Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc văn hóa Hà Nội (kỳ 1)
Không có một bản sắc Hà Nội với tư cách là một thực thể văn hóa xác định, bền vững và bất biến. Bản chất của văn hóa Hà Nội là đa dạng, đa chiều và đa nguyên.
Một bản sắc văn hóa riêng?
Các nghiên cứu đã có về Hà Nội, dù rất nhiều về số lượng nhưng dường như lại chỉ dựa trên một định đề duy nhất có sẵn, rằng thành phố này là một thực thể văn hóa xác định, đồng nhất và có bản sắc riêng. Hàng loạt các công trình nghiên cứu công phu về Hà Nội dường như mặc nhiên cho rằng đó là vấn đề không có gì phải bàn cãi, và nhiệm vụ của nhà nghiên cứu chỉ là chứng minh cho sự tồn tại và phân tích các đặc tính của một thực thể văn hóa như vậy. Thuật ngữ “người Tràng An” hay “người Hà Nội” thường được sử dụng như một khái niệm đương nhiên để chỉ lối sống thanh lịch– một nét riêng nổi bật của người dân thủ đô, một lối sống đã được định hình trong lịch sử, là sự kết tinh giữa tầng lớp nho sỹ và thương nhân ở đất “kẻ chợ” để tạo nên một loại hình “văn hóa kinh kỳ”.
Nỗi ám ảnh của giả thuyết về một bản sắc văn hóa riêng của Hà Nội đã làm nảy sinh chủ nghĩa hoài cổ và biến các công trình khoa học thành những bản tụng ca, gán cho thành phố này những giá trị vượt thời gian và không gian, tạo ra một lớp sương mờ ảo như huyền thoại phủ lên trên thành phố ngàn năm tuổi nhưng vẫn đang không ngừng đổi thay này.
Các công trình nghiên cứu về Hà Nội từ trước đến nay đều dựa trên các cách tiếp cận theo hướng luận giải duy tình [moral interpretation], nặng về khoa trương hoặc phảng phất hơi hướng của thuyết văn hóa trung tâm và ngoại vi mà các nhà nghiên cứu phương Tây đã dày công phát triển. Tuy coi Hà Nội như một trung tâm của hội tụ và lan tỏa văn hóa nhưng rất hiếm khi các nhà nghiên cứu chỉ ra một cách rõ ràng Thăng Long – Hà Nội với tư cách là một đô thị, một tỉnh (gồm cả khu vực nông thôn và đô thị), hay một vùng trong khi các thuật ngữ “người Hà Nội”, bản sắc Hà Nội”, “lối sống Hà Nội”, “ngôn ngữ Hà Nội”, v.v. thường được sử dụng như một khái niệm hiển nhiên để từ đó, hàng loạt các giá trị được dán vào. Gạt bỏ những khác biệt và đồng nhất hóa tính đa dạng để tìm một mẫu số chung có tên gọi bản sắc văn hóa Hà Nội làm cho việc nhận diện các chiều kích văn hóa của thành phố – thủ đô trở nên khiên cưỡng và đầy cảm tính. Thêm vào đấy, việc lý tưởng hóa các giá trị văn hóa của thành phố lại đang tạo ra sức ép vô hình lên các nhà quản lý mà hậu quả của nó là làm nảy sinh những đòi hỏi về một cơ chế chính sách đặc thù như kiểu “Luật Thủ đô”.
Tuy nhiên khái niệm bản sắc văn hóa của một thành phố hay một quốc gia-dân tộc, thực ra chỉ là một cấu trúc có tính nhân tạo (artificial construction), tùy thuộc vào thiên kiến chủ quan của nhà nghiên cứu và tác động của bối cảnh chính trị xã hội cụ thể. Nói cách khác, bản sắc văn hóa không phải là một thực thể tồn tại khách quan mà nó là kết quả của tư duy, một khái niệm được tạo nên thông qua nhận thức chủ quan của mỗi cá nhân hay cộng đồng.
