Chuyện Thăng Long-Hà Nội qua một đường phố

Cuốn sách này được phát triển từ một bài khảo cứu ngắn đã đăng trên một tạp chí chuyên ngành từ nhiều năm trước. Bài khảo cứu đó cũng được “quyết định” hình như là vào đầu năm 2001, nhân một cuộc họp mặt giới thiệu cuốn sách Histoire de Hanoi của nhà sử học Pháp Philippe Papin, mà tác giả bài này được mời tham dự.

Cuộc họp càng cho thấy lịch sử Hà Nội là vấn đề lớn mênh mông, có bao nhiêu cuốn sách có lẽ cũng không nói hết được. Lại thấy không có thành phố nào không bắt đầu từ những đường phố. Không có đường phố nào không bắt đầu từ những ngôi nhà… Vậy thì trong cái mênh mông ấy, hãy làm sao hiểu được từng tế bào của nó. Mỗi ngôi nhà, nhất là những ngôi nhà quan trọng, được hình thành như thế nào? Lại hàng hóa nữa. Mỗi loại hàng được bán ở đâu, tại sao lại ở đây chứ không ở những nơi khác? Những ngôi nhà ấy, những mặt hàng ấy còn liên quan đến các khu vực lân cận như thế nào?

Cái cảm giác mung lung ấy đã làm cho nhiều người dự hội thảo cảm thấy hình như cứ càng nghiên cứu rộng thì rất có thể càng “xa” Hà Nội. Vậy nên chăng, để khỏi chơi vơi giữa cái mênh mông ấy, hãy “zoom” vào từng đường phố, từng khu chợ, thậm chí một vài ngôi nhà? Chính từ cái cảm quan ấy, mấy anh em ngồi dự buổi họp mặt đã bàn với nhau: Hay là thử chọn một đường phố nào đấy và nghiên cứu thật kỹ? Với gợi ý đó, tác giả nảy sinh ý tưởng thử chọn một đường phố bất kỳ, rồi đi men theo nó – không chỉ đi về mặt không gian, mà cả về mặt thời gian.

Kết thúc cuộc gặp mặt, mấy anh em rủ nhau ra uống bia ở trước cửa ga Hàng Cỏ. Bia đã góp phần gợi ý: Nếu ta chọn đường Lê Duẩn thì sao? Mọi người thấy: có lý. Chủ đề này đã bắt đầu như thế.

Trước khi bắt tay vào việc, tác giả thử bắt đôi chân mình đi dạo trên một đoạn đường phố này: từ ngã tư Khâm Thiên cho đến đầu đường Lê Duẩn, chỗ giáp đường Điện Biên Phủ.

Chỉ bấy nhiêu thôi, ngước nhìn hai bên, đã thấy vô số ‘lịch sử’ rồi. Nào là Khâm Thiên, cái tên gọi của một đài khí tượng cổ xưa được đặt ở đây thời Lê, rồi sau này, ngay chỗ đó, dưới thời Pháp, hãng dầu Caltex Petroleum của Mỹ đã đặt trụ sở. Và cũng trong thời Pháp thuộc, cái tên gọi Khâm Thiên của đài khí tượng cổ xưa lại được đặt tên cho một đường phố riêng biệt của giới cô đầu con hát. Rồi Đại chiến thế giới lần thứ hai, Mỹ rải truyền đơn ở đây kêu gọi ‘các bạn Việt Nam’ tránh xa con đường sắt này để Mỹ ném bom quân đội Nhật. Lúc đó, Mỹ mới chỉ ném ‘giấy’ xuống đây, nhưng 28 năm sau thì thay cho những tờ giấy thân thiện là những ‘tấm thảm’ chết người – thảm bom B-52.

Đi tiếp lên chút nữa, đến ngã ba Nguyễn Du, là cái góc phố mà vào đầu thế kỷ XX chính là khu vườn của ông Tây Dufourcq, người đầu tiên có sáng kiến trồng các giống hoa và các loại rau củ của Pháp ở Việt Nam. Ban đầu, Dufourcq chỉ nhằm phục vụ cho dân Tây ở Hà Nội. Rồi từ đó các hạt giống lan tỏa ra nhiều nơi và ngày nay các loại rau, hoa quả đó đã trở thành quen thuộc với mọi người Việt Nam.

