Âm nhạc nâng con người lên cao hơn

Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ piano châu Á đầu tiên chiến thắng tại Cuộc thi Piano Quốc tế Chopin, trả lời phỏng vấn tại ngôi nhà của ông ở Montreal, Canada, về những thách thức đối với một nghệ sĩ châu Á hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển và về những ước mơ của ông.

Ông có thể mô tả sự gắn bó đặc biệt của mình với Chopin?

Sự gắn bó của tôi với Chopin hết sức đặc biệt. Tôi sinh ra trong thời chiến ở Việt Nam, và khi còn nhỏ, chúng tôi phải sơ tán đến miền núi. Mọi thứ vật chất và thông tin đều thiếu thốn.

Nhưng bất ngờ, với Chopin, tôi lại gặp may mắn. Năm 1970, mẹ tôi được đến cuộc thi quốc tế Chopin tại Warsaw với tư cách khách mời, chỉ để quan sát. Bản thân là một nghệ sĩ piano, bà đã mang về từ cuộc thi toàn bộ bản nhạc và bản thu âm các tác phẩm của Chopin.

Bản thu âm đầu tiên tôi được nghe trong đời là bản concerto cung Mi thứ của Chopin do Martha Argerich chơi. Tôi không hề được nghe bất kỳ tác phẩm nào của Bach, Mozart, hay Beethoven – mà duy nhất chỉ có Chopin.

Cùng với mẹ, tôi im lặng đọc các bản nhạc của Chopin trong bóng tối dưới ánh nến. Mẹ tôi chơi cho tôi nghe một vài giai điệu ngắn – những bản nocturne và mazurka. Tôi thấy tất cả đều thật đẹp đẽ và tôi yêu thứ âm nhạc này. Tôi tập nhạc của ông ngày đêm, và tôi cảm nhận âm nhạc của Chopin chảy trong máu mình từ đó.

Ông đã trở thành nghệ sĩ châu Á đầu tiên giành giải nhất tại một cuộc thi quốc tế lớn. Ông có gặp khó khăn hoặc sự phân biệt đối xử nào khi bắt tay vào xây dựng sự nghiệp sau chiến thắng không?

Khi lần đầu đến Warsaw dự cuộc thi Chopin năm 1980, tôi không hề nghĩ đến việc giành bất cứ giải thưởng lớn nào, huống hồ là giải nhất. Khi đó tôi còn rất trẻ và chỉ có tình yêu với Chopin. Tôi muốn đến Ba Lan dự thi, đơn giản để thể hiện lòng kính trọng với nhà soạn nhạc.

Trong hai tối 15 và 18/1, NSND Đặng Thái Sơn sẽ biểu diễn chương trình “All Beethoven Piano Concertos” với nhạc trưởng Honna Tetsuji tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trước cuộc thi, tôi chưa có buổi độc tấu nào trước công chúng. Cuộc thi là buổi trình diễn đầu tiên của tôi (cười). Trước đó, tôi chỉ là một sinh viên bình thường của Nhạc viện Moscow. Không ai biết tôi và tôi chưa tham dự bất cứ cuộc thi nào. Tôi cũng chưa bao giờ chơi cùng một dàn nhạc nào. Và vì vậy, tôi không hề có bộ trang phục biểu diễn nào (cười).

Hồi đó, chỉ cần gửi hồ sơ đăng ký dự thi. Không phải gửi băng hay đĩa thu âm. Sau này ban tổ chức mới nói cho tôi biết hồ sơ của tôi suýt bị loại bởi nó hầu như không có thông tin gì, ngoài hai dòng – sinh ở Hà Nội, Việt Nam và đang học tại Nhạc viện Moscow (cười).

Nhưng cuối cùng, họ nhận hồ sơ của tôi bởi hai lý do. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên có một nghệ sĩ đại diện cho Việt Nam – điều này làm tăng thêm số lượng các nước dự thi. Và thứ hai, tôi là sinh viên Nhạc viện Moscow, điều này đảm bảo rằng tôi không phải là một tay nghiệp dư nào đó không biết cách chơi đàn (cười).

