Chinh phục đỉnh EVEREST

Hiện một chương trình truyền mang tên "Việt Nam - Tinh thần Việt hoà cùng thế giới" đang tuyển vận động viên leo núi để chinh phục đỉnh Everest, dự kiến vào tháng 4 năm sau. Bài viết dưới đây nêu những thách thức khắc nghiệt mà bất kỳ ai muốn lên đình Everest cũng phải vượt qua.

Nguy hiểm rình rập
Đến cuối năm 2006, trên thế giới có khoảng 2062 chinh phục được đỉnh Everest. Tuy nhiên, cái giá của thất bại cũng không phải là nhỏ: có đến 203 người phải bỏ mạng vì Everest; phần lớn trong số này, khoảng 120 người, bị mất xác hay được tìm thấy nhưng phải bỏ lại vì sự hiểm trở của địa hình. Đó là chưa kể tới rất nhiều trường hợp chịu thương tật vĩnh viễn vì các ngón tay và ngón chân bị hoại tử do nhiệt độ quá thấp.

Erik Weihenmeyer là người đàn ông mù đầu tiên chinh phục đỉnh Everest vào 24/5/2001.

Ngày nay, mỗi năm vẫn còn hàng trăm người hăm hở tìm cách chinh phục Everest, và năm nào cũng có ít nhiều thương vong. May mắn nhất là năm 1993, 129 lượt người lên được đỉnh thì “chỉ” 8 người tử vong. Trong khi đó, 1996 được coi là năm thê thảm nhất từ trước đến nay, chỉ có 98 lượt người thành công nhưng 15 người thiệt mạng, trong đó, 8 người chết chỉ trong một ngày 11/05/1996.
Theo số liệu thông kê từ nhiều thập niên nay, cứ 100 người lên đường thì chỉ có khoảng 35 người thành công; và 3 người phải bỏ mạng, bất kể là có lên được đỉnh hay chưa. Phần lớn tai nạn lại xảy ra lúc trên đường xuống núi vì nhiều người, không tự lượng được sức mình, đã dốc toàn lực để lên đỉnh, và sau đó không còn đủ khả năng hoàn tất đoạn đường xuống nơi an toàn nữa.
Nguy hiểm nhất là trong vùng được xem là Vùng Tử Thần, khu vực chóp núi có độ cao từ 8000 mét trở lên. Do áp suất thấp, năng lượng cung cấp cho cơ thể bị giảm đáng kể vì con người không thể tiêu hóa được thực phẩm nên phải “đốt” tế bào để thay thế; một hình thức tự “ăn thịt” mình để kéo dài sự sống; trong khi đó, leo núi là một hoạt động cần rất nhiều năng lượng nên con người rất dễ bị kiệt lực. Cùng lúc, lượng dưỡng khí trong không khí, ở độ cao hơn 8000 mét, chỉ còn khoảng 1/3 so với mức bình thường ở mặt đất; trong khi số bình dưỡng khí mà một người có thể mang theo lại có hạn vì trọng lượng lớn nên không sao cung cấp đầy đủ cho cơ thể được. Tình trạng thiếu dưỡng khí thường trực này làm suy nghĩ thiếu nhạy bén, hành động lờ đờ, có ảo giác về sự việc chung quanh, lơ mơ trong quyết định,… như một người “nửa tỉnh nửa say” nên dễ dẫn tới tai nạn do chính mình gây ra. Hơn nữa, thời tiết lại rất khắc nghiệt. Nhiệt độ có khi xuống tới 30 – 40 độ âm, nhất là về ban đêm; trong khi đó, gió có thể lên tới 100km/giờ; mà mây mù, bão tuyết lại thường ập đến bất ngờ; nên có nhiều khả năng nếu không bị nạn vì lạnh cóng thì cũng bị lạc đường mà rơi vào vách sâu vực thẩm. Sống sót được qua đêm trong Vùng Tử Thần này, xưa nay, là điều rất hiếm. Hiện nay, trên đường dẫn lên đỉnh núi, người ta vẫn còn có thể nhìn thấy một số xác chết đã đóng băng nằm ở đấy từ nhiều năm qua.

Lộ trình lên đỉnh

 

Những nhà leo núi Nepal-Nhật Bản là những người nhiều tuổi nhất chinh phục đỉnh Everest: Nhà leo núi người Nhật 71 tuổi Katsusuke Yanagisawa đang lên đỉnh Everest.

