Bản Phúc âm trên đồi cao

Ngày nay, ở cách trung tâm thành phố bảy cây số về hướng Bắc, trên một ngọn đồi thông già, có một khối nhà bề thế, cao bốn tầng cộng một tầng hầm, với bờ tường ốp đá, kiến trúc đối xứng và vững chãi. Đường vào dài hơn trăm mét, lát đá và tráng nhựa, có rào dây leo kín, len dưới hai hàng cây tịch mịch. Tâm điểm mặt tiền tòa nhà có khung hiên lồi, mặt chính diện khối vuông giật cấp, đỉnh cao có hình khối cây thập tự, bên dưới có hàng chữ Latin đắp nổi COPIOSA APUD EUM REDEMPTIO (nghĩa là: Ơn cứu độ chứa chan nơi Ngài).


Học viện Dòng Chúa cứu thế Đà Lạt, 1957. Ảnh: Nguyễn Bá Mậu

Một thời người Đà Lạt quen gọi đây là “Phân Viện Sinh học”. Thực ra, đây là cách nói rút gọn những cơ quan sử dụng công trình này ở vào giai đoạn sau 1975. Mãi gần đây, lai lịch của nó được phát lộ qua nhiều mảng sử liệu, cái tên Học viện Dòng Chúa cứu thế mới được nhắc nhớ trở lại.

Học viện này có một gốc gác khá kỳ lạ.

 

Đến từ Canada

 

Khác với hình dung các nhà thừa sai ở Tây Nguyên thường đến từ nước Pháp, thì Dòng Chúa cứu thế Đà Lạt khởi đi từ các cha dòng người Canada.

Trước hết, cần lật lại những dấu chân tiên khởi của Dòng Chúa cứu thế trên đất nước Việt Nam.

Theo bộ Lịch sử Phát triển Công giáo Việt Nam của Trương Bá Cần, Dòng Chúa cứu thế “đã được thành lập trước hết ở Huế năm 1925 và từ Huế các linh mục của dòng người Canada đã ra Bắc Kỳ, hoạt động giảng đại phúc vào năm 1928; đã có dự án xây dựng cơ sở ở Hà Nội”.1

Trong phúc trình các năm 1930, 1931 và 1938, Đức Giám mục phó Chaize đều ghi nhận những bước tiến trong việc phát triển cơ sở Dòng Chúa cứu thế tại Hà Nội, đặc biệt là việc xây tập viện (noviciat) và học viện (scholasticat) xinh đẹp tại Thái Hà Ấp. Năm 1939, niên giám Dòng Chúa cứu thế Hà Nội ghi lại rằng có 12 linh mục Canada, chín trợ sĩ (hai người Canada và bảy người Việt, bảy sinh viên triết học (hai người Canada, năm người Việt) và 16 sinh viên thần học.2

Dòng Chúa cứu thế từ Huế triển khai vào Nam cũng được Cha Giám tỉnh Sainte Anne de Beaupré chú trọng. Cơ sở ban đầu được tính toán có thể đặt ở Sài Gòn hoặc Đà Lạt, nhưng rồi Sài Gòn là nơi được hiện thực hóa từ đầu thập niên 1930. 

Cụ thể, các cha Dòng Chúa cứu thế đã được giao chăm sóc việc thiêng liêng cho một cộng đoàn tín hữu ở khu vực Khánh Hội. Ngày 7/10/1933, cha Patrick Murray – Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa cứu thế – ký Quyết định thành lập Nhà Sài Gòn.

Một năm sau, Bề trên phụ tỉnh Huế Edmond Dione được bổ nhiệm kiêm luôn Bề trên Nhà Sài Gòn; Nhà Sài Gòn trở thành trụ sở của phụ tỉnh đặt ở 163 đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng ngày nay). 

Đến năm 1937 thì Dòng Chúa cứu thế mua thửa đất ở đường Kỳ Đồng. Một tu viện được xây dựng vào tháng cuối 10/1938. Tu viện Dòng Chúa cứu thế ở đường Kỳ Đồng thánh hiến ngày 14/4/1940, sau khi khánh thành một năm. Trụ sở mới này trở thành trụ sở chính của Dòng Chúa cứu thế Việt Nam.3

Hoạt động truyền giáo của Dòng Chúa cứu thế tại Sài Gòn lan tỏa rộng ra các tỉnh Nam Kỳ trong khoảng 10 năm, từ 1934 đến 1942. 

Từ 1943, cuộc Thế chiến thứ hai đã tạo ra những biến động chính trị, văn hóa và tôn giáo trên toàn khu vực Đông Dương, làm gián đoạn hoạt động của những dòng tu đến từ phương Tây, trong đó có Dòng Chúa cứu thế. Sau Thế chiến thứ hai, thì sinh hoạt truyền giáo và nghiên cứu của dòng này trở lại bình thường.


