Birdman – Đập cánh bằng một cú máy

LTS: Không chỉ phân tích vì sao Birdman của đạo diễn người Mexico Alejandro Gonzalez Inarritu, giải Oscar 2015 dành cho Phim hay nhất, lại là bộ phim đáng mơ ước, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn còn chia sẻ hiểu biết của anh về những bộ phim được thực hiện theo phong cách chỉ với một cú máy dài như Birdman.

Đã từ rất lâu, khi các đạo diễn muốn khán giả phải choáng ngợp trước sự hoành tráng của đại cảnh hoặc sự phức tạp của một trường đoạn hành động, họ đã sử dụng một công cụ đặc sắc: thủ pháp long take. Đó là thuật ngữ để chỉ một cú máy được quay cực dài, chuyển động hoặc đứng im, nhưng liền mạch, không cắt cúp. Ngay từ trước khi có các thiết bị cân bằng máy quay, các nhà làm phim cổ điển như Carl Theodor Dreyer, Mikhail Kalatozov, Jean-Luc Godard… đã tạo ra các cú long take đi vào lịch sử điện ảnh. Nhiều người đã biến thủ pháp này thành dấu ấn riêng như Martin Scorsese, Theodoros Angelopoulos hay Paul Thomas Anderson. Và cũng không cần mất nhiều thì giờ, các nhà làm phim đã mơ về những bộ phim chỉ có một cú máy liên tục. Trước khi có sự trợ giúp của kỹ xảo máy tính, do giới hạn thời lượng của các cuộn phim nhựa, Alfred Hitchcock đã phải dùng các thủ thuật nối phim để 11 cú long take riêng lẻ có thể nối liền vào nhau giống như được quay liên tục trong tác phẩm Rope (1948).

Thời đại ghi hình kỹ thuật số giúp loại bỏ giới hạn về thời lượng: năm 2002, bộ phim Russian Ark (đạo diễn Alexander Sokurov) đã được quay vỏn vẹn trong một ngày – sau hai lần thất bại, cú máy thứ ba dài 88 phút đã thành công khi diễn tả 300 năm lịch sử nước Nga. Để làm được điều đó, nhà quay phim đã phải mang máy quay cùng các thiết bị phụ trợ lên đến vài chục cân, di chuyển liên tục qua trọn vẹn khuôn viên của Cung điện Mùa đông, quay những đại cảnh hàng trăm diễn viên. Hiện nay, kỹ xảo vi tính tối tân có thể giúp cho các nhà làm phim thể hiện được những cú máy dài cực khó, phức tạp đến mức không tưởng. Nhờ thế, thủ pháp này xuất hiện khá thường xuyên trong cả các phim bom tấn như The Avengers (đạo diễn Joss Whedon, 2012) lẫn những phim nghệ thuật đặc thù như Enter the Void (đạo diễn Gaspar Noé, 2009), và chưa bao giờ nó ngừng khiến cho khán giả phải há hốc mồm trước những chuyển động máy quay tuyệt vời giữa không gian rộng lớn. Bởi vậy, có thể nói long take chính là thủ pháp làm phim công phu nhất trong kho vũ khí của các đạo diễn. Như vậy, Birdman không phải phim đầu tiên được thực hiện theo kiểu một cú máy liên tục, thế nhưng chắc chắn nó sẽ là bộ phim giúp cho long take trở nên quen thuộc với khán giả hơn. Hiển nhiên rồi, bởi tác phẩm mới nhất này của đạo diễn Alejandro Gonzalez Inarritu đã giành tượng vàng Oscar cho Phim hay nhất tại lễ trao giải diễn ra hôm 22/2 vừa qua.