Sau bao nhiêu năm gần như cày nát vùng núi này, người ta đã khám phá ra được ít nhất 18 con đường có thể dẫn lên đỉnh Everest; từ tất cả các phía Nam, Bắc, Đông và Tây; nhưng chỉ có con đường ở mặt phía Nam, thuộc lãnh thổ xứ Nepal, được nhiều người sử dụng nhất vì được coi là ít hiểm trở và an toàn hơn cả.
Nếu chọn con đường này, người ta có thể đi từ Kathmandu, thủ đô của Nepal, đến tỉnh Lukla bằng máy bay; sau đó, đi bộ đường núi khoảng 10- 15 ngày để đến Trạm chính (BC) trên cao độ 5300 mét, bên sườn núi; rồi lần lượt qua các trạm trung chuyển C(I)  cao 5900m, C(II) cao 6400m, C(III) cao 7500m, C(IV) cao7950m trước khi lên đến đỉnh. Tuy nhiên không một ai có thể đi một mạch từ BC lên đỉnh ngay được vì cần phải có đủ thời gian để cho cơ thể làm quen với áp suất thấp ở độ cao.
Quá trình làm quen này rất tốn nhiều thời gian. Có nhiều cách và tùy theo mỗi người, nhưng đại khái là, từ BC, người ta có thể lên trạm C(I), ở lại một đêm, hôm sau lên trạm C(II), xuống ngay BC, để nghỉ ngơi một vài ngày. Rồi, lên C(I) thẳng tới C(II), ở lại một/hai đêm; xuống ngay BC, nghỉ ngơi vài ngày. Lại lên C(I), ở lại một đêm; lên C(II) thẳng đến C(III) ở lại một/hai đêm, xuống ngay BC, nghỉ ngơi vài ngày. Cuối cùng, lên C(I) thẳng đến C(II) ở lại một đêm; lên C(III) thẳng đến C(IV), xuống ngay BC, nghỉ ngơi khoảng 1- 2 tuần; và chuẩn bị cho chuyến đi thẳng lên đỉnh khi thời tiết cho phép.
Mổi lần lên xuống như thế, người ta, nhờ các Sherpa (người dẫn đường), mang theo thực phẩm, bình dưỡng khí, lều, thuốc men và nhiều dụng cụ khác để dữ trữ ở các trạm trung chuyển nhằm chuẩn bị cho chuyến đi thẳng lên đỉnh sau này. Các trạm trung chuyển thật ra chỉ là những bãi băng tuyết trống bên sườn núi lưng chừng trời đất. Không có gì sẵn cả, mỗi người phải tự dựng lều để chứa nhu yếu phẩm và làm nơi trú ẩn.
Sau khi đã làm quen với áp suất thấp, sức khỏe thể chất cũng như tinh thần đã sẳn sàng, và khi dự báo thời thiết cho phép, người ta mới bắt đầu chuyến đi lên đỉnh. Một người có thể lên C(I) thẳng đến C(II), ở lại một đêm, lên C(III) thẳng đến C(IV), nghỉ ngơi 5 -10 tiếng, rồi khoảng nửa đêm thì bắt đầu cuộc hành trình lên đỉnh Everest.
Sở dĩ phải bắt đầu từ nửa đêm vì dù con đường từ trạm C(IV) lên tới đỉnh chỉ có khoảng 1000 mét nhưng do ở trong Vùng Tử Thần nên là một đoạn đường gian nguy nhất, phải mất khoảng 10 – 15 tiếng đồng hồ mới vượt qua được. Trong khi đó, phải đến đỉnh trước 2 giờ chiều cùng ngày để còn kịp thoát khỏi Vùng Tử Thần mà trở lại trạm C(IV), hay tốt hơn là C(III) hoặc C(II) để nghỉ ngơi trước khi đêm về; nếu không thì tính mạng khó được bảo toàn vì trời lạnh, thiếu dưỡng khí và kiệt sức; và không ít đoàn đã phải chịu thương vong trong những trường hợp như thế.
Một khó khăn khác thường được nhắc tới đó là “Hillary Step”, một vách đứng cao khoảng 15 mét cách đỉnh Everest không xa. Vách đứng này là một trong những thách thức lớn nhất mà bất cứ ai cũng phải vượt qua để có thể lên đến đỉnh; nhiều người đã phải bỏ cuộc tại đây và đành phải ngậm ngùi, tay không, xuống núi. Vì thế, ngày nay, người ta thường dùng đến dây leo được đặt sẵn từ trước bởi các Sherpa dẫn đường hoặc các tay leo núi chuyên nghiệp khác; để giúp những tay kém lão luyện hơn.
Đoạn đường, từ trạm C(IV) lên đỉnh rồi xuống trở lại nơi an toàn, thực sự là một vũ đài thử lửa. Trên vai mang hành lý nặng không dưới 15kg, đầu óc lơ mơ vì thiếu dưỡng khí, mỗi bước chân như là một cực hình mà phải di chuyển gần như liên tục không ngừng nghỉ suốt 15 – 20 tiếng đồng hồ trong những điều kiện khắc nghiệt về thời tiết cũng như địa hình của Vùng Tử Thần; đây là những giờ phút gian lao nhất quyết định sự thành bại và an nguy của người leo núi. Một khi vượt qua được đoạn đường cốt tử này thì có thể nói là đã chinh phục được Everest rồi.
Nhìn chung, một chuyến đi để chinh phục Everest như thế phải mất từ 6 đến 8 tuần vì cần khoảng 15 ngày để đi đường núi từ Lukla đến Trạm chính; thêm khoảng 30 ngày nữa để làm quen với áp suất thấp, lên đỉnh và xuống lại Trạm chính; rồi 10 ngày khác để trở lại Lukla. Vì thời tiết có ảnh hưởng rất lớn trong việc thành công hay thất bại của chuyến đi nên tuyệt đại đa số người leo núi đều tập trung tại đây để thực hiện ước mơ của mình vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, khi mà thời tiết thường có nhiều yếu tố thuận lợi nhất trong năm.

