Book Box: Để sách luôn được đọc

Cách đây vài năm, nếu không có người đầu tiên thiện nguyện đặt xô trà đá miễn phí tại một vỉa hè TP Hồ Chí Minh, thì chắc chắn bây giờ sẽ không có những xô trà đá miễn phí xuất hiện mọi nơi. Nếu những ngày cuối tháng Ba năm nay không có Book Box đầu tiên được đặt trước một quán café ở TP Hồ Chí Minh thì có thể nhiều cuốn sách không tìm được người đọc của mình.  

Book Box là một dự án phi lợi nhuận, vì cộng đồng và hoạt động hoàn toàn dựa trên tinh thần chia sẻ tự nguyện. Các hộp sách ở nhiều hình dạng sẽ được đặt tại các quán cà phê hay khu vực trung tâm. Mỗi hộp sách chứa từ 10 đến 20 cuốn sách và ai cũng có thể lấy sách từ hộp về đọc, với điều kiện phải thay vào đó một cuốn sách khác. Tia Sáng có cuộc trò chuyện với Phương Huyên, một người yêu sách đã cùng với bạn bè của mình xây dựng và phát triển dự án này.

Những người yêu sách, thích sưu tập sách, coi sách là tài sản quí giá thường lúc nào cũng cảm giác mình thiếu sách và mong được làm đầy, còn dự án Book Box lại được xây dựng từ sự cho đi? Book Box có tham vọng thay đổi văn hóa đọc ở Việt Nam không?

Phương Huyên: Sách mang đến cho mình hai thứ là tri thức và cảm xúc. Khi mình đã có những cái đó trong đầu, mình sẽ không bao giờ mất đi. Đến với dự án Book Box, có rất nhiều bạn cho đi những cuốn sách mà họ thích. Cuốn sách đó mang đến cho họ điều quí giá rồi thì nó cũng có thể mang đến cho những người khác những giá trị tương tự. Một Book Box có nhiều người trao đổi, mỗi người có một cá tính, thói quen đọc riêng tạo nên sự phong phú về lựa chọn và khám phá. Điều ấy tạo nên văn hóa của một cái Book Box.


Một Book Box mới trên đường Võ Văn Tần, TP Hồ Chí Minh. Ảnh từ FB Phương Huyên

Book Box dựa trên một ý tưởng tương tự, dự án Free Little Library, đã được thực hiện tại một số nước. Chúng tôi cảm thấy tinh thần vì cộng đồng và sống bằng cộng đồng này rất nên được giới thiệu tại Việt Nam. Đối với các bạn trẻ, các bạn sinh viên, để sở hữu một số cuốn sách chưa chắc đã phải là điều dễ dàng. Book Box trước hết nhằm đến những đối tượng như vậy. Book Box có thay đổi văn hóa đọc hay không, chưa phải là điều chúng tôi nhắm tới. Chúng tôi chỉ muốn góp phần tạo ra thói quen đọc và chia sẻ.

Umberto Eco cho rằng sách là một trong những phát minh đã đạt đến độ hoàn hảo rồi và nó không cần phải cải tiến nữa. Thiết nghĩ, bảo toàn sự hoàn hảo của sách giấy, Book Box đã tạo ra một con đường mới để sách tìm đến độc giả của mình thay vì nó có thể “chết lâm sàng” trong một cái tủ nào đó?

Phương Huyên: Đúng. Để cho sách được đọc chính là mục đích cho sự ra đời của Book Box. Book Box giống như một café sách mà bạn vào đó đọc sách mà không phải uống café. Bạn có thể mang cuốn sách mình cần, mình chưa đọc về nhà và đặt lại một cuốn sách khác của bạn. Book Box là mua sách bằng sách. Có thể đổi một cuốn năm mươi ngàn lấy một cuốn một trăm ngàn. Bạn không phải băn khoăn đến giá của sách. Bạn cũng có thể lấy sách từ Book Box để đọc rồi trả lại chỗ cũ, không cần đổi. Book Box được quản lý bởi chính ý thức của bạn.

Như vậy, Book Box cũng đem đến một cơ hội thực hiện một hành động văn minh?