Vì vậy, khi nhìn vào tính năng động của dòng di dân nông thôn – đô thị, các quá trình đô thị hóa, sự đa dạng văn hóa và những khác biệt trong không gian sinh tồn của cư dân Hà Nội, có thể đi đến một nhận xét tưởng chừng phản trực giác: không có một bản sắc Hà Nội với tư cách là một thực thể văn hóa xác định, bền vững và bất biến. Tính chất “tứ chiếng” và dòng chảy liên tục của các lớp cư dân khác nhau, nơi hội tụ của tinh hoa và bình dân, nơi phô bày sự tương phản giữa giàu sang và khốn cùng là những đặc điểm dễ nhận thấy trong suốt trường kỳ lịch sử của thành phố thủ đô, nhưng cũng là đặc trưng phổ biến có thể quan sát được ở nhiều đô thị “kinh kỳ” trên thế giới.
Không gian văn hóa Hà Nội, một không gian đa dạng
Nông dân và thị dân
Thanh lịch, hào hoa và tinh tế thường được các nhà nghiên cứu nhấn mạnh như những đặc tính tiêu biểu cho lối sống của người Hà Nội, thậm chí nó còn được đề cao như một giá trị “có tính mẫu mực, hay giá trị chuẩn của dân tộc, của đất nước”. Dù chịu ảnh hưởng của cảm xúc hay lý trí, các nhà nghiên cứu nói chung có khuynh hướng gắn lối sống thanh lịch ấy với tầng lớp thị dân ở một trung tâm đô thị phát triển vào bậc nhất của đất nước, cho rằng “lối sống ấy kết tinh văn hóa “Kinh kỳ” của giới nho sỹ và thương nhân “kẻ chợ” tập trung tại 36 phố phường, hòa với những yếu tố văn minh Pháp được tiếp thu bởi trí thức Tây học và viên chức nhà nước bảo hộ”.
Lập luận cho rằng có một sự giao thoa giữa “văn hóa dân gian” của quần chúng nhân dân lao động bị áp bức và “văn hóa bác học” của giai cấp thống trị để khái quát một đặc tính chung cho bản sắc Hà Nội chỉ là một biện hộ chưa được chứng minh cả về lý luận và thực tế.
Quan điểm về một lối sống “thanh lịch” như vậy được nói đến trong hầu hết các nghiên cứu về văn hóa Hà Nội nhưng thực ra chưa bao giờ được phân tích một cách khoa học. Tôi cho rằng ít nhất có ba yếu tố để nghi ngờ biểu tượng văn hóa này:
(1) Các nghiên cứu đều xem đô thị như là “tiêu chí của sự phát triển, tiến bộ và văn minh” nhưng cho đến tận gần đây Hà Nội vẫn chưa trở thành một đô thị hoàn chỉnh, vẫn chỉ ở “phía bên kia của làng xã”. Trong không gian của “thành phố” luôn có một phần thuộc khu vực nông thôn và phần này lúc nào cũng ở vị thế lấn át so với phần thành thị. Điều này có nghĩa là không gian địa – văn hóa của Hà Nội luôn hàm chứa hai nhóm văn hóa và lối sống khác nhau song hành tồn tại. Đó là văn hóa của thị dân và văn hóa nông dân. Chỉ lấy lối sống của một nhóm thị dân để khái quát thành lối sống chung của “người Hà Nội” là một cách tiếp cận khiên cưỡng và không có cơ sở khoa học;