Nguyên tắc chinh phục

Dù dễ dàng hơn, nhưng chinh phục Everest cho đến ngày nay vẫn còn đầynhững hiểm nguy. Để giảm rủi ro đến mức thấp nhất, trước khi lên đường người ta thường chuẩn bị kĩ: (1) sức khỏe tốt, nhất là chịu được áp suất thấp; (2) một số kinh nghiệm về leo núi cao trong thời tiết lạnh; (3) hiểu, biết và trù liệu trước được những tình huống xấu; (4) kiến thức cơ bản về thời tiết trong vùng núi này; (5) ý thức rõ ràng về ngưỡng mạo hiểm mà mình có thể chấp nhận được, để khi thấy tình hình trở nên tồi tệ quá mức này, thì quyết định rút lui một cách nhanh chóng; (6) chấp nhận khả năng có thể bị “bỏ quên” khi bị nạn; (7) chấp nhận xác suất khoảng 3% không có cơ hội trở về với gia đình!
Mặt khác, trong khi trên đường lên đỉnh, người leo núi lọc lõi bao giờ cũng: (a) thường xuyên lượng định sức lực của mình; nếu thấy còn dư sức, dư sức chứ không chỉ đủ sức, để có thể trở xuống được nơi an toàn thì mới tiếp tục đi lên; nếu không, hoặc phân vân, thì phải lập tức quay xuống núi ngay để bảo toàn tính mạng; (b) tâm niệm rằng nơi an toàn ở phía sau lưng là quan trọng hơn cả; còn mục tiêu, đỉnh Everest, phía trước mặt chỉ là thứ yếu; nếu thua keo này thì có thể bày keo khác, bằng để cho mất mạng thì sẽ không còn cơ hội nào nữa; (c) hiểu được sự hạn chế của “quyết tâm”, khi sức không còn đủ thì dù có “quyết tâm” đến mấy cũng không thể làm được gì cả, tốt hơn hết là quay xuống nơi an toàn; (d) không tiếp tục đi lên chỉ vì cố đi theo người khác, mà chỉ tiếp tục đi lên khi tự thấy còn dư sức để trở về nơi an toàn, bất kể các người khác chung quanh đang làm gì; (e) biết rằng thất bại mà còn sống thì vẫn còn hơn thành công nhưng mất mạng; (f) tập trung tư tưởng để lượng định sự việc chung quanh một cách khách quan, cố nhận biết được và cảnh giác về những ảo giác trong đầu óc do tình trạng thiếu dưỡng khí gây ra nhất là trong Vùng Tử Thần.