Nếu như có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, thì đó là sau khi cuộc thi Chopin công bố kết quả. Như anh biết đấy, tất cả chúng ta đều đã được nghe nói nhiều về scandal Ivo Pogorelich.

Martha Argerich đã rời cuộc thi khi Pogorelich không lọt vào vòng chung kết, và đến lúc đó, vẫn chưa rõ ai là người chiến thắng. Nhưng nhiều người tại thời điểm đó đã hiểu lầm và tin rằng Martha Argerich bỏ về vì có vấn đề giữa Pogorelich và tôi. Thực ra bà đã có cử chỉ đẹp là gửi một bức điện công khai tới ban tổ chức cuộc thi ở Warsaw chúc mừng tôi ngay khi về đến nhà ở Geneva và biết kết quả cuộc thi.

Hồi đó, Pogorelich có thể là một biểu tượng của phương Tây, còn tôi đến từ Việt Nam – phía của những người cộng sản. Vì vậy tất nhiên Ivo dễ dàng hơn khi đến phương Tây lưu diễn… Buổi biểu diễn đầu tiên của tôi tại Mỹ là vào năm 1989, chín năm sau cuộc thi; khi đó lệnh cấm vận Việt Nam vẫn có hiệu lực.

Sau cuộc thi, tôi trở lại Nhạc viện Moscow để tiếp tục học. Mỗi khi đi biểu diễn ở một nước phương Tây, tôi gặp rất nhiều phức tạp. Tôi phải được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, thông qua sứ quán Việt Nam ở Moscow rồi sứ quán của Việt Nam ở nước kia… Để làm visa thường mất hai tháng hoặc lâu hơn thế, và tôi đã mất nhiều cơ hội xây dựng sự nghiệp bởi những vướng mắc này.

Còn nhiều vấn đề khác. Ví dụ một nhà phê bình ở Thụy Sỹ tỏ ra rất hẹp hòi. Ông nói “chàng trai này chơi đàn theo cách những người châu Á ăn bằng đũa”. Nhưng đây là lần duy nhất tôi cảm thấy sự phân biệt đối xử một cách trực tiếp.

Ông nghĩ gì về kỹ thuật chơi đàn ngày nay? Ông cho rằng kỹ thuật piano đã thêm hoàn thiện hay thụt lùi kể từ sau “Thế hệ vàng”?

Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hóc búa – tôi cho rằng rất khó để so sánh. Nhạc cụ ngày nay đã hoàn toàn khác xưa. Xét về mặt cơ học và độ vang của âm thanh, nhiều kỹ thuật của Chopin – ví dụ như bản etude La thứ (Op. 10 No. 2) thật dễ dàng khi chơi bằng cây đàn piano cổ. Các phím đàn rất nhẹ. Nhưng phím đàn hiện đại rất nặng và đó thực sự là một thách thức lớn – dẫu vậy, cho đến nay, các nghệ sĩ không có vẻ gì bị ảnh hưởng bởi vấn đề này cả (cười).

Điều đó có nghĩa là các nghệ sĩ piano ngày nay có trình độ kỹ thuật cao. Xã hội hiện đại chắc chắn cũng ảnh hưởng đến nhịp điệu và tốc độ; mọi thứ đều nhanh hơn trước đây. Ngày nay, chúng ta sống với kỹ thuật số, và kiểu gì chúng ta cũng quan tâm hơn tới sự hoàn hảo kiểu kỹ thuật số (cười).

50 năm trước, chúng ta có thể nghe các nghệ sĩ bậc thầy vĩ đại và chấp nhận những nốt chơi sai của họ. Nhưng bây giờ, tôi cho rằng không nghệ sĩ piano nào có thể tồn tại với nhiều nốt chơi sai như vậy. Họ sẽ không có sự nghiệp.

Xem ông biểu diễn ở buổi hòa nhạc và trên Youtube, có thể thấy ông có kỹ thuật rất độc đáo. Những ngón tay của ông rất linh hoạt. Điều đó đến một cách tự nhiên hay do được học?

