Thủa xưa, vào mùa đông, dân làng Đông Hồ (Bắc Ninh) và dân phố Hàng Trống (Hà Nội) tíu tít lo in tranh tết.
Ngay từ cuối tháng mười họ đã phải chất tranh lên thuyền, theo những dòng sông, đưa tranh về bán ở các vùng miền. Tranh thờ các vị chư thần, thổ công, thổ địa, thần tài, trấn trạch. Tranh chúc tụng có Thất đồng với những đứa bé nõn nà béo tốt leo cây đào, tranh Cá chép trông giăng, Đánh ghen, Hứng dừa và đương nhiên có cả tranh con giáp, như lợn, gà, trâu, chó, hổ, rồng, rắn… Ai sinh tuổi nào, cầm tinh còn ấy, và mua bức tranh con đó làm vận may cho mình. Đôi khi gia súc biếng ăn, gầy gò, người ta mua tranh con vật tương tự dán luôn vào chuồng gia súc. Như tranh lợn dán chuồng lợn, tranh gà dán chuồng gà. Những năm chuột, gồm Giáp Tý, Bính Tý, Mậu Tý, Canh Tý, Nhâm Tý thì đã có tranh Đám cưới chuột. Nếu tính từ năm Mậu Tý 1948, đến nay, ta có Canh Tý 1960, Nhâm Tý 1972, Giáp Tý 1984, Bính Tý 1996, và năm 2008 này lại là Mậu Tý. 60 năm quay lại một vòng, nên gọi đó là vòng hoa giáp, cũng có nghĩa là một đời người, ai sống đến 70 là vô cùng hiếm. Con chuột trong tự nhiên, sống gần người, được coi là con vật khôn ngoan, lanh lẹ, thậm chí chúng có thể nghe hiểu tiếng người, nên được đứng đầu trong 12 con vật tượng trưng. Chu kỳ tháng của năm mới, nếu hiểu rộng, bắt đầu từ tháng 11, gọi là tháng một, tháng 12 gọi là tháng chạp, và rồi tháng giêng là tháng Dần. Nên ta mua tranh con giáp về dán cửa, mua tranh ngũ hổ dán gầm bàn thờ.
Đám cưới chuột, tranh dân gian Đông Hồ |
Bức tranh dân gian Đông Hồ về chuột, có tên là Đám cưới chuột, hoặc Chuột vinh quy. Ngày xưa các tú tài khi đỗ đạt thường cưới vợ luôn, nên gọi tên nào cũng được. Tranh này có lẽ ảnh hưởng từ bức tranh Niên họa Trung Quốc, có tên là Ly miêu sơn, vẽ một đàn chuột đang rước cô dâu chú rể chuột, đi ngang qua núi của mèo, bị mèo xồ ra dọa, bèn chạy tán loạn. Bức tranh dân gian Đông Hồ, biến thành một chủ đề châm biếm. Cả đàn chuột đang phấn khởi kèn trống nghênh hôn, gặp mèo, bèn đem cá và chim ra đút lót. Cũng như bức tranh Trê cóc, Thầy đồ cóc, Đánh ghen tranh những thói hư tật xấu bị nhân dân đem ra cười cợt. Trê nhận con của cóc làm con, vì thấy nòng nọc giống cá. Quan nhận hối lộ nên xử cho trê thắng, nhưng cuối cùng nòng nọc đứt đuôi biến thành cóc cả. Thầy đồ dạy học thì ít, mà sai học sinh pha chè, bưng thuốc thì nhiều, và cả chuyện vợ cả vợ lẽ đánh ghen cũng vui sao, khi người chồng vừa sờ tý cô hai, vừa ngăn bà cả. Những tưởng chuyện xưa đã cũ, bây giờ những con mèo đòi chim cá còn nhiều hơn, quan nhỏ đục khoét của dân cúng quan lớn, cũng là chuyện thời sự.
Phan Cẩm Thượng
(Visited 2 times, 1 visits today)