(2) Trong lịch sử và thậm chí là mới gần đây thôi, số lượng thị dân sống trong các khu phố luôn chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với những người nông dân sống trong các làng xã truyền thống của Hà Nội. Bộ phận nhỏ thị dân này cũng không đồng nhất, bên cạnh tầng lớp quý tộc và quan chức thuộc tầng lớp cai trị là những trí thức, thương nhân, công chức, thợ thủ công và người buôn bán nhỏ. Phần còn lại là những người nhập cư, làm các công việc tạp dịch và lao động chân tay. Họ có mối liên hệ chặt chẽ với khu vực nông thôn ở nhiều làng quê thuộc các vùng miền khác nhau, và có xu hướng lưu giữ lối sống nông dân của mình ngay trong lòng thành phố. Vậy là ngay trong bộ phận thị dân nhỏ bé ấy vẫn có sự hiện diện của văn hóa và lối sống nông dân đối lập với văn hóa thị dân;
3) Nếu cho rằng cái chất hào hoa thanh lịch được hình thành từ nhóm “tinh hoa” là thị dân và quý tộc thì nhóm này cũng chỉ có thể đại diện cho lối sống của tầng lớp trên và giới trung lưu. Không có cơ sở để lấy văn hóa và lối sống của nhóm “tinh hoa” này làm đại diện cho văn hóa của một thành phố. Lối sống của họ có thể là tiêu chuẩn để vươn tới, là giấc mơ của đông đảo dân chúng ở dưới đáy xã hội nhưng không phải là lối sống của số đông. Lập luận cho rằng có một sự giao thoa giữa “văn hóa dân gian” của quần chúng nhân dân lao động bị áp bức và “văn hóa bác học” của giai cấp thống trị để khái quát một đặc tính chung cho bản sắc Hà Nội chỉ là một biện hộ chưa được chứng minh cả về lý luận và thực tế.
Thực ra, các tài liệu đã có về Thăng Long xưa, Hà Nội nay có thể cho phép hình dung được quy mô của khu vực đô thị, số lượng thị dân, và tính chất xen cài nông thôn – đô thị trong cấu trúc dân cư của thành phố để từ đó xem xét vai trò và ảnh hưởng của văn hóa thị dân – được cho là bộ phận cốt lõi tạo nên bản sắc “thanh lịch” của người Hà Nội. Nhà nghiên cứu nổi tiếng về Hà Nội Trần Quốc Vượng đã chỉ ra cấu trúc điển hình của thành Thăng Long gồm ba bộ phận: (1) Khu “thành thị quân vương”, tức khu vực hành chính, gồm thành quách, đền miếu, và nơi thưởng ngoạn của triều đình. Khu này chỉ chiếm một phần nhỏ thuộc phần lõi của quận Ba Đình ngày nay; (2) Khu “thành thị dân cư” hay còn gọi là khu phố thị mà cốt lõi là khu 36 phố phường còn lại đến ngày nay; (3) Khu vực thôn dã bao gồm các làng ở phía Nam và Bắc của trung tâm hành chính. Kiến trúc kiểu phương Đông như vậy cũng thể hiện rõ bản chất chuyên chế của tầng lớp cai trị vì nó không quan tâm đến các công trình công cộng của thị dân. Khu vực phố thị chủ yếu để cung cấp hàng hóa cho nhu cầu của tầng lớp trên sinh sống trong khu hoàng thành hơn là nhu cầu phát triển trên một nền tảng kinh tế phi nông nghiệp.
Đặt cái bộ phận đô thị và thị dân này vào trong bối cảnh Hà Nội cho đến cuối thế kỷ 19, tức trước khi nó biến thành một thành phố kiểu châu Âu thì chúng ta mới thấy cái quy mô thành thị và thị dân này nhỏ bé biết chừng nào: Thành cũ Thăng Long chỉ là một bộ phận nhỏ của phủ Hoài Đức, lọt thỏm vào trong cơ cấu của tỉnh Hà Nội thời Nguyễn – một tỉnh được lập ra vào năm 1831 gồm 4 phủ Hoài Đức, Ứng Hòa, Thường Tín và Lý Nhân. Không thể phủ nhận một thực tế là khu vực thành thị đã được mở mang rất nhiều dưới thời thuộc Pháp. Chính người Pháp đã mang đến cho Hà Nội một khuôn mặt khác bằng cách tạo ra một đô thị kiểu châu Âu.
