Bản sắc Phan Khôi

1. Phan Khôi, hẳn sẽ thuộc vào một trong số ít những cá nhân được coi là tài năng, cá tính và số phận cần trở đi trở lại của lịch sử Việt Nam hiện đại. Cuốn sách “Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi: từ Sông Hương đến Nhân văn” (NXB Tri Thức, 2013) của Phan An Sa, đã rọi chiếu rõ hơn về con người ấy, nhờ những dữ liệu, không thể chi tiết hơn, từ sách vở, bút tích, lời kể, kí ức liên quan đến/về Phan Khôi.

Cuốn sách khá dày, 686 trang, chia làm bốn phần, có lời giới thiệu của một người lâu nay vẫn miệt mài phục dựng Phan Khôi là nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Cái tên Phan An Sa, với tôi, là lần đầu tiên được biết. Và sẽ thú vị hơn, nếu đọc cuốn này để biết cái tên ấy, lúc đầu nghĩa là gì.

Phan Khôi sinh năm 1887 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trân (tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu), mất năm 1959 tại nhà riêng trên phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Hai mươi tuổi, tại kì thi Hương, Phan Khôi thi đỗ Tú tài Hán học; sau đó ông tự học Quốc văn và Pháp văn. Đầu năm 1908, Phan Khôi ra Hà Nội, dạy chữ Hán và học tiếng Pháp tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục, một môi trường giáo dục có tính chất canh tân văn hóa nước nhà. Thời gian này Phan Khôi có giúp việc, viết những bài báo đầu tiên cho tờ Đăng cổ tùng báo. Cũng trong năm 1908, khi ở Quảng Nam nổ ra vụ xin xâu (sau lan rộng các tỉnh khác và thường được gọi là vụ Trung Kỳ dân biến), Phan Khôi bị thực dân Pháp bắt giữ tại Hà Nội, rồi giải về Hội An, bỏ tù  ba năm (1908 – 1911), đến năm 1914 ông thôi hoạt động cách mạng. Năm 1918, Phan Khôi mới chính thức bước vào nghề báo bằng việc cộng tác cho tờ Nam Phong với bút danh Chương Dân. Tại đây, ông viết cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ, viết nghị luận, khảo luận lẫn sáng tác. Từ đó ông chuyên chú làm báo, viết văn.

2. Hãy trở lại khoảng thời gian hơn hai mươi năm cuối đời của Phan Khôi (1936 – 1959) mà cuốn sách tái dựng. Phần thứ nhất: Ông chủ nhiệm báo Sông Hương. Phần này cho biết Phan Khôi đã quyết liệt, xông xáo như thế nào trong việc sáng lập và duy trì một tờ báo: ông huy động cả gia đình tham gia làm giúp, từ chân thư kí tòa soạn đến việc vặt; ông lấy nhà thuê làm trụ sở báo; ông kéo hiệu thuốc Thiên Hòa Đường ở chợ Lớn làm mồi quảng cáo; và đặc biệt, một mình ông viết và phụ trách rất nhiều chuyên mục, với đủ các loại bút danh. Tác giả cuốn sách đã rất tỉ mỉ phân loại để đi đến kết luận những bài viết nào là của Phan Khôi. Có những bài viết đăng ở Sông Hương nhưng về sau được Phan Khôi tiếp tục gia công, nghiên cứu. Chẳng hạn, Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916 trên mục Lịch sử kí sự. Kéo dài mối bận tâm của mình về một vấn đề học thuật, ở Phan Khôi, có lẽ là cốt để làm sáng rõ quan điểm cá nhân và chứng minh một sự thật mà ông cho là chính xác. Có một bút danh của Phan Khôi mà không hẳn nhiều người hiểu: Tú Sơn. Theo giải thích của Thiếu Sơn thì Tú Sơn là phiên âm tiếng Hán của từ Tout Seul, nghĩa là “cô độc”, “độc lập”, “một mình”. Bút danh này thể hiện quan điểm và phong cách làm việc của Phan Khôi: không phe cánh, không a dua, không chạy theo đám đông. Ở phần này, thêm một lần nữa, khẳng định tài làm báo của Phan Khôi, cũng là dịp nhắc lại khoảng thời gian khá huy hoàng của 32 số đầu Sông Hương trong lịch sử báo giới. Những tư liệu và xử lí tư liệu liên quan đến Sông Hương của Phan An Sa tỏ ra đầy đủ, thận trọng. Ông không vì vị thế con cái để “nhận vơ” bài vở của cha mình. Ông chỉ muốn, bằng các dẫn chứng tỉ mỉ, làm sáng tỏ phong cách viết báo đã trở nên khó nhầm lẫn của Phan Khôi: rõ ràng, khúc chiết và giọng điệu thẳng thắn, sẵn sàng trao đổi, tranh luận.

