà thơ Lê Đạt, hầu như hôm nào tôi cũng chọn chỗ ngồi cạnh ông. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó ông đang dịch một cuốn về hội hoạ Nhật Bản. Chúng tôi chẳng bao giờ trò chuyện với nhau, nhưng bao giờ lúc đến cũng như lúc về đều gật đầu chào nhau.
Bẵng đi một thời gian, cho tới những năm đầu thế kỷ XXI, tôi mới có dịp gặp lại nhà thơ Lê Đạt. Hồi đó tôi cộng tác nhiều với Tạp chí Tia Sáng, chủ yếu là dịch các bài báo khoa học của nước ngoài. Vào thời gian đó tôi cũng đã dịch một số sách phổ biến khoa học nổi tiếng của thế giới. Nhà thơ Lê Đạt có thể nói là một trong những “khai quốc công thần” của Tạp chí Tia Sáng nên tôi thường xuyên gặp ông ở đó. Vẫn gương mặt hiền từ và nụ cười nhân hậu thuở nào, ông nói ông có đọc mấy quyển sách tôi dịch và ân cần khuyên tôi nên kiên trì đi theo con đường đó, vì loại sách đó rất có ích và trong quá trình dịch em sẽ học hỏi được rất nhiều. Qua những lần chuyện trò ngắn ngủi ở Toà soạn Tia Sáng, tôi mới kinh ngạc phát hiện ra rằng, Lê Đạt đã đọc và hiểu biết rất nhiều và sâu sắc các vấn đề triết học của khoa học tự nhiên. Ông rất tâm đắc hai nguyên lý cơ bản của cơ học lượng tử, đó là nguyên lý bổ sung của Bohr và nguyên lý bất định của Heisenberg cũng như định lý về tính không đầy đủ (mà báo chí thường gọi là định lý bất toàn) của Godel trong lôgích toán. Ông thuộc nhiều phát biểu nổi tiếng của Bohr và Einstein về hai nguyên lý này trong những cuộc tranh luận gay gắt của họ, những phát biểu mà nhiều người làm vật lý chuyên nghiệp cũng chưa biết tới. Tất nhiên, ông không hiểu nhiều về khía cạnh kỹ thuật của vấn đề, nhưng ông đánh giá rất cao tác động nhận thức luận của hai nguyên lý đó. Nguyên lý bổ sung giúp người ta hiểu rằng những cái đối lập (như sóng và hạt) không hề triệt tiêu, bài trừ nhau mà bổ sung cho nhau. Còn nguyên lý bất định đã có tác dụng xoá bỏ lối tư duy quyết định luận cứng nhắc giết chết sáng tạo. Có lẽ chính vì thế mà ở tuổi 80 tư duy của nhà thơ Lê Đạt lúc nào cũng mới mẻ và đầy những bất ngờ. Ông cũng đã từng vận dụng tính gián đoạn trong vật lý lượng tử vào thi pháp của mình. Trong lần tham dự Hội thảo năm vật lý quốc tế 2005, do Tạp chí Tia Sáng tổ chức ở Hội An, tôi đã từng được nghe ông đọc vài bài thơ theo tinh thần đó.
Lại chợt nhớ đến nhà vật lý Đặng Mộng Lân, hồi anh còn nằm ở bệnh viện Việt Pháp, khoảng 10 ngày trước khi anh qua đời. Một lần đến chơi với nhà thơ Lê Đạt, tôi nói với ông, anh Lân ốm nặng lắm, chắc khó qua khỏi. Ông đứng lặng một lúc, rồi bảo, hôm nào rỗi em đưa anh đến thăm Lân, anh cũng rất quý nó. Trên đường đi, ông bảo tôi, hồi hoạn nạn, anh đọc rất nhiều sách triết học của vật lý, Lân nó đã giúp anh rất nhiều. Nhìn thấy nhà thơ Lê Đạt bước vào, anh Lân vui hẳn lên. Lúc đó, anh Lân cũng đã yếu nhiều, nhưng suy nghĩ và nói năng còn rất mạch lạc. Anh còn đọc cả mấy đoạn thơ “nổi tiếng” của nhà thơ Lê Đạt và say mê nói về ý tưởng vật lý của bài báo khoa học của anh vừa được đăng trên Modern Physics Letters, một tạp chí quốc tế có uy tín về vật lý. Nhìn hai ông già ôn lại những ngày khốn khó mà tràn đầy niềm đam mê đối với thi ca và vật lý lòng tôi trào dâng một nỗi xúc động nghẹn ngào. Trước mắt tôi là hai biểu tượng của hai thế giới tưởng như hoàn toàn xa lạ, chẳng có quan hệ gì với nhau, nhưng thực ra lại có biết bao nét tương đồng, đó là thi ca và vật lý học.
