Công Giáo Việt Nam qua triển lãm Sống Trong Bí Tích

Được truyền vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 17, Công giáo có một chiều dài lịch sử ngắn ngủi so với Phật giáo. Nhưng trong ba thế kỷ tồn tại ở một đất nước với đa số dân chúng ít nhiều theo Phật giáo hoặc chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo, sự tồn tại bền bỉ của Công giáo không tránh khỏi tạo ra ấn tượng tương tranh tương khắc với môi trường văn hóa bản địa.

Có thể không ít người Việt, trong đó có cả trí thức, khi nhắc tới Công giáo là nghĩ đến thời kỳ người Pháp truyền bá tôn giáo song song với thôn tính và đô hộ, hay thời kỳ dân chúng các giáo xứ miền Bắc di cư vào miền Nam sau khi hiệp định Geneve gây chia cắt hai miền đất nước. Những ấn tượng đó có lẽ vẫn là vết thương chưa lành miệng. Nhưng chưa lành có thể cũng vì một lí do chung hơn. Đó là sự không thông hiểu, dẫn tới không thông cảm giữa người với người. Vì thế dễ mang tâm lý phán xét, quy tội, từ đó xây cao thêm các rào cản. Trước thực trạng Công giáo tồn tại như một bộ phận không tách rời khỏi cộng đồng xã hội, nhu cầu thông hiểu là cần thiết. Trong bối cảnh đó, triển lãm Sống Trong Bí Tích – Văn Hóa Công Giáo Đương Đại Việt Nam là một bước đi đáng ghi nhận của bảo tàng Dân Tộc Học cùng nhóm nghiên cứu.

Tư tưởng của triển lãm Sống Trong Bí Tích được thể hiện rõ qua cách trình bày nghiêm túc, cẩn thận, hàm chứa nhiều ẩn ý. Người xem được đi qua các giai đoạn trong chặng đường mà mỗi một người Công giáo bình thường phải trải qua. Khởi đầu từ việc Rửa Tội, lớn lên từ nhỏ đã tham gia vào các hoạt động giàu tính cộng đồng của giáo dân, rồi trải qua hôn nhân với tâm niệm được Chúa chứng giám, cuối cùng là hành trình về cõi trường sinh. Những chặng đường được khái quát vắn tắt này cho người xem có một sự thông hiểu căn bản, làm người Công giáo là như thế nào. Nhưng triển lãm không chỉ dừng lại ở mức phổ biến kiến thức phổ thông mà còn đi sâu hơn vào các câu chuyện mang tính cá nhân. Từ những người thợ làm tượng Thánh tới anh lái xe taxi xa quê người Nam Định; từ những hiện vật mà các bậc cha mẹ lưu giữ lại sau buổi lễ rửa tội cho các em bé, chúng ta thực sự được cảm nhận về đời sống tinh thần của đồng loại mình qua những mẩu tự sự hé lộ về mảnh đời cá nhân. Đây có lẽ là thành công lớn nhất của cuộc triển lãm, giúp cho người xem có hình dung cụ thể về Công giáo qua câu chuyện về những đời người có thật.

Quan sát kỹ hơn nữa, người xem được thấy những yếu tố mang tính giao thoa giữa văn hóa Công giáo với văn hóa bản địa. Đặc trưng nhất có lẽ là tục kính nhớ tổ tiên, nét văn hóa mang đậm tinh thần Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. Tinh thần bản địa cũng hiển hiện rõ ràng qua hình ảnh Đức Mẹ La Vang áo dài khăn đóng bế Chúa hài đồng, hay những bức trướng may cho lễ tiễn đưa người vừa khuất được gắn theo đôi câu đối cùng những biểu tượng trang trí mang tính phương Đông. Mặt khác, qua hình ảnh ông già Noel dắt xe đạp gắn với cây thông được cách điệu hóa từ chiếc chổi tre chúng ta thấy được sự du nhập các yếu tố văn hóa Công giáo vào trong đời sống thực.