Theo thời gian, không gian Hà Nội thực ra chỉ mới được mở rộng thêm bằng biện pháp hành chính trong vài thập kỷ qua. Quá trình đô thị hóa cơ học bằng cách sáp nhập các làng vào khu vực thành phố trong nhiều thập kỷ đã làm dân số Hà Nội tăng lên đến hơn hai triệu người vào năm 1999. Đợt mở rộng địa giới gần đây nhất vào tháng 8/2008, Hà Nội đã nâng dân số lên 6,4 triệu người, trong đó cư dân thành thị chỉ chiếm 41% và cư dân nông thôn chiếm đa số với 59%.
Thành phần cốt lõi của cư dân đô thị từ khi định hình thành Thăng Long cho đến hiện tại là người tứ xứ. Dòng di dân này có tính năng động cao nhưng không ổn định.
Không gian của một thành phố và số lượng thị dân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện phát triển của nền kinh tế bởi vì chỉ khi nền kinh tế hàng hóa đủ mạnh để nuôi dưỡng khu vực không trực tiếp sản xuất thì mới tạo ra được một tầng lớp thị dân và doanh nhân đông đảo làm mở mang khu vực đô thị. Với nền kinh tế nông nghiệp tự cấp là chủ đạo, và phần lớn người dân vẫn sống trong các làng quê, thì chúng ta có thể hiểu được tại sao quy mô của một đô thị bậc nhất trời Nam lại chỉ khiêm nhường đến thế.
Vì vậy, khi nói đến Hà Nội như một thực thể văn hóa có bản sắc riêng, chúng ta không được quên rằng có một Hà Nội – nhà quê và một Hà Nội – kẻ chợ. Hai bộ phận cư dân này tuy tồn tại trong một cái khung của cơ cấu hành chính chung nhưng có văn hóa và lối sống khác nhau. Trong suốt trường kỳ lịch sử hàng ngàn năm của mình, bộ phận thị dân của Thăng Long-Hà Nội luôn nhỏ bé và yếu ớt, lại bị phân hóa thành các nhóm khác nhau với quyền lợi, thân phận và lối sống không đồng nhất. Sẽ thật thiếu sót khi phân tích bản sắc văn hóa Hà Nội mà lờ đi bộ phận văn hóa nông dân chiếm số đông trong khi có thiên hướng đề cao quá đáng văn hóa của tầng lớp thị dân và quý tộc nhỏ bé so với các tầng lớp xã hội khác. Một nhà sử học có nhận xét đích đáng khi cho rằng văn hóa nông dân mới là hằng số của lịch sử văn hóa Việt Nam:
Chính đất nước này, dân tộc hình chữ S này là đại dương của ba chữ Nông: Nông thôn, Nông dân và Nông nghiệp. Ba chữ nông ấy là bản chất của dân tộc này, của văn minh văn hóa này. GS. Trần Quốc Vượng còn gọi ba chữ Nông này là hằng số của lịch sử văn hóa Việt Nam. Trên cái mênh mông như thế, trong lịch sử có thực nổi lên lác đác những hòn cù lao, lác đác, hiếm ít và nổi lên cũng không được cao lắm, đó chính là những đô thị. Trong số đó, hòn cù lao lớn nhất là Thăng Long- Hà Nội.
Chính cư và ngụ cư
Nhà nghiên cứu Giang Quân, người đã viết tới 30 đầu sách về Hà Nội cho biết “trước đây có khoảng 9% người Hà Nội gốc, còn sau khi Hà Nội mở rộng thì có lẽ con số đó giảm xuống chỉ còn 5% (tính theo 6,3 triệu dân). Vì thế mà tính hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội đang ngày một phôi pha”.