Năm 2001, GS Trịnh Xuân Thuận ở Mỹ có gửi cho tôi cuốn Một nhà vật lý thiên văn xem tôi có muốn dịch ra tiếng Việt không. Mặc dù cuốn sách được dựng nên từ cuộc phỏng vấn T. X. Thuận của một nhà báo người Pháp, nhưng phản ánh được nhiều nét tiểu sử và những suy nghĩ khá sâu sắc của ông về Vũ trụ, và tôn giáo, tôi đã dịch và nhờ nhà thơ Lê Đạt viết lời giới thiệu. Ông đồng ý và đã viết cho cuốn sách một lời giới thiệu thật hay và sang trọng. Hiện lời giới thiệu này được lưu giữ trên khá nhiều trang Web.
Trước Tết Mậu Tý, tôi phải dịch gấp cuốn “Những con đường của ánh sáng” của Trịnh Xuân Thuận cho NXB Trẻ. Đầu cuốn sách Thuận có lấy bốn câu thơ của Rimbaud để đề từ. Tôi nghĩ ngay đến nhà thơ Lê Đạt. Tôi tin chắc những câu thơ kiểu này ông đã thuộc lòng từ thời trung học. Tôi gọi điện ngỏ ý muốn nhờ ông dịch giúp mấy câu thơ này, ông đã vui lòng nhận lời. Và qủa đúng như tôi nghĩ, ông bảo, bài này tớ biết từ hồi còn đi học, em cứ ngồi chơi, anh dịch ngay bây giờ cho em. Tôi ngồi im, chờ đợi. Thỉnh thoảng liếc qua thấy ông dập dập xoá xoá. Khoảng hai mươi phút sau, ông đưa cho tôi bản gốc với mấy câu thơ dịch ông viết ngay ở bên dưới. Lúc ra về, tôi rụt rè nói, em ghi tên anh vào đây nhé. Ông cười hiền từ, thôi, ghi vào làm gì. Rồi dặn, cứ tạm thế, nếu tối nay anh nghĩ ra cách dịch hay hơn anh sẽ gọi điện cho em. Thật không ngờ, đây lại là lần gặp cuối cùng của tôi với ông. Và mấy dòng thơ ông dịch cho tôi là di bút đầu tiên và cũng là cuối cùng của ông cho tôi.
Chiều chủ nhật 20/4/2008, như có linh tính, hai bố con tôi dự định đến thăm ông và tặng ông cuốn “Những con đường của ánh sáng”. Trước khi đi, tôi gọi điện đến nhà, thì con ông trả lời, bố em đi chơi xa, tối nay mới về. Thế mà, sáng hôm sau, Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, gọi điện báo tin cho tôi nhà thơ Lê Đạt đã qua đời.
Phàm khi một người, nhất là một nghệ sĩ, nằm xuống người đời thường nghĩ đến chuyện được mất. Sự nghiệp văn chương của nhà thơ Lê Đạt to lớn đến đâu, chúng tôi không dám bàn vì nó nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng tôi. Nhưng có một điều chúng tôi biết chắc chắn: ông là một nhà thơ đích thực theo đúng nghĩa cao quý nhất của từ đó, người đã dũng cảm đi hết con đường thơ của mình với tất cả sự khổ đau và gian nan nhưng đầy kiêu hãnh của một phu chữ. Tôi bỗng nhớ đến bốn câu thơ của Rimbaud mà ông đã dịch cho tôi:
Đó là một hẻm xanh nơi con sông ca hát
Những mảnh bạc vung vãi nơi đầu cỏ
Đỉnh núi cao rực rỡ mặt trời
Đó là một thung xanh ánh sáng reo vui.
Tôi thầm cầu chúc cho linh hồn ông được yên nghỉ ở cái thung xanh có tiếng rì rào của con sông, có màu xanh miên viễn của cây cỏ và nhất là tràn trề ánh sáng, thứ ánh sáng rực rỡ và thanh khiết của tự do mà ông đã suốt đời nâng niu và bảo vệ.