Alejandro Gonzalez Inarritu – người Mexico, sinh năm 1963 – là một trường hợp đặc biệt trong giới đạo diễn – ông đến với điện ảnh khá muộn sau khi từng sống lang bạt qua ba châu lục và làm nhiều nghề khác nhau, kể cả việc sáng tác nhạc phim. Chính vốn sống ấy đã hình thành nên phong cách nghệ thuật của Inarritu. Lần lượt bốn bộ phim: Amores Perros (1999), 21 Grams (2001), Babel (2005), Biutiful (2010), đưa tên tuổi của ông lên hàng bậc thầy, là bốn bộ phim với một không khí chung xuyên suốt. Đó là sự cô đơn, phân mảnh, bé mọn của cuộc sống con người giữa một thế giới bao la, đa sắc tộc. Các nhân vật trong phim của Inarritu bằng cách này hay cách khác, là biểu tượng cho sự khát khao được yêu thương và thông hiểu lẫn nhau của nhân loại. Thế nhưng, sau khi làm xong bộ phim Biutiful dày đặc các xúc cảm nặng nề, Inarritu muốn làm mới mình. Và thế là ý tưởng về một bộ phim có nhiều chất hài châm biếm ra đời.

Câu chuyện của Birdman gói gọn khoảng thời gian vài ngày ngắn ngủi nhưng đặc biệt quan trọng trong cuộc đời Riggan Thompson (Michael Keaton), một ngôi sao điện ảnh từng thủ vai siêu anh hùng Birdman trong một loạt phim bom tấn thu lời hàng tỷ dollar. Tuy nhiên Riggan giờ đây chỉ là một diễn viên hết thời, già nua và mệt mỏi, khao khát vượt qua được cái bóng của Người Chim, mong được công nhận như một nghệ sĩ tài năng thực sự. Nước cờ mà Riggan liều mạng đánh cược tất cả là một vở kịch chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Raymond Carver mà Riggan vừa đạo diễn vừa sắm vai chính. Nhưng chẳng dễ dàng gì để giữ cho tâm lý mình vững vàng, khi mà bủa vây quanh Riggan là muôn vàn áp lực từ đủ mọi phía: phải chứng tỏ bản lĩnh trước một bạn diễn quá tài năng (Edward Norton), lo chuyện tài chính cùng nhà sản xuất (Zach Galifianakis), giới phê bình thì đang chờ để được chê bai, bạn gái thì dọa có thai, và con gái (Emma Stone) mới cai nghiện, làm trợ lý nhưng lúc nào cũng chực bùng nổ vì giận ông bố bao nhiêu năm bỏ bê con cái. Và hơn tất cả, chính nhân vật siêu anh hùng Người Chim cũng đang ám ảnh tâm trí Riggan, khiến ông lâm vào hoang tưởng. Kết cục nào sẽ chờ đợi Riggan?

Michael Keaton, từng thủ vai Batman, được chọn vào vai Riggan Thompson, ngôi sao điện ảnh lừng lẫy một thời với vai Birdman, giờ đã già nua, mệt mỏi nhưng vẫn khao khát vượt qua cái bóng của Người Chim. Đạo diễn Inarritu từng phát biểu: “Keaton không chỉ là một lựa chọn, anh ấy chính là gã đó.”


Vô tình, chủ đề về một nghệ sĩ sẵn sàng rũ bỏ tất cả vì nghệ thuật ở Birdman có sự tương đồng rõ nét với bộ phim Whiplash (đạo diễn Damien Chazelle) cũng được đề cử Oscar năm nay. Chỉ khác là  Whiplash nói về những mâu thuẫn nội tại của những người làm nghệ thuật, còn Birdman nhìn vào người nghệ sĩ trong tương quan xã hội với công chúng và giới phê bình. Về mặt này, Birdman đã khắc họa khá chân thực và đầy tính châm biếm các vấn đề trong giới nghệ thuật: nào là công chúng trẻ chỉ ham chuyện giật gân, người xem nghệ thuật thì già cỗi và trưởng giả học làm sang, giới phê bình cao ngạo chuyên tìm cách huỷ hoại nghệ sĩ, và bản thân nghệ sĩ thì chất chứa sự suy sụp đằng sau ánh đèn màu. Giữa không khí hiện thực đó, Birdman lại được thêm vào các yếu tố của chủ nghĩa siêu thực khi trong tâm trí hỗn loạn của Riggan Thompson, Người Chim hiện ra, không ngừng thủ thỉ vào tai ông, khiến ông ngỡ mình cũng có siêu năng lực.