Thực ra, không có cơ sở khoa học nào khả dĩ có thể phân biệt được người Hà Nội gốc và người Hà Nội nhập cư. Câu hỏi đặt ra là một gia đình sống ở Hà Nội bao nhiêu lâu thì được xem là người Hà Nội gốc? Ngoài thời gian định cư ở Hà Nội thì còn có tiêu chí nào khác để xác định tính chất “gốc” của người Hà Nội? Chưa có nhà nghiên cứu nào có ý định làm rõ câu hỏi này nhưng dường như đang có một cách hiểu ngấm ngầm rằng người Hà Nội gốc là người có lối sống thanh lịch, đối lập với cách sống xô bồ và hỗn tạp của người Hà Nội nhập cư. Vì vậy người ta mới la lên rằng cái chất hào hoa thanh lịch của Hà Nội nay đang mất đi là do làn sóng di dân ào ạt vào thành phố.
Về một phương diện nào đó, có thể đồng ý với giả thiết của Hoàng Hưng và Nguyễn Thừa Hỷ rằng cái thuộc tính hào hoa thanh lịch mà ngày nay người ta xem là bản sắc chung của người Hà Nội thực ra chỉ trở nên phổ biến và được nói đến nhiều dưới thời cận đại, trong những gia đình trí thức, quan lại và công chức Tây học, trên cơ sở tiếp nối truyền thống kẻ sỹ của những đạo đức nho học trước đó. Cái nếp sống thanh lịch ấy thực ra cũng không có tính chất “gốc” mà chủ yếu được hình thành và phát triển trên cơ sở của những gia đình nhập cư, vì phần lớn những người làm quan, học hành đỗ đạt và làm công chức trong bộ máy công quyền ở Hà Nội đều được tuyển dụng từ nơi khác và hợp thành một nhóm tinh hoa của đô thị.
Trên hành trình đi tìm bản sắc của “tiếng Hà Nội gốc”, nhà ngôn ngữ học Hoàng Hành xác định: “Người sinh ra và lớn lên ở (hai huyện) Vĩnh Thuận và Thọ Xương cùng với hậu duệ của họ là người Hà Nội gốc và tiếng nói của họ, thổ ngữ Vĩnh Thuận – Thọ Xương, chính là tiếng Hà Nội gốc”. Dẫu vậy, ông vẫn phải thêm rằng “sau khi định đô, người Hà Nội gốc không còn chỉ là cư dân của hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương nữa, mà còn gồm cả những người từ bốn trấn quanh đó về định cư ở nội thị. Điều này có nghĩa rằng tìm hiểu tiếng Hà Nội gốc tức là tìm hiểu cái ngôn ngữ đã được phát triển trên cơ sở hòa trộn tiếng nói của cư dân hai huyện này với những người nhập cư đến từ các vùng khác chứ không phải cái ngôn ngữ đã tồn tại từ trước khi có thành Thăng Long. Nói như vậy để thấy rằng cuộc tranh luận về thành phần gốc và mới của cư dân Hà Nội có thể dẫn tới cái bẫy phân biệt đối xử giữa những người được xem là dân gốc với những người bị gán nhãn nhập cư. Câu chuyện này cũng giống như sự phân biệt chính cư và ngụ cư trong các làng truyền thống ở đồng bằng sông Hồng, nơi những người ngụ cư phải chịu nhiều thiệt thòi, phải trải qua nhiều đời với thân phận và vị thế chính trị rất thấp để được nhận cái danh là chính cư.
Nhìn lại quá trình tụ cư và cấu trúc dân số của Hà Nội từ trong lịch sử cho đến hiện tại, ta thấy tồn tại hai khu vực dân cư với độ tương phản rõ rệt: khu vực nông thôn gồm các làng mạc thôn ấp thuộc các quận huyện ngoại thành về cơ bản không có xáo trộn lớn về dân cư; khu vực đô thị bao gồm các khu hành chính, các phường thủ công và buôn bán có dân số không đông nhưng mức độ xáo trộn và thay đổi dân số lại thường xuyên hơn.