Tôi phải nói rằng kỹ thuật này có phần là của trường phái Nga điển hình, vốn đòi hỏi vai trò mạnh mẽ, quyết định của các ngón tay. Khi tôi đến Nhạc viện Moscow, giáo sư của tôi nói những ngón tay của tôi rất yếu ớt và ông bảo tôi cần phải cải thiện điều đó. Và tôi đã dành rất nhiều công sức cải thiện chúng. May mắn thay, điều này giờ vẫn có ích cho tôi.

Ông là giám khảo hai kỳ thi Chopin ở Warsaw gần đây. Ông nghĩ Chopin sẽ nói gì về thời đại ngày nay và việc trình diễn?

Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ thích mê cây đàn ngày nay, dù nó là Steinway, Fazioli, hay Yamaha hiện đại. So với thời kỳ của Chopin, tiềm năng biểu đạt âm nhạc của cây đàn piano ngày nay là rất lớn.

Tôi chắc chắn rằng không chỉ Chopin, mà cả những thế hệ trước đó – những bậc thầy trong quá khứ, đều có thể nghĩ rằng các nghệ sĩ trẻ chơi quá ồn ào và quá nhanh. Họ có thể đánh mất linh hồn của âm nhạc. Với Liszt, có thể điều này đôi lúc cũng không sao. Âm nhạc của ông thật chói lọi và ngoạn mục! Nhưng với Chopin, vấn đề nằm ở sự thầm kín và ẩn mật của âm nhạc. Tôi nghĩ Chopin có thể thích nghe một số tác phẩm của ông được chơi với tốc độ chậm rãi hơn.

Thời khắc âm nhạc quan trọng nhất mà ông đã trải qua là gì?

Thời khắc vĩ đại nhất có lẽ là buổi trình diễn đầu tiên của tôi trước công chúng tại cuộc thi Chopin (cười). Sau đó người ta thường hỏi tôi, “Làm thế nào mà anh chiến thắng tại cuộc thi?” và tôi trả lời một cách đơn giản, “bởi vì tôi giống như một trinh nữ trên sân khấu!” (cười). Đó là buổi trình diễn đầu tiên trước công chúng của tôi và mọi thứ đều mới mẻ, tinh khôi – điều đó chỉ diễn ra một lần. Tất nhiên, xét về khía cạnh nghe trực tiếp một nghệ sĩ khác biểu diễn, thì người khiến tôi cảm thấy không thể với tới được là Vladimir Horowitz.

Điều gì trong lối chơi của Horowitz gây ấn tượng nhất với ông?

Khi học ở Nhạc viện Moscow, cảnh tôi tới buổi hòa nhạc của ông ở Moscow năm 1986 giống hệt trong phim trinh thám Hollywood (cười). Có tới bảy lớp kiểm soát vé ở buổi hòa nhạc độc nhất này.

Buổi hòa nhạc đó không thể nào quên. Tôi vẫn còn giữ trong đôi tai tôi, trong ký ức của tôi tiếng đàn của ông (nói với giọng thành kính). Âm thanh và cách ông chạm vào phím đàn, cách ông đạt tới một tầng mức dường như không gì có thể ảnh hưởng đến ông thật lạ thường. Buổi hòa nhạc được phát sóng trực tiếp tới toàn thế giới. Chúng ta thường sẽ cảm thấy căng thẳng, hãy tưởng tượng cả thế giới đang dõi theo! Nhưng ông ấy bước ra sân khấu và nhìn vào camera như một đứa trẻ, như thể đó là một thứ đồ chơi của trẻ nhỏ!
Ông đã làm nên âm nhạc thực sự và không điều gì khiến ông phải bận tâm. Ông đã chuẩn bị tâm lý để không điều gì làm phiền mình được. Dường như hôm đó không phải là một buổi trình diễn mà giống như ông đang chế tác âm nhạc. Ông bắt đầu với những bản sonata của Scarlatti, và cảm giác như ông đang trò chuyện với chúng tôi bằng âm thanh. Đến giờ tôi vẫn có thể hình dung nó thật rõ ràng.

Ông có bao giờ gặp Sviatoslav Richter hay Emil Gilels không?