Là câu chuyện diễn ra trong vài ngày, Birdman mang đầy đủ tính chất của dạng chuyện slice-of-life (lát cắt cuộc sống), với nhiều chi tiết đời thường và gây cảm giác vô định. Nhưng cũng không giống một phim slice-of-life thông thường, Birdman được tác giả của nó tạo ra để mô phỏng không khí sân khấu đậm đặc. Chính vì thế câu chuyện diễn tiến liên tục không nghỉ như một vở kịch, và khán giả bị cuốn đi trong những mâu thuẫn tâm lý rất mạnh giữa các nhân vật. Một bộ phim như vậy rất cần những diễn viên xuất sắc. Inarritu từng phát biểu: “Keaton không chỉ là một lựa chọn, anh ấy chính là gã đó.” Rất khó để phản đối nhận định này, bởi Michael Keaton không ai khác chính là người đã vào vai siêu anh hùng Batman, được coi là hình tượng Người Dơi thành công nhất. Sự tương đồng với nhân vật khiến Keaton trước khi nhận vai đã phải hỏi thẳng đạo diễn rằng, liệu có phải bộ phim muốn chế giễu bản thân ông hay không. Nhưng sự thực thì thần thái của Người Dơi ngày xưa chỉ là một điều kiện, điều tối cần thiết vẫn là kinh nghiệm và tài năng diễn xuất đủ lớn để thể hiện được tâm trạng hoang mang, mệt mỏi, bối rối và cả khát khao được khẳng định mình, được sửa chữa cuộc đời mình trong Riggan. Tiếc là giải Oscar đã không vinh danh Keaton, nhưng đây chắc chắn là vai diễn để đời của nam tài tử này. Cũng không thể không nhắc đến Edward Norton và Emma Stone, hai diễn viên đã phô diễn tài năng đáng nể khi diễn cặp với Keaton trong những trường đoạn cao trào nhất.

Dù vậy, chỉ đạo diễn xuất lại chưa phải là điều chứng minh tài năng của đạo diễn Inarritu trong Birdman, bởi vì chính lối kể chuyện bằng một cú long take xuyên suốt cả bộ phim mới là điều mà khán giả nhớ nhất. Ngay từ đầu, đây đã là ý đồ chủ đạo của nhà làm phim Mexico. Ông nói rằng, cuộc sống là một dòng chảy không có cắt ghép, và bằng cách kể chuyện một cú máy, ông đưa khán giả bước thẳng vào trải nghiệm cuộc sống không lối thoát của nhân vật. Để làm được điều này không hề dễ dàng, và chính tính chất đan cài cả hai mảng hiện thực và kỳ ảo là chỗ khiến cho Birdman không giống bất kỳ bộ phim một cú máy nào trước đó.