Bí tích là khái niệm của Công giáo về các nghi lễ (hay các phép) của mỗi giai đoạn khác nhau của một đời người do Chúa Jesu lập. Mỗi người Công giáo thường nhận 6 trong 7 phép (bí tích). Trong mỗi giai đoạn đó, mỗi người Công giáo nhận một “phép” (một bí tích): Sau khi sinh ra (thông thường, trong 1 tháng) nhận bí tích Thánh tẩy (còn gọi là phép Rửa tội); giai đoạn lớn lên (kể từ sau phép Rửa tội đến trước khi lập gia đình); khoảng 7 – 9 tuổi nhận bí tích Hòa giải (thông qua lễ Xưng tội lần đầu) và bí tích Thánh thể (thông qua lễ Rước Mình Thánh lần đầu); khoảng 12 – 14 tuổi nhận Bí tích Thêm sức; đến tuổi kết hôn nhận bí tích Hôn phối; khi sắp mất nhận bí tích Xức dầu bệnh nhân. Riêng với người đi tu, sau một quá trình học tập, họ được nhận bí tích Truyền chức (để làm linh mục).

Một tinh thần đặc trưng khác về văn hóa Công giáo mà cuộc triển lãm thể hiện ra được là tinh thần trách nhiệm của cá nhân. Sinh động nhất là từ những câu chuyện về các nghệ nhân làm tượng Thánh, nghệ nhân thêu gấm, tới các sản phẩm từ chính bàn tay của họ mà người xem có cơ hội thưởng ngoạn. Tình cảm, sự nâng nưu, được thể hiện qua cái thần của tác phẩm. Tuy kỹ thuật chưa phải hoàn hảo nhưng không có tâm với công việc thì không thể làm ra được sản phẩm như vậy. Cái tâm đó là hướng tới Chúa, nhưng cũng là trách nhiệm cá nhân. Nhìn bao quát hơn theo mạch trưng bày của cuộc triển lãm, chúng ta thấy rằng mỗi cá nhân trong cộng đồng Công giáo sau khi sinh ra ngay từ khởi đầu đã được rửa tội, khi có nhận biết một chút thì đã đi học giáo lý và bắt đầu tham gia các sinh hoạt với cộng đồng. Như vậy là cá nhân người Công giáo luôn sống trong môi trường mà mọi người đều ý thức rằng mình cần phải cố gắng tu tập và đang ở trong một mối tương quan ràng buộc lớn hơn cái tôi bản thân. Điều này tuy có vẻ mang tính đè nén áp đặt, và có lẽ kỳ lạ khi nhìn sang các quốc gia phương Tây nơi Công giáo phổ biến thì sự tự do cá nhân được chú trọng, tới mức Hiến pháp luôn khởi đầu từ quyền của cá nhân. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy rằng những nước ấy phát triển mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay tất yếu phải do con người có ý thức cao về trách nhiệm của bản thân.

Tình yêu dành cho con người và sự chú trọng trách nhiệm cá nhân, đó là hai giá trị rất đáng trân trọng mà triển lãm Sống Trong Bí Tích thể hiện được về văn hóa Công giáo.

Về tư tưởng chủ đạo, Công giáo lấy tình yêu đồng loại, tình yêu thế giới làm gốc cho người tu tập nương theo. Cũng như Phật tử lấy từ bi làm gốc, Nho giáo lấy Nhân làm gốc. Đức Jesu là biểu trưng cao nhất cho lòng nhân ái. Người Công giáo ăn bánh thánh, uống rượu thánh, biểu trưng cho việc hòa nhập xác thân đức Jesu và máu huyết đức Jesu vào cùng với xác thân, máu huyết của mình. Ý nghĩa nhân văn của nghi thức đó là hòa quyện tình yêu đồng loại, tình yêu thế giới vào trong mình. Nói theo ngôn ngữ phương Đông thì ta và vật là nhất thể.