Tôi có cơ hội gặp gỡ Richter nhiều hơn. Tất nhiên, tôi đến nghe nhiều buổi hòa nhạc của ông ở Moscow. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau ngoài đời là ở Nhật Bản. Khi đó, ông có một festival của chính mình. Ông phải chơi ba tối hòa nhạc liên tiếp. Tối đầu tiên dành cho âm nhạc thế kỷ 18, tối thứ hai cho thế kỷ 19 và tối cuối cho thế kỷ 20. Ông đã chơi hai buổi đầu và đột nhiên không muốn chơi buổi cuối cùng. Phía đại diện hốt hoảng và tìm kiếm người thay thế ông. Họ đề xuất với ông một danh sách các nghệ sĩ – với điều kiện nghệ sĩ đó phải chơi được âm nhạc thế kỷ 20. May mắn là mùa diễn đó, tôi đã chơi nhiều tác phẩm của Prokofiev, Scriabin, và Debussy. Vì vậy Richter xem xét danh sách, và chọn tôi làm người thay thế.

Sau buổi hòa nhạc này, chúng tôi còn gặp nhau vài lần nữa. Ông cũng mời tôi chơi cho một festival âm nhạc của ông tại Bảo tàng Pushkin ở Moscow nhân dịp Giáng sinh.

Bên cây đàn, Sviatoslav Richter giống như một con sư tử – tràn đầy sức sống và lòng đam mê. Nhưng ngoài đời, ông lại là người giản dị nhất, thậm chí hơi nhút nhát. Ông đem lại cho tôi cảm giác vô cùng thoải mái ngay từ lần đầu gặp gỡ. Tôi thậm chí bị sốc vì điều này.

Tôi chỉ gặp Emil Gilels tại các buổi hòa nhạc, ngoài đời ông hơi khó tính hơn. Giảng viên của tôi, Vladimir Natanson, rất thân thiết với gia đình của Gilels. Nhưng tôi chưa bao giờ dám đến gần ông hơn (cười).

Ông đã bao giờ gặp Mikhail Pletnev?

Vâng, tôi đã từng gặp. Trên thực tế, ở Nhạc viện Moscow, Pletnev, Pogorelich, và tôi đã sống cùng ký túc xá. Không dễ mà giao thiệp được với họ; họ biết giá trị của mình (cười). Nhưng trước cuộc thi Chopin có các cuộc tuyển chọn, tôi đã vượt qua cuộc tuyển chọn toàn Liên bang và xếp vị trí thứ nhất. Sau lần đó, cả hai người bắt đầu tò mò về tôi. Pletnev đã tới nghe tôi chơi tại một buổi hòa nhạc. Pogorelich thì mời tôi đến phòng của anh ấy để cùng nghe đủ loại bản thu âm.

Thời đó, ở Moscow, không dễ gì có được các bản thu âm của phương Tây. Chúng tôi chỉ có thể kiếm được bản thu của các nghệ sĩ Soviet hoặc Đông Âu. Nhưng Pogorelich có cách mua được những bản thu âm từ Tây Âu. Và khi anh ấy mời tôi đến phòng mình, đó thực sự là một ưu ái lớn (cười).

Về Pletnev, kỳ lạ là với anh ấy, mọi thứ đều dễ dàng. Tôi nhớ có lần thầy của Pletnev, giáo sư Flier, bảo Pletnev, “Được thôi, bây giờ em về nhà và luyện bản concerto này của Beethoven.” Pletnev về nhà và quên mất mình phải luyện bản concerto nào. Và vì vậy trong buổi học tiếp theo, Pletnev đã học thuộc lòng cả năm bản concerto và sẵn sàng chơi bất cứ bản nào (cười).

Ngoài âm nhạc, có hình thức nghệ thuật nào thật sự lối cuốn trí tưởng tượng của ông không?