Tiếp chút nữa là một ngôi biệt thự độc đáo kiểu Colombage, nằm ở chỗ đường Trần Quốc Toản gặp đường Lê Duẩn. Đó chính là ngôi nhà của Victor Tardieu, một trong những người sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương, nơi khởi nghiệp của biết bao họa sĩ tài danh như Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn…

Đi tiếp nữa, phía bên trái sừng sững một tòa nhà đồ sộ được xây từ đầu thế kỷ XX, đó chính là ga Hàng Cỏ. Nhưng tại sao lại là Hàng Cỏ ở đây ? Cách đây một ngàn năm, đây chỉ là một con đường nhỏ đi qua một vùng đầm lầy, cỏ mọc ngập đầu, được sử dụng để nuôi voi và ngựa trong thành. Sang đầu thế kỷ XX, voi không còn nữa nhưng nơi bán thức ăn của voi vẫn được nhớ đến với cái tên Hàng Cỏ. Do đó, khi có một nhà ga đồ sộ mọc lên ở đây thì nó đã mang cái tên có vẻ khác xa với tầm vóc của bản thân: ga Hàng Cỏ.

Rồi đến lượt nó, cái nhà ga này lại chứng kiến bao nhiêu sự kiện lịch sử: thời Tây, thời Nhật, thời Cách mạng. Năm 1945, từ ga này, những đoàn quân Nam tiến đã lên đường. Cũng từ nhà ga này, năm 1954, những đoàn quân Pháp rút đi theo Hiệp định Genève. Cũng nhà ga này, những đội quân đi B đã lên đường. Cũng nhà ga này, năm 1972, bom Mỹ đã dội xuống. Cũng tại nhà ga này, bao nhiêu du học sinh và các đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài đã lên đường với những bộ quần áo mượn của Bộ Tài chính và trở về với bao món quà hấp dẫn.

Rồi tiếp nữa: Hàng Lọng, Hàng Đẫy, chợ Cửa Nam, góc phố Sinh Từ, vườn hoa Cửa Nam. Vườn hoa này là nơi đã từng đặt tượng Nữ thần Tự do, rồi sau đó cũng ở đây đã đặt máy chém. Rồi năm 1945, một nhà in của Pháp – Nhà in Taupin – lại trở thành nơi in những tờ giấy bạc Cụ Hồ đầu tiên. Đến đoạn đầu đường, nơi tiếp giáp với đường Điện Biên Phủ, có một tòa nhà ba tầng cổ kính và rất đẹp, đó chính là tòa nhà của Học viện Âm nhạc Viễn Đông được xây dựng vào năm 1929.

Từ sau khi giải phóng Thủ đô (1954), tên đường Nam Bộ đã được đặt thay cho tên đường Cái quan thời thuộc địa, thay cho tên đường de Lattre de Tassigny thời chiếm đóng. Ấy là để khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rồi sau khi Bắc–Nam liền một dải, khi một trong những người có công đầu trong sự nghiệp đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn tạ thế, thì đường phố này được mang tên ông.

Bấy nhiêu tình tiết thôi, cũng dài hơn cả con đường, vì nó là chuyện của hơn mười thế kỷ. Những chuyện đó xin dành để cuốn sách nhỏ này sẽ thưa chuyện với bạn đọc.

Xin trở lại với quá trình biên soạn. Nhiều bạn bè đã khuyến khích rằng: nên phát triển một phương pháp mà anh em thường nói với nhau một cách nôm na là phương pháp ‘cắt lớp’ lịch sử. Cách ‘cắt lớp’ đó, cũng giống như khi khảo sát cơ thể một con người, có thể phát hiện ra vô số điều thú vị.

Thiển nghĩ, nếu dùng phương pháp nghiên cứu ‘cắt lớp’ này cho bất cứ đường phố nào ở Hà Nội, sẽ có nhiều điều để nói, thậm chí có thể còn phong phú hơn con đường sắp được khảo cứu ở đây. Nhưng thôi, sức người có hạn, xin đi vào một đường phố: đường Lê Duẩn.