Bên cạnh tính năng động của một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, Hà Nội cũng thường xuyên là mục tiêu hủy diệt của các cuộc chiến tranh, loạn lạc và ly tán. Thêm vào đó, phần lớn thị dân và thợ thủ công làm việc trong các khu phố thường vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với làng quê gốc của họ. Những khi triều đình có biến hay bị thất bát trong kinh doanh, họ lui về các làng quê gốc gác của cha ông. Trong khi đó, bộ phận trí thức, công chức và quan lại thì được tiếp nhận đến hoặc chuyển đi theo yêu cầu của nhà nước. Đô thị Hà Nội vào lúc hoàng kim thời cận đại, đầu những năm 1940, có tổng số dân sống trong khu vực đô thị chưa tới 14 vạn người. Tuy nhiên con số này có lẽ chưa bao gồm những người dân di cư sống trong thành phố nhưng không có đăng ký chính thức. Bộ phận này chắc chắn không nhỏ. Họ chủ yếu là những người buôn thúng bán bưng, giúp việc nhà, làm các công việc nặng nhọc như phu xe hay khuân vác. Và nơi tá túc của họ thường ở những khu lao động tồi tàn vùng ven đô.
Cũng giống như nhiều đô thành trên thế giới, Thăng Long – Hà Nội luôn luôn là một điểm đến hấp dẫn của nhiều luồng di cư. Luồng thứ nhất bao gồm những thành phần tinh hoa của đất nước – những người có tài năng, học vấn và vốn liếng, được tuyển dụng hoặc tự tìm đến chốn kinh kỳ để phát triển và thi thố với đời. Luồng thứ hai là những người dân cùng khổ từ các vùng nông thôn, do lao dịch, thuế má, thất bát, dịch bệnh và bóc lột, bị đẩy đến tình trạng bần cùng. Họ đổ về Thăng Long tìm cơ hội thay đổi cuộc đời và tạo nên những khu cư trú tồi tàn của người lao động vùng ngoại ô. Luồng thứ ba là những người nước ngoài đủ mọi thành phần sắc tộc và chúng tộc, từ những thương nhân, nhà truyền giáo, nhà ngoại giao cho đến những người lao động nghèo hèn. Họ di chuyển vào các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp hoặc chỉ đơn giản là tìm kế sinh nhai.
Mặc dù các luồng di cư vào Hà Nội trong lịch sử khá đa dạng và liên tục nhưng phần lớn điểm đến của những dòng chảy dân số này là khu vực đô thị. Vùng nông thôn ngoại thành được kiểm soát bởi các cộng đồng làng xã truyền thống với những tập tục khắt khe liên quan đến người ngụ cư có thể được xem là một trong những rào cản hữu hiệu chặn đứng các dòng người nhập cư vào làng xã. Mặt khác, điều kiện kinh tế và sở hữu đất đai như là nguồn tư liệu chủ yếu ở khu vực nông thôn đã không hấp dẫn người di cư. Có thể thấy, thành phần cốt lõi của cư dân đô thị từ khi định hình thành Thăng Long cho đến hiện tại là người tứ xứ. Dòng di dân này có tính năng động cao nhưng không ổn định. Vị thế công dân của họ tùy thuộc vào thái độ của nhà nước ở mỗi thời kỳ. Họ có thể trở thành thị dân, trở lại là nông dân hoặc chỉ là những kẻ vagabonds lơ lửng giữa nhà nước và làng xã. Trong con mắt của các nhà quản lý, người di cư từ nông thôn vào đô thị thường không được khuyến khích. Có tài liệu lịch sử cho thấy ngay từ thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã từng ra lệnh đuổi tất cả những người dân tứ xứ đổ về Thăng Long kiếm kế sinh nhai, và chỉ kịp sửa sai sau khi nhận thấy chính những người di cư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế của đô thành và đóng thuế nuôi triều đình.