Trong thời gian học ở thư viện, qua bạn bè, tôi được biết cả nhà thơ Trần Dần và nhà triết học Trần Đức Thảo cũng thường xuyên đến làm việc ở đây. Tất cả họ đều đi bằng chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, mà họ (hay người đời) thường gọi là xe Peugiout “con vịt”. Từ hôm tình cờ được biết nhà thơ Lê Đạt, hầu như hôm nào tôi cũng chọn chỗ ngồi cạnh ông. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó ông đang dịch một cuốn về hội hoạ Nhật Bản. Chúng tôi chẳng bao giờ trò chuyện với nhau, nhưng bao giờ lúc đến cũng như lúc về đều gật đầu chào nhau.
Bẵng đi một thời gian, cho tới những năm đầu thế kỷ XXI, tôi mới có dịp gặp lại nhà thơ Lê Đạt. Hồi đó tôi cộng tác nhiều với Tạp chí Tia Sáng, chủ yếu là dịch các bài báo khoa học của nước ngoài. Vào thời gian đó tôi cũng đã dịch một số sách phổ biến khoa học nổi tiếng của thế giới. Nhà thơ Lê Đạt có thể nói là một trong những “khai quốc công thần” của Tạp chí Tia Sáng nên tôi thường xuyên gặp ông ở đó. Vẫn gương mặt hiền từ và nụ cười nhân hậu thuở nào, ông nói ông có đọc mấy quyển sách tôi dịch và ân cần khuyên tôi nên kiên trì đi theo con đường đó, vì loại sách đó rất có ích và trong quá trình dịch em sẽ học hỏi được rất nhiều. Qua những lần chuyện trò ngắn ngủi ở Toà soạn Tia Sáng, tôi mới kinh ngạc phát hiện ra rằng, Lê Đạt đã đọc và hiểu biết rất nhiều và sâu sắc các vấn đề triết học của khoa học tự nhiên. Ông rất tâm đắc hai nguyên lý cơ bản của cơ học lượng tử, đó là nguyên lý bổ sung của Bohr và nguyên lý bất định của Heisenberg cũng như định lý về tính không đầy đủ (mà báo chí thường gọi là định lý bất toàn) của Godel trong lôgích toán. Ông thuộc nhiều phát biểu nổi tiếng của Bohr và Einstein về hai nguyên lý này trong những cuộc tranh luận gay gắt của họ, những phát biểu mà nhiều người làm vật lý chuyên nghiệp cũng chưa biết tới. Tất nhiên, ông không hiểu nhiều về khía cạnh kỹ thuật của vấn đề, nhưng ông đánh giá rất cao tác động nhận thức luận của hai nguyên lý đó. Nguyên lý bổ sung giúp người ta hiểu rằng những cái đối lập (như sóng và hạt) không hề triệt tiêu, bài trừ nhau mà bổ sung cho nhau. Còn nguyên lý bất định đã có tác dụng xoá bỏ lối tư duy quyết định luận cứng nhắc giết chết sáng tạo. Có lẽ chính vì thế mà ở tuổi 80 tư duy của nhà thơ Lê Đạt lúc nào cũng mới mẻ và đầy những bất ngờ. Ông cũng đã từng vận dụng tính gián đoạn trong vật lý lượng tử vào thi pháp của mình. Trong lần tham dự Hội thảo năm vật lý quốc tế 2005, do Tạp chí Tia Sáng tổ chức ở Hội An, tôi đã từng được nghe ông đọc vài bài thơ theo tinh thần đó.
Lại chợt nhớ đến nhà vật lý Đặng Mộng Lân, hồi anh còn nằm ở bệnh viện Việt Pháp, khoảng 10 ngày trước khi anh qua đời. Một lần đến chơi với nhà thơ Lê Đạt, tôi nói với ông, anh Lân ốm nặng lắm, chắc khó qua khỏi. Ông đứng lặng một lúc, rồi bảo, hôm nào rỗi em đưa anh đến thăm Lân, anh cũng rất quý nó. Trên đường đi, ông bảo tôi, hồi hoạn nạn, anh đọc rất nhiều sách triết học của vật lý, Lân nó đã giúp anh rất nhiều. Nhìn thấy nhà thơ Lê Đạt bước vào, anh Lân vui hẳn lên. Lúc đó, anh Lân cũng đã yếu nhiều, nhưng suy nghĩ và nói năng còn rất mạch lạc. Anh còn đọc cả mấy đoạn thơ “nổi tiếng” của nhà thơ Lê Đạt và say mê nói về ý tưởng vật lý của bài báo khoa học của anh vừa được đăng trên Modern Physics Letters, một tạp chí quốc tế có uy tín về vật lý. Nhìn hai ông già ôn lại những ngày khốn khó mà tràn đầy niềm đam mê đối với thi ca và vật lý lòng tôi trào dâng một nỗi xúc động nghẹn ngào. Trước mắt tôi là hai biểu tượng của hai thế giới tưởng như hoàn toàn xa lạ, chẳng có quan hệ gì với nhau, nhưng thực ra lại có biết bao nét tương đồng, đó là thi ca và vật lý học.