Phần hai: Đi về phía Việt Bắc, kể hành trình chín năm Phan Khôi xa vợ con để bám sát cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau khi thôi làm chủ nhiệm báo Sông Hương (nhượng lại cho nhóm Phan Đăng Lưu), Phan Khôi chuyển sang dạy học ở các trường tư thục ở Huế, Sài Gòn, rồi trở về quê nhà Bảo An được năm năm. Cuối tháng 6/1946, Phan Khôi ra Hà Nội, đầu 1947 thì bắt đầu gia nhập Đoàn Văn hóa kháng chiến. Từ đây đến 1954, Phan Khôi “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” với văn nghệ sĩ và đồng bào Việt Bắc. Đó là một bối cảnh lớn, và Phan Khôi, dù là thế hệ nhà nho cuối cùng, cũng đã kịp chứng kiến, trải nghiệm. Phan Khôi xung phong ra mặt trận với bộ đội, tự nguyện đăng đơn tham dự lớp chỉnh huấn tư tưởng, để cải tạo đầu óc tiểu tư sản, để gần gũi với công nông binh, để nhận thức vai trò của văn nghệ là phục vụ chính trị như mục tiêu nhất quán ở thời kì ấy. Không ghê gớm đến mức “lột xác” nhưng Phan Khôi, mà sự chuyển biến tư tưởng phải được cụ thể hóa bằng bản Tự kiểm thảo như phép thông công với chế độ mới, đã trở nên là ví dụ điển hình cho thân phận văn nghệ sĩ, trí thức bị thử thách đến tận cùng trước những khúc cua đường lối ngặt nghèo mà thời cuộc đưa đến. Tuy nhiên, khác với nhiều nhà văn chấp nhận “lột xác” hoàn toàn, vì không chủ định sáng tác nên mối bận tâm và công việc chủ yếu của Phan Khôi thời gian này là nghiên cứu tiếng Việt và dịch, viết về Lỗ Tấn. Đó là cơ hội, là không gian, xét đến cùng, bảo hiểm cho Phan Khôi cả về sức khỏe, tâm thái lẫn nhận thức trước hai thứ ông luôn đối mặt: áp lực phải tự phê bình, thủ tiêu tư tưởng cũ và các trận sốt rét rừng triền miên. Khi khảo cứu về tiếng Việt, Phan Khôi thường có mục Viết thêm về sau ở những bài ông cho rằng cần bổ sung, cần tìm thêm chứng cớ. Thao tác ấy, nhờ độ lùi thời gian cũng như lời lẽ hiệu chỉnh cần thiết, đã giúp ông chắc chắn hơn trong các kết luận và đồng thời, duy trì tinh thần khoa học rất nghiêm túc, thấu đáo. Nhưng con người thông thái và không kém phần hài hước ngầm ở Phan Khôi còn theo đuổi một hứng thú khác: ghi chép những thành ngữ, điển tích, các sự vật sự việc diễn ra trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, từ đó, tập hợp thành Quà Việt Bắc, sau hoàn thiện thêm và đổi tên là Nắng chiều mà nhiều câu chuyện trong đó đã bị diễn dịch sai lệch khiến bản thảo cũng bị thiêu đốt. Dù sao, Phan Khôi ở Việt Bắc là Phan Khôi tròn vai công dân của chính thể mới. Và ông không ít lần thực sự xúc động khi người đứng đầu chính thể ấy, Hồ Chủ tịch, tỏ ra quan tâm, quí trọng ông.