Học viện Dòng Chúa cứu thế Đà Lạt 2005. Ảnh: Nguyễn Bá Trung.
 

“… một mẩu Canada rơi xuống giữa Việt Nam”

 

Thật ra, vào cuối thập niên 1920, khi Đà Lạt đang dần thành hình với những công trình hạ tầng tiên khởi, thì đã xảy ra một cuộc tranh luận giữa các cha Dòng Chúa cứu thế Canada về việc nên hay không nên xây dựng một tu viện ở Đà Lạt. 

Cũng như cuộc tranh luận ban đầu trong chính quyền thuộc địa về việc nên hay không nên thiết lập một thành phố trên vùng cao nguyên này, các vấn đề như khí hậu, bệnh nhiệt đới hay sự hiện diện của người bản địa với tư cách là đối tượng tiếp nhận tin mừng, đích đến của quá trình truyền giáo… được đặt cân nhắc hơn thiệt. Nhưng cuối cùng, Dòng Chúa cứu thế, cũng như Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn, Đan viện Benedict, Dòng nữ Đức Bà Paris… đều chịu một lực hút đặc biệt từ một thành phố “Đất hứa của Công giáo”, cánh đồng truyền giáo trên cao nguyên trong thập niên 1940-1950. (Tập Kỷ yếu Chu niên của Địa phận Đà Lạt năm 1961 thì gọi Đà Lạt là “tuyển địa của các dòng tu”, “một chân trời vinh quang chờ đón” đối với các nhà truyền giáo!).

Eric T. Jennings, tác giả cuốn Đỉnh cao đế quốc đã tiếp cận được văn khố truyền giáo của các cha Dòng Chúa cứu thế từ Đông Dương chuyển về trụ sở chính ở thánh đường Sainte Anne de Beaupré, phía Đông thành phố Québec (Canada), chỉ ra rằng, cuối cùng những tu sĩ ủng hộ cho việc xây dựng một học viện để nghiên cứu Công giáo, đồng thời thực thi sứ vụ truyền giáo ở Đà Lạt đã thành công. Dòng Chúa cứu thế đã mua được một khu đất nằm giữa Đà Lạt và Dankia. 

Năm 1946, theo trích dẫn của nhà nghiên cứu Canada nói trên, thì cha Georges Galipeau viết trong một bức thư gửi về Canada vẫn khẳng định: “Đà Lạt rất lý tưởng cho công việc trí óc. Ở độ cao 1.700 mét (?), Đà Lạt xét về khí hậu cũng như thực vật, giống như một mẩu Canada bị rơi xuống giữa Việt Nam”.4

Cuối thập niên 1940, Bề trên Giám phụ tỉnh Dòng Chúa cứu thế Alphonse Tremblay đã có quyết định di chuyển Học viện Dòng Chúa cứu thế Việt Nam từ Hà Nội vào Ðà Lạt, tiếp nối phương thức và mục tiêu đào tạo của học viện cơ sở Thái Hà Ấp. Một học viện mới được xây trên ngọn đồi phía Bắc trung tâm thành phố Đà Lạt, trước đây từng là đất của chủ đồn điền Pháp Jean O’Neill nhượng lại cho cha Jean Baptiste Cassaigne. 

Công trình được xây trong bốn năm, từ năm 1949 đến 1952 theo lối kiến trúc hình khối có sắc thái tân kỳ kết hợp chi tiết trang trí tường đá và ô cửa âm kiểu tu viện phương Tây, toát lên vẻ hiện đại nhưng thâm trầm. Đây sẽ là nơi tiếp tục đào tạo linh mục, tu sĩ cho Dòng Chúa cứu thế Việt Nam và giáo hội Việt Nam đồng thời là không gian nghiên cứu thần học và triết học, dịch thuật Kinh thánh. 

Cuối thập niên 1950, Đà Lạt được bổ sung thêm một học viện nghiên cứu học thuật của Công giáo nữa, cũng bề thế quy mô không kém, đó là Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X, đưa thành phố này vào tâm điểm của nghiên cứu Thần học ở châu Á. 

Theo nhà nghiên cứu Charles Keith trong cuốn Catholic Vietnam: A Church from Empire to Nation (Công giáo Việt Nam từ Đế quốc đến Quốc gia), Công giáo ở Việt Nam diễn ra quá trình “Việt Nam hóa” trong các thập niên 1950-1970. Điều này có thể nhận thấy ở Dòng Chúa cứu thế tại Việt Nam nói riêng và tại Đà Lạt nói chung. 