Có thể nói, khi bắt tay vào xây dựng một dự án mà bản thân mình còn chưa dám chắc về tính khả thi kỹ thuật, Birdman đã là một canh bạc của Inarritu, không khác gì nhân vật Riggan Thompson với vở kịch của mình. Rất may là khác với Riggan, Inarritu đang ở đỉnh cao sự nghiệp với rất nhiều giải thưởng trong tay, và ông không cô độc khi có rất nhiều cộng sự sẵn sàng tham gia vào dự án đầy thử thách nhưng hấp dẫn này. Trước hết, đạo diễn cùng với ba biên kịch đã phải mất gần hai năm rưỡi để viết ra kịch bản của bộ phim. Tốn thời gian như vậy bởi vì họ phải tính toán kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ. Armando Bo, một trong bốn tác giả kịch bản, phát biểu: “Nhiều điều vốn thường được quyết định ở phòng dựng phim, chúng tôi lại làm từ trước khi phim bấm máy.” Với các bộ phim khác, Inarritu có xu hướng để cho các diễn viên ứng tác trong diễn xuất, nhưng riêng với Birdman thì từng câu thoại, từng hành động đều không thể thay đổi. Bởi chỉ một chút sai lệch trong diễn xuất cũng sẽ làm máy quay chệch ra khỏi sự căn chỉnh đã tính trước và các diễn viên đã phải tập diễn trong một khoảng thời gian dài để giảm thiểu nguy cơ đó.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, lối làm phim chỉ bằng một cú long take có điểm yếu cốt tử, đó là đạo diễn chỉ được sử dụng duy nhất một tiêu cự ống kính góc rộng để giữ cho độ ổn định của hình ảnh ở mức tối ưu. Trong khi đó, các tiêu cự lại là một yếu tố kể chuyện hết sức quan trọng, khi hiệu quả quang học của chúng sẽ đem lại các cảm xúc khác nhau cho khán giả. Đối với Birdman, Inarritu chọn ống kính có tiêu cự 18mm. Đây là loại ống kính cho trường nhìn rất rộng và nó khiến hình ảnh diễn viên sẽ bị bóp méo nếu ở quá gần. Nhưng Inarritu đã quyết định chọn ống kính này dựa trên những nhận định chuyên môn chính xác. Câu chuyện của Birdman chứa đầy xung đột mạnh và một ống kính góc rộng là hợp lý. Ở những khoảnh khắc cần một góc nhìn mềm mại hơn, ống kính này sẽ không phù hợp nhưng những chi tiết như vậy không xuất hiện quá nhiều. Hơn nữa, Inarritu còn có người cộng sự chịu trách nhiệm về hình ảnh là nhà quay phim Emmanuel Lubezki mà tài năng không cần phải bàn cãi khi ông từng giành giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất với bộ phim Gravity hồi năm ngoái. Lubezki đã đảm bảo cho không có bất kỳ sai sót nào, bất chấp việc máy phải quay phải chuyển động phức tạp qua các không gian phong phú. Đây là một thành quả không hề nhỏ về kỹ thuật quay phim, và không có gì ngạc nhiên khi một lần nữa nhà quay phim có biệt danh Chivo (nghĩa là Con Dê) này lại giành giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất. Tất cả những tính toán và nỗ lực của nhà làm phim đã tạo nên một trải nghiệm điện ảnh độc đáo hiếm có, khán giả thực sự bị cuốn phăng vào cuộc sống của Người Chim, trôi trong dòng chuyển động của máy quay và cảm nhận những mâu thuẫn một cách trực diện nhất có thể, dù bộ phim không thực sự được quay liền mạch mà bao gồm nhiều cú máy dài được ghép cực khéo bằng kỹ xảo máy tính.

Sự phức tạp của Birdman khi kết hợp trong mình nhiều yếu tố kỹ thuật gần như không tưởng đã đủ khiến cho bộ phim được đa số giới phê bình hoan nghênh nồng nhiệt còn khán giả thì choáng ngợp. Nhưng cũng có một số ít những ý kiến cho rằng sự lôi cuốn của nó hoàn toàn nhờ ở kỹ thuật quay phim, còn bản thân câu chuyện chưa đủ khiến người xem cảm động, điều mà các tác phẩm trước đây của Inarritu không hề thiếu. Những nhận định này không phải là không chính xác, khi môi trường xã hội của Birdman là quá đặc thù – xã hội của những người làm nghệ thuật – và bản thân việc sử dụng ống kính góc rộng cũng làm cho người xem thiếu đi cảm giác gần gũi với nội tâm của nhân vật. Tuy nhiên, những gì mà đạo diễn Inarritu muốn làm, ông đều đã làm được một cách thành công trong bộ phim này. Nói một cách khách quan, bộ phim đã có thể không hay đến thế nếu như được làm theo cách thông thường. Điều đó chứng minh sự lựa chọn dùng long take của Innaritu là chính xác thế nào khi có thể nâng tầm cả câu chuyện. Nhờ thế, Birdman đã vượt qua được giới hạn của một thử nghiệm kỹ thuật đơn thuần, nó là một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh về mọi mặt. Thực hiện thành công một bộ phim như vậy chính là ước mơ của mọi nhà làm phim trên thế giới.


Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)