Phần ba: Nắng được thì cứ nắng – kể lại khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng cũng là bước ngoặt của Phan Khôi, từ khi hòa bình lập lại, 1954, đến ngày ông mất, 1959. Thời gian này, ông chủ yếu cộng tác với tờ Văn nghệ với mức độ không thường xuyên và thiên về mảng ngôn ngữ, từng xuất bản Việt ngữ nghiên cứu (1955). Ông tiếp tục dành nhiều thời gian cho dịch thuật, nhất là tiểu thuyết và tản văn Lỗ Tấn; ghi chép, phân loại ca dao tục ngữ. Tháng 8/1956, một bước ngoặt mới lại đến với Phan Khôi: ông cho đăng bài báo Phê bình lãnh đạo văn nghệ trên Giai phẩm mùa thu (tập I). Tháng 9/1956, bán nguyệt san Nhân văn ra số 1, mà chủ nhiệm là Phan Khôi, thư kí tòa soạn là họa sĩ Trần Duy và những người viết chính là Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm… Tờ này ra được năm số, số 6 đang in thì bị tịch thu (12/1956). Cùng khoảng thời gian này, ở Giai phẩm mùa thu – tập II (30/9/1956), Phan Khôi đăng bài khảo cứu nhỏ có tên Ông bình vôi; ở Giai phẩm mùa thu tập III (cuối tháng 10/1956), cho đăng ba bài thơ: Hồng gai, Hớt tóc trong bệnh viện quân y, Nắng chiều. Sau đó, tháng 1/1958, Phan Khôi cho đăng truyện ngắn Ông Năm chuột trên báo Văn (số 36, tờ báo của Hội nhà văn, và cũng sớm bị đóng cửa). Toàn bộ những bài báo, tác phẩm này đều nằm trong diễn biến của phong trào (gọi quen thuộc) Nhân văn – Giai phẩm, một sự kiện văn nghệ mà sức cộng hưởng lẫn dư âm của nó đã nổ ra hết sức mạnh mẽ ở thời đó cũng như kéo dài hệ lụy về sau. Kết thúc của bước ngoặt mà chắc chắn Phan Khôi không ngờ tới nhưng sẵn sàng đón nhận, là ông bị Hội Nhà văn khai trừ, cuộc sống đời tư của ông lâm vào khó khăn, trước tác của ông không được nhắc đến. Phần này, có thể nói, đưa lại nhiều thông tin xoay quanh sự kiện Nhân văn – Giai phẩm, cũng là những trang cho thấy bi kịch của một đại gia đình đã bắt đầu như thế nào, dưới những tác nhân của giai đoạn đầy rẫy quan điểm độc tôn, của thứ quán tính lí lịch chủ nghĩa dớ dẩn, của toàn bộ thói đời đổi trắng thay đen. Năm 1959, Phan Khôi chết. Một năm sau, người con trai cả đang thành danh là Phan Thao cũng đột ngột qua đời. “Thế là, chỉ năm trước năm sau, đại gia đình ông mất đi hai người quan trọng nhất, như cái nhà bay mất nóc và cái cột cái cũng gãy đổ theo” (tr.630). Từ giữa những năm 1960, đại gia đình này, như hầu hết người dân Hà Nội lúc đó, phải sơ tán nhiều nơi do chiến tranh phá hoại lan rộng và vì thế, họ không có điều kiện để trông coi mộ phần Phan Khôi. Kí ức về cái chết và đám tang của cha, được nhắc lại, chỉ để tô đậm khoảnh khắc bi thảm mà gia đình này từng lưu giữ: khắc sâu trong tâm khảm họ đó là một đám tang hiu hắt, ảm đạm, âm thầm như không thể hiu hắt, ảm đạm, âm thầm hơn được nữa (tr.624). Như vậy, Phan Khôi sau 1954, ngoài niềm vui đoàn tụ gia đình, thì đa phần rơi vào ưu tư, im lặng và đã bị/được chọn hiển thị cho những tiếng nói tìm kiếm nhân văn và tự do chân chính của nền văn nghệ. Ông hoàn thành vai trò ấy một cách đàng hoàng trong điều kiện các giới hạn thời gian, tư liệu tham bác và sức khỏe cá nhân tương đối hạn chế.

Phần bốn: Vĩnh hằng Hợp Thiện – Bạc Hà, có lẽ, là phần xúc động nhất, cho thấy những người thân trong gia đình Phan Khôi, đã dốc hết mọi cách, kể cả việc trông cậy vào bói toán tử vi như thói quen của bất kì gia đình Việt nào từng nếm trải tâm trạng bất an về “cõi âm”, để lo một kết thúc có hậu cho bậc sinh thành dưỡng dục của mình. Biến thiên sơn hà thời cuộc đã không chừa cả một nắm xương nằm sâu dưới ba tấc đất: Phan Khôi, xuất thân từ gia đình nhà nho quan lại, làm báo hai mươi năm dưới chế độ thực dân phong kiến, nổi tiếng thẳng thắn và học vấn, đã mãi mãi nằm dưới khuôn viên nhà máy Dệt Minh Khai (vốn được xây trên nền đất nghĩa trang Hợp Thiện) lặng lẽ như một bình dân vô danh. Cực chẳng đã, con cháu đành xây ngôi mộ gió cho ông tại cố quận Bảo An, nơi linh hồn ông có thể kề cận với gia tộc tổ tiên. Trên mộ chí, dù có phần chưa thật chính xác, nhưng có khắc ghi một định danh khiêm tốn “Nhà văn, nhà báo Phan Khôi” kèm tiểu sử vắn tắt của ông.