Xưa nay, chúng ta thường nhìn Công giáo chỉ như là một tôn giáo, một đức tin. Cuộc trưng bày Sống trong Bí tích-Văn hóa Công giáo Việt Nam đương đại của Bảo tàng Dân tộc học Việt nam góp phần làm cho công chúng và cả những người quản lý văn hóa có cái nhìn rộng hơn, một cái nhìn khác, đó là cùng với đức tin, cộng đồng người Công giáo ở Việt Nam đã tạo ra bản sắc văn hóa riêng cho cộng đồng mình trong bản sắc chung của văn hóa Việt Nam. Thông qua trưng bày này người ta sẽ tôn trọng nhau hơn, khoan dung hơn trong mọi ứng xử xã hội; người ta sẽ nhận chân được những giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa của mình để từ đó có thái độ đúng trong việc bảo tồn các di sản. Đó chính là những mong muốn của bảo tàng đối với cuộc trưng bày này.
GS.TS Nguyễn Văn Huy- Cố vấn cuộc Trưng bày

Tuy nhiên, cái khác biệt với tinh thần phương Đông có lẽ ở chỗ tính áp đặt của Thiên Chúa giáo cũng rất cao. Nó không cho phép con người thờ phụng các thế lực siêu nhiên khác ngoài Thiên Chúa. Tính Độc Thần đó (monotheism) lấy nền tảng từ Do Thái giáo (phần kinh Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo lấy từ Do Thái giáo). Tương phản với tính Độc Thần là các tôn giáo Đa Thần (polytheism) như Ấn Độ giáo, hoặc gần gũi hơn là tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Cậu, thờ Thánh, … của người Việt. Tính Độc Thần của một tôn giáo cho thấy rằng con người đi theo tôn giáo ấy đã có một sự tự tin nhất định để vượt qua nỗi sợ hãi của cá nhân trước các thế lực siêu nhiên trong tâm tưởng. Khi con người sợ hãi trước cái chưa biết thì dễ đặt ra nhiều cái tên để tiện bề bày tỏ sự thành kính, giúp thỏa mãn nhu cầu muốn được an tâm. Một minh chứng cho giá trị văn hóa của tính Độc Thần giáo là sự tồn tại bền bỉ để tạo dựng một xã hội có sức mạnh và thành tựu đáng nể, toàn diện từ chính trị tới văn hóa, khoa học của dân tộc Do Thái.

Tình yêu đồng loại, trách nhiệm cá nhân với đồng loại, đó là những giá trị tinh hoa của văn hóa Công giáo. Nhưng những giá trị văn hóa này đã có đóng góp gì cho xã hội Việt Nam? Đây là câu hỏi mà triển lãm Sống Trong Bí Tích còn chưa trả lời được. Tuy nhiên, từ trích dẫn lời nói của một người Công Giáo ở cuộc triển lãm, đại ý: ham muốn con người thì vô cùng, mong cầu thì không thể hết được, nên cuối cùng chỉ cầu cho giữ được Đạo chúng ta có thể thấy được rằng bằng việc giữ gìn niềm tin bền bỉ vào con người và duy trì bản sắc văn hóa của mình trong một xã hội không ngừng biến động, người Công giáo đã đóng góp cho xã hội một giá trị tinh thần vô giá – nhân tố quan trọng cho sự phát triển và ổn định của đất nước.

Cần ghi nhận những người tổ chức cuộc triển lãm Sống Trong Bí Tích đã góp phần nâng cao hiểu biết của những người xem, nhất là thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa của những người Công giáo qua những câu chuyện kể trung thực và khách quan. Nhưng chúng ta vẫn mong muốn có những nghiên cứu, khám phá sâu hơn, để từ đấy xã hội có cơ hội thông hiểu và tiếp thu những tinh hoa văn hóa cần thiết cho quá trình phát triển. Và cũng mong tiếp theo sẽ có những cuộc triển lãm về các tôn giáo phổ biến khác ở Việt Nam. Ngay như đạo thờ tổ tiên của người Việt cũng hàm chứa những nhân sinh quan sâu sắc. Chúng ta sống thường xuyên với chúng, nhưng không phải ai cũng có nhận thức căn bản về chúng.

Phải có nhận thức căn bản thì mới có sự trân trọng và ý thức bảo tồn. 

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)