Năm 2001, GS Trịnh Xuân Thuận ở Mỹ có gửi cho tôi cuốn Một nhà vật lý thiên văn xem tôi có muốn dịch ra tiếng Việt không. Mặc dù cuốn sách được dựng nên từ cuộc phỏng vấn T. X. Thuận của một nhà báo người Pháp, nhưng phản ánh được nhiều nét tiểu sử và những suy nghĩ khá sâu sắc của ông về Vũ trụ, và tôn giáo, tôi đã dịch và nhờ nhà thơ Lê Đạt viết lời giới thiệu. Ông đồng ý và đã viết cho cuốn sách một lời giới thiệu thật hay và sang trọng. Hiện lời giới thiệu này được lưu giữ trên khá nhiều trang Web.
Trước Tết Mậu Tý, tôi phải dịch gấp cuốn “Những con đường của ánh sáng” của Trịnh Xuân Thuận cho NXB Trẻ. Đầu cuốn sách Thuận có lấy bốn câu thơ của Rimbaud để đề từ. Tôi nghĩ ngay đến nhà thơ Lê Đạt. Tôi tin chắc những câu thơ kiểu này ông đã thuộc lòng từ thời trung học. Tôi gọi điện ngỏ ý muốn nhờ ông dịch giúp mấy câu thơ này, ông đã vui lòng nhận lời. Và qủa đúng như tôi nghĩ, ông bảo, bài này tớ biết từ hồi còn đi học, em cứ ngồi chơi, anh dịch ngay bây giờ cho em. Tôi ngồi im, chờ đợi. Thỉnh thoảng liếc qua thấy ông dập dập xoá xoá. Khoảng hai mươi phút sau, ông đưa cho tôi bản gốc với mấy câu thơ dịch ông viết ngay ở bên dưới. Lúc ra về, tôi rụt rè nói, em ghi tên anh vào đây nhé. Ông cười hiền từ, thôi, ghi vào làm gì. Rồi dặn, cứ tạm thế, nếu tối nay anh nghĩ ra cách dịch hay hơn anh sẽ gọi điện cho em. Thật không ngờ, đây lại là lần gặp cuối cùng của tôi với ông. Và mấy dòng thơ ông dịch cho tôi là di bút đầu tiên và cũng là cuối cùng của ông cho tôi.
Chiều chủ nhật 20/4/2008, như có linh tính, hai bố con tôi dự định đến thăm ông và tặng ông cuốn “Những con đường của ánh sáng”. Trước khi đi, tôi gọi điện đến nhà, thì con ông trả lời, bố em đi chơi xa, tối nay mới về. Thế mà, sáng hôm sau, Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, gọi điện báo tin cho tôi nhà thơ Lê Đạt đã qua đời.
Phàm khi một người, nhất là một nghệ sĩ, nằm xuống người đời thường nghĩ đến chuyện được mất. Sự nghiệp văn chương của nhà thơ Lê Đạt to lớn đến đâu, chúng tôi không dám bàn vì nó nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng tôi. Nhưng có một điều chúng tôi biết chắc chắn: ông là một nhà thơ đích thực theo đúng nghĩa cao quý nhất của từ đó, người đã dũng cảm đi hết con đường thơ của mình với tất cả sự khổ đau và gian nan nhưng đầy kiêu hãnh của một phu chữ. Tôi bỗng nhớ đến bốn câu thơ của Rimbaud mà ông đã dịch cho tôi:
Đó là một hẻm xanh nơi con sông ca hát
Những mảnh bạc vung vãi nơi đầu cỏ
Đỉnh núi cao rực rỡ mặt trời
Đó là một thung xanh ánh sáng reo vui.
Tôi thầm cầu chúc cho linh hồn ông được yên nghỉ ở cái thung xanh có tiếng rì rào của con sông, có màu xanh miên viễn của cây cỏ và nhất là tràn trề ánh sáng, thứ ánh sáng rực rỡ và thanh khiết của tự do mà ông đã suốt đời nâng niu và bảo vệ.
Phạm Văn Thiều
(Visited 1 times, 1 visits today)