3. Nhà văn, nhà báo, trên thực tế, là công việc chủ yếu của thế hệ trí thức năm 1925 mà GS Trịnh Văn Thảo đã khảo sát trong công trình của mình (Ba thế hệ trí thức người Việt [1862-1954] nghiên cứu lịch sử xã hội, NXB Thế giới, 2013). Phan Khôi có tên trong danh sách 122 trí thức kiểu này và như nhiều người khác, ông còn chủ động “dạy tư” một khoảng thời gian ngắn, chủ yếu vì mưu sinh. Phan Khôi từng tham gia hoạt động chính trị và không ít lần tỏ ra thông hiểu chính trị, nhưng trước sau, làm báo, viết văn, lao động học thuật mới là mục đích chính của ông. So với những người cùng thời và đồng nghiệp quen biết Phan Khôi được nhắc đến trong cuốn sách, chẳng hạn Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, thì Phan Khôi cũng không có nhiều trải nghiệm vị thế “quan chức” hay “công chức” như họ. Điều này cho thấy ông tự nguyện dấn thân vào nhu cầu tri thức và từ đó để tự “nuôi thân” hơn là tìm kiếm danh vọng, uy thế xã hội để “vinh thân”. Từ nhà Nho – ông Tú, đến nhà văn – nhà báo, đôi khi được gọi là “học giả”, là quá trình Phan Khôi kiên trì nỗ lực thích ứng và đáp ứng với bối cảnh tri thức mới, văn hóa mới. Từ và trong quá trình này, cuộc đời, con người của Phan Khôi hiện lên thật hấp dẫn trong nhiều chi tiết tiểu sử và gây được bàn luận trong các chặng đường công nghiệp, không chỉ vì nó là kết quả của một cá tính độc đáo, một thái độ nhập cuộc xông xáo, quyết liệt giữa đời sống mà còn xuất phát từ năng lực vươn tới xây dựng những chỉ dẫn học thuật, tư tưởng mang tính can dự sâu sắc vào đời sống ấy. Nếu phải nhìn rộng hơn, thì có thể thấy, ở thế kỉ XX, Việt Nam có quá nhiều tác nhân và thực tế để biến một con người bình thường trở nên bất thường hoặc phi thường. Nhưng cũng không loại trừ, rất nhiều cá nhân bình thường, thậm chí là xoàng xĩnh và nhạt nhẽo trong tài năng lẫn nhân cách, bằng những chiêu thức không thể định danh, đã dồn đẩy cái thực tế vào những đòi đoạn mà chính họ cũng không ngờ tới. Giữa hai thái cực đó, không hề có Phan Khôi. Bởi ông là người vượt lên được sự tầm/bình thường của nhân quần và bất thường của thời cuộc để có thể tạo tác chân dung thật chân xác về mình, bất chấp mọi bôi đen hay tô vẽ đã từng không nương tay với ông. Nét riêng như nhất này, chắc chắn, là bản sắc Phan Khôi và đã được chính ông diễn đạt bằng lời lẽ đầy hình ảnh: nắng được thì cứ nắng. Tự nhủ như vậy, Phan Khôi đã hiện hữu như vậy.

4. Vẫn phải dành vài lời cho cách dựng nên cuốn sách mà người thực hiện, Phan An Sa, gọi là “tiểu sử kí sự”. Thao tác khôi phục, chắp nối, cố gắng chính xác hóa và “trữ tình hóa” các thông tin, tài liệu của/về Phan Khôi đặng giúp tiểu sử/con người Phan Khôi tường minh, sinh động hơn đã được tác giả duy trì nhất quán. Vì thế, tác giả chủ động nhập vai nhà thư tịch, nhà bình luận trước khi cất tiếng nói từ vai người thân trước đối tượng mình phục dựng. Dĩ nhiên, cuốn sách rất hấp dẫn này không thiếu những cảm xúc, cách nhìn từ tâm thế hôm nay, vốn không còn bị bó hẹp hoặc sơ sài nữa, về diễn biến, tính chất của các sự kiện quá khứ khiến mức độ nguyên trạng của “con người này” có phần xê xịch. Ở đây, tôi nghĩ, vẫn có thể chấp nhận được nếu ta hiểu rằng, cuốn sách vừa là động thái tiếp tục chiêu tuyết Phan Khôi, vừa là dịp để bổ khuyết những gì chưa đầy đủ về Phan Khôi mà những người yêu mến, nghiên cứu ông lâu nay vẫn chờ đợi.

Tác giả