Cuối cùng, tác giả không thể không tự bộc bạch rằng bản thân là người thân thuộc và rất nặng lòng với Hà Nội, nhưng không phải là nhà Hà Nội học, mà chỉ là một người nghiên cứu về lịch sử kinh tế Việt Nam. Hai lĩnh vực này chỉ có đôi chỗ gặp nhau. Còn sự khác nhau thì nhiều hơn. Trong số ‘nhiều hơn’ ấy, chắc chắn phải có không ít ‘cạm bẫy’ đối với người tình cờ đặt chân vào con đường mới. Biết vậy, đã cố công học hỏi bạn hữu, tra cứu cổ kim, nhưng khó dám chắc rằng sẽ không ‘sa bẫy’. Trong trường hợp đó, tác giả xin chịu trách nhiệm về sự ‘khờ dại’ của mình.

Ngày nay phố Lê Duẩn có một dáng vẻ hết sức bình thường. Tất nhiên con phố rất dài. Nhưng nó chẳng có những kiến trúc thanh lịch như Tràng Tiền hay cái sôi động buôn bán như Hàng Bạc. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, đặc biệt là từ góc độ giao thông đi lại, con phố mang đầy ý nghĩa lịch sử. Vì sao nó lại được đặt tên của nhà lãnh đạo cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam ? Tại sao nó được gọi là đường Lê Duẩn mà không phải là phố Lê Duẩn, như tôi đã nói nhầm ở đoạn trên ? Bởi, tôi cho rằng, có lẽ con phố này là chặng đường đầu tiên trên con đường lớn xuyên suốt Việt Nam.

Phải chăng đây là “con đường Cái quan” nổi tiếng của Việt Nam, mà trong những thế kỷ trước nối Thủ đô với các tỉnh phía Nam ? Dưới cái tên hành chính hiện đại – Quốc lộ 1 – giờ đây nó nối liền Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh. Cái tên mới cho ta thấy đây là con đường quan trọng nhất trong hai con đường giao thông huyết mạch trên đất nước này. Điểm mút phía Bắc con đường là cổng chính vào Hoàng thành Thăng Long, trái tim chính trị một ngàn năm tuổi của Việt Nam. Bao nhiêu hành trình đã bắt đầu và kết thúc ở cổng thành này ? Như đối với một con đường huyết mạch khác, ga tàu hỏa cũng được xây dựng trên đường Lê Duẩn. Chẳng có biển báo hoặc tượng đài nào cho biết điều này, nhưng đường Lê Duẩn bao giờ cũng là cổng mở của Hà Nội về phía Nam đất nước. Và câu chuyện hướng Nam là khúc tráng ca của Việt Nam.

Những suy nghĩ này gợi ra trong tâm tưởng tôi về một trong những con đường lớn khác trên thế giới. Như đường Appia, bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Nó được mở rộng dần dần từ cổng thành Roma đến tận cảng phía nam Italia, thành phố Brindisi. Tôi nhớ đến con đường này của Roma không phải để làm nổi bật sự tương đồng của nó với đường Lê Duẩn. Chẳng cần nói về vai trò của đường Appia trong cuộc bành trướng của Cộng hòa La Mã khắp Italia, của đế quốc La Mã ra khắp vùng Địa Trung Hải. Cũng chẳng để so sánh những thành tựu kỹ thuật, sự vận chuyển hàng hóa hay những cung cách đi lại trên hai con đường ấy. Appia xuất hiện trong tâm trí tôi bởi sự khác biệt thú vị giữa nó và đường Lê Duẩn. Ở vùng ngoại ô của các thành phố, người La Mã xây những ngôi mộ ngay bên đường.

Chẳng có ngôi mộ nào nằm dọc theo đường Lê Duẩn. Không có hàng chữ nào thúc giục sự sống nhớ về sự chết. Ở Việt Nam, hồi ức dẫn dắt ta theo những cách khác và tới những địa điểm khác. Nhưng mỗi tư liệu trong câu chuyện của Đặng Phong là một tấm bia kỷ niệm nhỏ đối với những cuộc đời bên đường và sự đi lại trên con đường ấy, đối với lịch sử Hà Nội, đối với miền Nam Việt Nam xa xôi. Mỗi tư liệu ấy níu kéo chúng ta, như dòng chữ đề trên ngôi mộ ở Roma. Khi đọc, chúng ta được nán lại một khoảnh khắc với cái đã ra đi. Để rồi chúng ta cũng lại tiếp tục cuộc hành trình.

Andrew Hardy –  Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp

Tác giả