Tôi luôn yêu thích nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Có lẽ một trong những loại hình gần đây nhất mà tôi yêu thích, gắn kết các thời đại lịch sử với công nghệ, là điện ảnh. Nó giúp anh tiết kiệm được nhiều thời gian để học hỏi (cười). Như anh biết đấy, vì hoàn cảnh, tôi đã để lỡ nhiều điều trong thời thơ ấu, nhưng phim ảnh đã đem lại cho tôi kiến thức về những điều tôi chưa được trải nghiệm. Thêm nữa, cấu trúc của một bộ phim, những xung đột, sự tương phản, ánh sáng, cảm giác về không gian và thời gian… thực tế đã hỗ trợ cho lối chơi của tôi.

Vậy ông nghĩ gì về yếu tố tinh thần của âm nhạc?

Tôi nghĩ rằng nếu theo cách chính thống, chúng ta luôn phải cố gắng nắm bắt được cái tinh thần, ý tưởng và thông điệp của nhà soạn nhạc mà chúng ta biểu diễn. Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ thực hiện được mục đích của người biểu diễn. Ngày nay chúng ta dường như thấy người biểu diễn bộc lộ nhiều cá tính trong âm nhạc, có lẽ thậm chí còn nhiều hơn cả bản thân nhà soạn nhạc. Nhưng tôi tin rằng mình thuộc về những người đang cố gắng để ở trong nhóm đầu tiên.

Ông có lời khuyên nào cho sinh viên, những người đang cố gắng thể hiện tinh thần của âm nhạc Chopin?

Chopin sau rốt là một nhạc sĩ Lãng mạn, và âm nhạc của ông cần được chơi với cảm xúc thật; có lẽ thậm chí còn hơn thế, với những cảm xúc rất riêng tư – với tâm hồn, đây là thử thách lớn nhất. Ngày nay, với tất cả những thông tin và công nghệ hiện đại bủa vây cuộc sống và làm cho cuộc sống gấp gáp thêm, sự hoàn thiện kiểu kỹ thuật số có xu hướng khiến mọi thứ lý tính hơn. Nhưng người ta không thể chơi Chopin mà thiếu đi những trải nghiệm sống.

Theo ông, mục đích của nghệ thuật trong xã hội là gì?

Nếu nhìn sát vào thực tế đời sống hiện nay thì có rất nhiều người gặp khó khăn, thậm chí là những khó khăn sống còn. Thế giới thật sự có rất nhiều vấn đề. Nghệ thuật không chỉ cốt để giải trí mà còn là giáo dục – một điều hết sức quan trọng.

Nghệ thuật mang mặt tích cực đến cho cuộc sống. Đó là vấn đề cái đẹp, lòng can đảm và nhân văn. Âm nhạc nâng con người lên cao hơn. Anh không bao giờ nghe thứ âm nhạc tuyệt vời mà lại cảm thấy khó chịu – đơn giản vì âm nhạc không dẫn anh đến mặt tiêu cực. Với những nghệ thuật khác, ta có thể xác định mặt tích cực và tiêu cực dễ dàng hơn, nhưng với âm nhạc, bởi ngôn ngữ của nó trừu tượng nên mọi thứ đều đi thẳng tới cái đẹp và cái nhân văn.

Ông muốn để lại những ấn tượng gì cho người hâm mộ, và âm nhạc có phải là tất cả những gì ông đã mơ ước?

Ước mơ của tôi rất khiêm tốn. Tôi phải làm điều gì đó cho đất nước mình. Đã 30 năm trôi qua kể từ cuộc thi Chopin đó, tôi vẫn là người duy nhất có sự nghiệp quốc tế. Đó là lý do tại sao tôi ngày càng dành nhiều thời gian cho giảng dạy – không chỉ tại một ngôi trường mà còn các khóa nâng cao trên toàn thế giới. Tôi cố gắng khuyến khích thế hệ trẻ ở Việt Nam, và chúng tôi có một cuộc thi quốc tế, có học bổng cho các nghệ sĩ trẻ v.v.

Cùng lúc, việc thu âm cũng rất quan trọng, không thể gạt qua một bên. Vì thế tôi có quan tâm đến công việc đó nhiều hơn một chút. Nhưng thực sự, tôi chỉ đơn giản là hy vọng để lại một điều gì đó cho thế hệ sau.

Thanh Nhàn lược dịch
theo http://www.examiner.com/article/interview- with- pianist- dang- thai- son- part- I

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)