Không gian Học viện Dòng Chúa cứu thế Đà Lạt, 2020. Ảnh: Sam Sam.

Về truyền giáo, sau khi lập học viện ở Đà Lạt, thì “các cha Dòng Chúa cứu thế cũng tham gia vào cơn sốt cải giáo người Thượng trong vùng Đà Lạt thập niên 1950”5. Cũng như Marius Boutary hay Octave Lefèvre – các vị thừa sai Pháp cùng thời, bên cạnh việc truyền giáo còn tham gia đóng góp, mở mang văn hóa, giáo dục và chăm sóc y tế cho dân bản địa. 

Về hoạt động học thuật, trong thập niên 1960, 1970, Học viện Dòng Chúa cứu thế Đà Lạt là nơi nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật các công trình kiệt xuất về thần học, Kinh thánh của những tu sĩ người Việt. Những tên tuổi đã từng có quá trình nghiên cứu và để lại trước tác trong không gian học viện này: Stephano Nguyễn Tín, Inhacio Bùi Quang Diệm, Joseph Nguyễn Thế Thuấn, Paul Nguyễn Ngọc Lan,… 

Nhiều danh tác, dịch phẩm của họ có vai trò quan trọng trong nghiên cứu và phổ biến kinh thánh tại Việt Nam, có giá trị cho đến hôm nay.

 

Tu viện của lãng quên

 

Ngày nay, trong khuôn viên của tòa nhà học viện của lãng quên, dưới những tán cây tùng, bách xanh mát, vẫn còn tám mộ phần của các cha dòng người Canada và vị học giả, giáo sư thánh kinh người Việt: linh mục Nguyễn Thế Thuấn. Đó là dấu tích thiêng liêng còn lại. Bên trong khung nhà đã có nhiều phần cải tạo chức năng, vẫn sót lại khu nội viện gồm cung thánh, thư viện, phòng đọc sách và nghiên cứu, những dãy ban công tĩnh tại hướng ra đồi thông lý tưởng cho những buổi tĩnh tâm, chiêm niệm.

Sau sự kiện 30/4/1975, cũng như nhiều tu viện, học viện, nhà dòng trong thành phố Đà Lạt, Học viện Dòng Chúa cứu thế đã được chính quyền mới tiếp quản. Công trình này lần lượt được giao cho Phân viện Sinh học tại Đà Lạt (từ 1978), Phân viện Sinh học Tây Nguyên sử dụng (từ 2008) và Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ 2013) sử dụng.

Khi đời sống du lịch Đà Lạt phát triển ồ ạt, một số góc có tầm nhìn đẹp của trung tâm này được “cải tạo” làm quán cà phê dừng chân, bảo tàng sinh học phục vụ khách tham quan bên cạnh duy trì các phòng ban chuyên môn nghiên cứu: công nghệ vi sinh, thực vật, tài nguyên thực vật, hóa hợp chất thiên nhiên, sinh học phân tử và tạo giống cây trồng.6

Đây trở thành một điểm check-in trong các chương trình tour du lịch trong thành phố nhờ sở hữu một không gian thâm nghiêm cổ kính và đồi cây xanh lâu năm.

Một Đà Lạt với chức năng đặc khu giáo dục và học thuật hôm qua đã chuyển dịch hoàn toàn sang hướng du lịch đại chúng. Một công trình học viện tôn giáo không thoát khỏi số phận chung của đô thị. Những viên đá dựng ngôi đền Phúc âm trên đồi thông của các tu sĩ, linh mục Dòng Chúa cứu thế đến từ Canada đã phủ những lớp rêu dày phôi pha qua thời gian. Âm hưởng thánh ca từ những giờ kinh nguyện trong quá khứ đôi khi còn đồng vọng đâu đó qua tiếng gió vi vút trên vòm thông những hôm mây gió âm u và giá lạnh.□

——

Chú thích

1 Trương Bá Cần. Lịch sử Phát triển Công giáo ở Việt Nam. Tập 2: Lịch sử thử thách và phát triển – Từ đầu thế kỷ XIX đến mùa Thu năm 1945. NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2008. Tr. 480.

2 Trương Bá Cần. Sđd. Tr. 481.

3 Trương Bá Cần. Sđd. Tr. 341.

4 Galipeau (10-1946). Văn khố Dòng Chúa Cứu Thế tại Québec, thùng 6, Lettres Dalat. Theo: Eric T. Jennings. Đỉnh cao Đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp. Phạm Viêm Phương và Bùi Thanh Châu dịch, Trần Đức Tài hiệu đính. NXB Hồng Đức, 2015. Tr. 371.

5 Jennings. Sđd. Tr. 376.

6 Theo website của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (vast.gov.vn).

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)