Câu chuyện từ vài thế kỷ trước vẫn đang là vấn đề thời sự của Hà Nội hôm nay. Báo chí đưa tin các nhà chức trách Hà Nội chủ trương ngăn cản luồng nhập cư vào Hà Nội từ năm 2010 trở đi, đặc biệt là đối tượng lao động tự do từ các vùng nông thôn. Thực ra, những cố gắng bằng biện pháp hành chính thường không đạt được thành công vì nó đi ngược lại quy luật phát triển và quá trình đô thị hóa của thành phố này. Quá trình đô thị hóa là sự tăng trưởng tỷ trọng dân số sống trong khu vực thành thị. Đô thị phát triển tạo ra sức hút và trở thành động lực của dòng di dân vào thành phố, trong đó có cả những người lao động có trình độ cao và lao động phổ thông. Lao động nhập cư có thể làm cho thành phố tập trung nhiều người nghèo hơn nhưng đó cũng là nơi mang lại niềm hy vọng của nhiều người dân muốn thoát khỏi đói nghèo. Hà Nội không thể trở thành một thành phố đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của quốc gia nếu không có đóng góp của những người dân di cư. Người lao động nhập cư vào thành phố thường chỉ tìm được việc làm trong nhóm những công việc khó khăn, nguy hiểm, từ quét rác tới các công việc nặng nhọc trong các công trường xây dựng nhưng đó là những việc cần thiết để thành phố có thể vận hành trôi chảy. Cũng chính dòng di cư này bổ xung nguồn lao động dồi dào cho khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đặc biệt, họ còn là sự sống còn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn dựa trên chi phí nhân công thấp và lao động bán công nghiệp.
Từ khi thực hiện đổi mới, đô thị hóa bùng nổ như một cơn sốt và nhà quản lý đã không tìm ra được chính sách hữu hiệu dẫn đến lo ngại về người nhập cư sẽ làm quá tải thành phố và giải pháp quen thuộc dễ dàng nhất là cấm nhập cư. Nói như sử gia Nguyễn Thừa Hỷ thì “đó là cách quản lý theo kiểu “mục dân” (chăn dắt dân), “sử dân” (sai khiến dân) của các viên quan cai trị thời phong kiến, trong một xã hội thần dân” và nó không thể thích hợp với mô hình quản lý một xã hội đô thị mở của thế kỷ 21. Các nghiên cứu về dòng di dân vào Hà Nội những năm qua cho thấy bộ phận lao động nhập cư luôn chiếm khoảng 10% dân số nội đô, trong đó có đến hơn 80% đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng, và khoảng một nửa số lao động này là phụ nữ. Theo một phân tích của Tổng cục Thống kê, lao động di cư vào thành phố đều có thu nhập tăng lên so với lao động không di cư, trong đó lao động nhập cư vào Hà Nội đạt được mức thu nhập cao nhất so với các nơi khác. Nguồn thu nhập này đã góp phần quan trọng vào thu nhập của các hộ nông dân vốn chỉ dựa vào diện tích đất nông nghiệp chật hẹp và không có điều kiện cải thiện cuộc sống ở khu vực nông thôn.
Tóm lại, dân nhập cư luôn luôn là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc dân số của Hà Nội, trong quá khứ đã như vậy, trong hiện tại và tương lai cũng sẽ vẫn tiếp tục như vậy. Các lớp người di cư vào thành phố không chỉ mang lại sức sống và những năng động kinh tế – xã hội cho khu vực đô thị, nó còn góp phần tạo nên bức tranh đa dạng và sống động trong đời sống văn hóa của thị dân. Vì thế, không có cơ sở để cho rằng các làn sóng dân nhập cư vào thành phố đã làm tăng tính xô bồ, hỗn tạp và làm phai nhạt lối sống thanh lịch của người Hà Nội.□
(Còn tiếp)
Đăng số 19 Tia Sáng