Không cứu người!
Có thể nói khởi hành chinh phục Everest là chấp nhận đi vào một thế giới khác. Đây là một thế giới mà trong đó mọi người đều có cùng một mục tiêu đầy ma lực là làm mọi cách để lên đỉnh cho bằng được, mọi việc khác chỉ còn là thứ yếu kể cả cứu người hoạn nạn. Do đó, không mấy ai muốn, hoặc có muốn cũng không có đủ sức, giúp ai được. Mỗi người cố tự đứng vững trên đôi chân của mình để lần bước mà đi đã là khó nhọc làm gì có thể dìu, kè, cõng người bị nạn khác đến nơi an toàn. Hơn nữa, không mấy ai lại chịu phí 60 – 70 ngàn USD, chịu bỏ dở cơ hội thực hiện giấc mơ của cả một đời người; để cứu người khác, thường là không thân thiết. Mà không biết có cứu được hay không; và nhiều khi, không khéo, lại bị nạn lây.
Vì thế, gặp nạn thì chỉ có tự mình mà cứu mình, không ai cứu ai cả; nếu không thể tự di chuyển được xuống nơi an toàn là kể như phải bỏ mạng; nhất là trong Vùng Tử Thần đầy khắc nghiệt ở độ cao trên 8000 mét.
Vào năm 1996, một đoàn người trên đường lên đỉnh, lần lượt gặp bên vệ đường 3 người Ấn Độ kiệt sức ở nhiều địa điểm khác nhau đang kêu cứu nhưng mọi người trong đoàn đều làm ngơ, cứ lầm lũi hướng về phía đỉnh Everest mà đi qua, như không có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi lên đỉnh xong, trên đường trở về, đoàn này gặp lại 1 người vẫn còn sống, trong tình trạng hấp hối, nhưng không một ai trong đoàn có thể có hành động gì để cứu mạng cho nạn nhân được; còn 2 người khác thì một chỉ còn là xác chết, một người nữa thì không thấy tung tích, có lẻ đã bị rơi xuống vực sâu gần đó. Lần khác, một người Anh bị kiệt sức vì bình dưỡng khí đã cạn, nằm chờ chết trong Vùng Tử Thần, vào lúc nhiệt độ xuống dưới 30 độ âm; nhưng hơn 40 người đi ngang qua mà không một ai có thể làm được gì để giúp đỡ nạn nhân.
Ngay cả khi, với chi phí 60 – 70 ngàn đôla Mỹ, đi theo các đoàn được tổ chức bởi các nhà leo núi “chuyên nghiệp”, thì mọi sự giúp đỡ trong hoàn cảnh khó khăn cũng đều có hạn; có nhiều trường hợp người bị nạn bị những người cùng đoàn bỏ lại để chịu chết trên lưng chừng núi vì không có cách nào mang xuống nơi an toàn để cấp cứu được.
Quả thật, chinh phục Everest là đi vào miền biên giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa thực tại và siêu thực; là một cuộc đọ sức, nhiều khi không cân xứng, giữa con người và thiên nhiên./.
————-

Với dáng vẻ hùng vĩ và huyền bí, Everest, từ nhiều ngàn năm trước đây đã được người dân Nepal đặt tên Sagarmatha (Nữ thần của bầu trời); trong khi đó người Tây Tạng chiêm ngưỡng nó như một Chomlungura (Nữ thần của vũ trụ); và thổ dân quanh vùng, với sự kính trọng tuyệt đối, không mấy ai dám bén mảng đến ngọn núi được coi là linh thiêng này.
Năm 1841, George Everest, làm việc cho Sở Đo đạc địa đồ của Ấn Độ, thuộc Anh lúc bấy giờ; lần đầu tiên nghi nhận và xác định vị trí trên bản đồ đỉnh núi đầy tuyết lạnh này dưới ký hiệu đỉnh “b”. Năm 1854, trong một lần cập nhật bản đồ, người ta thay ký hiệu đỉnh “b” bằng, con số 15 La Mã: “XV”. Để ghi nhận công lao của George Everest, đỉnh “XV” lại được đổi tên thành “Everest” vào năm 1885.
Đến 11 giờ 30 sáng ngày 29/05/1953 thì Edmund Hillary và Tenzing Norgay đã trở thành hai người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest. Norgay là người Sherpa dẫn đường có quốc tịch Nepal; trong khi đó mặc dù Hillary nằm trong đội hình của đoàn thám hiểm Anh nhưng thực ra là người New Zealand; hiện đã vào tuổi 88; và vẫn còn sinh sống tại xứ sở Kiwi này, còn Norgay đã qua đời vào năm 1987.

Võ Đông Pha

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)