Biển trong ngôn ngữ người Việt

Dù cho còn nhiều điều phải tranh cãi về tư duy biển Việt Nam, không ai có thể phủ nhận được rằng, có một nét văn hóa biển vẫn âm thầm chảy trong tâm thức của chúng ta. Những biểu hiện sinh động trong ngôn ngữ về biển cho thấy vai trò quan trọng của biển trong đời sống cũng như tâm lý người Việt Nam, qua đó phác họa nên một cách tổng quát về tư duy biển của ông cha từ ngàn đời.

Vài biểu hiện ngôn ngữ

Trong kho tàng văn hóa dân gian lưu truyền đến ngày nay, chúng ta dễ dàng tìm thấy sự thường trực của biển trong tâm thức người Việt Nam. Những tình cảm yêu thương thiêng liêng, to lớn của con người thường được ví với biển như:

Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông

hay:

Trèo lên trái núi Thiên Thai,
Thấy đôi chim phượng ăn ngoài biển Đông.

hoặc thậm chí là:

Tre tàn ống quấn tơ bông,
Cưới em không được, xuống biển Đông trầm mình!

Sự thường trực đó có được nhờ sự gắn bó khá mật thiết trong cuộc sống của người Việt Nam ở nhiều vùng miền với biển, chẳng hạn ở Hòn Yến (Phú Yên), có những câu ca dao như:

Ngó vô Hòn Yến xanh xanh
Thấy em đan lưới, thấy anh kéo mành.
Bữa nay anh gối tay nàng
Bữa mai ra biển anh gối đàn dây neo.
Chiều chiều sóng vỗ Bãi Bàng
Một ngày xa bạn ăn vàng không ngon
Cũng nguyền một tấm lòng son
Nhớ em nước mắt nhỏ mòn con ngươi.
Ngó ra Hòn Yến ba lần
Thấy anh ở trần trong dạ xót xa.

Cũng nhờ sự tiếp xúc với biển, người Việt Nam đã hình thành những triết lý nhân sinh, nguyên tắc ứng xử giản dị và mặn mòi:

Dã tràng xe cát biển Đông
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.
Ngồi buồn chẳng chịu tiếp gai
Tới khi đánh cá, mượn chài ai cho?
Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.

Tư duy biển trong ngôn ngữ Việt: mạnh hay yếu?

Là một quốc gia ven biển, có đường bờ biển chạy dài tới hơn 3000 km, khó có thể nói người Việt Nam không có tư duy về biển. PGS. TS Ngôn ngữ học Nguyễn Hữu Đạt thậm chí còn cho rằng “chính vì sống gắn bó với biển từ xa xưa nên người Việt Nam rất có ý thức về biển. Có những câu thành ngữ như “trăm sông đổ về biển”, biển như một cái rốn, nơi tích tụ của tài nguyên và chứa đựng tất cả vật báu ở đời. Trong thời kỳ hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển quan niệm của cha ông thì mới nói cái câu “rừng vàng, biển bạc”. Một câu thành ngữ chung là “đầu gối sơn, chân đạp thủy”, vừa áp dụng cho tư thế tựa vào núi, nhìn ra sông, ra biển của người Việt Nam là một cái thế rất vững chãi”.

Chính vì những biểu hiện như vậy mà vị PGS của Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) này đã đi đến một nhận định rằng, “hình ảnh của biển là một biểu trưng văn hóa, được người Việt tư duy, đưa vào tâm thức của mình để mà nhận biết những vấn đề như quan hệ tình cảm, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội”.

Mặt khác, mặc dù nhiều vùng miền gắn bó với biển và thể hiện điều đó một cách sinh động trong ngôn ngữ, rất khó tìm thấy được trong đó tham vọng lớn nào của người Việt Nam liên quan đến biển. Hầu hết mọi sinh hoạt được phản ánh trong ngôn ngữ và văn học dân gian đều là những hoạt động ven bờ như đan lưới, quăng chài, ít khi mô tả cảnh khơi xa, sóng dữ, về khát khao vượt trùng dương chinh phục biển cả của con người. Ước mơ lớn nhất của người Việt Nam về biển có lẽ là “tôm cá đầy ghe”, thể hiện những mục tiêu nhỏ bé và có thể đạt được một cách dễ dàng.

Ngay cả vào thời hiện đại, khi Việt Nam đang trên con đường hội nhập với thế giới, dấu vết của tư duy ven bờ vẫn chưa hết hẳn, thể hiện qua sự phổ biến của những câu nói như “vững tay chèo ra biển lớn”. Có nhà nghiên cứu cho rằng, ngay cả khi muốn ra khơi xa, chúng ta vẫn tiếp cận với biển với tư duy “ven bờ”, bằng những công cụ “ven bờ”, bởi chẳng ai ra biển lớn được với những mái chèo lạc hậu.

Trong lịch sử, ngư dân cũng bị coi là những người đứng bên lề cộng đồng xã hội. Nhiều vùng nông thôn Việt Nam ngày xưa tồn tại mâu thuẫn giữa dân ngụ cư (trong đó có dân chài) và chính cư. Muốn được coi là dân chính cư, phải thỏa mãn một số điều kiện như: đã cư trú ở làng ít nhất ba đời, có điền sản… Mà người làm nghề chài lưới thì sống trên thuyền, không bám đất, lấy đâu ra điền sản, cho nên càng dễ bị gắn “kiếp ngụ cư” lâu dài và bị khinh rẻ. Trong quá khứ, ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Hạ Long, cộng đồng chài lưới bị gọi là “người Hạ”, với hàm ý coi thường. Ở Thừa Thiên- Huế, dân thủy cư bị gọi là Mọi (từ “mọi” trong man di, mọi rợ).

Ngôn ngữ thể hiện tư duy của một dân tộc. Không một biểu hiện ngôn ngữ nào có thể đại diện cho văn hóa biển của người Việt Nam, bởi sự khác biệt vùng miền là tương đối lớn. Tuy vậy, dù có lạc quan đến mấy, cũng phải thừa nhận rằng với những gì thể hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt, có thể thấy là tư duy biển của người Việt cổ còn yếu; và cho đến nay, chúng ta vẫn có xu hướng “bám đất” nhiều hơn.

Tác giả