Phương Huyên: Tôi cảm thấy sự thiếu lòng tin ở cộng đồng đang ngăn cản chúng ta làm những điều tốt. Rất nhiều người ủng hộ ngay khi ý tưởng về Book Box được chia sẻ. Cũng có một số người nghi ngại về chuyện một thư viện mini được đặt công cộng như thế thì có bị trộm cắp, phá hoại hay không. Nhưng chúng tôi tin trong trường hợp xấu nhất, những cuốn sách bị biến mất hoàn toàn thì nó vẫn được luân chuyển, vẫn đến tay ai đó. Và chúng ta thì còn lại câu chuyện để kể, chúng ta biết được ở Việt Nam đã có thể làm những việc tương tự dựa hoàn toàn trên ý thức cộng đồng hay chưa.

Trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều trang bán sách, cả cũ và mới, thu hút được sự theo dõi của các mọt sách có nhu cầu trao đổi và mua sách. Các mọt sách đã đổ bộ đến trang Facebook của Book Box chưa?


Một cô bé lớp Hai tới đổi sách tại Book Box: Cô bé
mang theo cuốn “Bác sĩ Ai-bô-lít” và khoe rằng đây là cuốn “Con thích nhất, con đọc nhiều rồi nên đem đến tặng vào hộp sách cho các bạn cùng đọc”.
Ảnh từ FB Phương Huyên

Phương Huyên: Trên trang Facebook Book Box, mọi người có thể theo dõi hoạt động của Book Box, biết các địa điểm đặt Book Box. Bạn cũng có thể đăng ký đặt Book Box hay đóng góp chi phí cho việc đóng các Book Box và mua sách. Mỗi khi có thông báo về việc đặt một Book Box mới, nhiều bạn rất hào hứng và ngay hôm sau đã tìm đến để đổi sách. Từ trang Facebook, chúng tôi đã có thêm rất nhiều tình nguyện viên cho dự án. Các bạn thường xuyên theo dõi sự lưu chuyển của sách trong các Book Box. Trong trường hợp sách ở quá lâu trong một Book Box nào đó, các tình nguyện viên sẽ chủ động mang sách đến đổi lượt mới.

Book Box, như những thư viện công cộng nhỏ, giải phóng sách ra khỏi các thư viện đóng kín, là một mô hình quá dễ để thực hiện. Bạn có lo ngại rồi sẽ có nhiều Book Box không mang tên Book Box của mình xuất hiện?

Phương Huyên: Mục tiêu của chúng tôi là đến cuối năm có 50 cái Book Box được đặt. Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội mà còn ở các tỉnh, thành phố khác. Chúng tôi mong sẽ có nhiều người “bắt chước” mình, nhân nó ra. Bạn cũng có thể làm một cái Book Box ngay trước cửa nhà mình. Tuy nhiên, nếu các bạn có cùng ý tưởng thì hãy kết hợp với Book Box, như vậy mạng lưới của chúng ta sẽ mạnh và sẽ dễ hỗ trợ nhau hơn.

Là một hoạt động cộng đồng ý nghĩa, Book Box có vận động sự tài trợ từ các thương hiệu?

Phương Huyên: Là một dự án hoàn toàn vì cộng đồng và phi lợi nhuận, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về chuyện gây quỹ để đóng box. Chúng tôi đang làm việc đó, tìm kiếm sự tài trợ cho chi phí đóng các Book Box từ các thương hiệu. Logo của nhà tài trợ sẽ được dán một cách hợp lý trên Book Box. Đó có thể là cách giúp các thương hiệu quảng bá, và đồng thời là lời cảm ơn của cộng đồng Book Box đến họ.

Chúng tôi cũng đang kêu gọi sự giúp đỡ từ ngay chính cộng đồng. Và thực ra, chỉ riêng việc bạn đọc xong một cuốn sách, rồi đi đổi nó lấy một cuốn mới về đọc, thì bạn đã giúp Book Box rồi.

Xin cảm ơn và chúc cho sách luôn được đọc với sự phát triển của Book Box!


Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)